Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt hơn 147 tỷ USD
IMF: Thị trường tài chính vẫn nằm trong tầm kiểm soát sau Brexit
Trung Quốc: lợi nhuận sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 3,7%
Anh bắt đầu nếm đòn đau
Sản lượng cát dầu Canada tăng 42% vào năm 2025
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-06-2016
- Cập nhật : 28/06/2016
Anh rời EU ảnh hưởng đến bán lẻ trực tuyến Bắc Mỹ
Đồng bảng rớt giá do tác động Brexit sẽ khiến doanh số các hãng bán lẻ Bắc Mỹ vào thị trường Anh giảm sút trong ngắn hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định của người dân Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có thể sẽ ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ trực tuyến ở Bắc Mỹ, cả trong thời điểm hiện tại và về lâu dài.
Trước mắt, những doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến Mỹ và Canada sẽ đối mặt nguy cơ mất nhiều đơn đặt hàng từ người tiêu dùng ở Vương quốc Anh. Lý do là sau cuộc bỏ phiếu Brexit, bảng Anh đã giảm khoảng 7,5% so với đồng đôla Mỹ, khiến hàng hóa định giá bằng USD bỗng nhiên trở nên đắt hơn cho người dân xứ sở sương mù.
Điều này làm cho việc xuất hàng qua Anh gặp nhiều khó khăn. Đây được xem là thị trường chủ chốt bên ngoài khu vực Bắc Mỹ của những ông lớn thương mại điện tử Mỹ và Canada.
Tỷ lệ người Anh mua hàng từ các trang web thương mại vào hàng cao nhất thế giới, theo báo cáo nghiên cứu của công ty thanh toán quốc tế Payvision. 54% người tiêu dùng quốc gia này thực hiện ít nhất một giao dịch mua hàng từ trang web bán lẻ ở nước khác, phổ biến nhất là mua từ Mỹ với tỷ lệ 27% người mua sắm trực tuyến.
Ông Eric Heller - nhà sáng lập công ty tư vấn thương hiệu và bán lẻ trực tuyến quốc tế MarketPlace Ignition, cho rằng trong dài hạn, khi Anh rời hẳn khu vực tự do thương mại EU thì việc bán hàng xuyên biên giới sẽ phức tạp hơn cho các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến Mỹ.
"Hiện tại khách hàng chúng tôi có thể chọn mua hàng hóa tại các trung tâm giao nhận Amazon tại châu Âu và sử dụng dịch vụ Prime chuyển hàng đến bất cứ đâu trong khu vực. Nhưng sắp tới hàng gửi đến Anh phải thực hiện những điều khoản riêng biệt khiến thị trường sẽ phức tạp bây giờ nhiều", ông Eric Heller nói.
Còn ông Simon Birkenhead - Giám đốc thị trường châu Âu công ty tư vấn L2 nhận xét, các sản phẩm kỹ thuật số như quảng cáo trực tuyến hay thông tin thị trường nhiều khả năng không bị ảnh hưởng nhiều khi Anh rời khỏi khối vì EU không áp đặt thuế với các hàng hóa phi vật thể.
"Tuy nhiên, người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh có thể cắt giảm chi tiêu trong một thời gian vì sợ tình trạng thất nghiệp, kinh tế khó khăn. Điều đó có thể ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ ở Bắc Mỹ, các nhà sản xuất, bán buôn và nhà phân phối bán trực tuyến đến khách hàng Anh", ông Simon Birkenhead chia sẻ.
Ông Simon Birkenhead cũng nhấn mạnh, Brexit không chỉ đem đến bất lợi mà còn có nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp biết tận dụng. Nền kinh tế kỹ thuật số phát triển theo quy mô toàn cầu và không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Vì vậy, nếu doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm trực tuyến thuận tiện, mới mẻ, an toàn thì hoàn toàn có khả năng thu hút người dùng, mở rộng thị phần, phát triển kinh doanh.
Hậu Brexit, chứng khoán Việt vẫn đà rớt điểm
Áp lực bán vẫn chi phối thị trường chứng khoán VN trong phiên giao dịch sáng đầu tuần 27-6. Dư âm hậu Brexit còn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, thị trường nằm dưới mức tham chiếu ngay từ khi mở cửa.
Chốt phiên sáng, VN-Index rớt thêm 7,5 điểm (giảm 1,21%), xuống mức 613,27 điểm. Có thời điểm VN-Index giảm đến 11 điểm, xuyên thủng mốc 610 điểm, toàn thị trường ngập trong sắc đỏ và nhanh chóng loang sang nhiều mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao như VIC, VNM, VCB, BID…
Trong phiên cuối tuần trước thị trường chứng khoán VN đã lao dốc mạnh với sự hoảng loạn đáng kể của các nhà đầu tư, ước tính 25.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ USD) đã “bốc hơi” khỏi sàn.
