Tăng trưởng xuất khẩu khó đạt mục tiêu 10%
Doanh nghiệp VN không thể làm được nếu không có FDI hỗ trợ
PVN đã xuất bán gần 8,7 triệu tấn dầu thô và condensate
Việt Nam sắp có nhà máy mạch nha đầu tiên của Đông Nam Á
Doanh nghiệp Việt cung cấp nội thất cho khách sạn 6 sao Thái Lan
Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-06-2016
- Cập nhật : 28/06/2016
Vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 11 tỷ USD
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam hơn 11 tỷ USD sau 6 tháng, đồng thời vốn giải ngân đạt trên 7 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), tính đến ngày 20/6, cả nước có 1145 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 535 dự án đăng ký điều chỉnh vốn.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, bao gồm cấp mới và điều chỉnh, là 11,284 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2015.
FIA cũng ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện, khối FDI đang chiếm 69,8% kim ngạch xuất khẩu và 58,2% kim ngạch nhập khẩu của cả nước sau 6 tháng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của khối ngoại với tổng vốn 8,06 tỷ USD (chiếm hơn 71%).
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 604,8 triệu USD còn lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 562,3 triệu USD.
Hàn Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu dòng vốn FDI vào Việt Nam với 3,99 tỷ USD, chiếm 35,37%. Nhật Bản và Singapore đứng ở hai vị trí tiếp theo với số vốn lần lượt là 1,229 tỷ USD và 1,129 tỷ USD, đều chiếm trên 10% tổng vốn.
Nhờ dự án LG Display Hải Phòng có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display đầu tư, Hải Phòng hiện là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với hơn 1,7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng vốn đầu tư.
Ngoài Hải Phòng, hiện chỉ có Hà Nội và Bình Dương được nhà đầu tư nước ngoài rót trên 1 tỷ USD vốn FDI với 1,63 tỷ USD và 1,07 tỷ USD.
NHNN có thể phải tính toán lại mức tỷ giá trung tâm để đảm bảo cạnh tranh hàng xuất khẩu
Thị trường tiền tệ thế giới được dự báo sẽ rất khó lường với sự lao dốc mạnh của đồng GBP và EUR so với USD và JPY. Điều này có thể sẽ khiến NHNN phải tính toán lại mức tỷ giá trung tâm theo hướng đảm bảo sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Anh và EU trong thời gian tới.
Báo cáo mới đây của CTCK Bảo Việt (BVSC), tuần qua (20-24/6), tỷ giá trung bình và tỷ giá trung tâm đồng loạt giảm nhẹ. Cụ thể, tỷ giá trung bình giảm 5 đồng về mức 22.307 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm cũng giảm về mức 21.850 VND/USD.
Diễn biến tăng giá của tiền Đồng so với USD ba tuần vừa qua đi cùng nhịp với đồng tiền nhiều nước khác trên thị trường thế giới, xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu do quyết định của FED tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6.
Tuy vậy, sau sự kiện Brexit vào thứ 6 cuối tuần trước, diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới được dự báo sẽ rất khó lường với sự lao dốc mạnh của đồng GBP và EUR so với USD và JPY.
"Điều này có thể sẽ khiến NHNN phải tính toán lại mức tỷ giá trung tâm theo hướng đảm bảo sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Anh và EU trong thời gian tới:, báo cáo nhận định.
90% doanh nghiệp lạc quan về kinh doanh nửa cuối 2016
Dự báo của Tổng cục Thống kê cho biết sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II, III và 6 tháng cuối năm 2016 có xu hướng ổn định và phát triển khả quan hơn so với quý I/2016.
Cụ thể, so với quý I, 81,4% doanh nghiệp được khảo sát đã đánh giá khối lượng sản xuất tăng lên và ổn định, chỉ có 18,6% số doanh nghiệp đánh giá sản xuất giảm đi.
Xu thế này tiếp tục được dự báo tăng ở quý III với con số phần trăm tương ứng là 87,8% doanh nghiệp cho rằng sản xuất tăng và ổn định. Tỉ lệ này tiếp tục tăng thêm vào 6 tháng cuối năm, lên đến 90,8%.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng sản xuất trong khu vực FDI quý III/2016 cũng như 6 tháng cuối năm đều tăng mạnh. Cụ thể, quý III sẽ tăng 53,3% so với quý II, 6 tháng cuối năm tăng 58% so với 6 tháng đầu năm.
Tỉ lệ tương ứng của khu vực doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 50,5% và 54,2%, trong khi khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt tỷ lệ thấp nhất nhưng vẫn khá cao, tương ứng với 47,7% và 54,4%.
Các ngành được dự báo lạc quan về tăng khối lượng sản xuất trong quý III gồm: thuốc và hoá dược (70%); đồ uống (63,8%); trang phục (62,4%); xe có động cơ (61,9%); điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học (61,2%).
Trong khi đó, khi được khảo sát về các ngành sản xuất khả quan tăng 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp lại cho kết quả tương đối đồng đều ở các ngành như: sản xuất thuốc, hoá dược và sản xuất thuốc lá cùng tỉ lệ 75%; sản xuất trang phục hay sản xuất giường tủ bàn ghế xoay quanh mức 65%; thiết bị điện là 62,4%.
Đơn đặt hàng cũng được dự báo ở mức khả quan. So với quý I, quý II/2016 có 81,9% số doanh nghiệp dự báo lượng đơn hàng mới tăng lên và giữ ổn định.
Cùng xu hướng đó, tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới tiếp tục khả quan ở quý III/2016 và 6 tháng cuối năm 2016 là: 88,0% ở quý III so với quý II; tỷ lệ tăng lên và giữ ổn định; còn 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm là 90,5%.
Có 49,7% số doanh nghiệp FDI lạc quan dự báo đơn hàng mới 6 tháng cuối năm tăng lên so với 6 tháng đầu năm; trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực ngoài nhà nước là 48,2% và thấp nhất vẫn là khu vực nhà nước với 47,9%.
Những đơn hàng này chủ yếu thuộc về các nhóm sản phẩm thuốc, hoá dược, dược liệu, thuốc lá, điện tử,…
Những ngành có tỷ lệ dự báo về triển vọng đơn hàng 6 tháng cuối năm tăng so với 6 tháng đầu năm gồm: thuốc lá (72.7%); thuốc, hóa dược và dược liệu (69.2%); điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (67.7%);…
Đơn đặt hàng xuất khẩu cũng đạt được những dự báo lạc quan từ phía doanh nghiệp. Có 81% doanh nghiệp khẳng định số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý II tăng và giữ ổn định so với quý I.
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý III khả quan hơn với 87.9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định so với quý II. Các doanh nghiệp dự báo lạc quan hơn về số lượng đơn hàng xuất khẩu mới 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm với tỷ lệ doanh nghiệp dự báo tăng và ổn định là 90,6%.
Khu vực doanh nghiệp FDI là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về đơn hàng xuất khẩu 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm tăng khả quan nhất với 45.7% tăng trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước dự báo 6 tháng cuối năm tăng là 43.4% và 39% doanh nghiệp ngoài nhà nước dự báo tăng.
Kiều hối chuyển hướng chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM, dòng kiều hối sau 6 tháng 2016 chủ yếu chảy vào sản xuất, kinh doanh thay vì tập trung vào kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm như trước đây.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước TP HCM, sau 6 tháng, lượng kiều hối chuyển về địa bàn thành phố qua các kênh chính thức ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho biết, phần lớn kiều hối này được dùng để sản xuất kinh doanh, để đầu tư chứ không phải để nắm giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước. Do đó, chính sách chống đô la hóa cơ bản của Ngân hàng Nhà nước áp dụng thời gian qua không ảnh hưởng đến lượng kiều hối.
Trước đó, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm niêm yết hàng ngày, siết lại đối tượng cho vay ngoại tệ đã khiến nhiều người cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam để gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, thực tế đã không như vậy.
Được biết, lượng kiều hối đổ về TP HCM chủ yếu tập trung từ Mỹ và châu Âu. Theo ông Minh, từ năm 2013, với sự ổn định của tỷ giá, lượng kiều hối chuyển về được bán lại cho ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 – 35%. Chỉ tính riêng năm 2015, con số này đạt trên 22% và hiện xu hướng này vẫn được duy trì.
Trong 5 năm qua, từ 2011 đến 2015, lượng kiều hối chuyển về địa bàn Thành phố thường tăng bình quân 10-12% sau mỗi năm. Với tình hình kinh tế của TP HCM phục hồi khá mạnh so với mặt bằng chung của cả nước, ông Minh dự báo lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2016 sẽ tiếp tục khả quan, dự kiến đạt khoảng 5,7 tỷ USD.
Theo ông Minh, thị trường kiều hối của Việt Nam hiện nay tăng cao chủ yếu vẫn từ Mỹ và châu Âu, còn ở Trung Quốc và Hàn Quốc không đáng kể, chỉ đóng góp một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng vốn chuyển về.
Hàn Quốc dẫn đầu các quốc gia rót vốn FDI vào Việt Nam
Trong 5 tháng qua, có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,42 tỷ USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm là 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 398 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,61 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ 2 với 67 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,3 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 542,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư...
Xét theo đối tác đầu tư, trong tháng 5 tháng đầu năm 2016 có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,42 tỷ USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Với dự án lớn 1,248 tỷ USD, Luxembourg đứng vị trí thứ hai và chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 907,1 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư.
Xét theo địa bàn đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 139 dự án cấp mới và 41 dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,96 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư.
Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,71 tỷ USD, chiếm 16,9%. Tiếp theo là Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 921,8 triệu USD chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư.