Ngân hàng trung ương Singapore tăng kiểm soát hành vi rửa tiền
G20 "đau đầu" tìm cách giải quyết dư thừa thép toàn cầu
Mỹ cảnh báo tác động của Brexit tới ngành tài chính trong nước
Giá điều xuất khẩu vụt tăng trở lại
Lo ngại thị trường tôm xuất khẩu
Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-07-2016
- Cập nhật : 26/07/2016
Khó khăn vẫn rình rập dù xuất khẩu tăng
Dù xuất khẩu của nước ta tăng song theo đại diện của nhiều hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp thì khó khăn vẫn rình rập nếu không nhìn thẳng vào thực tế, tiên lượng được tình hình và không có sự chủ động các giải pháp cũng như thiếu hỗ trợ kịp thời.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay tăng 4,4% so với cùng kỳ, đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp cần tháo gỡ.
VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng các bộ hỗ trợ tối đa, có các chính sách nhằm huy động nguồn lực để ngành cá tra vượt qua các rào cản này trong tương lai
Do đó, VASEP kiến nghị tiếp tục cải cách quy định và thủ tục hành chính. Cụ thể, sửa đổi một số quy định của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; sửa đổi thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu; sửa đổi quy định về dán nhãn sản phẩm, quy định về dán nhãn phụ trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Cũng theo VASEP, thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ vẫn còn cao, chương trình thanh tra cá da trơn là những vấn đề rào cản cho ngành cá tra. Mặc dù các vấn đề này chỉ liên quan đến thị trường Mỹ, nhưng thực tế có tác động rất lớn đến các thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam, đặc biệt là thị trường châu Âu. Do đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng các bộ hỗ trợ tối đa, có các chính sách nhằm huy động nguồn lực để ngành cá tra vượt qua các rào cản này trong tương lai.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen cho rằng, cơ hội để doanh nghiệp Việt đầu tư cho sản xuất công nghiệp làm ra sản phẩm xuất khẩu chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Đơn cử, Tôn Hoa Sen mới đây đề xuất xây nhà máy thép công suất 15 triệu tấn tại Ninh Thuận, dự kiến sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại hiện nay nhưng giá mua chỉ bằng gần 50% so với trước đây. Theo ông Vũ, doanh nghiệp Việt đủ khả năng đầu tư sản xuất công nghiệp nhưng lo ngại nhất vẫn là vấn đề bị kiện chống phá giá.
“Tôn Hoa Sen đã vượt qua vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Austraylia nhưng sau đó lại tiếp tục bị kiện tại Thái Lan, Malaysia… và rất có thể sẽ tiếp tục bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ chỉ trong 2-3 năm tới”, ông Vũ nói và đề xuất, để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá thì các ngành chức năng, cụ thể là Bộ Công thương cần có sự chủ động. Cũng theo ông Vũ, trong đầu tư các dự ánsản xuất thép, đề nghị ngành chức năng xem xét kỹ, hạn chế việc cấp phép cho các dự án chỉ sản xuất ở công đoạn cuối. “Thực tế là nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư dự án thép dạng này chỉ là để lấy xuất xứ, phục vụ cho việc xuất khẩu nhằm tránh việc bị kiện chống bán phá giá”, ông Vũ thông tin.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, để vượt qua khó khăn do thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh thì doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường. Cụ thể, đơn hàng nhập khẩu từ thị trường EU mà các doanh nghiệp thuộc Lefaso thực hiện đã giảm đến một nửa, dù một số thị trường khác có sự tăng trưởng nhưng cũng không thể đạt mức tăng trưởng bình quân 10% như các năm trước. Dự báo, trong thời gian tới, tình hình tại EU vẫn phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, nhưng đây vẫn là một trong những thị trường chính cho xuất khẩu giày, dép của Việt Nam. Do đó, để tránh rủi ro, đại diện Lefaso khuyến nghị doanh nghiệp cần mở rộng sang các thị trường nhỏ, đồng thời đầu tư cho công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng lớn đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.
