Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 66 tỷ USD
Ngân hàng Brazil dự báo lạm phát thấp hơn và không cắt giảm lãi suất
Ngân hàng trung ương Philippines tăng dự báo tài khoản vãng lai năm 2016
Xuất khẩu của Singapore bất ngờ tăng trong tháng 5
Eurozone nhất trí giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-07-2016
- Cập nhật : 09/07/2016
Thống đốc Lê Minh Hưng: Giá vàng không ảnh hưởng đến tỉ giá
Sáng 8-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết trong bối cảnh giá vàng biến động, thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng, tỉ giá VNĐ/USD ổn định. Đặc biệt, trong ngày 7-7, Ngân hàng Nhà nước vẫn thu mua được USD.
Thực tế cho thấy tỉ giá VNĐ/USD trong các ngày gần đây biến động không đáng kể. Giá 1 USD tại các ngân hàng thương mại giao dịch xoay quanh mức giá 22.280 đồng/USD (mua vào), 22.340 đồng/USD (bán ra). Nhiều ngân hàng cho biết tiếp tục bán USD cho doanh nghiệp lẫn cho Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thông báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục 38 tỉ USD (chưa bao gồm vàng). Trong 5 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã thu mua gần 8 tỉ USD. Việc mua ngoại tệ khá thuận lợi do nguồn cung trên thị trường dồi dào.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định tỉ giá VNĐ/USD tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm 2016. Vì, đồng USD giảm giá đáng kể trên thị trường quốc tế do sự trì hoãn tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào (cán cân thanh toán tổng thể quý I/2016 thặng dư; xuất siêu trong 6 tháng đầu năm; FDI giải ngân tăng khá mạnh).
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá các yếu tố hỗ trợ tỉ giá trong 6 tháng cuối năm 2016 sẽ không được thuận lợi như nửa đầu năm 2016. Bởi lẽ cân đối cung cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm do nhu cầu nhập khẩu tăng; khả năng FED sẽ tăng lãi suất một lần vào cuối năm.
Khi lãi suất được điều chỉnh, đồng USD sẽ tăng giá trên thị trường quốc tế, gây ảnh hưởng tới tỷ giá VNĐ/USD; đồng Nhân dân tệ có nguy cơ tiếp tục mất giá trong 6 tháng cuối năm…
Thị trường 'sốt' gạch không nung
"... Các tỉnh đều có nhu cầu lựa chọn đầu tư công nghệ sản xuất gạch không nung. Mặt khác, thị trường đang xuất hiện các máy sản xuất gạch không nung kém chất lượng, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng...” - đây là thông tin được GS-TS Nguyễn Văn Chánh, bộ môn vật liệu xây dựng Trường ĐH Bách khoa, cho biết tại buổi ký kết độc quyền phân phối dây chuyền sản xuất gạch không nung công nghệ cao tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar giữa Harex Engineering Co. Ltd Korea và Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Đức Thành ngày 7-7.
TS Chánh cho biết theo Quyết định 567/QĐ-TTg năm 2010 về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung thay thế cho gạch nung nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội.
Theo lộ trình đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng gạch không nung thay thế gạch đất sét nung đạt 30%-40% và dần dần tiến tới xóa bỏ những lò gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Chủ trương này cho thấy thị trường cho gạch không nung là rất lớn.
Gạch không nung nhẹ, cường độ chịu lực cao theo nhu cầu và tiết kiệm vật liệu, chi phí đầu tư… Dự báo đến năm 2020 nhu cầu thị trường Việt Nam cần khoảng 42 tỉ viên gạch xây dựng.(PLO)
Xuất khẩu tôm sang Anh dự báo giảm nhẹ
Theo VASEP, sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời EU vẫn chưa tác động mạnh lên xuất khẩu thủy sản Việt vì phải mất 2 năm nữa quốc gia này mới hoàn tất thủ tục rút lui.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm tôm xuất khẩu sang Anh tăng 21,6% đạt trên 44 triệu USD do thị trường này tăng nhu cầu nhập tôm nước ấm khi nguồn cung tôm nước lạnh giảm và giá cao. Đây là lần đầu tiên doanh số tôm nước ấm vượt qua doanh số tôm nước lạnh trong 3 năm trở lại đây, tăng 15,4% về khối lượng và 9,6% về giá trị. Doanh số tôm nước ấm tăng một phần nhờ giá giảm, 4,7% đối với tôm nước ấm ướp lạnh (24,1 USD một kg) và giảm 5,9% đối với tôm nước ấm đông lạnh (17,2 USD một kg).
Trong khi châu Âu liên tục giảm nhập tôm từ Việt Nam, Anh luôn là thị trường tích cực trong năm 2015. Từ vị trí là thị trường lớn thứ 3 về nhập tôm Việt Nam trong khối EU năm 2014, Anh vươn lên thứ 2 từ đầu 2015. Bắt đầu từ tháng 8/2015, Anh vượt qua Đức trở thành thị trường dẫn đầu khối về nhập tôm từ Việt Nam. Tuy nhiên, tính tới tháng 5 năm nay, Anh đã phải nhường lại vị trí này cho Đức khi giá trị tôm xuất sang quốc gia này 5 tháng đạt trên 46 triệu USD.
Với thị trường Anh, từ tháng 5 trở đi, tôm xuất khẩu sang nước này đã có dấu hiệu giảm, chỉ đạt 6,8 triệu USD, giảm 27,7% so với tháng cùng kỳ 2015. Trên thị trường Anh, Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ, chủ yếu về giá. Trong vài năm gần đây, Ấn Độ đã tăng thị phần tại các thị trường thuộc EU, đặc biệt là Anh.
Theo VASEP, hôm 23/6, việc người dân Anh bỏ phiếu đồng ý rời EU đã có tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này, Brexit chưa ảnh hưởng nhiều, vì Anh phải mất 2 năm nữa để hoàn tất các thủ tục rút lui khỏi khối. Trong khoảng thời gian này, Anh vẫn được đảm bảo các nghĩa vụ và quyền lợi trong khối như bình thường. Hơn nữa, dù Anh tách khỏi EU, thì các hệ thống tiêu chuẩn của họ vẫn tương đồng với khu vực này.
Anh là thị trường lớn trong khu vực EU đối với thủy sản Việt Nam, nhưng đây không phải là thị trường mang tính cửa ngõ như Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ…, mà là thị trường tiêu thụ. Hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang Anh đều được bán tới tay người tiêu dùng. Vì thế, dù Anh có rời EU hay không thì việc mua bán thủy sản giữa nhà nhập khẩu Anh với doanh nghiệp Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Tuy vậy, cũng có một chút lo ngại là khi Anh rời khỏi EU, thủy sản Việt Nam sang nước này sẽ không còn được hưởng những điều kiện ưu đãi về thuế như trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU khi hiệp định này chính thức được các thành viên EU thông qua. Sự kiện này cũng khiến đồng USD tăng giá, EUR và bảng Anh giảm giá, điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh về giá của thủy sản Việt Nam xuất sang Anh. Dự kiến tôm Việt Nam sang Anh trong tháng 6 giảm nhẹ do biến động tỷ giá.
Công ty Vàng Phước Sơn cam kết trả nợ thuế hơn 334 tỉ đồng
Hiện tại Công ty Vàng Phước Sơn nợ thuế 334 tỉ đồng. Theo cam kết trả nợ có sự bảo lãnh của Ngân hàng Việt Á đã gửi đến Cục thuế tỉnh thì Công ty Vàng Phước Sơn sẽ trả nợ thuế trong trong vòng 12 tháng. Thời hạn bắt đầu trả nợ từ ngày 16-8, mỗi tháng là 27,9 tỉ đồng, kéo dài trong vòng 12 tháng với đủ số nợ trên.
Trong bản cam kết, nếu Công ty Vàng Phước Sơn không trả được thì Ngân hàng Việt Á bảo lãnh phải có trách nhiệm trả nợ thay. Đây được coi là một bước quan trọng để Công ty Vàng Phước Sơn có thể hoạt động lại trong tháng 8 này, qua đó có nguồn thu để trả nợ cho Nhà nước.
Trong khi đó, về Công ty Vàng Bồng Miêu (cũng thuộc Tập đoàn Besra), đến thời điểm này công ty này vẫn nợ thuế, phí các loại hơn 100 tỉ đồng. Công ty này đã hết hạn giấy phép khai thác từ tháng 3-2016 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu công ty này chấm dứt quá trình khai thác trái phép này.
Việt Nam muốn có làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc
Theo trang web Chính phủ, Thủ tướng nhận định quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước thời gian qua đã đạt được nhiều bước tiến trong nhiều lĩnh vực.
Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục tăng cường hợp tác chính trị, đẩy mạnh giao lưu, tiếp xúc cấp cao để củng cố sự tin cậy chính trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực khác. Theo Thủ tướng, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư và Việt Nam muốn có một làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới với khoa học-công nghệ tiến bộ, đóng góp vào sự phát triển của hai nước.
Đại sứ Lee Hyuk cho rằng hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, giao thông, tài chính... “Tôi tin tưởng kim ngạch thương mại hai nước sẽ tăng mạnh, có thể vượt mục tiêu 70 tỉ USD mà hai nước đặt ra vào năm 2020” - Đại sứ Lee Hyuk khẳng định.