Sản lượng dầu Nigeria tăng lên 1,9 triệu thùng
Sản lượng sữa và sản phẩm tại EU tăng
Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia trong tháng 5/2016 giảm 16%
Trung Nguyên vẫn giữ vị trí số 1
Để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội khi hội nhập
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-06-2016
- Cập nhật : 28/06/2016
Thị trường bán lẻ Sài Gòn chờ đợi phép thử mới
TP HCM đang có 1,1 triệu m2 mặt bằng bán lẻ và vấp phải hoài nghi bội thực nguồn cung, song Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng muốn biết thị trường này đến ngưỡng quá tải hay chưa cần thêm các phép thử mới ở khu trung tâm.
Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, Alex Crane đánh giá, với 1,1 triệu m2 sàn mặt bằng bán lẻ trên tổng số khoảng 10 triệu dân thì TP HCM chưa phải là quá tải. Những điểm mua sắm vắng khách, kinh doanh kém hiệu quả trên thị trường hiện nay có thể bắt nguồn từ nguyên nhân định vị kém, thiết kế, bố trí chưa phù hợp và chưa được đặt vào đúng phân khúc. "Tôi nghĩ phép thử thật sự sẽ xuất hiện khi một số trung tâm thương mại sắp mở cửa ngay tại khu lõi trung tâm (CBD). Chúng ta hãy chờ xem", ông Alex Crane nói.Theo quan điểm của chuyên gia này, độ phủ của thị trường không phải dựa vào việc cân bằng giữa dân số và mặt bằng bán lẻ, bởi vì vấn đề nằm ở nhu cầu. Cả thị trường sẽ nhìn thấy một phép thử sắp tới khi Takashimaya chính thức xuất hiện tại thị trường TP HCM, Saigon Center 2 khởi động. Khi đó có thể đánh giá được định vị dự án và nhu cầu thực của người mua sắm như thế nào.
Việc Parkson đóng cửa trung tâm thương mại tại quận 7 đã làm dấy lên nhiều lo ngại bội thực mặt bằng bán lẻ cũng như thị trường bán lẻ bị quá tải, song Cushman & Wakefield cho rằng cần thêm phép thử ở khu trung tâm quận 1, TP HCM để đánh giá về vấn đề này. Ảnh: Vũ Lê
Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương, Sigrid Zialcita cho biết, chìa khóa thành công của các trung tâm thương mại là phải tìm được nhà bán lẻ thích hợp và cách bố trí mặt bằng khách thuê hợp lý đồng thời có nhà quản lý am hiểu được thị trường.
Nếu nhìn ở tầm vĩ mô, TP HCM có dân số trẻ, nhu cầu về thực phẩm, thức uống, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng rất lớn kèm theo đó là một thị trường nhà ở đang rất phát triển. Những dự án trung tâm thương mại cần phải làm nghiên cứu bài bản, khảo sát xung quanh khu dân cư có những gì, cần phải xem mục tiêu thị trường là gì.
Định vị và phát triển dự án là bước đầu tiên và rất quan trọng, sau đó mới nói đến tổ chức ngành hàng ở trong mỗi trung tâm. Bởi vì nếu định vị và phát triển dự án không đúng thì dù dự án có đang ở vị trí nào cũng không hấp dẫn người tiêu dùng được.
Nếu nhìn trên yếu tố vĩ mô, TP HCM có dân số trẻ, sức mua cũng lớn, tuy nhiên định vị và bố trí như thế nào là một dấu hỏi? Các khu thương mại cần gắn với xu hướng tiêu dùng nữa. Vì bán lẻ thực ra là thị trường liên tục phải thay đổi để chạy đua với thị hiếu của người tiêu dùng.
TP HCM đã manh nha một số hình thức bán lẻ được tổ chức bài bản. Điển hình là những khu mua sắm one stop shopping đã xuất hiện. Trong đó có tất cả đồ ăn thức uống, giải trí, mua sắm ở cùng một khu thương mại năng động, hiện đại. Đây là một hình thức bán lẻ đa dạng ngày càng phổ biến và được đón nhận tốt.
"Gia nhập WTO cũng như TPP đang biến Việt Nam thành ngôi sao đang lên với thị trường mở có tính hội nhập cao và có rất nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ. Các bạn đã sẵn sàng cho một thị trường đầy sôi động", bà nói.
Thủ tướng Trung Quốc khẳng định nền kinh tế sẽ không hạ cánh cứng
Theo Tân hoa xã và Reuters, ngày 27/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định bất chấp mức tăng trưởng lên xuống thất thường không thể tránh được trong thời kỳ quá độ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không "hạ cánh cứng" (nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Davos mùa Hè 2016 tại Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường nói: "Chúng tôi có thể đề ra các mục tiêu chính về phát triển kinh tế-xã hội cho năm 2016."
