S&P hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc xuống mức tiêu cực
"Tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam rất thấp"
Công nghiệp hỗ trợ: Còn nhiều hạn chế
Ít doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ
Nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực da giày
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-07-2016
- Cập nhật : 29/07/2016
Đại gia Hàn Quốc có thể chi hơn 700 tỷ đồng mua Xúc xích Đức Việt
Thương vụ dự kiến hoàn tất vào đầu tháng 8 tới nếu phía Daesang Corp mua được 99,99% cổ phẩn của Thực phẩm Đức Việt.
Thông tin về việc Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp (đơn vị sở hữu thương hiệu bột ngọt Miwon - Hàn Quốc) tiếp tục mở rộng hoạt động chế biến thịt tại Việt Nam thông qua thương vụ mua Công ty Thực phẩm Đức Việt được báo chí Hàn Quốc chia sẻ từ cuối tháng 6. Còn theo Reuters, đại gia thực phẩm này dự kiến chi 37,52 tỷ won (khoảng 33 triệu USD, tương đương hơn 700 tỷ đồng) để mua 13 triệu cổ phiếu của Đức Việt.Trao đổi với VnExpress giữa tuần này, nguồn tin từ Công ty Thực phẩm Đức Việt cho biết 2 bên vẫn đang trong quá trình đàm phán song chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Theo nhận định của phía Daesang, Công ty Thực phẩm Đức Việt là một trong những doanh nghiệp chế biến xúc xích tươi lớn nhất tại Việt Nam với doanh thu năm 2015 khoảng hơn 600 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 40 tỷ.
Ông Mai Huy Tân hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty, sở hữu 28,6% vốn tại đây. Sinh năm 1949, xuất thân là tiến sĩ toán học, ông Tân khởi nghiệp và lập ra thương hiệu xúc xích Đức Việt năm 2000 sau hơn 30 năm làm công chức Nhà nước. Trải qua 16 năm phát triển, vốn điều lệ của Đức Việt là 130 tỷ đồng.
Tập đoàn Daesang cũng có nhiều năm sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với thương hiệu bột ngọt Miwon. Đầu tư vào ngành thịt chế biến bước đi mới mẻ của Daesang tại thị trường này. Tuy nhiên, việc thâu tóm Xúc xích Đức Việt sẽ giúp tập đoàn này có chỗ đứng trên thị trường thịt chế biến, bên cạnh các đối thủ lớn.
Trước đó từ đầu năm 2016, trong ngành này đã diễn ra một cuộc đua mua cổ phần của Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Theo đó, Tập đoàn Masan đã giành chiến thắng khi chi tới 2.130 tỷ đồng mua 25% cổ phần của ông lớn trong ngành thịt chế biến, xúc xích tại Việt Nam.(Vnexpress)
Nghi thép Trung Quốc dùng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu
Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, theo thông tin từ Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF), Hải quan Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan trong thời gian qua ghi nhận một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại.
Nếu nghi ngờ này được xác minh, OLAF sẽ kiến nghị Hải quan các nước nhập khẩu truy thu thuế chống bán phá giá (58%) mà EU đang áp dụng đối với thép Trung Quốc. Số liệu cho thấy có 190 chuyến hàng thép cuộn phủ sơn hoặc được xếp lên tàu tại các cảng của Việt Nam hoặc mang theo C/O Việt Nam do VCCI cấp đã được nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013 – 2014. Tổng trị giá các chuyến hàng khoảng 19 triệu USD.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thép trong tháng 6/2016 đạt 1,84 triệu tấn, trị giá 820 triệu USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu thép đã lên tới 9,66 triệu tấn, gần bằng 2/3 tổng lượng thép nhập khẩu trong năm 2015.
PVI đạt doanh thu gần 4.200 tỷ đồng, tiếp tục đứng đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm 2016 tổ chức vào tháng 7/2016, ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI tổng doanh thu gần 4.200 tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch 6 tháng, tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc chiếm 21% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Bảo hiểm PVI.
Trong công tác mở rộng mạng lưới kinh doanh, 6 tháng đầu năm Bảo hiểm PVI cũng đã thành lập thêm 01 đơn vị thành viên tại Hà Nội và 15 phòng kinh doanh khu vực; đồng thời triển khai các phương án thành lập đơn vị tại các địa bàn tiềm năng khác. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm Bảo hiểm PVI sẽ thành lập thêm 02 đơn vị mới.
