Big C về tay Thái Lan, bán lẻ Việt 'chết ngang vai'
Không tham vấn giá đối với hàng nhập khẩu phi mậu dịch
Ngăn chặn 4 container phế liệu xuất lậu trốn thuế
Ấn Độ vẫn "dành cửa" cho DN xuất khẩu gỗ tấm của Việt Nam
Thái Lan: Sản lượng mủ cao su giảm 50%
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-04-2016
- Cập nhật : 29/04/2016
Trung Quốc vung tiền mua cảng biển khắp thế giới
Hàng tỉ USD đã được Trung Quốc chi ra để mua cảng biển và đằng sau đó là cả một chiến lược lớn mang tầm quốc gia, có thể gây quan ngại quốc tế.
Sau khi chi gần 370 triệu euro để mua quyền sử dụng cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp, bước chân “thôn tính” cảng biển trên toàn thế giới của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa dừng lại, tiếp tục vươn vòi tới Algeria, Australia, Canada, Pakistan…
Trang “Tin tức Tham khảo” của Trung Quốc mới đây đã dẫn phát biểu của chuyên gia trên truyền thông nước ngoài cho rằng Bắc Kinh muốn kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng của thế giới để đảm bảo hàng hóa của họ có thể nhanh chóng vận chuyển tới tay người tiêu dùng phương Tây.
Cảng Piraeu nằm cách thủ đô Athen của Hy Lạp không xa. Bắc Kinh muốn xây dựng nơi đây thành một trung tâm trung chuyển quốc tế cỡ lớn để đưa hàng hóa từ châu Á sang châu Âu.
Trong bố trí chiến lược, cảng Piraeu sẽ kết nối với cảng Cherchell ở Algeria mà Trung Quốc cũng muốn thâu tóm quyền xây dựng, vận hành và kinh doanh để phát triển thành trung tâm vận tải trên biển lớn nhất Địa Trung Hải.
Để làm được điểu đó, phía Trung Quốc đã mạnh tay vung tiền, ký với Chính phủ Algeria một hiệp định có tổng trị giá 3,3 tỉ USD và quả thực những khoản đầu tư vào lĩnh vực cảng biển của Bắc Kinh đã gây ấn tượng mạnh.
Tháng 10/2015, Australia tuyên bố Tập đoàn Lam Kiều của Trung Quốc đã giành quyền thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu AUD. Đây là một cảng biển lớn ở miền Bắc Australia, được mệnh danh là “cửa ngõ nối thông với châu Á”.
Trước đó, năm 2007, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 250 triệu USD để thuê gần 1.000 ha trong 43 năm xây dựng cảng nước sâu Gwadar ở tỉnh Balochistan, Pakistan, nhằm kết nối Gwadar với vùng Tân Cương, Trung Quốc.
Có nhà phân tích chỉ rõ hoạt động bạo tay chi tiền mua cảng biển trên thế giới của Trung Quốc là một mắt xích thực hiện ý tưởng xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” mà lãnh đạo Trung Quốc khởi xướng.
Mục đích chủ yếu là nhằm ưu việt hóa tiến trình thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế với Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Cùng với “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ”, “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” hợp thành chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Tuy đã được một số nước như Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Belarus… hoan nghênh, nhưng theo “Thời báo New York” của Mỹ, chiến lược này đang dấy lên nghi ngờ sẽ làm nghiêm trọng hơn căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Hà Nội: Bắt quả tang một công ty “tái sản xuất” bánh kẹo Thái Lan hết hạn sử dụng
Sau một thời gian mật phục, theo dõi, ngày 28/4, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra Công ty Cổ phần đầu tư thương mại sản xuất và dịch vụ HD (địa chỉ tại D13, ngõ 80, Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang 2 đối tượng Hoàng Thị Tuyết (SN 1991, quê Hà Tĩnh) và Hoàng Anh Tú (SN 1991, ở tại tổ 19 Yên Hòa, Cầu Giấy) là nhân viên của công ty trên, đang đóng gói lại sản phẩm là bánh quy do Thái Lan sản xuất đã hết hạn sử dụng.
Cụ thể, 2 đối tượng đã lấy lõi hộp bánh hết hạn vào ngày 8/4/2016 cho vào vỏ hộp mới, dập hạn sử dụng mới là ngày 20/9/2017.
Bước đầu các đối tượng khai nhận đã làm theo chỉ đạo của giám đốc công ty là ông Vũ Tiến Hà (sinh năm 1976, trú tại Hào Nam, Quận Đống Đa, Hà Nội).
Cơ quan chức năng đã tạm giữ khoảng 3.000 thùng bánh kẹo các loại do Thái Lan sản xuất để xác minh, làm rõ.
Hạn, mặn gây thiệt hại 5.572 tỷ đồng
Đó là phát biểu của ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị “Bàn giải pháp nâng cao năng lực của nông dân vùng ĐBSCL chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn” diễn ra tại Bến Tre vào sáng nay (28/4).
Theo ông Lại Xuân Môn, đến nay thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL tổng thiệt hại ước tính là 5.572 tỷ đồng và 390.192 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Riêng tại ĐBSCL, mặn xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 105 km gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đối với đời sống người dân, ước thiệt hại là 2.280 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Elnino ảnh hưởng tới Việt Nam và toàn bộ lưu vực sông Mê Công đã làm nhiệt độ tăng cao, lượng mưa thiếu hụt, lượng nước trữ trong các hồ chứa giảm thấp. Đồng thời, dòng chảy thượng nguồn bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng gần 100 năm qua dẫn đến xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể kéo dài tới tháng 6 năm nay.
Cụ thể, tại khu vực sông Vàm cỏ: Độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn từ 1,9 - 4,3g/l, chiều sâu xâm nhập mặn với nồng độ 4g/l khoảng 95-105km (cao hơn cùng kỳ 2015 từ 3-18km).
Ở khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu thì độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn từ 3,8-6,4g/l, chiều sâu xâm nhập mặn với nồng độ 4g/l khoảng 50-70 km, cao hơn hẳn so với cùng kỳ 2015 là 3-18km.
Còn khu vực ven biển Tây, trên sông Cái lớn, độ mặn lớn nhất so với cùng kỷ năm 2015 cao hơn từ 2,9 — 4,2g/l, chiều sâu xâm nhập mặn với nồng độ 4g/l khoảng 60,165km, cao hơn hẳn so với cùng kỳ 2015 là 10-15km.
Đến nay đã có 11/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt. Trong đó, 10/13 tỉnh đã công bố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang.
Ông Nguyễn Ngọc Tam, Phó Bí thư tỉnh ủy Bến Tre cho biết, các vùng cách biển từ 30 – 40 km gần như không lấy được nước ngọt từ các cửa sông như năm trước đã gây tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đến nay 162/164 xã trên địa bàn tỉnh đã bị xâm nhập mặn dẫn đến hàng nghìn hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trước tình hình trên, ông Tam cho biết, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: nạo vét hệ thống kênh mương, đắp bờ, trữ nước tưới... để tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Nhập khẩu ôtô tiếp tục phục hồi
Kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã chính thức có được bước hồi phục đáng kể so với 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh...
Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng lượng xe nhập khẩu về nước trong tháng 3/2016 đạt 9.000 chiếc, tăng 3.000 chiếc so với tháng 1 và tháng 2, đồng thời cũng cao hơn ước tính 1.000 chiếc.
Đồng thời, mức giá trị kim ngạch tháng 3/2016 cũng tăng lên đáng kể với 208 triệu USD, vượt khá xa giá trị kim ngạch đạt được của tháng liền kề trước đó.
Theo ước tính, kim ngạch nhập khẩu ôtô tháng 4/2016 sẽ có sự sụt giảm nhẹ nhàng, từ 9.000 chiếc của tháng 3 xuống còn 8.000 chiếc về lượng và từ 208 triệu USD xuống còn 182 triệu USD về giá trị. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là con số ước tính và do đó, mức kim ngạch đạt được rất có thể sẽ tương tự như tháng 3, cụ thể là con số thực hiện đầy đủ chênh khá nhiều so với ước tính.
Mặc dù đã bắt đầu có sự phục hồi vào 2 tháng gần nhất song tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vẫn sụt giảm đáng kể.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch cộng dồn 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 28.000 chiếc và 669 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 23,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự sụt giảm này không hề khó hiểu bởi đây là quãng thời gian mà sức mua ôtô trên thị trường nói chung thường rơi vào “vùng trũng” nhất trong năm.
Tuy nhiên, lý do sụt giảm đáng nói hơn là ngay từ ngày đầu của năm mới, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đã bắt đầu bị điều chỉnh bởi chính sách mới.
Cụ thể là kể từ ngày 1/1/2016, cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của ôtô nhập khẩu thay đổi từ giá CIF + thuế nhập khẩu trước đây thành giá bán buôn của đơn vị nhập khẩu. Cách tính mới đã khiến giá bán lẻ của ôtô nhập khẩu tăng lên và vì vậy, hiện tượng suy giảm sức mua là hoàn toàn dễ hiểu.
Nhiều doanh nghiệp “khổ” vì tỷ giá biến động
Tương tự, năm 2015 doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng 36% so với năm trước với 10.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại giảm 34% xuống còn 2.071 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là AVC có 4 khoản vay ngoại tệ dài hạn với 70,6 tỷ Yen để đầu tư vào dự án nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 sân bay Nội Bài theo các hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Nhật Bản. Năm 2014, khi đồng Yen giảm mạnh so với VNĐ, ACV đã lãi chênh lệch tỷ giá gần 1.500 tỷ đồng, nhưng năm 2015 đồng Yen biến động tăng nên công ty phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 640 tỷ đồng.
Còn theo giải trình của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch, một trong các nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế quý I/2016 chỉ đạt 318,64 tỷ đồng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái là do lỗ chênh lệch tỷ giá 58,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 314,3 tỷ đồng.
Bên cạnh các DN lỗ chênh lệch tỷ giá đồng yen, nhiều DN cũng đang có khoản lỗ tỷ giá từ ngoại tệ khác, như Viettel Global lỗ ròng từ tỷ giá hơn 600 tỷ đồng trong năm 2015, khoản lỗ này gấp hơn 5 lần so với năm 2014. Nguyên nhân do một số đồng nội tệ của các quốc gia châu Phi mà Viettel đầu tư đã giảm giá mạnh so với USD. Yếu tố này cộng với việc tăng cường đầu tư vào một số thị trường mới khiến cho Viettel Global lỗ nặng tại châu Phi, cho dù doanh thu từ thị trường này tăng trưởng tới 26%.