Australia từ chối bán công ty kiểm soát 1,3% diện tích quốc gia cho Trung Quốc
Nỗi lo 11.000 tỷ USD tại hai thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á
Lạm phát 500%, Venezuela thậm chí không có tiền để in thêm tiền
Số giàn khoan dầu ở Mỹ giảm gần 79%
Không phải nhà máy hay công xưởng, những ngành hoàn toàn mới lạ này mới là đầu tàu của kinh tế Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh 30-04-2016
- Cập nhật : 30/04/2016
Kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,5% trong quý đầu tiên của năm 2016
Bộ Thương mại Mỹ hôm qua công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 0,5% trong quý 1/2016 so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng này thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường là kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 0,7% trong quý đầu năm; và càng thua xa mức tăng của quý 4/2015 là 1,4%.
Lý giải nguyên nhân giảm tốc của kinh tế Mỹ, Bộ Thương mại nước này cho biết, là do sự sụt giảm mạnh trong đầu tư tài sản cố định, trong khi chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu Chính phủ cũng suy giảm.
Theo đó, chi tiêu tiêu dùng – vốn chiếm khoảng 70% của nền kinh tế Mỹ - chỉ tăng 1,9% trong quý đầu tiên, thấp hơn mức tăng 2,4% trong quý trước đó.
Sự chậm lại của kinh tế Mỹ càng khiến Fed thêm thận trọng đối với quyết định tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ hiện cũng đang rất yếu, trong khi kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đang tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.
Ngân hàng trung ương Úc: Kỳ vọng về một đợt nới lỏng tiền tệ mới
Lạm phát cơ bản tại Úc đang giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử khi lạm phát toàn phần hiện đang giảm mạnh hơn mức kỳ vọng trong quý I vừa qua. Điều này đang đưa vấn đề cắt giảm lãi suất quay trở lại bàn nghị sự trong các phiên họp của Ngân hàng Dự trữ liên bang Úc (RBA), đồng thời cũng gửi đi thông điệp về khả năng giảm giá của đồng đôla Úc so với USD trong thời gian tới.
Hiện tại, RBA đang theo dõi hai thước đo chỉ số lạm phát cơ bản, đó là lạm phát cơ bản bình quân và lạm phát cơ bản trung bình có trọng số. Tuy nhiên theo báo cáo mới nhất của RBA, cả hai chỉ số này hiện đều đang giảm xuống thấp hơn nhiều so với các dự báo đưa ra trước đây.
Trong mức giảm của chỉ số giá cả hàng hóa, các hàng hóa thương mại chịu tác động mạnh nhất với mức giảm 1,4% trước những biến động từ thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô quốc tế thời gian qua, trong khi đó các hàng hóa phi thương mại tăng nhẹ 0,4%.
Mức giảm mạnh của giá cả hàng hóa trong quý I đang khiến RBA sẽ khó đạt được mục tiêu lạm phát đề ra của năm 2016. Cụ thể, theo dự báo của Cục Thống kê Úc, chỉ số lạm phát cơ bản bình quân của năm 2016 ước đạt 1,7%, thấp hơn mức mục tiêu đề ra là 2%; trong khi đó chỉ số lạm phát cơ bản bình quân có trọng số chỉ ước đạt 1,4%, cũng thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu 1,9%. Theo đó, lạm phát toàn phần ước đạt 1,3%, thấp hơn mức 1,7% được đưa ra trước đó.
Với diễn biến như vậy của lạm phát, hiện nhiều NĐT cũng như các chuyên gia kinh tế đều cho rằng RBA sẽ sớm cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm % trong phiên họp diễn ra vào ngày 3/5 sắp tới. Đây sẽ là động thái cho thấy RBA tiếp tục nới lỏng chính sách sau một giai đoạn dài giữ lãi suất ở mức 2% như hiện nay.
Những dự báo này càng được củng cố khi trong 3 tháng đầu năm nay, đồng đôla Úc đã lên giá 5% so với USD, và điều này đang gây những ảnh hưởng không thuận lợi đến hoạt động xuất khẩu cũng như các hoạt động dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo, từ đó tác động tiêu cực đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2016.
Theo Paul Dales, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Australia và New Zealand tại Capital Economics cho biết, đối với một NHTW theo đuổi lạm phát mục tiêu như RBA, việc lạm phát đang cách quá xa mức mục tiêu như vậy thực sự là một vấn đề, và cần phải có những biện pháp điều chỉnh ngay lập tức.
Những dự báo này đã ngay lập tức tác động lên diễn biến của đồng đôla Úc. Cụ thể, đồng tiền này đã liên tục giảm giá so với đồng USD trong những phiên giao dịch gần đây, và hiện đang ở mức 1 đôla Úc quy đổi 76.61 USD cents, thấp hơn mức giao dịch bình quân 77.63 USD cents trước khi những số liệu vĩ mô trên được công bố.
Theo Gareth Berry, một chiến lược gia về tỷ giá và ngoại hối của ngân hàng Macquarie Ltd. tại Singapore, khả năng cắt giảm lãi suất của RBA trong phiên họp đầu tháng 5 là gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Động thái này của RBA sẽ kết thúc chuỗi tăng giá so với đồng USD kéo dài suốt 3 tháng qua của đồng đôla Úc, và thay thế vào đó xu hướng giảm giá sẽ quay trở lại.
Các chuyên gia kỳ vọng rằng khả năng cắt giảm lãi suất và xu hướng giảm giá sắp tới của đồng đôla Úc sẽ tạo động lực cho nền kinh tế quốc gia này trong những tháng còn lại của năm 2016 thông qua thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng chi tiêu dùng trong nước.
Trong năm 2015 vừa qua, việc đôla Úc giữ đà giảm giá trong hầu hết thời gian của năm đã khiến xuất khẩu tăng mạnh, và là nhân tố chính khiến Úc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong 2 quý cuối năm, đồng thời cũng hỗ trợ giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nước, chi tiêu dùng nội địa tăng cao.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng chuyển đổi của nền kinh tế Úc theo hướng bền vững hơn khi giảm dần sự phụ thuộc vào ngành khai thác mỏ vốn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong suốt một giai đoạn dài vừa qua, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò của khu vực xuất khẩu và chi tiêu dùng nội địa trong nền kinh tế.
Số doanh nghiệp phải bán vốn nhà nước sẽ rất nhiều
Tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong quý I năm nay thế nào, thưa ông?
Trong quý I/2016, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong 3 tháng đầu năm tuy không nhiều (cổ phần hóa được 30 đơn vị), nhưng chất lượng đã được nâng lên do Chính phủ quyết tâm đưa một số tập đoàn, tổng công ty vào danh sách cổ phần hóa trong năm nay.
Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp cao su sẽ hoàn tất các thủ tục cổ phần hóa trong năm nay, để đến quý I/2017 tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tổng công ty Phát điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và MobiFone cũng nằm trong danh sách cổ phần hóa trong năm nay.
Nhìn lại quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn vừa qua, ông đánh giá thế nào?
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2015 tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng cổ phần hóa, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, qua đó tạo môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi để triển khai thực hiện.
Kết quả là, trong giai đoạn 2011 - 2015, đã sắp xếp, cổ phần hóa được 558 doanh nghiệp nhà nước, trong đó, cổ phần hóa 478 đơn vị. Có thể nói, kết quả sắp xếp, cổ phần hóa đạt 93% kế hoạch là thành công. Hơn nữa, việc sắp xếp, cổ phần hóa đã từng bước làm thay đổi tư duy, phương thức quản lý, quản trị tại doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường sự giám sát của Nhà nước và xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chưa nhiều. Nguyên nhân là thị trường chứng khoán trồi sụt bấp bênh; thoái vốn tập trung vào doanh nghiệp lớn, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn do chưa kêu gọi được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Vậy theo ông, tinh thần sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn tới sẽ theo hướng nào?
Tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Hoàn thiện thể chế định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu,...) trong cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND cấp tỉnh đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Với tinh thần này, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, nhưng thực hiện có lộ trình, không nóng vội, gắn cổ phần hóa với niêm yết cổ phiếu.
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ sửa một số cơ chế để làm sao khi tiến hành IPO thì hồ sơ IPO đồng thời cũng là hồ sơ đăng ký lưu ký và đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán, ít nhất cũng phải đăng ký niêm yết trên sàn UPCoM.
Cụ thể, trong giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa thêm bao nhiêu đơn vị nữa, thưa ông?
Chúng tôi đang chờ Thủ tướng ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước để công bố danh sách doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, danh sách doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ vốn với tỷ lệ tối đa là bao nhiêu, còn lại phải cổ phần hóa và bán vốn hết. Dự kiến, số doanh nghiệp phải bán vốn nhà nước thì rất nhiều, nhưng số doanh nghiệp cổ phần hóa không nhiều lắm, chỉ khoảng 500 đơn vị.(BĐT)
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp Việt có xu hướng ngày càng teo tóp
Bức tranh tổng thể về cộng đồng doanh nghiệp được ông Lộc nêu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay, 29/4, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ gần 1.000 doanh nghiệp tại Hội trường Dinh Thống Nhất (TP.HCM) và nghe ý kiến của doanh nghiệp từ hàng chục điểm cầu trực tuyến khác.
Theo đó, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật doanh nghiệp, ở nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).
Trong riêng năm 2015 là 80.000 doanh nghiệp. Quý I/2016 tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Ông Lộc lưu ý rằng tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng lên, song chênh lệch giữa số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang thu hẹp lại. Trong điều kiện một nền kinh tế thị trường non trẻ, mở cửa, hội nhập và có nhiều cơ hội kinh doanh như ở Việt Nam, thì con số này rất đáng suy ngẫm và không thể coi là chuyện bình thường.
Cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế cũng có những biểu hiện đáng lo ngại: Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất cao chiếm tới trên 96%, còn nếu tính cả các hộ kinh doanh thì tỷ trọng còn cao hơn nhiều nữa. Chỉ có chưa đầy 2% là doanh nghiệp lớn và 2% là doanh nghiệp cỡ vừa.
Qui mô bình quân các doanh nghiệp xét theo tiêu chí lao động đã giảm đi trong những năm qua. Bình quân một doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 chỉ có 29 lao động, giảm so với qui mô 49 lao động của năm 2007. Theo ông Lộc đánh giá, doanh nghiệp Việt không những không lớn lên mà có xu hướng ngày càng teo tóp đi.
Xét về cơ cấu ngành nghề: Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tập trung nhiều vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, bất động sản, tài chính,ngân hàng… ít chú trọng đầu tư vào sản xuất. Chưa có nhiều các nhà chế tạo sản xuất và các nhà kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao là doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam. Cả nước mới chỉ có 1% số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp.
Những con số trên cho thấy, sau những năm sóng gió, suy giảm cả về sức sản xuất và niềm tin, bắt đầu từ cuối năm 2014, 2015, môi trường kinh doanh có phần khởi sắc, doanh nghiệp Việt mới đang bắt đầu quá trình hồi phục. Tuy nhiên, theo ông Lộc, đà hồi phục còn đang rất yếu, và xu hướng trì trệ, thiếu đột phá trong sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục. Năng suất và hiệu quả kinh doanh cải thiện không đáng kể, có mặt giảm sút nhìn chung chưa thể vui nổi với bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
9 nhóm vấn đề doanh nghiệp kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo những thông tin ban đầu, trên 900 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, vượt qua sức chứa của Hội trường Dinh Thống nhất. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải ngồi ở phòng trực tuyến thay vì có mặt trong Hội trường.
Cùng với các địa điểm trực tuyến tại 63 tỉnh thành, tổng số doanh nghiệp tham gia cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ sẽ là con số lớn nhất từ trước tới nay.
Ngay trước thềm hội nghị này, VCCI đã có văn bản gần 200 trang báo cáo về thực trạng và giải pháp kiến nghị với Thủ tướng và các bộ ngành có liên quan.
Có tới trên 170 nội dung liên quan đến 9 nhóm vấn đề chính mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm kiến nghị.
9 nhóm gồm: các vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục kinh doanh; thuế, hải quan; đất đai xây dựng, giải phóng mặt bằng, tài nguyên môi trường; vốn, tiếp cận vốn; giao thông, vận tải, phí và lệ phí; chính sách khoa học công nghiệp, bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ; báo chí, truyền thông; thanh tra, kiểm tra của các cơ quan hành chính và nhóm lao động, việc làm.
Theo kế hoạch, ngay sau cuộc gặp với doanh nghiệp vào buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm việc với các bộ, ngành trong buổi chiều để xem xét việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.