3 tháng, VN nhập trên 4.000 tỉ đồng thuốc trừ sâu, trừ cỏ...; Cá ngừ Việt xuất sang Nhật muốn thuế 0% như Thái Lan; Mua vé máy bay của công ty bán vitamin, cả nghìn người Thái Lan bị lừa; Đại gia sân bay vượt kế hoạch lợi nhuận 5.600 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-04-2017
- Cập nhật : 12/04/2017
Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, giảm lạm phát cơ bản
Tại buổi báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10/4, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tiền tệ theo hướng thận trọng và điều này phần nào khiến lạm phát cơ bản trong quý 1 giảm nhẹ so với năm 2016.
Nhóm nghiên cứu VEPR dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước với tổng phương tiện thanh toán trong 3 tháng đầu năm tăng 3,52% so với cuối năm 2016, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tín dụng trong quý 1 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với mức tăng 4,0% so với cuối năm 2016. Mức tăng này cho thấy sự hấp thụ vốn của các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhận định, tăng trưởng huy động chỉ ở mức thấp đã tạo ra chênh lệch giữa huy động và tín dụng. Điều này có thể là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn trên thị trường liên ngân hàng.
Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại mức trung bình của nửa đầu năm, dao động quanh ngưỡng 2-5%.
Nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng, lãi suất huy động trong quý 1 biến động nhẹ, chủ yếu đối với các gói huy động trung, dài hạn tại các ngân hàng thương mại nhỏ.
Theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đã giảm xuống còn 50% kể từ đầu năm 2017.
Điều này gây ra áp lực thay đổi cơ cấu nguồn huy động, đặc biêt đối với các ngân hàng thương mại nhỏ. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra tại những Ngân hàng thương mại nhỏ, với các gói huy đông trung và dài hạn.
Trong khi đó, nguồn huy động ngắn hạn duy trì ổn định trong quý I, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,8-5,4%.
Nhóm nghiên cứu VEPR nhìn nhận, dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý 1, nhưng áp lực lên lạm phát trong nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đã đặt ra.
“Do vậy, chúng tôi cho rằng cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong những quý tiếp theo,” nhóm nghiên cứu VEPR nhận định.
Còn theo chuyên gia Trương Đình Tuyển, trong tương lai nếu Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, đồng USD sẽ mạnh lên và tạo ra sức ép về tỷ giá khá lớn cho Viêt Nam cũng như sức ép lên lạm phát./.(Vietnam+)
---------------------------------------
Doanh thu 100 đồng, doanh nghiệp Việt lãi chưa tới 4 đồng
Hiệu quả kinh doanh thấp đang trở thành rào cản phát triển của doanh nghiệp, khiến khu vực này trở nên mờ nhạt trong bức tranh chung của nền kinh tế, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê.
Nhận định nêu trên được cơ quan thống kê đưa ra khi cùng Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp công bố một số chỉ tiêu phản ánh tình hình phát triển doanh nghiệp.
Tại buổi họp báo ngày 11/4, đại diện các cơ quan khảo sát đều cho rằng bộ mặt khu vực doanh nghiệp đã có những thay đổi đáng kể trong thời gian qua, song vẫn còn đó những tồn tại: quy mô đăng ký và đầu tư vốn liên tục gia tăng nhưng hiệu quả hoạt động vẫn còn thấp; các doanh nghiệp vẫn chưa có sự đóng góp tương xứng và đem lại giá trị gia tăng cao...
Theo số liệu tính đến hết năm 2015, tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp tính theo giá hiện hành đạt gần 15 triệu tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân 21,6% mỗi năm (từ 2000 đến 2015). Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế và mức đóng góp vào Ngân sách Nhà nước của khu vực này chỉ đạt 552.700 tỷ và 764.400 tỷ đồng, tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng doanh thu.Như vậy, bình quân với mỗi 100 đồng doanh thu, doanh nghiệp Việt chỉ đóng góp vào ngân sách 5 đồng và lãi trước thuế 3,7 đồng.
Những doanh nghiệp có quy mô sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng lớn vẫn còn ít tại Việt Nam. Ảnh: Cascadeasia
Lý giải về hiệu quả thấp trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp cho rằng trong gần nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động có tới 97% có quy mô vừa và nhỏ, 60% trong số này là quy mô rất nhỏ. "Vốn đầu tư thấp, trang thiết bị lạc hậu là nguyên nhân chính dẫn tới hiệu quả kinh doanh không cao, lợi nhuận thấp. Điều đó tạo ra sự không bền vững trong phát triển", ông Thúy nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vụ Thống kê Công nghiệp cũng cho rằng, kết quả kinh doanh thấp đang trở thành rào cản cho sự phát triển của khu vực này và là một phần nguyên nhân lý giải việc doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 tăng kỷ lục nhưng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm 2017 gần như không đáng kể.
Ngoài ra, theo ông Phạm Quang Vinh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới dù mọi năm đều tăng mạnh nhưng để tạo ra giá trị gia tăng thì cần độ trễ nhất định, chưa kể số lượng doanh nghiệp có thể tồn tại, tạo ra doanh thu lại là một bức tranh hoàn toàn khác.
