Nhu cầu thanh khoản đã có dấu hiệu gia tăng dù chưa rõ ràng; Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể vượt mục tiêu 6,7%; Ngân hàng tư nhân Việt Nam, khi tiền “rồng” bắt đầu vào nhà “tôm”; “Cài cắm” có lợi cho mình, gây khó doanh nghiệp
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-01-2018
- Cập nhật : 20/01/2018
Toyota và Honda tạm ngừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam
Hai công ty Toyota Motor và Honda Motor của Nhật Bản vừa cho biết họ đã tạm ngừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam kể từ đầu năm nay do Nghị định 116 đòi hỏi kiểm tra nghiêm ngặt các loại xe nhập khẩu.
Theo báo Nikkei của Nhật, hôm 16-1, hãng Toyota xác nhận họ đã tạm ngừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam. Nhà sản xuất ô tô đến từ Nhật Bản có nhà máy lắp ráp đặt tại Việt Nam nhưng vẫn nhập khẩu khoảng 1.000 ô tô/tháng từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản để đáp ứng 1/5 lượng xe bán ra tại Việt Nam.
Các mẫu xe nhập khẩu bao gồm bán tải Hilux, Yaris, Fortuner và xe sang Lexus. "Thị trường tiêu thụ ở Việt Nam chậm lại rõ rệt hồi năm ngoái vì khách hàng không mua sản phẩm để chờ đợi việc cắt giảm thuế vào cuối năm 2017" - Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan Michinobu Sugata nói với các phóng viên tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Trên thực tế, doanh số ô tô tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11-2017 đã giảm 10% xuống còn 245.000 chiếc. "Chúng tôi dự đoán sẽ có bước nhảy vọt trong năm 2018 nhưng do những rào cản phi thuế quan mà chính phủ Việt Nam đặt ra nên chúng tôi không thể xuất khẩu ô tô sang thị trường này nữa"- ông Sugata nói.
Mẫu CR-V mới sản xuất tại Thái Lan được trưng bày tại một showroom của Honda tại Hà Nội vào ngày 16/1. Ảnh: Nikkei
Tương tự, hãng Honda cũng chuyển hoạt động sản xuất xe Honda CR-V - mẫu SUV chính của mình - cho thị trường Việt Nam sang Thái Lan từ tháng 1. Trước đây, các bộ phận ô tô được vận chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam để lắp ráp thành phẩm.
Toyota Motor và Honda Motor cho biết lý do tạm ngừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam từ đầu năm nay do Nghị định 116 thắt chặt kiểm tra đối với ô tô nhập khẩu. Nghị định này có hiệu lực ngay sau khi Việt Nam bãi bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) từ 30% xuống còn 0% từ ngày 1-1-2018, chậm 2 năm so với các nước phát triển khác của khối.
Nghị định 116 được Chính phủ Việt Nam công bố vào tháng 10-2017 - yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra khí thải và an toàn đối với tất cả ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Trước đây, chỉ có lô hàng đầu tiên mới bị kiểm tra.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (CCI) tại Việt Nam cho biết một bài kiểm tra khí thải có thể mất 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD, gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc.
Nghị định 116 cũng bắt buộc tất cả ô tô nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng của loại phương tiện (VTA) do cơ quan chức năng của nước xuất khẩu cung cấp nhằm chứng minh rằng chiếc xe đạt tiêu chuẩn tại quốc gia mà nó sẽ được bán.(NLĐ)
------------------------------
Vì sao tinh giản biên chế nhưng lao động khu vực hành chính, sự nghiệp vẫn tăng 11%?
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tính đến năm 2017, có 143,7 nghìn đơn vị thuộc khối hành chính, sự nghiệp với 3,8 triệu lao động, tăng 11,3% so với năm 2012. Trong đó, số lao động thuộc trên 70% đơn vị thuộc khu vực này do ngân sách nhà nước chi toàn bộ hoạt động.
Thông tin này được đưa ra trong Kết quả công bố Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Tổng cục Thống kê thực hiện và công bố sáng nay 19/1, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại Dịch vụ cho biết, tính đến thời điểm 1/7/2017 cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012 (706 nghìn đơn vị), mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức 5% của thời kỳ 2007- 2012. Số lượng lao động trong các đơn vị là 26,9 triệu người, tăng 18,5% (khoảng 4,2 triệu người) so với năm 2012, tốc độ tăng bình quân hàng năm 3,4%, thấp hơn mức 6,7% của giai đoạn 2007 - 2012.