Các chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng ít nhất trong vài phiên tới, tâm lý “sợ hãi” sẽ tiếp tục đeo bám nhà đầu tư.
Nỗi sợ này bắt đầu tư tâm lý đám đông nhiều hơn đến từ sự hiểu biết về Brexit cũng như đánh giá đúng các tác động của nó, vì vậy đã xuất hiện nhóm “cơ hội” tận dụng cổ phiếu rẻ để mua vào.
Sự kiện Anh rời EU sẽ tác động đến quan hệ thương mại giữa VN và EU cũng như VN và Anh, khi hai đồng tiền này giảm giá mạnh khiến cho xuất khẩu VN khó khăn hơn vì vấn đề tỉ giá.
Ngoài ra, phần lớn vay nợ của VN hiện nay là bằng USD, đồng tiền này lên giá mạnh đang tạo áp lực tỉ giá đồng VN trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán châu Á sáng 27-6 các nhà đầu tư có vẻ lấy lại được thăng bằng hơn khi đã xuất hiện những xu hướng trái ngược nhau.
Theo nhà phân tích thị trường đã có kỳ nghỉ cuối tuần để tiêu hóa hết đợt bán tháo kinh dị hôm thứ sáu vừa rồi, do vậy phiên ngày đầu tuần hậu Brexit, chứng khoán sẽ xập xình nhưng xu hướng bán có phần áp đảo hơn.
ASX 200 của Úc đã tăng 0,58% sau khi mất hơn 0,91% trước đó, các chỉ số con của nhóm tài chính đều giảm.
Sang Hàn Quốc, Kospi giảm 0,24% trong khi Shanghai composite của Trung Quốc lại tăng 0,86%, Shenzhen composite tăng mạnh hơn lên 1,44%.
Cũng trong xu hướng tăng, cổ phiếu Nhật Bản dẫn đầu mức tăng trong khu vực, với chỉ số Nikkei 225 tăng 1,89% trong khi cuối tuần trước chỉ số này giảm đến 7,9%.
Kết quả bỏ phiếu Anh rời EU hôm thứ sáu đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính toàn cầu, ước tính 2,1 nghìn tỉ USD đã bốc hơi khỏi thị trường, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 610 điểm, đồng bảng Anh rớt kỷ lục sau hơn 30 năm qua so với USD, còn 1,3224 USD/bảng Anh.
Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức ngay sau đó.(TT)
Cần tính lại các chính sách thuế, phí đối với than
Theo báo cáo của Vinacomin, sáu tháng năm 2016, Vinacomin đạt doanh thu 47.450 tỉ đồng, tương đương 45% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước, lợi nhuận chỉ đạt 150 tỉ đồng. Lý giải nguyên nhân về doanh thu và lợi nhuận thấp, lãnh đạo Vinacomin cho rằng giá bán than của Vinacomin vẫn ở mức cao nên sức cạnh tranh yếu. Vinacomin phải chịu chi phí đầu vào tăng do điều kiện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, tỉ trọng than lộ thiên giảm. Đặc biệt, giá than bán ra đang phải gánh rất nhiều loại thuế, phí (khoảng 15%), ở mức cao so với thế giới và khu vực…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu Vinacomin và các doanh nghiệp thành viên cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để giảm giá thành sản xuất trong nước; cùng với đó có kế hoạch xuất, nhập khẩu than phù hợp; tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu một cách thấu đáo các chính sách thuế, phí đối với than.
Thị trường bất động sản TP.HCM: Hé lộ những bất ổn
Thị trường bất động sản từ cuối năm ngoái đến nay được đánh giá là đã khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, trong đà phát triển đó, đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại bởi những thông tin vĩ mô và vi mô.
Có thể kể ra như việc hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn và đưa hệ số rủi ro bất động sản lên từ 150% lên theo lộ trình 200% năm 2017 và 250% năm 2018 hay thông tin ngừng giải ngân gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà.
Đặc biệt, các thông tin vi mô như vụ hai chủ đầu tư chung cư ở TP.HCM làm ăn “nhập nhằng” khiến dân có nguy cơ bị đuổi ra khỏi căn hộ cũng tác động lan truyền lên tâm lý của người mua nhà ở phân khúc trung bình. Một trong hai vụ đã được chủ đầu tư xử lý, tuy nhiên ảnh hưởng tâm lý tới người mua nhà vẫn còn dư âm. Các yếu tố trên tác động khiến thị trường trong quý I và quý II/2016 có dấu hiệu chững lại.