Như trường hợp năm 2016 với hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập nhưng số liệu từ Tổng cục Thuế lại cho thấy, chỉ có 41% trong số này đi vào hoạt động và tạo ra doanh thu tính tới quý I/2017. Hơn 60.000 đơn vị còn lại gần như chưa tạo ra tác động đến bức tranh kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, số lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp cũng được lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhìn nhận là quá thấp. Với dân số 100 triệu người như Việt Nam nhưng số lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp chỉ khoảng 13 triệu. Nếu tính gộp cả bộ phận hộ kinh doanh với khoảng 10 triệu lao động thì tổng số lao động trong khu vực này cũng chỉ gần 23 triệu người.(VNE)
----------------------------------
Dự thảo luật mới: Tính phương án phá sản ngân hàng yếu kém
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, trong đó quy định các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản... tổ chức tín dụng yếu kém và cho phép bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô.
Do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất. Pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập...
Quá trình tổng kết cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống ngân hàng là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện.
Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu bằng việc ban hành Luật riêng là rất cần thiết.
Dự thảo Luật quy định về 3 nội dung lớn gồm: Việc cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, Chương II dự thảo quy định về phát hiện và xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Các phương án xử lý bao gồm: Phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản); phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (NHNN nhận chuyển giao bắt buộc hoặc chỉ định TCTD nhận chuyển giao bắt buộc).
Trong trường hợp phá sản, trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt của NHNN đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả và cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc chi trả tiền gửi cá nhân trong trường hợp này không bao gồm tiền gửi của người quản lý, người điều hành, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn và những người có liên quan...
Chương III quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Để đảm bảo hiệu quả việc xử lý nợ, dự thảo Luật quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ theo giá trị thị trường, bao gồm cả việc bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ...
Dự thảo có nhiều điểm mới so với Luật Các tổ chức tín dụng; đặc biệt có những quy định hoàn toàn mới, các văn bản pháp luật hiện hành không có, như quy định về phát hiện và xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt; đánh giá thực trạng và xây dựng phương án xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt; TCTD được kiểm soát đặc biệt được xem xét áp dụng một hoặc một số các biện pháp hỗ trợ; quy định về bán nợ có tài sản bảo đảm đang bị kê biên, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng...
NHNN cũng cho biết hiện còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nhiều vấn đề liên quan tới dự thảo Luật. Đáng lưu ý, NHNN cũng nhắc tới phương án thay vì ban hành Luật, có thể tách thành 2 văn bản gồm Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn nhân sự có chất lượng tham gia xử lý TCTD yếu kém, dự thảo Luật quy định: Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của TCTD được NHNN chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt không chịu trách nhiệm về kết quả của việc thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, trừ trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Lý giải việc này, NHNN cho biết, việc xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt trên thực tế đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho các cán bộ xử lý trực tiếp, qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý. Tuy nhiên, NHNN thừa nhận đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.(CP)
----------------------------------
Ôtô giá rẻ từ Ấn Độ về Việt Nam nhiều gấp 4 cùng kỳ
Trong khi lượng ôtô nhập cảng tăng mạnh so với cùng kỳ thì giá xe trung bình từ Ấn Độ chỉ bằng một phần ba.
Theo Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 4.800 chiếc xe từ Ấn Độ với mức giá CIF (giá tại cảng đến, chưa tính thuế phí) bình quân vào khoảng 3.800 USD, tức xấp xỉ 87 triệu đồng mỗi chiếc.
Lượng nhập khẩu xe từ thị trường này gấp 4 lần cùng kỳ (khoảng 1.100 chiếc), song giá bình quân lại ngày càng rẻ. Quý I năm ngoái, xe Ấn Độ về Việt Nam có giá trung bình gần 11.000 USD mỗi chiếc, tương đương khoảng 240 triệu đồng. Số liệu của cơ quan quản lý cũng cho thấy, riêng trong tháng 3, có tới gần 3.100 ôtô Ấn Độ được đưa về cảng, gấp 3 lần cả quý I năm ngoái.
Tương tự, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan tiếp tục tăng mạnh. Riêng tháng 3 đạt 4.336 chiếc, nâng tổng số ôtô nguyên chiếc nhập về trong quý đầu năm lên 10.050 chiếc, giá trị tương ứng 179,5 triệu USD. Con số nhập khẩu tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một thị trường ôtô khác trong ASEAN cũng đang xuất khẩu nhiều ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam là Indonesia, với lượng nhập trong quý I là 4.409 chiếc, gấp 5 lần cùng kỳ.
Từng là quốc gia đứng thứ 2 về lượng xe xuất khẩu vào Việt Nam trong năm 2015, song vị trí này của Hàn Quốc đã phải nhường chỗ cho các đối thủ khác trong khu vực ASEAN. Tính đến cuối tháng 3, Việt Nam nhập khẩu gần 3.000 chiếc ôtô nguyên chiếc từ Hàn Quốc. Con số này giảm khoảng 18% so với cùng kỳ. (VNE)