Hacker đánh cắp hàng tỷ USD từ Mỹ chuyển sang Trung Quốc
Thịt bò Brazil được phép trở lại Mỹ sau 17 năm đàm phán
Sắp bỏ kiểm dịch trứng gia cầm
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 13 loại mỹ phẩm không đạt chất lượng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-07-2016
- Cập nhật : 30/07/2016
Đại gia dầu khí Trung Quốc lo lỗ 1,2 tỷ USD
Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cảnh báo có thể lỗ nặng nửa đầu năm nay do giá dầu thấp.
Dựa trên "đánh giá sơ bộ", CNOOC dự báo lỗ ròng 8 tỷ NDT (1,2 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm, hãng cho biết trong một báo cáo gửi sàn chứng khoán Hong Kong. Cùng kỳ năm ngoái, họ lãi ròng 14,7 tỷ USD.
Theo Bloomberg, đây sẽ là khoản lỗ nửa năm đầu tiên kể từ năm 2000 - khi họ niêm yết trên sàn Hong Kong. CNOOC cho rằng việc giá dầu thô "giảm mạnh", cũng như phải giảm giá trị các cơ sở khai thác dầu ở Canada trong báo cáo tài chính, là nguyên nhân gây ra khoản lỗ trên. Tuy nhiên, hãng không cho biết thêm chi tiết.
Năm 2013, CNOOC đã mua Nexen Energy của Canada với giá 15 tỷ USD. "CNOOC đã trả quá cao cho các cơ sở cát dầu của Nexen. Vì thế, họ đã phải giảm giá trị một số tài sản, do mức giá hiện tại cũng có nghĩa hoạt động lọc dầu đắt đỏ sẽ không mang lại lợi nhuận", Tian Miao - nhà phân tích tại North Square Blue Oak cho biết.
Cổ phiếu CNOOC sáng nay đã giảm hơn 2% trên sàn Hong Kong sau thông báo trên. Ngoài CNOOC, nhiều hãng năng lượng Trung Quốc khác cũng chịu tác động từ giá dầu thấp. Hồi tháng 4, PetroChina cho biết lỗ 13,8 tỷ NDT quý I. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, họ lãi 6,15 tỷ NDT.
CNOOC là công ty sở hữu giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981). HD-981 bắt đầu hoạt động trên Biển Đông từ đầu tháng 5/2012, được xem là "bước tiến đáng kể" trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí biển của Trung Quốc. Từ ngày 2/5 đến 15/8/2014, giàn khoan này từng là tâm điểm tranh cãi khi được đưa đến tác nghiệp ngay tại vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông.(VNexpress)
Website của Vietnam Airlines bị tin tặc tấn công
Chiều nay (29/7), trang web của Vietnam Airlines tại địa chỉ https://www.vietnamairlines.com đã bị tin tặc tấn công, thay đổi giao diện.
Theo thông tin hiển thị trên trang vào thời điểm đó, 1937cN nhận là “thủ phạm” đứng sau vụ tấn công này. Đây là nhóm tin tặc được cho là mạnh nhất ở Trung Quốc.
Không chỉ giao diện trang chủ bị thay đổi, tin tặc còn để lại những lời công kích mang những nội dung bôi xấu Việt Nam, Philippines và xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông.
Lúc 17h, đại diện Vietnam Airlines xác nhận với Zing.vn về vụ tin tặc tấn công và cho biết đang họp khẩn về vấn đề này. Đơn vị sẽ sớm có phát ngôn chính thức về sự cố này.
Hơn 17h chiều nay 29/7, sự cố đã được khắc phục ở trang chính của hãng, website trở lại hoạt động bình thường.
Trong khi đó, đến 18h30 trang Golden Lotus của hãng hàng không vẫn chưa truy cập được.
Các tin tặc đã cho phát tán một bảng danh sách ước tính hơn 400.000 tài khoản của những hội viên Vietnam Airlines trên mạng trong đó có đầy đủ thông tin như: ngày gia nhập, điểm tích lũy, ngày hết hạn... Bảng danh sách này có dung lượng hơn 90 MB.
Nguồn tin của Zing.vn,cho biết hiện các nhân viên của Vietnam Airlines đang được yêu cầu đổi mật khẩu email nội bộ đề phòng bị tin tặc tấn công.
Trước đó, vào tháng 5/2014, 1937cN từng tấn công vào hơn 200 website của Việt Nam và để lại những lời nhắn, hình ảnh mang tính chất khiêu khích.
Cùng ngày, tại một màn hình ở khu vực làm thủ tục hành khách của Hãng Hàng không Vietjet tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng xuất hiện nội dung này.
Trong khi đó, sân bay Nội Bài cho biết sự cố thông tin tại đây nghiêm trọng hơn Tân Sơn Nhất, thông tin sai trái hiển thị ở hầu hết các quầy thủ tục và đã lan sang hệ thống phát thanh.
Trước sự việc trên, lãnh đạo Cảng hàng không Nội Bài đã quyết định cho che màn hình bị lỗi và tiếp tục làm thủ tục để bảo đảm hoạt động bình thường của sân bay. Tuy nhiên ngay sau đó, nội dung này bị lan sang các màn hình ở các quầy thủ tục của các hãng khác.
Sau 16h, những nội dung này xuất hiện ở một số quầy thủ tục sân bay Nội Bài. Các hãng hàng không được yêu cầu giữ nguyên tình trạng để cơ quan an ninh vào cuộc làm rõ.
17h chiều nay, tình trạng mạng nội bộ bị can thiệp và tình hình trên đã được thông báo đến 21 cảng hàng không trên toàn quốc để có biện pháp ứng phó.(Zing)
Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô kêu cứu Thủ tướng
Một số doanh nghiệp ôtô nhỏ và vừa cho rằng áp dụng và duy trì quy định của Thông tư 20 đã trao quyền "sinh sát" các nhà nhập khẩu Việt vào tay các hãng xe nước ngoài.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô vừa và nhỏ tại Việt Nam vừa chính thức có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và một số cơ quan khác về việc bãi bỏ Thông tư 20.
Theo nội dung văn bản này, chỉ riêng quy định về giấy ủy quyền trong Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương đã có ý nghĩa và tác động như một điều kiện kinh doanh, là "cái cớ cho các hãng xe ép các doanh nghiệp Việt Nam".
"Đã có những doanh nghiệp trong chúng tôi làm ủy quyền cho một số hãng, nhưng họ ép về doanh số, giá, chất lượng sản phẩm. Họ cho gì chúng tôi được nhập đấy, không có sự lựa chọn", đại diện nhóm doanh nghiệp nói.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp này, trong trường hợp làm tốt, các hãng xe sẽ yêu cầu góp vốn. Nếu nhà nhập khẩu không đồng ý, các hãng có thể cắt uỷ quyền và cấp cho người khác ngay. "Thông tư 20 đẩy doanh nghiệp ôtô nhỏ và vừa luôn bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng xe nước ngoài. Họ mặc nhiên có quyền sinh quyền sát đối với các doanh nghiệp Việt Nam", văn bản nêu.
Đặc biệt, qua 5 năm triển khai, các đơn vị cho rằng Thông tư 20 còn tạo điều kiện cho các xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam, vì chỉ cần một giấy ủy quyền chính hãng là đã nhập được xe. Trong khi đó, các hãng xe Trung Quốc rất dễ dàng cấp giấy ủy quyền cho các doanh nghiệp Việt, miễn sao bán được hàng cho họ mà không có bất kỳ một ràng buộc khắt khe nào.
"Khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhập được xe chất lượng cao từ các nước phát triển thì sẽ sẵn sàng làm đại lý bán xe Trung Quốc, nên việc giữ lại Thông tư 20 chỉ làm cho Việt Nam thành bãi xe ôtô con của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, xe Trung Quốc chất lượng thấp nên người tiêu dùng đã không lựa chọn", nhóm doanh nghiệp nêu.
Bên kiến nghị cũng nhận định qua vài chục năm, các mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa đạt được, dù Nhà nước đã cấp khá nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai… cho các doanh nghiệp lắp ráp ôtô kiêm nhập khẩu, kinh doanh ôtô.
Các điều kiện kinh doanh của Thông tư 20 được nhận định đã tạo ưu đãi kép (lập hàng rào phi thuế quan) cho các doanh nghiệp lắp ráp ôtô, trong khi họ không nỗ lực thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành công nghiệp ôtô lẫn ngành công nghiệp cơ khí. Không có bất kỳ một bảo đảm nào về mối quan hệ của việc hạn chế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc với sự phát triển thành công của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô.
Ngược lại, việc mở rộng nhập khẩu ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống sẽ tác động tới việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành của ôtô lắp ráp trong nước, cũng tương tự như xe máy Trung Quốc giá rẻ tràn vào bắt buộc các hãng lắp ráp xe máy phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giành lại thị phần.
"Trong 5 năm qua, hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn do không thể nhập khẩu được. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào các showroom, thuê nhân viên, đầu tư các gara sửa chữa để bảo hành cho khách nhưng nhiều doanh nghiệp không thể cầm cự nổi đã phải đóng cửa", nhóm doanh nghiệp bày tỏ.
Các đơn vị này cũng khẳng định việc nhập khẩu ôtô không ảnh hưởng nhiều đến nhập siêu của đất nước. Về cáo buộc trốn thuế trong những năm qua, doanh nghiệp cho rằng Bộ Tài chính đã ra quy định để không chấp thuận khi họ khai giá thấp.
