Dấu hỏi lớn ở Nguyễn Kim: Sa sút sau cái bắt tay với người Thái?
Muốn lớn thật nhanh. Những doanh nghiệp này toan tính gì?
Doanh nghiệp thành lập mới tăng đột biến
Google Việt Nam có nữ tướng mới
Giá vàng trong nước rẻ hơn thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-01-2018
- Cập nhật : 19/01/2018
Fed nhận định kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải
Trong giai đoạn từ cuối tháng 11 đến hết năm 2017, nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục tăng trưởng ở mức "vừa phải," song sự thiếu hụt trong thị trường lao động được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng.
Quang cảnh một công trường xây dựng ở New York, Mỹ. Nguồn: AFP/TTXVN.
Đây là nhận định được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra ngày 17/1 trong báo cáo tổng quan thường kỳ "Beige Book" dựa trên các tài liệu thu thập đến hết ngày 8/1.
Trong báo cáo trên, Fed nhận định kinh tế tại toàn bộ 12 khu vực tiếp tục tăng trưởng ở "mức khiêm tốn đến vừa phải" trong giai đoạn trên, trong đó nổi bật là khu vực Dallas ghi nhận "mức tăng trưởng mạnh mẽ."
Fed cũng lạc quan với triển vọng tăng trưởng tại hầu hết các khu vực này trong năm nay, song cảnh báo tình trạng khan hiếm nhân lực trong một số lĩnh vực sẽ kìm hãm đà tăng trưởng. Theo đó, Fed nhận định các số liệu đều cho thấy tâm lý phấn chấn của các doanh nghiệp Mỹ về triển vọng tăng trưởng trong năm 2018, do đó thúc đẩy việc mở rộng và tuyển dụng.
Tuy nhiên, việc gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, từ vị trí tay nghề thấp cho đến đòi hỏi chuyên môn cao, lại khiến doanh nghiệp không thể phát triển. Thực tế này buộc một số doanh nghiệp sẽ phải tăng lương trong những tháng tới để thu hút nhân lực. Đây là một sự thay đổi so với năm ngoái khi sức ép lương và lạm phát hầu như không tồn tại.
Trong một số lĩnh vực kinh tế khác, báo cáo của Fed cũng cho thấy doanh thu bán lẻ trong dịp lễ tăng cao hơn dự đoán, song doanh thu bán nhà có phần giảm sút do số lường nhà rao bán hạn chế. Hầu hết các nhà sản xuất đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn, qua đó cho phép một số công ty tăng chi tiêu vốn.
Báo cáo trên được công bố ngay trước thềm cuộc họp đầu tiên trong năm mới của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, dự kiến diễn ra trong ngày 30-31/1 tới. Trước đó, trong biên bản cuộc họp hồi cuối năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhất trí rằng cải cách thuế có thể sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế đầu tàu thế giới, song nội bộ ban lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ lại chia rẽ về số lần tăng lãi suất cơ bản.
Một số quan chức cho rằng việc tăng lãi suất ba lần trong năm 2018 có thể là quá nhanh và có thể ảnh hưởng đến việc đưa lạm phát lên mức 2% như mục tiêu của Fed đã đề ra. Tuy nhiên, Fed vẫn cam kết với lộ trình tăng lãi suất "dần dần," ngay cả khi có tranh cãi nảy sinh về mức độ tăng lãi suất nhanh hơn.
Theo dự báo của Fed, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ở mức 2,5% trong năm nay, tăng 0,4% so với mức dự báo trước, song lại giảm dự báo trong năm 2019 xuống còn 2,1% và năm 2020 là 2%.(Baohaiquan)
-----------------------
HDBank hợp tác với đối tác Mỹ, khách hàng hưởng dịch vụ tốt nhất
HDBank và Tập đoàn chuyển tiền quốc tế MoneyGram (Mỹ) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác quan trọng.
Theo đó, khách hàng của HDBank sẽ cơ hội được trải nghiệm và sử dụng dịch vụ chuyển và nhận tiền quốc tế với tốc độ nhanh nhất, thủ tục đơn giản nhất. Cụ thể, khách hàng được sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh trong vòng 10 phút đi 190 vùng lãnh thổ và quốc gia trên toàn thế giới với mức phí ưu đãi và chất lượng dịch vụ vượt trội.
Việc hợp tác mang lại cho đôi bên nhiều tiện ích bổ sung và quan trọng cho dịch vụ của HDBank và MoneyGram.
Chia sẻ tại buổi lễ ký kết, ông Rajendar Dhorkay – Giám đốc vùng Malaysia, Brunei và Đông Dương nói: “MoneyGram dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng liên tục ở Việt Nam và khu vực châu Á rộng lớn hơn do nhu cầu về dịch vụ chuyển tiền gia tăng khi có nhiều người theo đuổi các cơ hội việc làm và giáo dục bên ngoài Việt Nam. HDBank là một địa chỉ tin cậy dành cho người Việt Nam và chúng tôi rất vui khi được liên kết với một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Chúng tôi vui mừng được đến đây để chứng kiến sự ra mắt và chúng tôi mong muốn có thể phục vụ người Việt Nam và người gửi Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài”.
Là một trong những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, trên nền tảng công nghệ hiện đại, HDBank thường xuyên triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới và hợp tác với nhiều đối tác lớn nước ngoài nhằm mang lại những trải nghiệm dịch vụ và những tiện ích tốt nhất cho khách hàng.(NDH)
--------------------------
Chiến lược “sân nhà” phù hợp
Những năm gần đây, công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định ở mức gần 7%/năm...
Hỗ trợ DN ngành chế biến thực phẩmCơ hội phát triển công nghiệp chế biến
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Food (Sài Gòn Food) cho biết, ngay từ khi thành lập, công ty đã xác định rõ định hướng kinh doanh của mình là phát triển song song hai thị trường xuất khẩu và nội địa. Chính định hướng này đã giúp DN vững vàng tại thị trường nội địa từ khá sớm và tạo ra sức cạnh tranh khi thị trường có sự tham gia của nhiều DN nước ngoài.
Đến nay, nhiều sản phẩm của Sài Gòn Food như lẩu đông lạnh có gói nước dùng, cháo tươi và bữa ăn tươi được tiêu thụ trên toàn bộ các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống “mẹ và bé” trên cả nước, đem về tổng doanh thu trong năm 2017 đạt 800 tỷ đồng.
Thực tế, tiêu dùng sản phẩm tiện dụng chế biến sẵn là xu thế trong xã hội phát triển, kết hợp với hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi là những điều kiện cơ bản giúp phát triển các DN sản xuất thực phẩm chế biến tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, đó còn là thị trường tiềm năng với dân số hơn 90 triệu dân với tập quán tiêu dùng, khẩu vị mà các DN nội đã quen thuộc.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN thực phẩm chế biến vẫn chưa quan tâm đúng mức đối với thị trường trong nước vì cho rằng làm hàng xuất khẩu giá trị thu về cao hơn. Ngoài ra, không ít DN đã quen làm hàng xuất khẩu, nên khi quay lại phát triển thị trường nội địa cũng không hề dễ dàng gì, tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, thị trường thực phẩm chế biến của Việt Nam được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Những năm gần đây, công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định ở mức gần 7%/năm. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm ước tính chiếm 15% giá trị GDP, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến cũng tăng trung bình gần 10%/năm. Đây chính là cơ hội để các DN trong ngành phát huy nội lực và dần chiếm lĩnh sân nhà.
Theo Hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, thị trường cho ngành hàng thực phẩm chế biến sẵn của Việt Nam với dân số đông và tốc độ phát triển nhanh cũng tạo ra hấp lực và thu hút không ít các nhà đầu tư nước ngoài như thời gian gần đây, Tập đoàn CJ của Hàn Quốc đã đầu tư để nắm giữ 71,6% vốn điều lệ của Công ty thực phẩm Cầu Tre; hay trước đó, Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp cũng của Hàn Quốc đã rót 33 triệu USD để mua lại 13 triệu cổ phiếu của Công ty Thực phẩm Đức Việt...
Chính vì vậy, dự kiến thời gian tới, thị trường thực phẩm chế biến sẵn trong nước sẽ có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Song mặt khác, áp lực này lại giúp các DN Việt Nam sớm trưởng thành hơn, muốn tồn tại phải đầu tư, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, bài bản để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh của nước ngoài.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại đưa ra nhận định, muốn làm chủ “sân nhà”, trước tiên các DN thực phẩm chế biến cần phải thay đổi tư duy, quan niệm cho rằng chỉ làm hàng xuất khẩu mới đạt chất lượng cao, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, còn làm hàng trong nước thì đơn giản và dễ dàng hơn do yêu cầu chất lượng vừa phải và người tiêu dùng trong nước dễ tính. Hoặc cho rằng, bán sản phẩm trong nước với mức giá rẻ hơn nên không cần đầu tư nhiều, chất lượng vừa phải...
