Nga áp “chiêu” hoàn thuế VAT để kích cầu du lịch
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng G-7 thảo luận về thúc đẩy đầu tư
Các “đại gia” dầu mỏ mất tiền tỉ
Hàng chục triệu thẻ ATM phải chuyển đổi
Facebook có thể đạt 1.000 tỉ USD giá trị thị trường
Tin kinh tế đọc nhanh 01-05-2016
- Cập nhật : 01/05/2016
Big C về tay Thái Lan, bán lẻ Việt 'chết ngang vai'
Cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam cuối cùng đã đi tới hồi kết sau gần nửa năm giằng co. Trong cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam có nhiều cái tên đại gia bán lẻ được nhắc tới, như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Saigon Co.op (Việt Nam)… Nhưng cuối cùng, phần thắng đã thuộc về Central Group – một tập đoàn của Thái Lan, với giá trị chuyển nhượng lên tới 1,14 tỷ USD, cao hơn so với mức 800 triệu USD dự báo trước đó.
Chủ mới của BigC Việt Nam – Central Group - không phải ai xa lạ, bởi trước đó tập đoàn này đã đánh dấu sự có mặt của mình tại thị trường Việt Nam bằng thương vụ mua và sở hữu 49% cổ phần tại chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Như vậy, cả hai hệ thống bán lẻ lớn là Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam đã về tay người Thái. Và sau thương vụ Big C Việt Nam được bán cho Tập đoàn Thái Lan lần này, 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái.
“Big C như cô gái đẹp, ai cao giá thì bán, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ vớiZing.vn ngay sau khi biết thông tin BignC Việt Nam về tay người Thái. “Kết thúc thương vụ này, đồng nghĩa cán cân thị trường bán lẻ Việt đã nghiêng hẳn về phía DN nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Thái nắm giữ “miếng bánh lớn” – ông Phú tiếp lời.
Từng nhiều lần phát biểu và bày tỏ sự hy vọng một trong số tập đoàn bán lẻ Việt có tiềm lực sẽ “mua” lại Big C Việt Nam, nhưng với kết quả thương vụ chuyển nhượng này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, ý đồ người Thái “đổ bộ” đầu tư cả sản xuất, phân phối hàng… tại Việt Nam coi như đã thành công.
Không ngạc nhiên trước thông tin Big C Việt Nam “về tay” người Thái bởi trước đây cũng đã từng đưa ra dự báo này, ngược lại, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lại cảm thấy buồn lòng: “Đừng vui, đừng lạc quan khi thấy Big C được người Thái mua lại. Đây lạ là cảnh báo đáng ngại cho thị trường bán lẻ Việt, người sản xuất và cả người tiêu dùng Việt”.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội phân tích, người Thái thay vì sản xuất hàng ở Việt Nam, sẽ sản xuất hàng hoá tại Thái và vận chuyển sang Việt Nam. Và như thế, trên các kệ của 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm của Big C Việt Nam tới đây sẽ lại tràn ngập hàng Thái.
"Thương vụ này cho thấy sự lép vế của bán lẻ Việt Nam. Sự liên kết lỏng lẻo, làm ăn thiếu văn hoá thì các nhà bán lẻ Việt sẽ còn lép vế, sẽ tiếp tục bị lấn tới bởi không chỉ tập đoàn Thái Lan mà nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác”, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội tỏ ra buồn và lo lắng.
Không chỉ có vậy, theo ông Phú, người sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ép.
Trước đây, khi thương vụ mới bắt đầu, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã dự báo 80% khả năng Big C sẽ về tay người Thái, dù kỳ vọng doanh nghiệp Việt có thể mua lại chuỗi siêu thị này. Ảnh: VNN.
“Tôi đã nói tới nhiều lần, khi người Thái sẽ chiếm thị phần 50% thì đừng coi thường. Cả người sản xuất và tiêu dùng trong nước sẽ trở thành người làm thuê, gia công trên chính tiềm năng, tài nguyên của đất nước mình để họ canh tác”- ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Nhìn lại thị trường bán lẻ nội địa, ông Phú cảnh báo, “nguy cơ “chết” đã “cao tới ngang vai rồi”. Trong lúc thị phần ngày càng co hẹp và rơi vào thay nhà bán lẻ ngoại, thì nhà cung ứng trong nước muốn vào được hệ thống siêu thị Việt thì bị “hành” đủ thứ, nào là chiết khấu cao, phong bì...
Thậm chí, có siêu thị buộc nhà cung cấp phải ký tạo mã 100 USD cho sản phẩm vài chục ngàn đồng.... Điều tưởng chừng vô lý lại đang là thực tế tồn tại nếu nhà sản xuất muốn “chen” vào siêu thị Việt.