Ông chỉ rõ kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý 2/2016, tăng 6,7 % so với quý 1 cùng năm.
Ngoài ra, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh Trung Quốc cam kết duy trì và phát triển tốt quan hệ giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi các nỗ lực chung để khôi phục lòng tin đối với nền kinh tế toàn cầu sau cú sốc Brexit.
Thông thường, rất hiếm khi một quan chức cấp cao Trung Quốc trực tiếp bình luận về vấn đề nội bộ của các nước khác và phát biểu trên của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phản ánh được phạm vi của ảnh hưởng tiềm tàng do bất ổn kinh tế trong các nước EU - đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.
Bất kỳ sự bất ổn kéo dài nào cũng đều làm giảm nhu cầu của châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc, qua đó có thể tác động ngược tới các ngành công nghiệp vốn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.
Bộ trưởng Tài chính Anh: Kinh tế Anh đủ mạnh để đứng vững
Ông nhấn mạnh kinh tế Anh sẽ điều chỉnh và có hành động để giảm thiểu những tác động đối với hệ thống tài chính công. Bộ trưởng Osborne cho biết ông đã có cuộc làm việc với Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney, cùng những người đồng cấp châu Âu, các thống đốc ngân hàng trung ương, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ và lãnh đạo của các tổ chức tài chính lớn ở Anh để tìm các biện pháp giảm nhẹ hậu quả của việc Anh rời EU.
Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Osborne cũng khẳng định Anh sẽ chỉ "kích hoạt" Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu các thủ tục rời EU khi đánh giá rõ tương lai của nước này trong quan hệ với EU và tất cả chỉ có thể được xem xét sau khi nước Anh bầu được Thủ tướng mới, thay thế ông David Cameron.
Điều 50 Hiệp ước Lisbon quy định mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi liên minh theo trình tự hợp hiến. Một nước thành viên muốn rời khỏi EU phải thông báo cho Hội đồng châu Âu về ý định này và EU không được phép gây áp lực về quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức rời khỏi khối của quốc gia đó.
Cũng theo Điều 50, việc Anh tuyên bố kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này.
Tiến trình đàm phán có thể được kéo dài nếu cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện cả Anh và 27 nước thành viên còn lại cùng đạt được đồng thuận, sau đó Nghị viện châu Âu cũng bỏ phiếu để thông qua với đa số cần thiết. Song song với tiến trình này, Anh và EU cũng sẽ phải tiến hành các cuộc đàm phán riêng về mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên
Niềm tin người tiêu dùng “chìm” trong tháng 6
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng – một trong những thước đo quan trọng để đánh giá thái độ của người tiêu dùng – đã đạt mức thấp hơn dự báo trong tháng 6. Điều đó cho thấy người tiêu dùng đang có cái nhìn kém lạc quan về viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu thậm chí trước khi thị trường sụt giảm ngày 24/6.
Ngày 24/6, trường đại học University of Michigan cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt 93,5 điểm trong tháng 6. Trước đó, Thomson Reuters cho biết các nhà kinh tế đã đưa ra dự báo rằng chỉ số này sẽ chỉ giảm xuống 94 điểm. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 5 đạt mức 94,7 điểm.
Nhà kinh tế trưởng Richard Curtin nhận định rằng người tiêu dùng đã lường trước về sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới mặc dù không hề có bất kỳ dự báo nào về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Theo thường lệ, cuộc khảo sát chỉ số niềm tin người tiêu dùng được thực hiện từ ngày 26 tháng trước tới ngày 22 tháng này. Quy mô của cuộc khảo sát này rơi vào khoảng 500 người và các chủ đề bao gồm tài chính cá nhân, lạm phát, thất nghiệp, chính sách chính phủ và lãi suất.
Số liệu về chỉ số này trong tháng 6 được công bố ngay trước khi thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh do những thông tin bất lợi từ Lục Địa Già.
Chỉ số về điều kiện kinh tế hiện nay đã tăng từ mức 109,9 điểm trong tháng 5 lên 110,8 điểm trong tháng 6 – mức cao nhất kể từ năm 2007, nhờ chi tiêu tiêu dùng và tài chính cá nhân được tăng cường.
Trong khi đó, chỉ số kỳ vọng người tiêu dùng đã giảm từ mức 84,9 điểm trong tháng 5 xuống 82,4 điểm trong tháng 6, phản ánh tốc độ tăng trưởng GDP không ổn định trên toàn cầu.