“Đây là quan niệm sai lầm dẫn đến thất bại của không ít DN ngành chế biến thực phẩm. Ngược lại, DN trong nước muốn chiếm lĩnh thị phần, được người tiêu dùng ủng hộ, cần phải nghiên cứu thị trường để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng bởi mỗi một phân khúc khách hàng sẽ có nhu cầu khác nhau, cần phải xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu là ai để có chiến lược phù hợp. Cần tập trung đầu tư cho sản phẩm và phát huy lợi thế DN nhỏ nên nhanh nhạy và dễ thích ứng thay đổi, cũng như lợi thế sân nhà với nguồn nguyên liệu sẵn có, am hiểu tập quán, khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam”, bà Lâm đưa ra ý kiến.(TBNH)
----------------------------
Đánh giá chính sách châu Á của Tổng thống Trump
Nhân dịp kỷ niệm 1 năm nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donal Trump (ngày 20/1), hãy thử cùng nhau nhìn nhận và đánh giá chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời ông về châu Á như thế nào.
Tổng thống Trump chính thức ký sắc lệnh rút khỏi TPP.
Theo các chuyên gia, có thể thấy chính sách châu Á của Tổng thống Trump được chia làm hai trường phái, một bên là những người theo chủ nghĩa an ninh quốc tế như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, với một bên là những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Những người theo chủ nghĩa quốc tế muốn thúc đẩy chính sách an ninh, trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc lại ủng hộ cách tiếp cận "nước Mỹ trước tiên" để chi phối trong các vấn đề kinh tế.
Khái niệm "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" là một sản phẩm chính của phe theo chủ nghĩa quốc tế, còn quyết định rút lui của Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giống như một động thái đáng thất vọng của phe theo chủ nghĩa dân tộc. Có thể hiểu khái niệm "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" là phần mở rộng của chính sách “tái cân bằng” với châu Á mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã đưa ra để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, đối với TPP, hiệp định thương mại tự do khu vực do ông Obama bảo trợ, Tổng thống Trump chủ yếu tập trung vào chiến lược tái cân bằng của người tiền nhiệm, nhưng lại bỏ qua chương trình nghị sự kinh tế tích cực mà ông Obama đề ra. Điều này khiến nhiều người ở châu Á cảm thấy bối rối về việc chính quyền có thể hướng tới một "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng" như thế nào nếu tiếp tục theo đuổi các chính sách bảo hộ thương mại.
Được thúc đẩy bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế - bao gồm Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng Peter Navarro - ông Trump đã kêu gọi ký kết các hiệp định thương mại song phương với các nước châu Á như một cách để giảm thâm hụt của Mỹ. Các nhà phê bình cho rằng động thái này ám chỉ đến quan điểm trong thương mại của phe theo chủ nghĩa dân tộc chính là “cuộc chơi có tổng bằng không”. Những người thuộc phe này muốn tối đa hóa đòn bẩy của Mỹ bằng cách đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương, ngay cả khi chương trình nghị sự này làm suy yếu các nỗ lực hợp tác an ninh đã tồn tại từ trước, như với Hàn Quốc. Trong khi đó, phe theo chủ nghĩa quốc tế, gồm Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và Ngoại trưởng Rex Tillerson, lại tìm cách đối trọng với Trung Quốc bằng việc thúc đẩy vị thế kinh tế của Mỹ trong khu vực và thông qua các thoả thuận thương mại tiêu chuẩn cao để củng cố các luật lệ và chuẩn mực hiện có. TPP - vốn không có sự tham gia của Bắc Kinh - có thể đã là một sự phù hợp hiển nhiên. Từ bỏ TPP sẽ khiến chính quyền Trump không nhận được bất kỳ thành phần kinh tế nào cho chiến lược khu vực của họ. Về lâu dài, hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại TPP hoặc một Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) sẽ trở thành một giải pháp thay thế có thể bao gồm (cả TPP) và thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn. Đó là một FTA bao phủ diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với 21 thành viên, gồm Mỹ, Trung Quốc, 11 thành viên TPP và một số nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bất kỳ chiến lược nào nhằm tạo ra một "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" phải bao trùm và đưa ra một cái nhìn tích cực về cách Mỹ, Nhật Bản và những nước khác có thể xây dựng sự thịnh vượng và an ninh to lớn hơn cho tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Chiến lược này sẽ không hấp dẫn các nước ASEAN nếu nó chỉ được coi như một nỗ lực để chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Thay vào đó, chiến lược phải tập trung vào việc củng cố các quy tắc và chuẩn mực của khu vực để đảm bảo rằng tất cả các nước có thể phát triển và thịnh vượng mà không bị áp bức và xung đột.(Baohaiquan)