Người dùng tiếp tục mang về hàng tỷ USD cho Facebook
Mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện có tổng cộng 1,71 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng, giúp doanh thu của Facebook tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ 2015.
Trong đó, số người dùng di động là 1,57 tỷ, tăng 20% so với năm ngoái. Tính trung bình, mỗi ngày, khoảng 1,13 tỷ người sử dụng Facebook.
Theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, mạng xã hội này đạt doanh thu 6,4 tỷ USD, tăng so với 4 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận tăng gần gấp 3 lên 2,06 tỷ USD, chủ yếu nhờ quảng cáo trên thiết bị di động.
Không chỉ tăng trưởng người dùng, số tiền họ kiếm được trên mỗi người cũng nhiều hơn. Tính trung bình, Facebook kiếm được 3,82 USD mỗi người trong quý trước, tăng từ 2,76 USD năm ngoái. Sức tăng chủ yếu đến từ Mỹ.
Sau tin tức này, cổ phiếu Facebook hôm qua vốn đã lên cao kỷ lục, thì đến phiên giao dịch thỏa thuận lại tăng thêm 5% nữa.
Thời gian gần đây, Facebook liên tục đầu tư vào các công nghệ mới, như thực tế ảo (VR), tin nhắn, thiết bị bay không người lái và truyền trực tiếp video. Thời gian người dùng sử dụng Instagram cũng dài hơn, và ứng dụng chat Messenger cũng đã cán mốc một tỷ người dùng mỗi tháng.
Như vậy, hiện Facebook đã có 4 sản phẩm có từ một tỷ người dùng trở lên. Đó là Messenger, WhatsApp, Groups và Facebook. Instagram tháng trước đã chạm mốc 500 triệu người dùng và được dự báo mang về 1,5 tỷ USD doanh thu quảng cáo trên di động năm nay, theo hãng nghiên cứu eMarketer.
VAMI tố doanh nghiệp nhập khẩu khai gian giá ôtô Trung Quốc để lách thuế
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí tính toán ngân sách thất thu ngót nghét 1.000 tỷ đồng mỗi năm do các nhà nhập khẩu ôtô Trung Quốc khai giảm giá để lách thuế.
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) vừa có văn bản do Tổng thư ký Đào Phan Long ký gửi Bộ Tài chính “tố” một số nhà nhập khẩu trong nước khai giá nhập ôtô Trung Quốc thấp hơn thực tế.Hiệp hội này dẫn chứng, dòng xe ben Chassic giá thực tế là 40.900 USD nhưng khi doanh nghiệp khai báo hải quan chỉ là 21.865 USD. Tính ra với mức giá chênh lệch hơn 19.035 USD và thuế nhập khẩu 25%, khoản tiền Nhà nước thất thu khoảng 106 triệu đồng mỗi xe.
Giá nhiều loại xe nhập từ Trung Quốc chỉ được khai bằng một nửa giá thực tế để lách thuế. Ảnh minh hoạ
“Giả sử một năm Việt Nam nhập khẩu dòng xe này với số lượng là 10.000 thì tính sơ sơ, Nhà nước sẽ bị thất thu số thuế nhập khẩu khoảng 1.061 tỷ đồng”, VAMI tính toán.
Với những số liệu trên, Hiệp hội này nhìn nhận việc các doanh nghiệp khai báo giá thấp hơn giá nhập khẩu thực tế “đã làm thất thu ngân sách Nhà nước, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe ôtô trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc”.
Ngoài thất thu tiền thuế, VAMI còn cho rằng, việc khai báo giá nhập ôtô thấp hơn thực tế sẽ khiến xe lắp ráp trong nước không cạnh tranh được về giá với xe nhập nguyên chiếc. Các doanh nghiệp cơ khí đã đầu tư để nội địa hóa cũng gặp nhiều khó khăn… đẩy hàng chục nghìn lao động vào cảnh không có việc làm.
Theo văn bản, hiệp hội này mong muốn Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá khai báo nhập khẩu đầu vào tại các cửa khẩu, kiểm tra làm rõ hóa đơn đầu ra – đầu vào để có chế tài xử lý thật nghiêm đối với các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo giá sai .
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng ôtô tải nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là 6.972 xe, trị giá gần 267 triệu USD. Tuy con cố này giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 16.925 chiếc), nhưng Trung Quốc vẫn là nước cung cấp nhiều thứ 3 về ôtô nguyên chiếc cho Việt Nam sau Thái Lan và Hàn Quốc.