“Chúng ta đã bỏ lỏng thị trường nội địa từ lâu. Ngoài ra chúng ta còn tự hại nhau khi sử dụng chất cấm, chất tạo nạc… trong các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong nước. Đó mới là cái đau, đau hơn cả mất hệ thống phân phối. Đau nhất là chúng ta không làm chủ được thị trường của mình và làm mất chính cơ hội của mình. Đây là bài học cay đắng cần cảnh báo", ông buồn rầu chia sẻ.(Zing)
Không tham vấn giá đối với hàng nhập khẩu phi mậu dịch
Cục Hải quan TP.HCM vừa chỉ đạo Trưởng các Chi cục Hải quan cửa khẩu cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật để chỉ đạo công chức hải quan phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành, không gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp vì thái độ của công chức hải quan.
Trước đó, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp vào cuối tuần qua, đại diện một doanh nghiệp phản ánh nhập khẩu lô hàng qua đường hàng không, đóng thuế 98.000 đồng nhưng bị yêu cầu tham vấn giá. Liên quan đến nội dung phản ánh này, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng thuốc trừ bệnh cho cây trồng, theo loại hình phi mậu dịch, thuế GTGT theo khai báo của doanh nghiệp trên 98.000 đồng.
Căn cứ điểm 5, Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25-3-2015 của Bộ Tài chính: “hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc không có hóa đơn thương mại, trị giá hải quan là trị giá khai báo. Trường hợp có căn cứ xác định giá khai báo không phù hợp thì cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan”.
Do có nghi vấn trị giá khai báo không phù hợp nên công chức đăng ký chuyển toàn bộ hồ sơ cho bộ phận xây dựng giá (không phải tham vấn giá như phản ánh của doanh nghiệp), với mức thuế tăng trên 400.000 đồng .
Từ phản ánh của doanh nghiệp nêu trên, để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp, không để doanh nghiệp bức xúc, Cục Hải quan TP.HCM vừa chỉ đạo Trưởng các Chi cục Hải quan cửa khẩu cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật (Điều 5 Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 của Thủ Tướng Chính phủ và Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC) để chỉ đạo cho công chức hải quan phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành, không gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp vì thái độ của công chức hải quan.
Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu không có giá trị thanh toán, không nhằm mục đích thương mại, hàng hóa không có hợp đồng thương mại, không có hóa đơn thương mại, không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của Chính phủ, không phải hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ hàng hóa phục vụ an ninh, quốc phòng) khi làm thủ tục và thông quan hàng hóa mức giá tính thuế là giá ghi trên hóa đơn thương mại (nếu có) hoặc mức giá khai báo của chủ hàng.
Hàng hóa sẽ được miễn thuế nhập khẩu và không chịu thuế GTGT nếu trị giá của lô hàng không vượt quá 2 triệu đồng hoặc trị giá lô hàng vượt quá 2 triệu đồng nhưng số thuế phải nộp dưới 200.000 đồng.
Các trường hợp nêu trên có trị giá lớn, phải nộp thuế: yêu cầu kiểm tra trị giá khai báo của chủ hàng nếu mức giá khai báo thấp hơn mức giá hàng giống hệt, tương tự không có nghi vấn tại cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan (GTT02) trong thời gian quy định (60 ngày) thì tiến hành điều chỉnh giá tính thuế theo đúng quy định của Bộ Tài Chính.
Nhằm tránh hiểu lầm cho chủ hàng, đối với loại hình này các chi cục không sử dụng khái niệm “tham vấn giá” như trường hợp phán ánh nêu trên của doanh nghiệp khi trao đổi với chủ hàng vì đây là quyền hạn của cơ quan Hải quan đã được Bộ Tài Chính quy định cụ thể tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
Nghiêm cấm các chi cục sử dụng mức giá tham khảo trên internet: giá chào bán trên các trang mạng quốc tế (ngoài nước nhập khẩu) để xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu. Các chi cục phải tuân thủ, áp dụng đúng trình tự và các phương pháp mà Bộ Tài Chính đã quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
Ngăn chặn 4 container phế liệu xuất lậu trốn thuế
Lô hàng trên của một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Doanh nghiệp này mở tờ khai hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan quản lí hàng đầu tư, hàng hóa xuất khẩu khai báo là ống thép, lô hàng được hệ thống phân luồng Xanh- miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.
Khi doanh nghiệp đưa hàng xuống cảng Cát Lái để xuất khẩu, qua công tác soi chiếu ngẫu nhiên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện lô hàng xuất khẩu này có dấu hiệu gian lận nên đã thông báo cho Chi cục Hải quan quản lí hàng đầu tư dừng thông quan để kiểm tra thực tế.
Kết quả kiểm tra phát hiện toàn bộ 4 container hàng là phế liệu thép không gỉ, không phải mặt hàng ống thép như khai báo của doanh nghiệp.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, việc khai báo gian dối nêu trên của doanh nghiệp nhằm trốn thuế. Theo qui định mặt hàng phế liệu thép không gỉ có thuế suất thuế xuất khẩu là 15%, trong khi đó mặt hàng ống thép có thuế suất là 0%.
Hiện vụ việc đang được Cục Hải quan TP.HCM làm rõ.
Ấn Độ vẫn "dành cửa" cho DN xuất khẩu gỗ tấm của Việt Nam
Với những doanh nghiệp tham gia trả lời đầy đủ, cơ quan điều tra của Ấn Độ áp biên độ phá giá, biên độ thiệt hại ở mức thấp hơn so với những doanh nghiệp không tham gia nộp bản câu hỏi.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thông báo, Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) đã có báo cáo điều tra trước khi ra kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia.
DGAD đã kết luận sản phẩm gỗ tấm bị điều tra xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ thấp hơn giá trị thông thường; ngành công nghiệp nội địa đã phải chịu thiệt hại đáng kể; thiệt hại đáng kể này bị gây ra bởi sản phẩm nhập khẩu bán phá giá từ các nước bị điều tra nói trên.
Do đó, với những doanh nghiệp tham gia trả lời đầy đủ, cơ quan điều tra của Ấn Độ áp biên độ phá giá, biên độ thiệt ở mức thấp hơn so với những doanh nghiệp không tham gia nộp bản câu hỏi.
Cụ thể, với 2 doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu Indonesia và 3 doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu Việt Nam đã tham gia nộp trả lời bản câu hỏi, hợp tác đầy đủ, biên độ phá giá được tính cho các doanh nghiệp này lần lượt như sau: Indonesia biên độ phá giá 5-35%, biên độ thiệt hại 15-30%; Việt Nam biên độ phá giá 0-15%, biên độ thiệt hại 10-40%.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp khác không nộp bản trả lời câu hỏi, DGAD sẽ tính biên độ phá giá dựa trên những thông tin bất lợi có sẵn với biên độ phá giá 30-40%, biên độ thiệt hại 35-45%.
DGAD sẽ căn cứ trên bản kết luận này để làm cơ sở dữ liệu tiến hành công bố bản kết luận cuối cùng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam còn một cơ hội duy nhất gởi đến DGAD trước ngày 2-5 để có ý kiến, trước khi kết luận cuối cùng được ban hành.
Trước đó, vào tháng 5-2015, Ấn Độ đã điều tra chống bán phá giá sản phẩm gỗ tấm MDF mã HS 4411 của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 7-5-2015, nguyên đơn là Công ty Greenply Industries Ltd và Công ty Mangalam Timber Products Ltd.
Giai đoạn điều tra, bắt đầu từ 1-10-2013 đến 30-9-2014 (giai đoạn xem thiệt hại từ 1-4-2011 đến 30-9-2013).
Thái Lan: Sản lượng mủ cao su giảm 50%
Báo Bangkok Post dẫn lời ông Pairat Joeychum nói rằng trong bốn tháng qua, nông dân trồng cao su không thu hoạch được nhiều mủ như thường lệ. Ông cho biết riêng tỉnh miền nam Phatthalung, sản lượng mủ cao su giảm 60% và sản lượng cao su tấm xông khói giảm 70%. Ông nói: “Vườn cao su ở nhiều khu vực tại phía nam, phía bắc và đông bắc Thái Lan đã bị tàn phá bởi hạn hán và hỏa hoạn. Cây cao su chết rất nhiều”.
Ông nói các thương lái đang tranh mua mủ cao su, khiến giá tăng mỗi ngày. Ông cho biết giá mủ cao su hiện nay đã lên mức 62 baht/kg(khoảng 39.600 đồng VN) và có thể tăng lên 70 baht (44.700 đồng VN) trong tương lai. So với thời điểm thấp nhất 30 baht (19.200 đồng VN)/kg, giá mủ cao su tại Thái Lan đã tăng hơn gấp đôi.
Thương lái Việt Nam qua Campuchia mua cao su
Cùng ngày, theo báo Phnom Penh Post, các công nhân tại các vườn cao su ở Campuchia đã làm việc trở lại sau khi giá cao su trên thị trường quốc tế phục hồi mạnh mẽ. Giá cao su bắt đầu phục hồi vào tháng 3-2016 và kể từ đầu tháng 4 đến nay, giá cao su đã tăng 16%.
Ông Hang Sreng, Giám đốc Công ty xuất khẩu cao su Long Sreng International cho biết giá cao su thiên nhiên xuất khẩu đã tăng 300-400 đô la Mỹ/tấn tính từ mức đáy 1.050 đô la Mỹ/tấn.
Tại tỉnh Tbong Khmum, sát với biên giới Việt Nam, công nhân cao su bắt đầu đi cạo mủ trở lại sau nhiều tháng tạm ngừng sản xuất do giá cả xuống quá thấp, theo ông Thy Sambo, Chủ tịch Hiệp hội phát triển cao su tỉnh Tbong Khmum.
Ông Seang Sarat, Phó chủ tịch Hiệp hội phát triển cao su huyện Memot (thuộc tỉnh Tbong Khmum) cho biết giá cao su tấm thiên nhiên đã tăng thêm từ 1.000-2.600 riel (5.500-14.300 đồng VN) mỗi ki lô gam trong những tháng gần đây. Ông nói nhiều thương lái Việt Nam đang sang Campuchia để mua cao su. Ông cho biết nông dân thích bán cao su cho thương lái Việt Nam hơn các nhà máy tại địa phương vì họ mua giá cao hơn.