tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-01-2018

  • Cập nhật : 20/01/2018

Tổng cục Thống kê: Kinh tế ngầm chưa đến mức 30% GDP

 Tổng cục Thống kê sẽ điều chỉnh quy mô GDP sát với hoạt động kinh tế và cho rằng hoạt động kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm "chưa đến 30% GDP".

Tổng cục Thống kê: Kinh tế ngầm chưa đến mức 30% GDP - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định hoạt động kinh tế phi chính thức chưa đến 30% - Ảnh: N.AN

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017 sáng 19-1.

Ông Lâm cho biết là hiện nay Tổng cục Thống kê đang có nhiệm vụ đánh giá và tính toán khu vực kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế để báo cáo Chính phủ. 

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan thống kê cho rằng kinh tế phi chính thức chỉ là một trong năm thành tố của khu vực kinh tế chưa quan sát được.

Trong số đó bao gồm hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức, hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong quá trình điều tra kinh tế của cơ quan thống kê.

Với 5 thành tố này, hiện cơ quan thống kê đã thu thập và có điều tra trong nhiều năm với ba thành tố gồm kinh tế phi chính thức (như hộ kinh doanh cá thể không có đăng ký kinh doanh, xe ôm…); hoạt động hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu của cơ quan thống kê.

Nhấn mạnh thêm, ông Lâm cho hay là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu là do trong quá trình điều tra, nhiều đơn vị đã cung cấp thông tin không sát thực tế. 

Đơn cử như có nhiều trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể khai báo thấp, khai báo sai về doanh thu nên đây sẽ là vấn đề được quan tâm để có biện pháp quản lý.

Đối với hai hoạt động còn lại là kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp, theo ông Lâm thì "không thể thu thập thông tin một cách chính thức". 

Do đó, trên cơ sở đề án mà cơ quan thống kê đang xây dựng và triển khai, sẽ lấy ý kiến các bộ ngành để thống nhất quan điểm trong quản lý với một số lĩnh vực như đánh bạc, mại dâm, buôn lậu… để tính toán và quản lý cho phù hợp.

Trả lời câu hỏi về ước tính quy mô hoạt động kinh tế phi chính thức là bao nhiêu so với GDP, ông Lâm khẳng định con số đưa ra trước đây là 20-30% là không đúng và hoạt động kinh tế phi chính thức không đến 30%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng khẳng định năm 2018 sẽ điều chỉnh quy mô GDP, nhưng sẽ dựa trên cơ sở tính toán thêm các thành tố hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong quá trình thu thập thông tin.

"Năm 2018 điều chỉnh quy mô GDP cho thấy sẽ tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng không ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm trong điều chỉnh GDP, sau đó tính lại thuế, trần nợ công, bội chi thế nào", ông Lâm nói.(Tuoitre)
-------------------------

Emirates vừa cứu Airbus A380 bằng đơn đặt hàng 16 tỉ USD

Emirates Airlines hôm 18.1 tuyên bố sẽ mua 36 chiếc Airbus A380 sau khi nhà sản xuất máy bay châu Âu cho biết sẽ phải ngừng sản xuất dòng máy bay chở khách siêu sang này nếu không có đơn đặt hàng mới.

Theo AFP, thỏa thuận này trị giá 16 tỉ USD theo giá niêm yết và các chuyến hàng mới sẽ bắt đầu được giao vào năm 2020. Emirates hiện là khách hàng lớn nhất thế giới của những chiếc A380 với 101 chiếc có sẵn trong đội tàu bay và 41 chiếc đã được đặt trước đó.

Airbus hôm 15.1 tuyên bố hãng có thể sẽ phải ngưng sản xuất A380 nếu Emirates không đặt hàng thêm. “Thẳng thắn mà nói, nếu không đạt được thỏa thuận với Emirates, tôi nghĩ rằng sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải dừng sản xuất A380”, John Leahy, giám đốc bán hàng của Airbus, nói với các phóng viên.

Do đó, đơn đặt hàng mới của hãng hàng không có trụ sở tại Dubai được xem là sự thúc đẩy lớn cho chương trình sản xuất những chiếc A380 thân rộng hai tầng sang trọng vốn đang gặp khó khăn.

“Thỏa thuận này sẽ giúp dây chuyền sản xuất A380 ổn định hơn. Trên thực tế, việc sử dụng những chiếc A380 là một thành công của Emirates vì khách hàng của chúng tôi thích nó và chúng tôi có thể triển khai nó với các nhiệm vụ khác nhau, tạo sự linh hoạt về phạm vi hoạt động”, Sheikh Ahmed bin Saeed Al-Maktoum, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Emirates, cho hay.

Được biết, hợp đồng này dự kiến sẽ được ký trong Triển lãm Hàng không Dubai vào tháng 11.2017, nhưng lại bị trì hoãn không lý do. Thay vào đó, Emirates lại ký hợp đồng mua 40 chiếc Boeing Dreamliners với giá trị hơn 15 tỉ USD. Điều này đã gây thất vọng lớn cho Airbus vào thời điểm đó. Hiện công ty mới chỉ phân phối được khoảng hơn 200 chiếc A380, thấp hơn nhiều so với con số kỳ vọng 1.200 chiếc khi dòng máy bay này được giới thiệu vào năm 2005.