"Thông tư 20 bắt buộc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô của thương nhân nhập khẩu phải đầu tư trang thiết bị chuyên dùng hàng tỷ đồng. Thực tế, những thiết bị này chỉ được dùng trong những trạm kiểm tra xe trước khi xuất xưởng của cơ sở sản xuất lắp ráp ôtô và Trạm đăng kiểm ôtô của Cục Đăng kiểm. Điều kiện này gây khó khăn và tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp, không phát huy được tính linh hoạt của thị trường", nhóm doanh nghiệp nói và cho biết tất cả ôtô không có giấy uỷ quyền muốn lưu thông trên đường đều phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước sở tại là Việt Nam và Cục Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Vì vậy, nhóm doanh nghiệp nêu trên đề nghị bãi bỏ Thông tư 20 nhằm hướng đến sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường ôtô Việt Nam.(Vnexpress)
Big C vẫn chây ì nộp thuế chuyển nhượng
3 tháng sau thông báo chuyển nhượng cho đối tác Thái, Big C đến nay vẫn chưa kê khai nộp thuế, nên cơ quan chức năng cho biết sẽ xử lý vi phạm và phạt thêm phí chậm nộp với công ty này.
Tổng cục Thuế vừa tiếp tục gửi văn bản nhắc nhở Công ty TNHH thương mại quốc tế và dịch vụ Siêu thị Big C Thăng Long về việc chậm nộp thuế chuyển nhượng sau khi Tập đoàn Casino (Pháp) bán hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan). Việc chuyển nhượng đã được công ty này thông báo chính thức hoàn tất từ ngày 29/4 nhưng đến nay, sau gần 3 tháng, đơn vị này vẫn không kê khai và nộp thuế chuyển nhượng vốn.
Trong văn bản, Tổng cục Thuế khẳng định hệ thống siêu thị Big C Việt Nam phải có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế thu nhập doanh nghiệp của thương vụ chuyển nhượng này. Lý do là Big C Việt Nam được thành lập theo pháp luật Việt Nam nên phải nộp thuế thay cho Tập đoàn Central Group - đơn vị mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam khi doanh nghiệp này không hoạt động ở Việt Nam.
Nếu chậm nộp, ngoài số tiền thuế chuyển nhượng phải đóng, Big C sẽ phải nộp thêm phí phạt là 0,05% một ngày (nếu nộp chậm dưới 90 ngày) hoặc 0,07% một ngày (nếu nộp chậm trên 90 ngày).
Trước đó, ngành thuế trong năm 2015 cũng thu được 1.911 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng trong thương vụ Metro Cash & Carry Việt Nam chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới là TCC Land International bởi bản chất khoản thu nhập từ giao dịch chuyển nhượng vốn này có nguồn gốc từ Việt Nam.
Ukraine cấm hàng trăm công ty xuất nhập khẩu Nga
Ngày 29/7, Cơ quan An ninh Ukraine đã cấm hoạt động xuất khẩu sang Ukraine đối với 243 công ty Nga do đã hợp tác với các doanh nghiệp đặt tại vùng lãnh thổ Donbass không thuộc kiểm soát của Kiev.
Theo thông báo, công ty luật độc lập Trustee đại diện cho lợi ích của Liên bang Nga đã gửi đơn lên tòa án yêu cầu "bác khiếu nại của Ukraine và đưa ra phán quyết buộc Ukraine phải hoàn trả giá trị khoản trái phiếu (3 tỷ USD) cộng với tiền lãi 75 triệu USD và phần trăm tồn đọng của toàn bộ số nợ từ trái phiếu".
Hồi tháng 2/2016, Nga đã đệ đơn lên Tòa án London kiện Ukraine, theo đó yêu cầu Kiev trả khoản nợ 3 tỷ USD và lãi chưa thanh toán là 75 triệu USD. Đó là số nợ còn lại từ khoản vay do Nga cung cấp vào năm 2013 thông qua thị trường chứng khoán Ukraine.
Văn phòng Tổng thống Nga cho biết Nga sẽ kiện và yêu cầu tòa án quốc tế phong tỏa các tài sản ở nước ngoài của Ukraine để siết nợ nếu chính quyền Kiev không chịu trả khoản nợ 3 tỷ USD. Thông báo này được đưa ra để đáp trả tuyên bố ngày 27/7 của Bộ trưởng Tài chính Ukraine Oleksandr Danylyuk rằng Kiev không thể thay đổi điều kiện tái cơ cấu nợ, trong đó có nợ Nga, và khẳng định “không cần phải hoàn trả” khoản nợ trên cho phía Nga.