Lao động bình quân của các đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp có sự biến động khác nhau. Cơ quan hành chính thay đổi không đáng kể so với năm 2012. Lao động bình quân của các tổ chức chính trị, đoàn thể hiệp hội giảm 2,4% (từ 7 người xuống 6,8 người/1 đơn vị). Trong khi đơn vị sự nghiệp tăng 12% (từ 31 người lên 34,7 người/1 đơn vị). Các cơ sở y tế và đơn vị sự nghiệp hoạt động về kinh tế, môi trường, khoa học công nghệ và sự nghiệp khác có mức tăng cao hơn với 19,5% và 22,3%.
Tính đến năm 2017, số lao động thuộc đơn vị thuộc khối hành chính, sự nghiệp tăng 11,3%. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN
Tổng số đơn vị thuộc khối hành chính, sự nghiệp năm 2017 là 143,7 nghìn, tăng 2,3% so với năm 2012 và thấp hơn so với mức tăng 5,7% của năm 2012 so với năm 2007.
Lao động của khu vực hành chính, sự nghiệp năm 2017 là 3,8 triệu người, tăng 11,3% so với năm 2012 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 20,5% của năm 2012 so với 2007, bình quân hàng năm thời kỳ 2012 - 2017 tăng 2,2%. Trong các đơn vị sự nghiệp thì sự nghiệp công lập vẫn chiếm tỷ lệ tới 96% với gần 70,7 nghìn cơ sở và 2,45 triệu lao động.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, số đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao với 70,2% số cơ sở và 55,4% số lao động. Các đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên mới chỉ ở mức 15,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập với 25,4% số lao động.
Lý giải vì sao có chủ trương tinh giản biên chế nhưng điều tra đơn vị hành chính, sự nghiệp thì số lao động vẫn tăng, ông Nguyễn Trung Tiến cho biết, số lượng lao động trong đơn vị hành chính sự nghiệp trong giai đoạn này tăng 11% bao gồm các hình thức gồm biên chế, hợp đồng... Mức độ tăng này vẫn giảm so với thời kỳ 2007 – 2012 (trên 20%), thể hiện có sự tiến bộ nhiều.
Cũng theo ông Tiến, theo chủ trương của Chính phủ đơn vị sự nghiệm là tự chủ và tự chủ một phần, khi các đơn vị này tạo được nguồn thu họ sẽ hợp đồng thêm lao động phục vụ hoạt động của mình nên số lao động vẫn tăng.
Lao động giữa đơn vị kinh tế có sự khác biệt giữa các đơn vị kinh tế và khối hành chính, sự nghiệp. Lao động bình quân một DN giảm từ 32 người xuống 27 người trong đó DN nhà nước, DN ngoài nhà nước đều giảm tương ứng là 20 người và 3 người/1 DN. Riêng các DN FDI tăng bình quân 15 người/1 DN so với năm 2012. Khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều có sự giảm nhẹ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, điều này cũng phù hợp với xu hướng cổ phần hóa, giảm thiểu DN Nhà nước; phù hợp với việc khuyến khích DN ngoài Nhà nước, kinh tế tư nhân phát triển.(Baotintuc)
------------------------------
Cựu CEO Uber kiếm được 1,4 tỉ USD nhờ SoftBank
Travis Kalanick, nhà sáng lập kiêm cựu CEO Uber, đã rời khỏi công ty với 1,4 tỉ USD sau khi SoftBank hoàn tất thỏa thuận đầu tư dài hạn vào hãng chia sẻ xe có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) hôm 18.1.
Theo CNBC, thỏa thuận này giúp SoftBank trở thành cổ đông lớn nhất của Uber, đồng thời cung cấp một khoản tiền lớn cho ông Kalanick và các cổ đông ban đầu của công ty.
“Chúng tôi tự hào có SoftBank, Dragoneer và liên minh đầu tư trong gia đình Uber. Đây là một kết quả tuyệt vời cho các cổ đông, nhân viên và khách hàng của chúng tôi”, phát ngôn viên của Uber cho biết trong một tuyên bố.
Ông Kalanick, người đã bị buộc phải rời ghế giám đốc điều hành sau một loạt các vụ bê bối xảy ra với Uber vào năm ngoái, sẽ nhận được 1,4 tỉ USD từ thương vụ này. Bloomberg ước tính tài sản của ông Kalanick hiện khoảng 4,74 tỉ USD.
Theo thỏa thuận, Uber sẽ nhận được số tiền đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với vấn đề cho rằng với mức giá mua “rẻ bèo” của ông trùm đầu tư Nhật Bản thì giá trị của Uber chỉ được định giá ở mức 48 tỉ USD, giảm 30% so với giá trị 68 tỉ USD từ tháng 6.2016. Song, dù sao đi nữa khoản đầu tư này cũng sẽ góp phần làm dịu không khí căng thẳng từ các vụ bê bối trước đó, cũng như giúp Uber tiến gần hơn đến mục tiêu phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào năm 2019.
Được biết, Uber cũng sẽ được nhóm các nhà đầu tư tổ chức bao gồm Gragoneer Investment, TPG, Tencent, SoftBank và Sequoia Capital rót vốn khoảng 1,25 tỉ USD với mức định giá ban đầu 68 tỉ USD.
Ngoài Uber, tập đoàn viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản còn rót vốn vào hàng loạt công ty khởi nghiệp khác, bao gồm hãng chia sẻ xe Didi Chuxing ở Trung Quốc, Grab ở Đông Nam Á và Ola ở Ấn Độ.(Thanhnien)
----------------------------------
Xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi giày, Việt Nam tiếp tục vị trí số 2
Trong 23 tỉ đôi giày thế giới tiêu thụ năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi, tiếp tục duy trì vị trí thứ hai (sau Trung Quốc) về cường quốc xuất khẩu giày.
Sản xuất giày thời trang nữ xuất khẩu sang châu Âu của một công ty sản xuất giày tại Bình Dương - Ảnh: T.V.N
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội giày dép, túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết thống kê mới nhất của Tạp chí sản xuất giày dép thế giới năm 2017, Việt Nam tiếp tục xếp vị trí thứ hai trong top 10 nước xuất khẩu giày dép lớn nhất hiện nay, với 1,02 tỉ đôi giày, tương ứng 7,4% sản lượng cung ứng giày dép toàn cầu.
Giữ vị trí đứng đầu vẫn là Trung Quốc, với 9,31 tỉ đôi, chiếm 67,3% sản lượng của 23 tỉ đôi giày mà thế giới đã tiêu thụ trong năm 2017.
Châu Á tiếp tục được ghi nhận là khu vực dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giày dép các loại trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Mỹ được cho là nước nhập khẩu giày dép lớn nhất, đã nhập 2,34 tỉ đôi giày, chiếm 19,6% thị phần toàn cầu về lượng giày tiêu thụ.
Đặc biệt, sản phẩm ba lô, túi xách của Việt Nam tiếp tục vươn lên vị trí top 5 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này nhiều nhất thế giới hiện nay.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ba lô túi xách của VN ước đạt 3,3 tỉ USD, chiếm 5,5% tỉ trọng sản xuất toàn cầu, nhưng chỉ bằng khoảng 1/7 nếu so với tỉ lệ cung ứng của Trung Quốc.
Theo ông Kiệt, thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành sản xuất giày dép túi xách trong nước là trình độ ứng dụng công nghệ vào quản trị và sản xuất còn kém so với các doanh nghiệp trong vùng và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Năng suất lao động của khối doanh nghiệp nội địa chỉ bằng 60-70% các doanh nghiệp FDI. Phần lớn chưa được đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt, chi phí nhân công tại Việt Nam ngày càng cao.
Trong khi đó, xu hướng của các nhà đặt hàng, thương hiệu quốc tế ngày càng nghiêng về hướng kiểm soát rộng và sâu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ giá đơn hàng, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, các nhà đặt hàng dần can thiệp sâu hơn vào việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, nhà máy cung ứng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Mặt khác, việc bảo đảm thời gian cung ứng hàng hóa, tính bảo mật sản phẩm, trình độ sử dụng công nghệ, lợi thế về nguồn cung nguyên liệu cũng là những yếu tố được các nhà đặt hàng đặt lên vị trí hàng đầu trong quá trình lựa chọn nơi để đặt hàng, gia công sản xuất cho họ.(Tuoitre)