Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng: Nhiều rủi ro tiềm ẩn; Một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản tại ngân hàng; Chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel: “Bitcoin có thể sụp đổ hoàn toàn”;PV Power: PVN có thể giảm sở hữu xuống 36% vào năm 2019
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-01-2018
- Cập nhật : 19/01/2018
Hòa Phát đẩy mạnh sản xuất thép chất lượng cao
Thép cuộn chất lượng cao cho rút dây, thép làm lõi que hàn là hai sản phẩm có mức tăng trưởng lớn nhất trong tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2017.
Đại diện Hòa Phát cho biết, đơn vị này đã đạt sản lượng sản xuất và bán hàng 2,2 triệu tấn thép xây dựng, tăng 20% so với năm trước. Thị phần thép Hòa Phát nhờ đó tăng từ 22,2% cuối năm 2016 lên xấp xỉ 24%.
Thép cuộn chất lượng cao của Hòa Phát từng bước thay thế hàng nhập khẩu
Trước đó, Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 162.000 tấn thép thanh, thép cuộn tới các thị trường như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia,…Sản lượng xuất khẩu tới các thị trường khó tính ngày càng tăng mạnh cho thấy khả năng cạnh tranh cao của Thép Hòa Phát.
Mặt hàng thép cuộn chất lượng cao dùng cho rút dây với các mác thép SAE1006, SAE1008… đang được thị trường trong và ngoài nước đón nhận rất tích cực. Trong 266.000 tấn sản lượng thép chất lượng cao kể trên, Hòa Phát đã xuất khẩu 94.000 tấn và còn lại phục vụ các đơn vị rút dây thép, làm lõi que hàn trong nước.
Đặc biệt, Hòa Phát đã tăng cường sản xuất sản phẩm thép cuộn chất lượng cao phục vụ cho sản xuất rút dây thép, góp phần từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Trong năm 2018, thép Hòa Phát sẽ đẩy mạnh việc sản xuất thép cuộn cho rút dây để cung ứng cho thị trường.
Các sản phẩm chất lượng cao của Hòa Phát được sử dụng trong những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn đòi hỏi kỹ thuật cao, khả năng chịu tải, độ an toàn cao như tháp, cầu cạn, cầu vượt biển, nhà cao tầng, cáp treo,… đồng thời giúp tối ưu hóa không gian và chi phí vật liệu, rút ngắn thời gian thi công cho các công trình.(TBNH)
----------------------
Lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài năm 2017 đạt kỷ lục hơn 134.000 người
Lĩnh vực xuất khẩu lao động đạt thành tích ấn tượng trong năm 2017 với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt kỷ lục 134.000 người.
Ngày 18/1, Cục Quản lý Lao động ngoài nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2017, Việt Nam đưa được 134.751 lao động (trong đó, có 53.340 lao động nữ; chiếm 39,6%) đi làm việc tại nước ngoài; vượt 28,3% so với kế hoạch năm và tăng 6,7% so với 2016. Đây là năm thứ 4 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Đài Loan và Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong năm qua.
Lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài năm 2017 đạt mức kỷ lục hơn 134.000 người. Ảnh minh họa
Trong đó, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (bao gồm 24.502 lao động nữ), tăng 36,47% so với năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 100.000 người (nhiều nhất trong 15 nước có thực tập sinh tại Nhật Bản).
Đối với thị trường Đài Loan, tổng số lao động đi làm việc đạt gần 67.000 lao động (bao gồm 23.530 lao động nữ), chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm. Tính đến hết năm 2017, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan là hơn 206.000 người, đứng sau Indonesia, trong đó lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp chiếm trên 87%, dịch vụ xã hội chiếm 13%.
Năm 2018, Việt Nam phấn đấu đưa 110.000 lao động ra nước ngoài làm việc, trong đó lao động nữ chiếm 40%.(NDH)
---------------------------------
Giảm thuế theo các hiệp định thương mại, lo gian lận xuất xứ
Thông tin đáng chú ý nêu trên được đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) diễn ra sáng nay 18/1. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh dự và phát biểu chỉ đạo.
Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: T.Bình.
Theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, một trong những thách thức lớn đặt ra trong năm 2018 trong lĩnh vực hải quan liên quan đến tổ chức thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Với việc cắt giảm thuế quan trong các FTA, hoạt động gian lận thương mại liên quan đến trị giá có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, nhiều khả năng gia tăng các gian lận về xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan và phi thuế quan. Các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, các chất ma túy, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… cũng có xu hướng gia tăng. Do đó sẽ có nhiều yêu cầu về trao đổi thông tin, trợ giúp hành chính lẫn nhau cũng như kết nối các hệ thống hải quan để trao đổi thông tin nghiệp vụ, đàm các hiệp định, thỏa thuận song phương giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước…”- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Anh Tài nhấn mạnh.
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2018, đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể trong từng quý liên quan đến hợp tác song phương và đa phương.
Trong lĩnh vực hợp tác song phương, đáng chú ý đơn vị sẽ tiếp tục tập trung triển khai đàm phán các hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các đối tác quan trọng như Hải quan Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand… Về hợp tác đa phương, sẽ tập trung vào các diễn đàn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), ASEAN, APEC, ASEM…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh ghi nhận, biểu dương kết quả công tác năm 2017 của Vụ Hợp tác quốc tế, nhất là những đóng góp quan trọng của đơn vị trong các cuộc họp của Tiểu ban thủ tục Hải quan (SCCP) trong khuôn khổ năm APEC Việt Nam 2017…
Liên quan đến kế hoạch công tác năm 2018, ngoài các nhiệm vụ do đơn vị đề ra, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh đặc biệt lưu ý Vụ Hợp tác quốc tế cần tăng cường vai trò khi tham gia các đoàn đàm phán của Việt Nam về hợp tác kinh tế, thương mại với các nước, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu,rộng và nền kinh tế của Việt Nam ngày càng chịu ảnh hưởng, tác động lớn từ các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, Vụ Hợp tác quốc tế cần góp phần thực hiện tốt các hiệp định, các cam kết kinh tế, thương mại quốc tế đã được Việt Nam ký kết. Quá trình thực hiện các FTA cần chú trọng cả việc giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng yêu cầu đơn vị cần đẩy mạnh xúc tiến các nội dung hợp tác quốc tế gắn với tiến trình cải cách, hiện đại hóa của Ngành. Đồng thời cần có đánh giá, tổng kết về hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan thời gian vừa qua…(Baohaiquan)
-------------------------
"Cần dừng tạm nhập tái xuất đường"
Doanh nghiệp tạm nhập tái xuất đường bắt tay với lực lượng chức năng cửa khẩu Trung Quốc để được ưu tiên chỉ đường tạm nhập tái xuất đi qua gây nhiều khó khăn cho sản xuất mía đường trong nước, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết.
Xin ông cho biết nội dung văn bản khẩn cấp mà Hiệp hội Mía đường vừa trình lên Thủ tướng?
Trước đây, Nhà nước đã cấp phép cho một số doanh nghiệp tạm nhập tái xuất 220.000 tấn đường đến thời hạn 31/12/2017.
Chủ trương của Chính phủ đã được thống nhất bởi các bộ, ngành là từ tháng 1/2018 trở đi sẽ không cho tạm nhập tái xuất sản phẩm đường. Song mới đây, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị Thủ tướng cho phép gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã cấp qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai đến hết ngày 31/12/2019.
Hiệp hội Mía đường trình Thủ tướng đề nghị: đối với số lượng đường còn lại trong giấy phép tạm nhập tái xuất, không xem xét gia hạn theo kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Công Thương. Hoạt động xuất khẩu đường tại các cửa khẩu phụ ở Lào Cai nên để ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.
Đối với lượng đường đã tạm nhập về mà đến nay chưa tái xuất được (hiện tồn kho ở Lào Cai khoảng gần 40.000 tấn), đề nghị thực hiện đúng Khoản 4, Điều 11, Chương 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Có nghĩa là, lượng hàng này buộc phải xuất trả trở lại nước ban đầu.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành gồm: Bộ Công Thương chỉ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiểm tra đánh giá việc thực hiện tạm nhập tái xuất đường đã được cấp phép đến hết 31/12/2017.
Hoạt động tạm nhập tái xuất đường ảnh hưởng như thế nào đến ngành mía đường nước ta, thưa ông?
Đường trong nước đang tồn kho lớn rất khó khăn khi tiêu thụ, vì vậy rất cần khơi thông cửa xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện chúng ta chỉ có con đường xuất khẩu đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và rất khó khăn.
Từ năm 2012, phía Trung Quốc cho phép ta đưa sản phẩm đường tiểu ngạch qua duy nhất cửa khẩu phụ Bản Vược ở tỉnh Lào Cai.
Cụ thể: năm 2012 xuất đi được 52.000 tấn; năm 2013 là 174.791 tấn; năm 2014 được 182.402 tấn; năm 2015 xuất 86.890 tấn. Năm 2016 hầu như không xuất được tấn đường nào qua các cửa tiểu ngạch. Năm 2017, một số cửa khẩu phụ của Trung Quốc biên giới với Lào Cai gồm Mường Khương, Bản Vược, Na Lốc, Lũng Pô và Bản Quẩn mở cửa trở lại cho sản phẩm đường đi qua.
Thế nhưng các doanh nghiệp chỉ xuất tiểu ngạch được 2.500 tấn đường do đường trong nước bị hàng tạm nhập tái xuất cạnh tranh quyết liệt nên rất khó xuất khẩu. Hoạt động tạm nhập tái xuất đường không đem lại lợi ích gì cho nước ta: không nộp thuế VAT, không tạo việc làm cho người dân...
Doanh nghiệp tạm nhập tái xuất đường bắt tay với lực lượng chức năng cửa khẩu Trung Quốc để được ưu tiên chỉ đường tạm nhập tái xuất đi qua gây nhiều khó khăn cho sản xuất mía đường trong nước.
Đã đến hạn thực thi cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với mặt hàng đường. Thưa ông, hoạt động tiêu thụ đường thời điểm này thế nào?
Niên vụ sản xuất 2018/2019 đã vào vụ hơn 2 tháng, nhưng lượng đường tồn kho của niên vụ cũ vẫn còn 200.000 tấn, thêm gần 100.000 tấn của niên vụ sản xuất mới. Tiêu thụ đường rất chậm, vì những đối tác tiêu thụ đường ngừng nhập hàng, trông chờ thời điểm thực thi ATIGA (1/1/2018) thuế nhập khẩu đường khu vực ASEAN xuống 0% mới mua hàng.
Thời điểm này, toàn ngành mía đường đang vô cùng khó khăn, nhiều nhà máy đã phải bán bằng giá đường nhập lậu, tức là dưới giá thành và chấp nhận lỗ, nhưng vẫn không tiêu thụ được.
Đã có nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Trong khi giá mua mía cho nông dân vẫn bằng niên vụ 2016/2017 vì chính quyền các địa phương can thiệp không cho hạ giá thu mua mía, thậm chí họ còn yêu cầu các nhà máy phải mua cao hơn năm trước.
Để tháo gỡ khó khăn, xét đề nghị của Hiệp hội Mía đường, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình lên Chính phủ, kiến nghị lùi thời gian thực hiện ATIGA đối với mặt hàng đường đến năm 2020 và khả năng sẽ được Thủ tướng phê chuẩn trong vài ngày nữa.
Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng đang muốn tạm dừng ATIGA đối với mặt hàng đường, nên hành động này của nước ta sẽ không bị các nước phản đối. Khi có quyết định của Chính phủ, các đối tác tiêu thụ đường sẽ không còn hy vọng chờ, họ sẽ phải mua đường, lúc đó ngành mía đường mới tiêu thụ được sản phẩm.
Ông có những kiến nghị gì về chính sách đối với ngành mía đường?
Trước hết, Hiệp hội Mía đường đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt cho ra đời Quỹ Hỗ trợ ngành mía đường. Kinh phí của quỹ chủ yếu do các doanh nghiệp mía đường tự đóng góp, nhưng hiệp hội chỉ xin 20% khoản tiền từ việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đưa vào quỹ này để làm vốn mồi ban đầu, thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm phê duyệt đề án tổ chức hệ thống giống mía 3 cấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Mía đường để đảm bảo hành lang pháp lý cho ngành phát triển, đồng thời sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành mía đường.(Vneconomy)