tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-07-2017

  • Cập nhật : 03/07/2017

Kế hoạch hạn chế nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ bị chỉ trích tại WTO

Kế hoạch hạn chế nhập khẩu thép và nhôm vì lý do an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích tại cuộc họp ngày 30/6 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Brazil, Australia, Đài Loan và Nga đã bày tỏ những lo ngại.

Trước Hội đồng hàng hóa của WTO, Trung Quốc và EU cho rằng việc đánh thuế theo Mục 232 của Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 không thể được biện minh bằng các lý do về an ninh quốc gia, trong khi các nước khác quan ngại về rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống thương mại toàn cầu. 

cac ong thep tai mot dan khoan o tinh son dong, trung quoc. anh: afp/ttxvn

Các ống thép tại một dàn khoan ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tại cuộc họp, đại diện của EU đã nói khối này kiên quyết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nếu hàng hóa xuất khẩu bị hạn chế, và sự đáp trả lẫn nhau như vậy sẽ gây ra những rủi ro mang tính hệ thống khó có thể chấp nhận, một lo ngại mà đại diện các nền kinh tế khác tham dự cuộc họp cũng đồng tình. 

Một quan chức thương mại của Nga đã yêu cầu được cung cấp chi tiết như khung thời gian và mức độ áp thuế nhập khẩu cũng như đề nghị sự giải thích trên góc độ thương mại nếu Mỹ có những bước tiến xa hơn trong việc hạn chế nhập khẩu thép và nhôm. 

Trong khi đó, Australia cảnh báo Mỹ có thể đối mặt với sự trả đũa, còn đại diện của Nhật Bản cho biết nước này quan tâm và đang theo dõi sát các bước đi của Chính phủ Mỹ. 

Phản ứng trước những ý kiến đó, quan chức Mỹ tham dự cuộc họp nói rằng nếu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát hiện thép hoặc nhôm nhập khẩu với khối lượng hay trong tình huống đe dọa đến an ninh quốc gia, ông sẽ khuyến nghị các hành động sẽ được thực hiện để điều chỉnh việc nhập khẩu hai loại hàng hóa này. (baotintuc)
---------------------------

Thịt bò Mỹ có thể giúp cân bằng thương mại Mỹ - Trung Quốc

Mỹ đang đặt mục tiêu xuất khẩu thêm sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và an toàn đến Trung Quốc để giúp cân bằng thương mại giữa hai nước.

thit bo my co the giup can bang thuong mai my - trung quoc anh: bloomberg

Thịt bò Mỹ có thể giúp cân bằng thương mại Mỹ - Trung Quốc Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, Mỹ vừa đánh dấu lô hàng thịt bò xuất khẩu đến Trung Quốc lần đầu trong 14 năm qua. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad cho biết: “Chúng tôi có thể cung cấp thực phẩm an toàn và có chất lượng tốt hơn đến người tiêu dùng ở Trung Quốc. Đây là yếu tố quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ của chúng tôi và giảm thâm hụt thương mại. Xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc là khởi đầu mới”.

Trung Quốc vừa bắt đầu nhập khẩu lại thịt bò Mỹ sau khi bỏ lệnh cấm đặt ra vào năm 2003 vì bệnh bò điên khởi phát ở bang Washington. Đại lục là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, song có nhu cầu thịt bò tăng lên khi ngày càng nhiều người chấp nhận thói quen ăn uống Tây phương. Nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc đạt 2,5 tỉ USD năm ngoái, với tổng lượng hàng chạm mốc 579.836 tấn, theo số liệu hải quan Trung Quốc.

Mỹ cũng kỳ vọng rằng Đại lục có thể chấp nhận thêm nhiều đặc tính của ngô và đậu nành biến đổi gen, hoàn thiện thỏa thuận về gạo, ông Bransted nói với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Han Changfu.

Phó tổng giám đốc Li Zhengfang của hãng COFCO Meat Holdings cho hay: “Thịt bò Mỹ có chất lượng cao và phổ biến đối với khách hàng của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn mở rộng nhập khẩu”. Hãng COFCO nhập lô hàng thịt bò Mỹ đầu tiên hồi tuần trước và cho hay nguồn cung thịt bò Đại lục sẽ thiếu hụt trong thời gian dài vì nhu cầu tăng trong khi nguồn cung nội địa hạn chế.