“Giai đoạn hiện nay hàm chứa rất nhiều khó khăn cả khách quan và vấn đề nội tại của nền kinh tế, nhất là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói như vậy tại hội nghị “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016” được tổ chức tại TP.HCM. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, nhiều thị trường là bạn hàng lớn cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm hoặc chậm tăng trưởng. Đáng lưu ý là nhập khẩu của khu vực Eurozone giảm 3%; Nhật Bản giảm 13,8%; tình trạng tương tự diễn ra đối với nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế mới nổi khác.
Do đó, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây là thời điểm không thể duy ý chí mà phải nhìn nhận đúng những khó khăn, vướng mắc trong công tác xuất nhập khẩu. Đồng thời, ngành chức năng cần cầu thị, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và phải có những giải pháp đủ mạnh và kịp thời.(ĐT)
Tăng cường sản xuất dầu từ các mỏ dầu sắp cạn kiệt bằng cách bơm CO2
Nhiều người cho rằng mỏ dầu là những bể chứa nằm sâu trong lòng đất có dầu được hút lên, nhưng trên thực tế thì có sự khác biệt nho nhỏ.
Trong mỏ dầu, dầu thấm xuyên qua cát và đá trong vỉa dầu và chịu áp lực rất cao do nằm dưới lớp trầm tích. Nếu khoan một giếng dầu vào vỉa này, dầu phun ra do áp lực tự nhiên. Khai thác dầu bằng cách sử dụng áp lực tự nhiên này được gọi là "khai thác sơ bộ", nhưng trên thực tế thì chỉ có thể thu được khoảng từ 10% đến 20% lượng dầu có trong vỉa bằng phương pháp này.
Sau khi dầu tự phun ra, nói cách khác, sau khi áp lực trong vỉa dầu đã giảm đi, người ta sử dụng phương pháp bơm nước hoặc không khí vào giếng dầu để tăng thêm áp lực và tiếp tục thu hoạch dầu. Giai đoạn này được gọi là "khai thác thứ cấp". Tuy nhiên, ngay cả với phương thức này, người ta cũng chỉ có thể hút lên được khoảng 1 phần 3 lượng dầu và sau một thời gian dài thì họ sẽ không có cách nào khác để thu hoạch lượng dầu còn lại.
Trên cơ sở này, công nghệ "Enhanced Oil Recovery (EOR)" (công nghệ “Tăng khả năng thu hồi dầu (EOR)) đang được phát triển để nâng tỷ lệ khai thác dầu hiện nay cao hơn bằng "khai thác cấp ba".
Ở giai đoạn khai thác thứ cấp, người ta đưa thêm áp lực vào các giếng để lấy dầu; còn với công nghệ EOR, tự bản chất của dầu được thay đổi trở nên lỏng hơn và vì vậy được hút lên dễ dàng hơn.
Về cơ bản, dầu được làm cho dễ chảy hơn là nước.
Làm thế nào thực hiện được điều này? Câu trả lời là không có hóa chất đặc biệt nào mà chỉ đơn giản là dùng khí CO2 mỗi ngày.
Là khí hiệu ứng nhà kính hàng đầu đang làm tổn hại đến môi trường toàn cầu, trong những năm gần đây việc hạn chế lượng khí thải CO2 đã trở thành một vấn đề chung toàn cầu. Việc bơm khí CO2 vào các giếng dầu cạn kiệt làm cho dầu dễ chảy hơn và có thể gia tăng tỷ lệ khai thác dầu.
Nghiên cứu cũng đang được tiến hành tại Việt Nam và kỹ thuật này đang được các công ty như PVEP, Perenco Rạng Đông, JX Nippon Oil & Gas Exploration của Nhật Bản và JOGMEC sử dụng tại mỏ Rạng Đông, kết quả được xác nhận là đã gia tăng lượng khai thác.
MHI là công ty hàng đầu thế giới trong việc phát triển công nghệ tái sinh khí CO2 bằng việc sử dụng công nghệ EOR.
Phát triển công nghệ tái sinh khí CO2 với Kansai Electric từ những năm 1990, MHI đã xây dựng một hồ sơ theo dõi khách hàng công nghiệp hàng đầu, đặc biệt là những ghi chép trong các nhà máy hóa chất sử dụng chất amin có hiệu suất hấp phụ cao là KS-1 ™ (KM-CDR Process®).
Trong dự án mũi nhọn "Petra Nova CCS" được triển khai tại tiểu bang Texas, những nỗ lực thu hồi khí CO2, tăng tỷ lệ thu hoạch dầu từ các mỏ cạn kiệt được đưa ra và đem lại các giải pháp tiến bộ nhất để xử lý những thách thức cả về môi trường lẫn năng lượng. Dự án thuộc sở hữu của một công ty liên doanh giữa NRG Energy - công ty độc lập phát điện hàng đầu của Mỹ và công ty năng lượng JX Group hàng đầu của Nhật Bản; và sau khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy thu hồi CO2 lớn nhất thế giới, thu hồi khoảng 4.776 tấn CO2 mỗi ngày từ nhà máy điện chạy than đá W.A. Parish và bơm khí CO2 thu được vào các mỏ dầu cạn kiệt trong khu vực. Dự án đã nhận được sự tài trợ từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Ngân hàngHợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) là đồng tài trợ cho dự án cùng với các tổ chức tài chính tư nhân. Dự án được kỳ vọng sẽ tái sinh được khoảng 1,6 triệu tấn khí thải CO2 hàng năm.
MHI đã hình thành một tập đoàn thông qua Mitsubishi Heavy Industries America, Inc và chịu trách nhiệm thiết kế, mua sắm và xây dựng nhà máy thu hồi khí thải CO2. Việc bàn giao được dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2016.
CO2-EOR là một công nghệ có thể giảm lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính và tăng sản lượng dầu, là trọng tâm chú ý của toàn thế giới và được dự đoán thị trường tiêu thụ sẽ tăng trưởng đáng kể trong tương lai.
Ông Masaki Iijima, chuyên gia của MHI đưa ra nhận định như sau: "Tôi tin rằng khi dự án Petra Nova CCS được hoàn thành, nó sẽ là một giải pháp cách mạng cho cả hai vấn đề môi trường và năng lượng. Với việc thông qua Nghị định thư Paris tại COP21, khuynh hướng chung là tập hợp lại vì những chính sách về biến đổi khí hậu; và chúng tôi muốn nỗ lực hết mình để có thể tiếp tục thậm chí đem lại những đề xuất hấp dẫn hơn cho khách hàng trong tương lai".(BĐT)
Dệt may, xuất khẩu than mất dần lợi thế cạnh tranh do chính sách tỷ giá
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, một trong những lý do khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may bị mất thị trường, thu hẹp sản xuất hoặc không đạt được mức tăng trưởng kế hoạch có nguyên nhân từ chính sách ổn định tỷ giá.
“Tỷ giá đồng Việt Nam bị neo vào đồng tiền mạnh USD (chỉ điều chỉnh rất ít -2%), trong khi các đồng tiền khác ở những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đã điều chỉnh rất mạnh, cụ thể: châu Âu -18%, Nhật Bản – 17%, Trung Quốc -8%...Đồng thời, các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Asean, Ấn Độ, Băngladesh cũng giảm giá đồng tiền của họ từ 10-20%, đã khiến hàng hóa Việt Nam trở nên quá đắt đỏ, không cạnh tranh được”, ông Dương nói.
Dệt may xuất khẩu đang khó cạnh tranh với các quốc gia Băngladesh, Campuchia cho chi phí đầu vào cao.
Bên cạnh nguyên nhân tỷ giá, ngành dệt may càng trở nên khó khi tiền lương tối thiểu liên tục tăng đã làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, do cơ cấu chi phí của ngành dệt may, chi cho lao động đang chiếm đến 70-72% trong đơn giá gia công, thì mức tăng lương tối thiểu hàng năm cũng khiến hàng dệt may đắt hơn từ 8 – 10% so với các nước.
Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đang phải vay vốn với mức lãi suất 8-10%/năm, mức này được các doanh nghiệp “phản pháo” cao hơn 2 – 3 lần so với các nước, đẩy chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng, trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm của hàng sản xuất trong nước.
Đại diện Vitas cho rằng, với 3 nguyên nhân trê, thì hàng hóa Việt Nam so với các nước khác đã đắt hơn trên 20%, nên khó mà cạnh tranh nổi, thành thử, dù đã rất nỗ lực, nhưng 6 tháng 2016, xuất khẩu dệt may tăng rất thấp, chỉ 4,1% và là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2016 đối với ngành dệt may là rất khó khăn.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ điều chỉnh tỷ giá linh hoạt thep thị trường thế giới, chứ không nên theo nhu cầu mua bán ngoại tệ tại thị trường Việt Nam, ít nhất đồng nội tệ Việt Nam phải phá giá 15% nữa mới gần cân bằng với đồng tiền của các nước khác trong khu vực”, ông Dương kiến nghị.
Đồng thời điều chỉnh quy định tăng thời gian làm thêm giờ cho các doanh nghiệp để cải thiện đời sống và thu nhập cho người lao động từ mức 300 giờ lên 500 giờ/năm để không bị tuột mất cơ hội nhận đơn hàng.
Số liệu từ Vitas cho thấy, hiện các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm thêm giờ 600 giờ/năm; Nhật Bản 720 giờ/năm
Vitas cũng đề nghị chính phủ giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến 2020 hoặc 2022 và không tăng thường xuyên hàng năm, cụ thể năm 2017 không tăng, vì chỉ tính từ năm 2010 đến nay lương tối thiểu vùng đối với các DN trong nước năm 2016 đã bằng 3,28 lần - 3,57 lần so với năm 2010, đối với các DN đầu tưnước ngoài bằng 2,4 lần đến 2,61 lần. Đề nghị không sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ khởi điểm để xây dựng hệ thống thang, bảng lương và làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm.(ĐT)
Chubb Life Việt Nam nâng vốn chủ sở hữu lên 1.550 tỷ đồng
Đây là lần thứ hai Chubb Life Việt Nam tăng vốn điều lệ chỉ trong 2 năm trở lại đây, nhằm đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của công ty tại Việt Nam - thị trường được Chubb Việt Nam đánh giá đầy tiềm năng này. Sau lần tăng vốn này, vốn chủ sở hữu của Chubb Life Việt Nam đã đạt hơn 1.550 tỷ đồng.
Ông Lâm Hải Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam cho biết, “Chubb Life luôn tập trung phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam. Việc tăng vốn lần này chính là tiền đề để Chubb Life tiếp tục phát triển, mở rộng các thị trường tiềm năng, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và đội ngũ nhân sự, cũng như ra mắt những giải pháp bảo hiểm ưu việt hơn nhằm bảo vệ kế hoạch tài chính cho hàng triệu gia đình Việt”.
Trong năm 2016, hãng bảo hiểm nhân thọ này ghi dấu ấn bằng sự kiện quan trọng, đó là ACE Life chính thức công bố đổi tên thành Chubb Life Việt Nam theo lộ trình của thương vụ tập đoàn ACE mua tập đoàn Chubb với trị giá 29,5 tỷ USD và sử dụng thương hiệu Chubb trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, Chubb Life cung cấp các sản phẩm Bảo hiểm Nhân thọ ưu việt đáp ứng toàn diện nhu cầu bảo vệ và an toàn tài chính đa dạng cho các khách hàng khác nhau.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chubb Life Việt Nam đã tập trung tăng cường phát triển lực lượng kinh doanh, khai trương thêm văn phòng kinh doanh mới, ra mắt các sản phẩm mới và ký thỏa thuận triển khai mô hình hợp tác bancassuarance với các đối tác ngân hàng.