tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-07-2016

  • Cập nhật : 30/07/2016

Ricons đạt 1.725 tỷ đồng doanh thu sau 6 tháng

 6 tháng đầu năm nay, Ricons đạt hơn 1.725 tỷ đồng doanh thu thuần và 55 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 105,36% và 189,47% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm Ricons vừa công bố, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của Công ty đều chuyển biến mạnh mẽ và tích cực so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 1.725 tỷ đồng, tăng 105,36% so với cùng kỳ năm 2015 và hoàn thành 43,13% kế hoạch năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh thu từ hoạt động xây lắp chiếm hơn 82% với con số đạt được rất ấn tượng là 1.416 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 55 tỷ đồng, tăng 189,47% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Ricons đã ký kết nhiều hợp đồng xây dựng với tổng giá trị ước tính lên tới 4.640 tỷ đồng, trong đó có các dự án nổi bật như: River City, Masteri Villas, Khu căn hộ cao cấp Dịch vụ Nam Sài Gòn, Vinhomes Golden River, Nhà máy Regina Hải Phòng, Nhà máy Worldon… Đặc biệt, cùng với Coteccons Group, Ricons hiện đang tham gia vào “siêu dự án” The Landmark 81 thuộc khối Vinhomes Central Park. Với chiều cao 461m, sau khi hoàn thành, dự án này sẽ chiếm giữ danh hiệu tòa tháp cao nhất Việt Nam và ghi danh vào vị trí thứ 8 trong số các tòa nhà cao nhất thế giới.

Như vậy, đến thời điểm này, bức tranh tăng trưởng của Ricons đã hiện ra khá rõ nét, với tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt hơn 45,83% kế hoạch cả năm 2016.

“Khả năng hoàn thành kế hoạch 4.000 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lợi nhuận cho năm 2016 của Ricons hiện rất khả quan, nhất là khi ngày càng nhiều chủ đầu tư tin tưởng giao cho Công ty thực hiện các dự án quy mô có giá trị hàng nghìn tỷ đồng”, ông Lê Miên Thụy, Tổng giám đốc Ricons cho biết.

Bên cạnh việc chú trọng đảm bảo tốc độ tăng trưởng về doanh thu, Ricons vẫn luôn tập trung phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng khối lượng công việc ngày càng gia tăng. Với quan điểm “Con người là tài sản quý giá nhất”, trong 2 quý đầu năm, tổng số nhân viên của Ricons đã tăng hơn 31%, từ 373 người lên khoảng 500 người. Trong đó, cơ cấu nhân sự trình độ đại học và trên đại học chiếm khoảng 80%. Đây cũng là lực lượng chủ chốt, đảm bảo cho thành công của tất cả dự án.

Nhà đầu tư nước ngoài chi gần 3 tỷ USD mua cổ phần ở Việt Nam

Trong vòng 1 năm qua, đã có 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 2,948 tỷ USD. Lần đầu tiên, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thông tin này.

Lần đầu tiên được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, thay vì chỉ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như trước đây. Thông tin được tổng hợp từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.

Theo đó, tính từ ngày 1/7/2015 đến ngày 20/7/2016, đã có 1.709 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ góp vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tổng giá trị vốn góp là 1,894 tỷ USD.

..

Trong đó, tính riêng trong 7 tháng năm 2016, có 1.284 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp là 1,512 tỷ USD.

Nếu tính theo ngành, thì các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Con số cụ thể là đầu tư vào 33 doanh nghiệp, tổng giá trị vốn góp 350,1 triệu USD, chiếm 23,1% tổng giá trị vốn góp.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ có tổng hợp đứng thứ 2 với 57 dự án, tổng giá trị vốn góp 318,9 triệu USD, chiếm 21% tổng số vốn góp. Lĩnh vực bán buôn có 197 dự án và tổng giá trị vốn góp là 77,3 triệu USD, chiếm 5,1% tổng số vốn góp. Tiếp theo là các lĩnh vực vận tải hành khách hàng không, sản xuất sản phẩm từ plastic và các lĩnh vực khác.

Còn nếu tính theo quốc gia, trong 7 tháng năm 2016, đã có 65 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với 107 dự án, tổng giá trị vốn góp 488,4 triệu USD, chiếm 32,3% tổng số vốn góp.

Tiếp đó là nhà đầu tư Hàn Quốc, với 331 dự án, tổng giá trị vốn góp 231 triệu USD, chiếm 15,2% tổng số vốn góp. Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đứng các vị trí tiếp theo, với tổng số vốn góp lần lượt là 157 triệu USD, 130,8 triệu USD và 65,8 triệu USD.

Cùng với đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, từ 1/7/2015 đến nay, cả nước cũng đã có 1.432 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mà trong đó phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nhỏ hơn 50%. Tổng giá trị vốn góp là 1,054 tỷ USD.

Như vậy tính chung từ 1/7/2015 đến nay đã có 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 2,948 tỷ USD.

Tổ chức tài chính “thư giãn” trên thị trường trái phiếu

Các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang tận hưởng thời gian thư thái trên thị trường trái phiếu khi mà các yếu tố trên thị trường khá yên bình và nhiều tổ chức đã chốt lời tương đối khá so với kế hoạch năm và cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường trái phiếu Chính phủ dự báo có thêm một năm tốt đẹp khi mà Bộ Tài chính đã bán chạy loại hàng hóa này từ đầu năm tới nay. Tỷ giá, lãi suất và thanh khoản của các tổ chức tín dụng đến thời điểm này đều ổn định hơn nhiều năm trước.

Các nhà đầu tư trên thị trường cũng đã hấp thụ tốt lượng trái phiếu Bộ Tài chính bán ra và đẩy giao dịch sôi động hơn trên thị trường thứ cấp. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá mạnh trái phiếu Chính phủ.

Tính tới thời điểm hiện tại, tổng khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ đã đạt 81,3% so với kế hoạch cả năm của Bộ Tài chính (250.000 tỉ đồng).

nguon: bvsc

Nguồn: BVSC

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-7-2016 ước tính đạt 500.800 tỉ đồng, bằng 49,4% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 397.300 tỉ đồng, bằng 50,6%; thu từ dầu thô đạt 21.600 tỉ đồng, bằng 39,6%. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 80.400 tỉ đồng, bằng 46,8%.

Con số này nếu cộng thêm nguồn huy động bằng trái phiếu Chính phủ, theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là trên 206.878 tỉ đồng tính đến ngày 27-7 thì có thể thấy trái phiếu chính phủ đã “đỡ” cho đầu vào ngân sách nhà nước một phần khá lớn. Ở đây tổng số huy động chưa trừ đi khối lượng trái phiếu huy động để bù vào phần đáo hạn trong năm nay.

Nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu thứ cấp tiếp tục xu hướng mua ròng tuần thứ tám liên tiếp. Tính từ đầu năm đến ngày 25-7, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 17.057 tỉ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Lợi suất trái phiếu vài tuần qua diễn biến trái chiều. Trong đó lợi suất trung bình các kỳ hạn ngắn 1-3 năm giảm nhẹ, ngược lại lợi suất các kỳ hạn 5 năm và 10 năm tăng nhẹ, riêng kỳ hạn 7 năm và 15 năm hiện xoay quanh mức 6,6% và 7,6%/năm.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm và 3 năm lần lượt đứng ở mức 4,36% và 5,3%/năm, kỳ hạn 2 năm ở mức 4,8%/năm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm ở mức 6,15% và 7%/năm.

Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành tổng khối lượng 50.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong quý 3 này, gồm 5.000 tỉ đồng kỳ hạn 3 năm, 22.000 tỉ đồng kỳ hạn 5 năm, 10.000 tỉ đồng kỳ hạn 7 năm, 2.000 tỉ đồng kỳ hạn 10 năm, 7.000 tỉ đồng kỳ hạn 15 năm, 1.000 tỉ đồng kỳ hạn 20 năm và 3.000 tỉ đồng kỳ hạn 30 năm.

Tuy nhiên, đáng lưu ý với các nhà đầu tư là trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm đã phát hành được 93,6% so với kế hoạch mới (145.000 tỉ đồng). Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho phép phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở xuống không quá 30% tổng lượng trái phiếu bán ra trong năm (250.000 tỉ đồng). Vì thế, các tổ chức dự báo lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ các phiên tới nhiều khả năng sẽ có xu hướng đi ngang.

Dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu chính phủ (VBMA) cho biết, tại thời điểm cuối tháng 6, tổng giá trị lưu hành của trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương là 869.808 tỉ đồng.

Giá trị lưu hành của trái phiếu Chính phủ đạt 708.107 tỉ đồng, chiếm 81,41% thị trường, của trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 137.191 tỉ đồng, chiếm 15,77% và của trái phiếu chính quyền địa phương là 24.510 tỉ đồng, chiếm 2,82% toàn thị trường.(TBKTSG)

HSBC: "Tâm điểm chú ý lại dồn về châu Á"

Ngân hàng HSBC hôm qua (27/7) vừa có báo cáo nhận định về kinh tế châu Á, cho rằng sau khi sự kiện Brexit lắng xuống thì giờ đây nhà đầu tư lại đang quay trở lại quan tâm đến tình hình sức khỏe của khu vực, trong bối cảnh đầu tư tư nhân tại Trung Quốc đã không còn sôi động như trước và triển vọng bấp bênh của châu Âu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế châu Á.

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, mọi việc dường như không quá tệ. Số liệu PMI tháng 6 cho thấy nhóm ngành sản xuất đã tăng nhanh trước khi diễn ra sự kiện Brexit, và GDP Trung Quốc đạt 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý hai vừa qua, cao hơn mức kỳ vọng. Trong khi đó, ước tính GDP quý II của Singapore vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại, đang liên tục phục hồi sau thời gian dài suy yếu trong quý I nhờ hiệu suất dịch vụ được cải thiện.

Tuy nhiên, châu Á vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thời kỳ khó khăn. Tại Trung Quốc, khoảng cách giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân ngày càng lớn và với tính chất phân rẽ càng tăng đang là mối lo lắng hiện tại, với khu vực đầu tư tư nhân đang hướng về phía nam. Với thị trường bất động sản đang dần suy yếu, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện ngày một phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn.

Rất may mắn, chính quyền Đại lục vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào, nhưng vẫn rất cần một chính sách nới lỏng tài chính quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân và kiềm hãm áp lực giảm phát trong khi những cải cách dài hơi ở khu vực doanh nghiệp nhà nước có thể giúp giải quyết các vấn đề cấu trúc.

Vậy chu kỳ thương mại thì sao? Trong tháng 6, xuất khẩu bất ngờ khởi sắc toàn châu lục, nhờ tác động của hiệu ứng cơ bản và giá hàng hóa tăng cao. Số lượng đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan trong tháng Sáu – chỉ số quan trọng hàng đầu trong khu vực – giảm ít hơn nhiều so với dự đoán. Nhưng vẫn chưa có đầy đủ dấu hiệu thuyết phục chứng tỏ thương mại đang phục hồi. Tăng trưởng kinh tế EU và Anh được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2017 nên châu Á cũng không nên kỳ vọng quá nhiều.

Tuy thị trường lao động và số liệu bán lẻ ở Mỹ đã cải thiện nhưng điều này không đồng nghĩa việc nhu cầu nhập khẩu gia tăng, do chu kỳ vốn tài sản kinh doanh cố định đang suy yếu (thực ra, đây là hiện tượng toàn cầu, hoặc ít nhất là ở khu vực G3).

Brexit: Cũng không quá tệ

Quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) của người Anh vào ngày 23/6 vừa qua vẫn chưa mang đến những hệ quả rõ ràng. Nhưng dựa trên những tác động hiện tại của cuộc trưng cầu dân ý, HSBC đưa ra vài dự báo về ảnh hưởng của Brexit đối với thị trường châu Á.

Thị trường tiền tệ sẽ là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng với đồng bảng Anh ngay lập tức giảm giá do tâm lý thị trường. Tuy nhiên, các nền kinh tế tại châu Á có thể đứng vững trước những biến động thị trường do Brexit gây ra vì kinh tế châu Á không phụ thuộc nhiều vào châu Âu. Thậm chí nếu những bất ổn do Brexit gây ra có nguy cơ lan đến châu Á, chính quyền các nước trong khu vực sẽ áp dụng những chính sách phù hợp nhằm làm dịu các ảnh hưởng.

Thương mại và đầu tư là hai kênh chính mà sự kiện Brexit có thể tác động đến các quốc gia châu Á. Đầu tiên là kênh thương mại.

 

Biểu đồ 1 cho thấy vận chuyển hàng hóa đến Mỹ và Trung Quốc đã giảm liên tục trong vài năm trở lại đây, trong khi vận chuyển đến EU lại tăng. Do đó HSBC lo ngại tình hình xuất khẩu đến EU, thị trường xuất khẩu mạnh nhất của châu Á tính đến nay, sẽ gặp nguy hại một khi tăng trưởng châu Âu suy yếu. Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ 2 có thể thấy xuất khẩu đến Mỹ vẫn cao hơn EU.

 

Hơn nữa, như biểu đồ 3, tỷ lệ xuất khẩu đến Anh và châu Âu trên tổng sản lượng xuất khẩu đã giảm trong thập kỷ qua đối với tất cả các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc. Tại Trung Quốc, tỷ lệ xuất khẩu đến Anh đã tăng nhẹ trong giai đoạn 2005-2015. Vì vậy, xét về xuất khẩu, châu Á không có nhiều giao thương với thị trường Anh. Không chỉ vậy trong một thập kỷ trở lại đây, châu Á đã không còn phụ thuộc nhiều vào châu Âu như trước.

Điều này cho thấy, châu Á sẽ vẫn chịu tác động của Brexit; như những gì chúng ta từng chứng kiến trước đây. Trước đợt khủng hoảng khu vực đồng Euro năm 2011, EU chiếm 16,5% thị phần xuất khẩu của châu Á nhưng sau cuộc khủng hoảng, con số này đã giảm 4 điểm phần trăm, còn 12,4% (theo ADB, 2013). Tuy nhiên, tác động sắp tới của Brexit sẽ không nghiêm trọng như lần trước vì giao thương với Anh và EU vốn đã suy giảm trong vài năm trở lại đây.

Tình hình kênh đầu tư cũng sẽ tương tự. Mặc dù tỷ lệ vốn FDI của các nước EU vào châu Á đã tăng từ 4,8% năm 2009 lên 7,4% trong năm 2014 nhưng EU vẫn chỉ là nguồn cung FDI nhỏ trong khu vực. Theo biểu đồ 4, hầu hết các quốc gia, kể cả Trung Quốc đại lục, đều không nhận lượng FDI đáng kể từ EU hay Anh. Hồng Kông và Singapore là hai trường hợp ngoại lệ duy nhất.

Tóm lại, các nền kinh tế châu Á có thể đứng vững giữa những biến động thị trường do Brexit gây ra vì kinh tế châu Á không phụ thuộc nhiều vào châu Âu. Lượng dự trữ phù hợp cũng sẽ giúp thị trường tài chính ổn định. Tuy nhiên, nếu những biến động thị trường trở nên trầm trọng và những ảnh hưởng kinh tế toàn cầu lan đến châu Á, chính quyền khu vực châu Á có thể lựa chọn những giải pháp (ví dụ như nới lỏng chính sách tiền tệ) nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực.