Thịt bò Mỹ được cung cấp trên trang bán hàng online của hãng COFCO hôm 30.6. Thịt bít tết 180 gram được bán với giá 75 nhân dân tệ, tương đương 11 USD. Thịt bò Úc có giá 72 nhân dân tệ. Thịt bò Mỹ không đặt mục tiêu cạnh tranh với thịt bò Brazil, nước đang là nhà cung cấp thịt bò lớn nhất đến Trung Quốc, mà đặt mục tiêu đem đến cho người dùng nhiều lựa chọn hơn.(Thanhnien)
------------------------

Mỗi tháng gần 7.300 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể

Nửa đầu năm 2017 có 43.350 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, bình quân gần 7.300 đơn vị rời thị trường mỗi tháng.  

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, sau 6 tháng có trên 5.440 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, hai phần ba trong số này là doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Song song đó, hơn 37.900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng cộng đã có 43.350 doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trong 6 tháng qua, bình quân mỗi tháng gần 7.300 doanh nghiệp.

Việc nhiều doanh nghiệp không trụ lại được trên thị trường cho thấy tình hình kinh doanh khó khăn, sức cầu thấp. Trong khi đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay chỉ gần 15.380 đơn vị.

Về số thành lập mới, có gần 61.300 doanh nghiệp được "khai sinh" trong nửa đầu năm, tổng vốn đăng ký hơn 596.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2016, số đơn vị thành lập mới tăng 12,4% và tăng 39,4% về vốn đăng ký. Bình quân mỗi doanh nghiệp lập mới có vốn khoảng 9,7 tỷ đồng

Bán lẻ là lĩnh vực "hút" các doanh nghiệp nhiều nhất, với 21.500 doanh nghiệp lập mới đăng ký ngành kinh doanh này, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Khoảng 8.200 đơn vị chọn lập nghiệp trong ngành xây dựng và khoảng 8.100 doanh nghiệp lập mới thuộc chế biến, chế tạo... (Vnexpress)
---------------------------

Thành Thành Công triển khai 20 dự án điện mặt trời

Các dự án này sẽ bắt đầu khởi công vào quý IV/2017, do Tập đoàn TTC góp 30% vốn, phần còn lại huy động từ ngân hàng và tổ chức tài chính.

Ông Thái Văn Chuyện, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho biết TTC đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời. 

Các dự án này tại Tây Ninh có công suất 324MW, tại Bình Thuận có công suất 300MW, tại Ninh Thuận là 300MW, Huế 30MW, Gia Lai 49MW… với suất đầu tư tối đa 20 tỷ đồng/MW, IRR đạt từ 15% trở lên, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm. 

Theo ông Chuyện, các dự án này sẽ bắt đầu khởi công vào quý IV/2017, công tác kỹ thuật do đối tác chiến lược là Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (AAM - Singapore) có nhiều kinh nghiệm đã và đang thực hiện nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực châu Á phụ trách, triển khai dự án theo hình thức đấu thầu EPC. 

Về vốn thực hiện dự án, Tập đoàn TTC góp 30% vốn, phần còn lại huy động từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, TTC dự tính đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40MW điện gió, chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của Tập đoàn, còn lại là 222MW thủy điện chiếm 16% và nhiệt điện 150MW chiếm 11%. Điện mặt trời được phát triển dưới hình thức đầu tư dự án mới còn điện gió vừa đầu tư dự án mới vừa góp vốn đầu tư với tỷ lệ trên 51%.

Tại Hội nghị Khách hàng ngành năng lượng do TTC tổ chức hôm nay (30/6), ông Yasushi Ujioka, đại diện AAM và là thành viên Hội đồng quản trị CTCP Điện Gia Lai (GEC), cho biết tổng công suất năng lượng tái tạo tại ASEAN hiện khoảng 4 GW, chỉ chiếm 0,5% tổng số thế giới. Tổng công suất năng lượng tái tạo của ASEAN vẫn còn dưới 10% về công suất phát điện. Theo ông Ujioka, ASEAN đặt mục tiêu đầy tham vọng là nâng tỷ lệ này lên 23% vào năm 2025 và các nước thành viên khác cũng đạt mục tiêu 11 - 30% vào năm 2030.

Ở Việt Nam, nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu dựa vào thủy điện. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam cần đầu tư 74 tỷ USD vào các nhà máy năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng lên gấp đôi, chính phủ Việt Nam đã cam kết tăng công suất điện lên 14% mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2030.(NCĐT)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục