90% nhân sự quản lý tại Samsung sẽ là người Việt; Chính phủ sẽ vay 342.060 nghìn tỷ, trả nợ 260.150 tỷ đồng trong năm 2017; Lĩnh vực sản xuất vẫn là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong đầu quý II; Genco 3 đề xuất làm 2 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận
Tin kinh tế đọc nhanh 03-07-2017
- Cập nhật : 03/07/2017
Giá hàng hóa nửa đầu năm 2017: Không mấy khả quan
Sau 6 tháng đầu năm 2017, sự thất vọng với đà sụt giảm của giá cả hàng hóa đang ngày càng tăng lên.
Chỉ số Bloomberg Commodity Index (BCI), chuyêntheo dõi 22 hợp đồng hàng hóa tương lai, đã giảm khoảng 7,7% sau 6 tháng đầu năm 2017, đứng ở mức dưới 81 điểmvào hôm thứ Tư. Trước đó, chỉ số này đã tăng hơn 11% trong năm 2016, năm tăng giá đầu tiên trong 6 năm.
Ông Adam Koos, chủ tịch tập đoàn Libertas Wealth Management Group cho biết rằng chỉ số này "lấy lại được chút sinh khí vào năm 2016, trước khi lại tiếp tục giảm trong phần lớn thời gian đã qua của năm 2017".
Ông nói: "Mức 82 là một ngưỡng hỗ trợ quan trọng, chỉ số BCI đã chạm mức này bốn lần trong một năm qua. Và do giá dầu suy giảm, chỉ số BCI đã giảm xuống dưới mức này trong tháng 6 vừa rồi."
Nhiều loại hàng hóa đang tiếp tục đà đi xuống từ cuối quý I/2017, trong đó giá đường giảm khoảng 36% từ đầu năm tới ngày 28/6/2017. Quặng sắt đang giao dịch ở giá thấp hơn 18% so với đầu năm. Giá dầu cũng giảm khoảng 16% so với đầu năm.
Trong khi đó, Palladium là loại hàng hóa tăng giá mạnh nhất, tăng khoảng 28% kể từ đầu năm.Vàng cũng tiếp tục đà tăng giá kéo dài từ tháng 12 năm ngoái với mức tăng 8,5% kể từ đầu năm, ngay cả khi Fed tăng đã tăng lãi suất tới 2 lần trong năm 2017. Tuy nhiên, mức tăng vừa phải đó cho thấy vàng không còn nằm trong top 10 hàng hoá tăng giá mạnh nhất như trong quý 1/2017.
Các loại hàng hóa khác cũng tăng giá bao gồm: thịt heo tăng 20%, gỗ làm nhà tăng 13% và gạo thô tăng 22% kể từ đầu năm. Giá nước cam ép đông lạnh giảm 29%, khí tự nhiên giảm 16%, dầu nóng giảm gần 17%, đây là 3 trong số các mặt hàng có mức giảm giá mạnh nhất. (NCĐT)
--------------------------
Grab bác tin chỉ đóng 5,8 tỷ đồng thuế năm 2016 nhưng bí mật số thật
Cho rằng thông tin doanh nghiệp chỉ đóng 5,8 tỷ đồng tiền thuế là sai lệch, nhưng phía Grab cũng không đưa ra được số tiền thuế cụ thể đã đóng góp cho ngân sách là bao nhiêu.
Chiều 30/6, đại diện Grab có văn bản phản hồi về thông tin doanh nghiệp này chỉ đóng khoản thuế 5,8 tỷ đồng trong năm 2016.
Bà Thu An, Giám đốc truyền thông Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Việt Nam), cho biết những thông tin về khoản nộp thuế chỉ 5,8 tỷ đồng là số liệu sai lệch hoàn toàn. Tuy nhiên bà An không cung cấp chính xác số tiền nộp thuế cụ thể năm 2016 là bao nhiêu.“Chúng tôi một lần nữa khẳng định Grab Việt Nam luôn tuân thủ các chính sách thuế nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, có chế độ lưu trữ sổ sách phù hợp với quy định pháp luật và quy tắc thực hành kế toán của Việt Nam”, bà An nhấn mạnh.
Đại diện Grab cho rằng việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước luôn tăng trưởng gần 300% mỗi năm . Ảnh: Quỳnh Trang.
Bà Thu An cũng cho rằng việc đóng góp nghĩa vụ thuế của Grab Việt Nam luôn tăng trưởng gần 300% mỗi năm. Ngoài ra, trong khuôn khổ Đề án thí điểm, doanh nghiệp còn hỗ trợ cho các đối tác vận tải kê khai, nộp thuế hàng tháng.
Giám đốc truyền thông Grab nói việc đưa các thông tin sai lệch liên quan đến hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ thuế của Grab Việt Nam đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cũng như đối tác.
“Việc đưa các thông tin sai lệch như trên là hành vi phạm pháp luật”, bà An nhấn mạnh.
Trước đó, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, năm 2016 Công ty TNHH Grab đạt doanh thu 192 tỷ đồng, báo lỗ 443 tỷ.
Với hoạt động kinh doanh lỗ, Grab Việt Nam không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số thuế năm 2016 (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài) Grab nộp là 5,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty TNHH Grab cũng không thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh cùng Grab. Do vậy, số thuế thu nhập cá nhân năm 2016 của Grab nộp bằng không....
Hiệp hội taxi Hà Nội cũng cung cấp số thuế của Uber được công bố hồi tháng 3 vừa qua khoảng 40 tỷ đồng. Nếu so sánh với nghĩa vụ thuế của các công ty taxi truyền thống như Vinasun, số thuế 5,8 tỷ đồng của Grab được cho là bằng một phần ba mươi. (Zing)
-----------------------------
Từ 7/7, Australia sẽ siết chặt điều kiện nhập khẩu tôm
Ngay sau khi lệnh tạm ngừng nhập khẩu đối với mặt hàng tôm chưa nấu chín hết hiệu lực kể từ ngày 6/7, các điều kiện nhập khẩu chặt chẽ hơn sẽ được phía Australia áp dụng từ ngày 7/7.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia vừa có thông báo số 64-2017 về việc lệnh tạm ngừng nhập khẩu đối với mặt hàng tôm chưa nấu chín sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 6/7. Theo đó, các điều kiện nhập khẩu chặt chẽ hơn sẽ được áp dụng từ ngày 7/7/2017 nhằm đảm bảo hoạt động thương mại an toàn đối với tôm và các sản phẩm tôm.
Các điều kiện nhập khẩu mới này áp dụng đối với tôm bóc vỏ chưa nấu chín; tôm bóc vỏ chưa nấu chín được đánh bắt tự nhiên ở Australia và chế biến ở nước ngoài; tôm bóc vỏ chưa nấu chín đã qua tẩm ướp (chỉ trừ đuôi và đốt vỏ cuối được giữ lại).
Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại đối với các sản phẩm trên sẽ chỉ được tái thiết lập sau khi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận với phía Australia việc nước xuất khẩu đó có thể đáp ứng các điều kiện nhập khẩu mới.
Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia sẽ phối hợp với các nước đối tác để có thể tái thiết lập hoạt động thương mại an toàn trong thời gian nhanh nhất có thể và sẽ có các thông báo cập nhật về việc này.
Trong những ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia sẽ liên hệ trực tiếp với từng doanh nghiệp nhập khẩu bị ảnh hưởng của lệnh tạm ngừng trước đây để hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu liên quan đến giấy phép nhập khẩu trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ Công Thương, trường hợp giấy phép nhập khẩu hết hạn sau khi lệnh tạm ngừng nhập khẩu được dỡ bỏ, cơ quan này sẽ cấp lại giấy phép nhập khẩu mới cho doanh nghiệp nhập khẩu sau khi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận có thể đáp ứng các điều kiện nhập khẩu tăng cường.
Bộ Công Thương cho hay, tất cả các sản phẩm tôm chưa nấu chín thuộc diện bị áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu trước đây sẽ được kiểm tra về bệnh đốm trắng (WSSV) tại Phòng Kiểm nghiệm y tế động vật Australia (AAHL) trước khi được đưa ra lưu hành tại thị trường.
Ngoài ra, các sản phẩm tôm bị phát hiện dương tính với bệnh đốm trắng sẽ phải được tái xuất, hủy bỏ hoặc nấu chín. Các sản phẩm tôm có kết quả âm tính với bệnh đốm trắng sẽ không phải chịu các biện pháp xử lý an toàn sinh học.(TTXVN)
-------------------------
6 tháng, xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,5 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2017 ước đạt 653 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (phường 8, thành phố Cà Mau). Ảnh: Kim Há/TTXVN
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017, chiếm 54,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (38,1%), Nhật Bản (32,2%), Hàn Quốc (28,6%)...
Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 6/2017 đạt 115 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 đạt 639 triệu USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn biến thời tiết thuận lợi đã giúp cho các đội tàu khai thác cá ngừ đại dương tại tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa hoạt động hiệu quả. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 13.026 tấn, tăng 21,8 % so với cùng kỳ năm trước; trong đó Khánh Hòa ước đạt 2.925 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016; Phú Yên ước đạt 3.201 tấn (+5,5%); Bình Định ước đạt 6.900 tấn (+43,2%).
Giá bán cá ngừ đại dương tại cảng biển bình quân của 3 tỉnh trọng điểm từ 60.000 – 80.000 đồng/kg loại nhỏ hơn
30kg/con; loại lớn hơn 30kg/con giá bán từ 92.000 – 96.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, giá cá tra trong nước biến động tăng đáng kể. Kể từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017 giá cá tra đã bắt đầu tăng và kéo dài đạt mức đỉnh điểm vào giữa tháng 4/2017, nhưng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây được xem là chu kỳ giá cá tra tăng kéo dài nhất và có thể tiếp tục kéo dài đến hết năm 2017.
Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang hình thành mặt bằng giá mới theo chiều hướng giảm do nguồn cung tăng và doanh nghiệp thu mua cầm chừng. Tại Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ… giá cá tra thịt trắng nguyên liệu dao động 21.500 - 23.000
đ/kg, giảm 3.000 - 4.000 đ/kg so với tháng trước.
Bên cạnh đó, thị trường cá giống tiếp tục giảm: tại Cần Thơ, cá tra giống (cỡ 1,5 cm chiều cao thân) 24.000 – 25.000 đ/kg; cá tra giống (cỡ 2 cm chiều cao thân) 19.000 – 20.000 đồng/kg.
Cũng trong 6 tháng qua, giá tôm nguyên liệu biến động thất thường. Quý I, do nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu thu mua của các nhà chế biến tăng cao đã đẩy giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, song xu hướng thị trường đã chuyển hướng khi nguồn cung cải thiện do nhiều nơi bước vào vụ thu hoạch.
Giá tôm nguyên liệu trong tháng 6/2017 giảm nhẹ do nguồn cung có sự ổn định hơn. Tại TP Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 30 và 40 con/kg giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước xuống lần lượt còn 180.000 đ/kg và 140.000 đ/kg; tôm sú sống (chạy oxy) ổn định hơn, cỡ 30 con/kg giữ ở mức 270.000 đồng/kg, loại 40 con/kg tăng 20.000 đồng/kg lên 220.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 và 60 con/kg giảm 2.000 đồng/kg xuống lần lượt mức 123.000 đồng/kg và 118.000 đồng/kg/kg. Tại Sóc Trăng, giá tôm thẻ cỡ 50 và 60 con/kg giảm 6.000 đồng/kg xuống các mức tương ứng là 134.000 đồng/kg và 124.000 đồng/kg.(TTXVN)