tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 13-04-2017

  • Cập nhật : 13/04/2017

EU đầu tư hơn 21,5 tỉ USD vào Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến hết quý 1 năm nay có 1.959 dự án từ 24 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đầu tư tại VN còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 21,563 tỉ USD, chiếm 8,5% số dự án của cả nước và chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

eu dau tu hon 21,5 ti usd vao viet nam

EU đầu tư hơn 21,5 tỉ USD vào Việt Nam


Các doanh nghiệp EU đã đầu tư vào 18 ngành khác nhau. Đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 630 dự án có tổng vốn đầu tư 8 tỉ USD; lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 3,2 tỉ USD và kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ ba với 51 dự án và tổng vốn đầu tư là 2,5 tỉ USD.

Hà Lan là quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư vào VN trong khối EU với 282 dự án và 7,6 tỉ USD. Không chỉ đầu tư mạnh, các dự án FDI của Hà Lan vào VN cũng có quy mô vốn bình quân lớn, khoảng 27,1 triệu USD/dự án, cao hơn gấp đôi so với mức bình quân một dự án FDI vào VN là khoảng 13 triệu USD.(TN)
----------------------------

Thị trường mới nổi sẽ chịu thiệt vì chính sách tiền tệ, chủ nghĩa bảo hộ

Các nền kinh tế mới nổi được dự báo đi chậm lại trong năm nay vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lan rộng ở các nền kinh tế phát triển.

Theo CNBC, nhận định trên được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo World Economic Outlook mới nhất.

IMF cho hay dù các thị trường đang phát triển và mới nổi có hưởng lợi từ việc giá cả hàng hóa đi lên và dòng vốn đầu tư chảy vào trong giai đoạn sau năm 2000, việc vùng Bắc Đại Tây Dương đang phục hồi từ khủng hoảng tài chính cùng Trung Quốc nỗ lực trong việc tái cân bằng nền kinh tế đang hạ tăng trưởng của các nước xuất khẩu hàng hóa. Giờ đây, sự ủng hộ dành cho chủ nghĩa bảo hộ và động thái siết chặt các điều kiện tài chính dự kiến sẽ là hai mối đe dọa mới với các thị trường mới nổi.

”Tăng trưởng giữa các thị trường mới nổi và thị trường đang phát triển trong những năm gần đây một lần nữa lại cho thấy sự thiếu đồng nhất. Nguy cơ bảo hộ ở các nước phát triển và tình hình thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tạo ra môi trường đầy thách thức cho các thị trường mới nổi, các nền kinh tế đang phát triển”, IMF viết.

IMF cho rằng các thị trường đang phát triển và mới nổi, vốn chiếm hơn 75% tăng trưởng toàn cầu xét về sản lượng và tiêu dùng, hiện đối mặt với môi trường bên ngoài phức tạp hơn nhiều so với giai đoạn gần đây. Dù vậy, IMF cũng chỉ ra rằng các nền kinh tế mới nổi có thể xoay sở được với nhiều tác động đến từ bên ngoài. Đơn cử, những nước này có thể tăng cường khuôn khổ thể chế, áp dụng chính sách hỗn hợp bảo vệ sự hội nhập thương mại.(Thanhnien)
-------------------------------------

Công nghiệp trong quý 1 suy giảm bất thường

'Báo cáo kinh tế VN quý 1/2017' do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố chiều 10.4 đưa ra nhiều quan ngại về nền kinh tế VN khi tăng trưởng GDP quá phụ thuộc vào các 'ông lớn' nước ngoài như Samsung.

Hầu hết các ngành công nghiệp trong quý 1 suy giảm một cách bất thường, khiến tình hình tăng trưởng của VN không đạt được như kỳ vọng. Thương mại tăng trưởng cao, nhưng xuất khẩu vẫn chưa phục hồi thực sự về lượng. Đặc biệt khuynh hướng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục giảm xuống chỉ còn 28%. Điều này cho thấy khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.

Vẫn theo VEPR, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại VN trong quý 1, với 66 dự án đăng ký mới và bổ sung có tổng vốn đăng ký đạt 0,82 tỉ USD. Như vậy chỉ trong 3 tháng, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào VN đã xấp xỉ bằng một nửa so với lượng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước này trong cả năm 2016 (trị giá 1,88 tỉ USD). Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, nhập khẩu từ Hàn Quốc có xu hướng tăng mạnh, VN nhập 9,3 tỉ USD hàng hóa từ xứ sở kim chi. Tuy nhiên, Trung Quốc mới là quốc gia VN nhập nhiều nhất, lên tới 11,9 tỉ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã có dự án đầu tư tại 54/63 tỉnh thành của cả nước. Trong đó, Bình Thuận thu hút nhiều vốn nhất, chỉ với 7 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,03 tỉ USD (chiếm 18,1%), tập trung chủ yếu là các dự án nhiệt điện. Thứ hai là Tây Ninh có 46 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,65 tỉ USD (chiếm 14,8%).(TN)
--------------------------------------

Bộ Công thương đã "nộp" báo cáo xử lý 12 dự án yếu kém

Hiện nay, Báo cáo xử lý các 12 DN yếu kém thuộc Bộ Công thương đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận về báo cáo này và sẽ sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến.

pho thu tuong chinh phu vuong dinh hue.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận phiên họp lần thứ 2 của Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương, diễn ra vào cuối tháng 3/2017, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì.

Trong 12 nhà máy/dự án, có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai; cùng với Công ty đóng tàu Dung Quất, Nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ- PVTex).

Ngoài vấn đề hoạt động thua lỗ, cầm chừng thì có một số dự án, nhà máy đang gặp vấn đề lớn liên quan tới những rắc rối về hợp đồng, pháp lý giữa các bên ở trong nước và với cả yếu tố nước ngoài (như vướng mắc của Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC Trung Quốc).

Theo Ban chỉ đạo, cho đến nay, việc xử lý 12 dự án này bước đầu đã có kết quả cụ thể và tạo ra chuyển biến tích cực. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng- Trưởng Ban chỉ đạo liên quan đến các dự án này để báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2017.

Ngoài ra, trong phiên họp Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp diễn ra ngày 10/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cũng cho biết tính tới nay Ban chỉ đạo đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo việc thực hiện xử lý, tồn tại yếu kém tại 12 DN với hơn 100 nhiệm vụ giao cho các Tập đoàn, Tổng công ty để thực hiện. Hiện nay, Báo cáo xử lý các DN này đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận về báo cáo này và sẽ sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến.

Trước đó, giữa tháng 12/2016 tới cuối tháng 1/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp thị sát, nắm bắt tình hình tại: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP Đình Vũ, Nhà máy DAP Lào Cai, dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Sa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai.(Viettimes)

Trở về

Bài cùng chuyên mục