Miniso sắp vào Việt Nam là thương hiệu Trung Quốc mượn danh Nhật Bản?
Brexit có thể ngăn cản phục hồi thị trường dầu mỏ?
Start-up Việt được rót vốn triệu đôla từ cựu lãnh đạo Alibaba
Hàng triệu người Việt Nam có thể mất việc vì người máy
Tin kinh tế đọc nhanh 11-07-2016
- Cập nhật : 11/07/2016
Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp sẽ IPO 6,3 triệu cổ phần
Ngày 19-7 tới đây, hơn 6,3 triệu cổ phần của Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp sẽ được bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mức giá khởi điểm là 10.100 đồng/cổ phần.
Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của Tổng Công ty đạt 220 tỷ đồng, Nhà nước sẽ thoái hết vốn tại Tổng Công ty. Cơ cấu cổ đông sau cổ phần dự kiến như sau: Cổ đông chiến lược sẽ nắm giữ 15,4 triệu cổ phần, tương đương 70% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, cán bộ công nhân viên mua 238.200 cổ phần, tổ chức công đoàn mua 11.220 cổ phần, còn lại 6,3 triệu cổ phần bán đấu giá công khai tại HNX.
Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigacem) hiện nay chủ yếu xuất nhập khẩu và kinh doanh vật tư nông nghiệp như phân bón, kinh doanh chè và nông sản nội địa, cho thuê văn phòng, nhà xưởng và kho bãi, đồng thời kinh doanh máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hai mặt hàng kinh doanh chính của Vigecam là phân bón (chiếm khoảng 50% cơ cấu tổng doanh thu hàng năm) và chè xuất khẩu (chiếm khoảng 30% và có xu hướng tăng dần qua các năm).
Vigecam sở hữu 2 công ty con là CTCP Vật tư Nông nghiệp 1 Hải Phòng và CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tín Phát cùng 6 công ty liên kết.
Công ty Chứng khoán Navibank bị phạt 150 triệu đồng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt Công ty CP Chứng khoán Navibank 150 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế cho vay.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán Navibank đã cho thành viên Hội đồng quản trị của công ty vay tiền vào ngày 9-22-2015. Đến ngày 4-5-2016, công ty đã khắc phục hành vi vi phạm, thực hiện tất toán khoản cho vay.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt Công ty CP Đô thị Cần Thơ 7,5 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn. Cụ thể, tại thời điểm ngày 3-7-2015, Công ty Đô thị Cần Thơ đã trở thành công ty đại chúng, công ty có vốn điều lệ thực góp là 53 tỷ đồng với 318 cổ đông. Tuy nhiên, đến ngày 27-5-2016 công ty mới nộp hồ sơ công ty đại chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngoài ra, do không báo cáo theo quy định về sở hữu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, một nhà đầu tư là ông Đặng Quyết Thắng cũng vừa bị xử phạt 62,5 triệu đồng. Cụ thể, Từ ngày 7-12-2015 đến ngày 11-12-2015, ông Thắng đã mua 121.300 cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Phát triển Sóc Sơn (mã chứng khoán DPS), nâng tổng số cổ phiếu sở hữu từ 744.040 cổ phiếu lên 865.340 cổ phiếu (tương đương 5,38% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết) và trở thành cổ đông lớn của công ty. Nhưng ông Thắng đã không báo cáo theo quy định về sở hữu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Thuấn cũng bị phạt 62,5 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán khi có sự thay đổi đầu tiên về số lượng cổ phiếu sở hữu làm cho không còn là cổ đông lớn. Ngày 21-12-2015, ông Thuấn đã bán 4,3 triệu cổ phiếu của Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình (mã HBS) và không còn là cổ đông lớn của Công ty Chứng khoán Hòa Bình. Tuy nhiên, đến ngày 14-1-2016 ông Thuấn mới báo cáo về sở hữu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Xuất khẩu thủy sản tự tin với mục tiêu 7 tỷ USD
Khác với tình trạng ảm đạm trong năm 2015, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm đã có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Với đà hiện tại, dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 7 tỷ USD đề ra.
Xuất khẩu tăng 3,8%
Theo Bộ NN&PTNT, tính tới hết tháng 6, xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 52,81% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 5 tháng đầu năm, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (10,9%), Trung Quốc (trên 49%), Thái Lan (gần 10%) và Anh (trên 8,8%).
Đánh giá về tình hình xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, kết quả nêu trên chưa phải thực sự khả quan bởi thống kê chỉ dựa trên doanh số xuất khẩu mà không đưa ra con số so sánh cụ thể về số lượng hàng xuất khẩu. Nửa đầu năm 2015, đơn giá xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản còn thấp dẫn tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung thấp.
Do vậy, khi so sánh kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm nay thấy cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, kết quả xuất khẩu thủy sản đạt được trong 6 tháng qua cũng thể hiện được xuất khẩu đã giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đi sâu phân tích hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực là cá tra và tôm, Bộ NN&PTNT nhận định: Trong nửa đầu năm, thị trường hai mặt hàng có sự biến động mạnh. Tính đến thời điểm hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm trở lại xung quanh mức giá thấp tại tháng 2 sau khi tăng giá và giữ ở mức cao trong 2 tháng gần đây (tháng 4 và nửa đầu tháng 5).
Với xu hướng này, trong ngắn hạn, thị trường cá tra nguyên liệu sẽ vẫn khá trầm lắng khi chưa có dấu hiệu khởi sắc từ các đơn hàng ký mới xuất đi các thị trường chính như Mỹ, EU…
Đối với mặt hàng tôm, giá tôm nguyên liệu nhìn chung có xu hướng ổn định ở mức cao trong 6 tháng qua, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu rất yếu do điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến việc thả nuôi của nông dân.
Khả quan mục tiêu 7 tỷ USD
Phân tích về những nguyên nhân giúp cho xuất khẩu thủy sản giữ được tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm, theo ông Trương Đình Hòe, quan trọng nhất là nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường vẫn có xu hướng tăng lên. Các doanh nghiệp đã giữ được bạn hàng để các đối tác tiếp tục mua thủy sản, đồng thời cũng chấp nhận chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
“Hiện nay, thủy sản Việt Nam đã thâm nhập được khá nhiều thị trường trên thế giới. Do vậy, xuất khẩu thủy sản không bị chi phối quá lớn bởi một vài thị trường hay một nhóm thị trường nào đó. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng khá chủ động gỡ khó cho mình khi linh động thay đổi, khó khăn xuất khẩu tại thị trường này thì tìm cách thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường khác”, ông Hòe nói.
Cũng theo ông Hòe, việc Việt Nam tích cực thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại (FTA) cũng là một trong các yếu tố tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu thủy sản, điển hình như FTA Việt Nam-Hàn Quốc. Việc ký kết các FTA cùng với nhiều điều chỉnh chính sách của Nhà nước cũng khiến cho các doanh nghiệp tin tưởng, tạo tâm lý ổn định hơn để yên tâm đầu tư thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong tương lai.
“Với khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ vẫn khả quan, dự báo trong năm nay xuất khẩu thủy sản sẽ đạt mục tiêu 7 tỷ USD đề ra. Tuy nhiên, cạnh tranh trong xuất khẩu thủy sản trên thị trường thế giới khá quyết liệt, nhiều nước khác cũng đang tập trung thúc đẩy xuất khẩu. Bởi vậy, các doanh nghiệp luôn phải giữ tâm thế sẵn sàng đối mặt với những khó khăn đặt ra”, ông Hòe nhấn mạnh.
Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 1.584 ngàn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất cá tra nửa đầu năm chưa có dấu hiệu phục hồi. Diện tích cá tra 6 tháng đầu năm của các tỉnh ĐBSCL ước đạt 3.757 ha, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 526.683 tấn, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước.
Về tôm, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ của các tỉnh vùng ĐBSCL 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu tăng. Nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất. Trước tình hình đó, nhiều hộ nuôi tích cực cải tạo ao đầm để thả tiếp hoặc thả bù những diện tích nuôi tôm đã bị thiệt hại. Trong hai tháng trở lại đây, diện tích nuôi tôm sú có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
(Nguồn: Bộ NN&PTNT)
Lợi nhuận trước thuế của VNSTEEL đạt hơn 105 tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu năm 2016, phần lớn các chỉ tiêu của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đều hoàn thành kế hoạch tốt (53-68% kế hoạch) và có tmức ăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó tổng giám đốc VNSTEEL đã cho biết như vậy tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Tổng công ty.
Cụ thể, sản xuất phôi thép ước đạt 983.000 tấn, bằng 48% kế hoạch, tăng 22% so với cùng kỳ, tiêu thụ ước đạt 314.000 tấnn bằng 53% kế hoạch và tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thép xây dựng đạt 1.608.000 tấn bằng 55% kế hoạch và tăng 23% so với cùng kỳ, tiêu thụ ước đạt 1.621.000 tấn bằng 56% kế hoạch năm, tăng 23% so với cùng kỳ. Tiêu thụ tôn mạ và ống thép đạt 169.000 tấn, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép như Tôn Thăng Long, Tôn Phương Nam, Vinapipe… đều hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đạt lợi nhuận cao trong 6 tháng.
Về chỉ tiêu tài chính, ông Khôi cho hay, tổng doanh thu của Công ty mẹ ước đạt 577,637 tỷ đồng (đạt 47% so với kế hoạch năm). Doanh thu hoạt động tài chính đạt 157,934 tỷ đồng (đạt 82% so với kế hoạch). Tổng doanh thu thuần của khối công ty con ước đạt 11.424 tỷ đồng bằng 101% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tổng lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ ước lãi 105,196 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế của khối công ty con ước lãi 339,016 tỷ đồng.
Những tháng cuối năm, tình hình thị trường được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong những mục tiêu của VNSTEEL là tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; thực hiện tốt mục tiêu tiết kiệm, giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.