Bên cạnh đó HSBC cho rằng Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ lựa chọn giải pháp thay đổi chính sách chi tiêu tài chính, giúp khu vực tự tin đối mặt với tình trạng suy giảm nhu cầu trên thế giới. Cải cách hệ thống cũng là điều có ý nghĩa quan trọng.(CafeF)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-07-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-07-2016

    Sacombank: Lợi nhuận 6 tháng đầu năm lao dốc, nợ xấu tăng
    Dính nghi án trốn thuế, Facebook bị buộc nộp phạt 5 tỷ USD
    Chứng khoán Mỹ tăng điểm, trái phiếu, vàng hấp dẫn trở lại sau kết quả thất vọng về nền kinh tế Mỹ
    6 tháng, VN chi hơn nửa tỉ USD nhập khẩu ngô

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-07-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-07-2016

    Thế giới di động lãi 835 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm - tăng 83% so với cùng kỳ
    HDBank hợp tác với ngân hàng Senshu Ikeda (Nhật Bản)
    Tỷ giá tĩnh lặng đến bất ngờ
    Sóng IPO tiếp tục dâng cao
    Masan Group: Lãi ròng 1.034 tỷ đồng trong 6 tháng, 2/3 doanh thu đến từ bán cám

  • Tin kinh tế đọc nhanh 31-07-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh 31-07-2016

    Tổng thống Obama tin quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP trong năm 2016
    Sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc giảm trong tháng 6
    Báo Nhật: Doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng xa lánh Trung Quốc
    Nhập khẩu thép dây hợp kim làm que hàn được miễn thuế tự vệ

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-07-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-07-2016

    Shinzo Abe quyết chi 265 tỷ USD kích cầu kinh tế Nhật
    Nam Phi thoát khỏi suy thoái kinh tế trong quý II
    Địa ốc Việt Nam “đón” gần 1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2016
    Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha gần mức thấp 6 năm do du lịch bùng nổ

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-07-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-07-2016

    Anh rời EU có thể khiến hỗ trợ ODA cho Việt Nam gặp khó
    Tốc độ tăng trưởng của Eurozone giảm một nửa
    Ủy ban châu Âu hủy trừng phạt Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
    Trung Quốc: sản xuất công nghiệp tháng 7 gặp khó khăn

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-07-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-07-2016

    Đại gia dầu khí Trung Quốc lo lỗ 1,2 tỷ USD
    Website của Vietnam Airlines bị tin tặc tấn công
    Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô kêu cứu Thủ tướng
    Big C vẫn chây ì nộp thuế chuyển nhượng
    Ukraine cấm hàng trăm công ty xuất nhập khẩu Nga

  • Tin kinh tế đọc nhanh 30-07-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 30-07-2016

    12.940 triệu USD vốn FDI đổ vào Việt Nam từ đầu năm đến nay
    Financial Times: Việt Nam thống lĩnh về hút FDI trong nhóm 14 thị trường mới nổi
    Coca cola bị phạt 443 triệu đồng vì sản phẩm kém chất lượng
    Thủ tướng: "Thúc đẩy phát triển mạnh thị trường chứng khoán, thị trường mua bán nợ"

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-07-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-07-2016

    Đại gia Hàn Quốc có thể chi hơn 700 tỷ đồng mua Xúc xích Đức Việt
    Nghi thép Trung Quốc dùng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu
    PVI đạt doanh thu gần 4.200 tỷ đồng, tiếp tục đứng đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ
    Người dùng tiếp tục mang về hàng tỷ USD cho Facebook
    VAMI tố doanh nghiệp nhập khẩu khai gian giá ôtô Trung Quốc để lách thuế

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-07-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-07-2016

    Tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia
    Ngành lúa mỳ nước Anh hưởng lợi từ quyết định rời khỏi EU
    Thống kê chính thức đầu tiên về sức khỏe kinh tế Anh hậu Brexit
    CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung bị tố ăn cắp hình ảnh, thương hiệu
    Mỹ nâng biên độ phá giá hai doanh nghiệp thép tại Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-07-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-07-2016

    Brazil vươn mạnh ra thị trường nông sản thế giới
    Trung Quốc ra tay hạ nhiệt thị trường tiền tệ
    Xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đạt 17,8 tỷ USD
    Điện thoại và linh kiện chiếm hơn 1/5 kim ngạch xuất khẩu
    Apple đã bán được 1 tỷ iPhone