Tuy nhiên, hiện ông Leahy tin rằng đơn đặt hàng mới của Emirates sẽ mở rộng sản xuất A380 thêm ít nhất là 10 năm nữa. “Tôi nghĩ rằng máy bay loại lớn vẫn còn tương lai vì các hãng hàng không sẽ cần những chiếc máy bay lớn hơn khi nhu cầu đi lại bằng máy bay tăng lên”.(Thanhnien)
-------------------------------

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm tăng trưởng 10,79%/năm

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Theo đó, phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 10,79%/năm) trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 4,5 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 710.000 ha; tổng diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 30.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.000.000 m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 832.500 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 5,63%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 800.000 tấn; tôm càng xanh đạt 30.000 tấn; tôm hùm đạt 2.500 tấn.

Giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp tôm công nghệ cao được hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.

Phấn đấu tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm), trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 50.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.300.000 m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 6,73%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 1.100.000 tấn; tôm càng xanh đạt 50.000 tấn và tôm hùm đạt 3.000 tấn.

Quyết định nêu rõ, phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên (đặc biệt là lợi thế về nuôi tôm sú), các lợi thế về thị trường, công nghệ chế biến và kinh nghiệm của người dân để phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao (đạt chứng nhận uy tín như tôm sinh thái, hữu cơ, GAP). Hướng tới không sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm tôm.

Bên cạnh đó, phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị.

Áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến, công nghệ mới
Ngành đề ra kế hoạch, các nhiệm vụ đối với nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh; tôm nước lợ nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi quảng canh; đối với nuôi tôm càng xanh; nuôi tôm hùm; chế biến và tiêu thụ các sản phẩm tôm. Trong đó, đối với nuôi tôm và tiêu thụ sản phẩm tôm, áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến và công nghệ mới vào khâu thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản các loại sản phẩm tôm để tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành sản phẩm, tăng tỷ trọng mặt hàng giá trị gia tăng; duy trì các thị trường hiện tại và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng...

Các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển ngành tôm được đưa ra như tổ chức và quản lý sản xuất, khoa học công nghệ và khuyến ngư, phát triển thị trường, các cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ; chính sách giao, cho thuê sử dụng đất, mặt nước để nuôi tôm; chính sách về thuế, phí...

Trong đó, chính sách về tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có ngành tôm; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính sách về bảo hiểm, xây dựng cơ chế bảo hiểm ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất tôm, đặc biệt là khâu sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm; có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, các hợp tác xã; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đầu tư vào bảo hiểm ngành tôm Việt Nam...(TTXVN)
----------------------------

Lần đầu tiên sữa bột pha sẵn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Lần đầu tiên sữa bột pha sẵn của Việt Nam có giấy thông hành vào thị trường Mỹ nhờ được đối tác đánh giá chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sữa đến năm 2020 đặt ra ở mức rất khiêm tốn, chỉ từ 120-130 triệu USD/năm. Thế nhưng, với sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN), năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đã đạt 300 triệu USD, chủ yếu là các loại sữa chua, sữa nước đi các thị trường Trung Đông, Myanmar, Campuchia,… Không những xuất khẩu sản phẩm, các DN Việt đã đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài từ trang trại nuôi bò đến nhà máy chế biến để cung cấp sản phẩm cho thị trường Việt Nam và các nước.

Đầu năm 2018, ngành sữa Việt Nam có thêm thị trường mới là Mỹ khi DN tìm kiếm được phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh và quyết tâm đầu tư mạnh để đáp ứng yêu cầu khắt khe của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Lần đầu tiên sữa bột pha sẵn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh 1.

Lễ ký hợp đồng xuất khẩu sữa đi Mỹ

Theo đó, sáng nay 18-1, tại TP HCM đã diễn ra lễ ký hợp đồng xuất khẩu sữa sang Mỹ giữa Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (Nutifood) và Công ty thực phẩm Delori (Mỹ) dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Công Thương, Hiệp hội Sữa Việt Nam, lãnh đạo các ban ngành tại TP HCM.

Theo đó, Công ty thực phẩm Delori sẽ nhập khẩu và phân phối sữa bột pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus vào khoảng 300 siêu thị tại bang Califonia (Mỹ). Dự kiến doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên khoảng 20 triệu USD và nâng lên 100 triệu USD trong 5 năm tới. Đây là sản phẩm đang được bán chạy tại thị trường Việt Nam, sản phẩm xuất khẩu chỉ khác về thiết kế bao bì, ghi nhãn theo quy định thị trường Mỹ.

Lần đầu tiên sữa bột pha sẵn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh 2.

Dòng sản phẩm Pedia Plus xuất khẩu đi Mỹ

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Nutifood, cho biết để có giấy thông hành xuất khẩu sữa Pedia Plus vào Mỹ, 2 bên đã mất khoảng 2 năm chuẩn bị để đáp ứng quy định của FDA và tiếp nhận đánh giá của người tiêu dùng Mỹ khi dùng thử sản phẩm. Nutifood đã đầu tư 1 triệu USD để đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực theo quy trình quản lý của FDA. Ngoài ra, công ty này cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ trong 2-3 năm tới để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục