Dự trữ ngoại hối tăng thêm 8,2 tỉ USD
Forbes: Chứng khoán Việt Nam vững vàng trước bão Brexit
Lào sẽ lập các kho dự trữ gạo
700 tỉ đồng vốn vay ưu đãi từ PVcomBank dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Lương công nhân tại Đông Nam Á tăng mạnh
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-07-2016
- Cập nhật : 10/07/2016
Hàn Quốc xếp thứ hai trong Bảng xếp hạng Toàn cầu của UIA
Hàn Quốc được xếp hạng là nước đứng thứ hai trên thế giới về tổ chức các hội nghị toàn cầu trong năm 2015.
Theo Báo cáo Thống kê Hội nghị Quốc tế mới nhất được Liên hiệp các Hiệp hội quốc tế (UIA) công bố trong tuần này, Hàn Quốc được xếp hạng là nước đứng thứ hai trên thế giới về tổ chức các hội nghị toàn cầu trong năm 2015.
Theo bảng xếp hạng này, Hàn Quốc chỉ đứng sau Mỹ là nước đã đăng cai tổ chức 891 hội nghị - tăng 40% so với năm trước.
Đồng thời, Hàn Quốc là nước dẫn đầu ở Châu Á, tổ chức đến 7,5% tổng số hội nghị trên toàn thế giới trong cùng kỳ. Kết quả xếp hạng này cho thấy rằng Hàn Quốc ngày càng thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ, thông qua gia tăng số lượng các cuộc hội nghị được tổ chức tại nhiều vùng miền của Hàn Quốc.
Theo xếp hạng của UIA, vị trí xếp hạng của Seoul, thủ đô của Hàn Quốc cũng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, sau thời gian dài chỉ dừng ở vị trí thứ 5 đã vươn lên vị trí thứ 3 với 494 hội nghị được tổ chức trong năm 2015; tăng 98,4% so với 249 hội nghị tổ chức trong năm 2014.
Trong khi đó, Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, giữ nguyên vị trí thứ 11 trên toàn thế giới với 150 hội nghị được tổ chức, và đảo nghỉ dưỡng Jeju-di sản thế giới được UNESCO công nhận đứng ở vị trí thứ 19 do chỉ đăng cai tổ chức 112 hội nghị trong cùng năm.
Sự phát triển cơ sở hạ tầng toàn quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh MICE của Hàn Quốc, bao gồm cả mở rộng cơ sở vật chất để đăng cai tổ chức Olympic Mùa đông 2018 tại Pyeongchang, tỉnh Gangwon trong tương lai, và tiếp tục mở rộng để tổ chức Hội chợ Du lịch MICE Hàn Quốc tại Songdo ConvensiA, thuộc quận Kinh doanh Quốc tế Incheon.
Cơ sở vật chất mới xây dựng phục vụ tổ chức hội nghị gồm có Trung tâm Văn hóa Châu Á ở phía đông nam thành phố Gwangju và Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hwabaek (HICO) ở phía tây nam Thủ phủ của Gyeongju đã được UNESCO công nhận.
Trong hồ sơ tổ chức hội nghị thường niên của Hàn Quốc thường bao gồm những hội nghị quy mô quốc tế có kèm nhiều chương trình hỗ trợ đặc biệt như ăn uống, cho đến các hội nghị quy mô lớn do Cục Du lịch MICE Hàn Quốc (KMB) thuộc Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tổ chức. Trong đó bao gồm thêm cả các tour du lịch quanh thành phố cho các đại biểu, khẩu hiệu chào mừng tại sân bay, băng rôn sự kiện, đồ lưu niệm, gian hàng trưng bày và nhiều hoạt động bổ trợ khác.
Các sự kiện lớn gần đây có trợ giúp của KMB gồm có Hội thảo ICN 2015 và CNR, Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 7, và Hội nghị Đường bộ thế giới lần thứ 25 tại Seoul, và Hội nghị Luân phiên quốc tế vào tháng trước với 50.000 đại biểu tham gia, trong đó 21.000 là đại biểu nước ngoài.(TBNH)
Chứng khoán ACB muốn huy động 500 tỷ đồng trái phiếu
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) dự kiến phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức để bổ sung vốn lưu động.
ACBS vừa công bố thông tin thông qua phương án phát hành trái phiếu năm 2016.
Theo nội dung công bố, ACBS dự kiến phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức để bổ sung vốn lưu động.
Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm và trả lãi 3 tháng/ lần. Lãi suất trái phiếu do tổng giám đốc quyết định theo thỏa thuận với nhà đầu tư.
Trái phiếu được mua, bán lại trước hạn khi trái phiếu lưu hành tối thiểu 6 tháng kể từ ngày phát hành.
Năm 2015, ACBS lãi sau thuế 96 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức lãi gần 250 tỷ đồng năm 2014 và khá nhiều nguồn thu chủ đạo giảm sút như doanh thu môi giới giảm từ 147 tỷ còn 102 tỷ; doanh thu khác giảm từ 186 tỷ còn hơn 160 tỷ; doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán cũng giảm sâu từ 27 tỷ còn hơn 9 tỷ.
Vietcombank báo lãi 6 tháng tăng 38% so cùng kỳ
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng của Vietcombank đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB) vừa tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016.
Vietcombank cho biết, tính đến hết tháng 6, huy động vốn đạt 535.203 tỷ đồng, tăng 6,72% so với 2015 và đạt 92,93% kế hoạch cả năm.
Tín dụng tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây khi dư nợ tín dụng đạt 437.580 tỷ đồng, tăng 10,76% so với cuối năm 2015 và đạt 94,67% kế hoạch năm.
Ngân hàng cũng cho biết chất lượng tín dụng được kiểm soát, thu hồi nợ ngoại bảng đạt kết quả khả quan. 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ xấu được xử lý là 2.411 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn (CAR) cao hơn mức quy định của NHNN.
Bên cạnh đó, doanh số thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại đạt 24,8 tỷ USD, tăng 8,34% so với cùng kỳ.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế Vietcombank đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm 2016.
Năm 2016, Vietcombank dự kiến đạt tổng tài sản 765.438 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2015. Dư nợ cho vay tăng 17%, tiền gửi của khách hàng tăng 15%.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với mức lợi nhuận đạt được năm 2015.
DN chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý
Trước vướng mắc của Cục Hải quan TP. HCM đối với thủ tục thanh lý máy móc, thiết bị hết thời hạn khấu hao của các DN chế xuất, theo Tổng cục Hải quan, DN chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của DN và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại.
Theo Cục Hải quan TP. HCM, hiện nay nhiều DN chế xuất trên địa bàn phản ánh, khi thanh lý máy móc, thiết bị hết thời hạn khấu hao đã phát sinh một số vướng mắc về chính sách quản lý hàng hóa NK (hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành); vướng mắc về hồ sơ thủ tục (trường hợp DN không còn hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc).
Giải quyết vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện tại đối với trường hợp là máy móc, thiết bị NK miễn thuế quá thời hạn lưu giữ hồ sơ 5 năm của DN có vốn đầu tư nước ngoài thì Bộ Tài chính đã cho phép được thanh lý theo hướng dẫn tại Điểm 13 Công văn số 18195/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý vướng mắc Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Đối với vấn đề thanh lý máy móc thiết bị của DN chế xuất vào thị trường nội địa, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan TP. HCM thực hiện theo quy định tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định 114/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, DN chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của DN và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa XK, NK trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi NK; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép NK đồng ý bằng văn bản.
Trong trường hợp DN làm mất chứng từ hồ sơ hải quan hiện Tổng cục Hải quan đang trình Bộ Tài chính để hướng dẫn thủ tục tương tự Điểm 13 Công văn số 18195/BTC-TCHQ.