Có thể thấy việc sửa đổi Thông tư 36 là kịp thời và việc sửa đổi này đi theo lộ trình là điều hợp lý. Hiện nay thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc cao cấp. Song song với đó là sự xuất hiện của giới đầu tư, đầu cơ mua đi bán lại nhiều hơ.
Cụ thể, bình quân giới đầu tư mua đi bán lại chiếm khoảng 15-20% trong một dự án, trong đó điển hình có những dự án giới đầu cơ, đầu tư xuất hiện trên 30%. Mặt khác, hàng loạt dự án bất động sản bung hàng trong thời điểm này, mà chủ yếu là phân khúc cao cấp, các dự án này tập trung giao nhà vào cuối 2017 đến 2018 với số lượng căn hộ ước chừng 50.000-60.000 căn.
Theo thông lệ của thị trường bất động sản VN, giai đoạn đầu người mua chỉ đóng tỉ lệ nhỏ tầm 20% để ký hợp đồng và đóng trả góp đến khi nhận nhà còn lại tầm 50%-70%, nếu lúc này thị trường bất ổn, lãi suất ngân hàng biến động khiến giới đầu tư-đầu cơ ngưng đóng tiền theo tiến độ thì thị trường sẽ rơi vào nguy cơ khủng hoảng.
Ngoài sự xuất hiện của giới đầu cơ việc cần kiểm soát là pháp lý và việc thực thi pháp lý của các chủ đầu tư dự án. Hiện nay nhiều và rất nhiều dự án chưa làm xong móng đã mở bán, thậm chí có dự án chưa có pháp lý, chưa đóng hết tiền sử dụng đất mà chỉ “bao hàng rào” là mở bán.
Trong đó, điều phố biến là việc xây tường tào bao quanh rồi lập tức bán hàng ầm ầm, thông qua hợp đồng cọc các dự án này huy động vốn của người dân lên tới trên 70%, thậm chí có dự án còn huy động vốn trái phép của người dân để kiếm tài chính cho dự án thông qua việc trả lãi suất như là một ngân hàng thương mại…
Các dự án mới vẫn đang làm gia tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh Quang ĐịnhVề thị trường nhà ở xã hội - nhà ở thương mại phân khúc trung bình đây là phân khúc đáp ứng nhu cầu lớn về nhà ở của đại đa số người dân đô thị. Ở mảng nhà thương mại thì ít nhà đầu tư chủ tâm vì lợi nhuận thấp đây là điều tất yếu của kinh tế thị trường nên cần có định hướng. Nhưng có một điều cần đặc biệt quan tâm và điều tra thậm chí xử lý nghiêm về tình trạng tiêu cực trong thông qua việc lợi dụng chính sách ưu đãi về phát triển nhà ở xã hội để trục lợi.
Ở phân khúc nhà ở xã hội được sự ưu ái nhiều từ chính sách nhà nước như về tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT… nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản đang gắn mác phát triển nhà ở xã hội để tư lợi. Rõ nhất là việc tính toán về giá xây dựng và giá thành đầu vào của sản phẩm đang tạo mầm mống cho tiêu cực.
Nếu ví nền kinh tế là cơ thể sống thì ngân hàng như mạch máu và bất động sản như cơ bắp, nếu không lành mạnh hoá thị trường bất động sản kinh tế tiếp tục tiềm ẩn rủi ro. Mặt khác, việc an cư giúp an dân nếu thị trường chỉ phát triển cho giới đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận mà không hướng vào dòng sản phẩm đáp úng nhu cầu thực của người dân thì bất động sản lại đưa nền kinh tế vào con đường suy thoái.
Xuất khẩu trái cây vào Mỹ, Nhật... tăng trên 80%
Theo Cục Bảo vệ thực vật, xuất khẩu trái cây sang thị trường khó tính có chiều hướng tăng cao trong sáu tháng đầu năm 2016.
Xoài cát chu được Công ty Yasaka (Bình Dương) đưa vào máy chiếu xạ trước khi đóng gói xuất sang thị trường Nhật - Ảnh: Trần Mạnh
Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm các công ty đã xuất khẩu trên 4.608 tấn trái cây tươi các loại vào các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, tăng 81% so với mức 2.542 tấn cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính tăng khá mạnh trong nửa đầu năm nay do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chất lượng hàng hóa ổn định cũng như nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi thị trường được mở rộng.
Cục Bảo vệ thực vật đánh giá xuất khẩu trái cây tươi sẽ còn tiếp tục tăng trưởng vì trái vải đang vào chính vụ, các công ty đang làm thủ tục xuất khẩu. Thời gian tới, sẽ có thêm các loại trái cây khác như xoài, vú sữa được mở cửa vào các thị trường khó tính.