Trung Quốc quá mạnh để ngăn bất kỳ cuộc khủng hoảng tiền tệ nào?; Thủ tướng: Tăng tín dụng không được dồn cho các đại gia; Du khách Nga đến Việt Nam tăng mạnh; Gần 50% gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-07-2017
- Cập nhật : 03/07/2017
Mỹ hối thúc Hàn Quốc đàm phán lại FTA song phương
Tại cuộc gặp ngày 30/6 ở Washington, Tổng thống Donald Trump đã hối thúc người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương có hiệu lực từ năm 2012.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 30/6. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Trump nói, hai nước cần thương lượng lại để có một thỏa thuận công bằng cho cả hai bên. Ông cho rằng FTA với Hàn Quốc không công bằng với Mỹ, nhấn mạnh thâm hụt thương mại của quốc gia Bắc Mỹ này với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã tăng hơn 11 tỷ USD từ năm 2011, một năm trước khi hiệp định có hiệu lực, cho đến năm 2016.
Thỏa thuận trên được cho là biểu tượng cho quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia đã duy trì mối quan hệ đồng minh quân sự gần gũi trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, số phận của hiệp định này gặp trắc trở khi ông Trump cam kết đàm phán hoặc hủy bỏ do cho rằng nó có lợi cho Hàn Quốc và khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn với nước này.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã chỉ trích FTA với Hàn Quốc là một thỏa thuận làm mất việc làm của người Mỹ và là một thảm họa, gây quan ngại về khả năng ông sẽ yêu cầu đàm phán lại.
Theo số liệu của Hàn Quốc, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này với Mỹ đã giảm xuống từ 33,03 tỷ USD năm 2015 xuống 31,15 tỷ USD năm 2016, mức thấp nhất kể từ năm 2012, khi mức thặng dư là 19,04 tỷ USD.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc gần đây cho biết, xuất khẩu ô tô và thép của Hàn Quốc giảm là một lý do khiến thặng dư tài khoản vãng lai với Mỹ giảm.
Ô tô và thép có thể là những nội dung đàm phán chính giữa các quan chức hai nước.
Mỹ khẳng định có những rào cản phi thuế quan mà Hàn Quốc áp đặt lên ô tô xuất khẩu của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ áp một loạt thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm thép của Hàn Quốc, để bảo vệ an ninh quốc gia trước sự tràn ngập các sản phẩm thép nhập khẩu. (TTXVN)
-----------------------------
'Chảy máu' nguồn lực, Thái Lan hoãn áp dụng Luật Lao động nhập cư mới
Ngày 1/7, Chính phủ Thái Lan thông báo tạm hoãn việc áp dụng Luật Lao động nhập cư mới, trong bối cảnh bị "chảy máu" nguồn lực do hàng nghìn người lao động nhập cư đã tìm đến các nước láng giềng để kiếm kế sinh nhai dễ dang hơn.
Số liệu thống kê tại khu công nghiệp chế biến hải sản Samut Sakhon cho thấy trong tuần qua, mỗi ngày lại có khoảng 500 người lao động Myanmar bỏ việc tại đây để trở về quê hương. Họ là những người không có giấy tờ tùy thân cũng như giấy phép lao động, do đó phải trở về nước để tránh bị phạt tiền. Trong khi đó, cảnh sát tại bang Karen của Myanmar cũng cho biết kể từ ngày 29/5, đã có khoảng 6.000 người lao động nước này trở về từ Thái Lan.
Thái Lan phải đối mặt tình trạng "chảy máu nguồn lực" sau dụng Luật Lao động nhập cư. Ảnh: bangkokpost.com
Tại biên giới Campuchia, dòng người trở về nhà đang tăng lên hàng ngày kể từ khi Thái Lan triển khai Luật Lao động nhập cư mới. Từ ngày 28/5, đã có gần 2.000 công nhân Campuchia trở về nước qua cửa khẩu Poipet.
Trước tình hình "chảy máu" nguồn nhân lực nói trên, Chính phủ Thái Lan quyết định hoãn thực thi nhiều quy định trong Luật Lao động nhập cư mới trong vòng 120 ngày để tạo điều kiện cho chủ lao động và người lao động có thể tìm các giải pháp thích hợp đảm bảo việc làm.
Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam nêu rõ: "Trong thời gian tạm hoãn này, các cơ quan chức năng sẽ không tiến hành bất cứ lệnh bắt giữ nào cũng như các chiến dịch truy quét người lao động bất hợp pháp, trừ khi họ phạm tội buôn người".
Trước đó, trong bước đi nhằm hạn chế tình trạng sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp cũng như phòng chống buôn bán người trong lĩnh vực lao động, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Luật Lao động nhập cư mới. Đạo luật này có hiệu lực từ ngày 23/6 vừa qua, bao gồm các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với lao động nhập cư bất hợp pháp, chủ sử dụng lao động và hoạt động môi giới lao động nhập cư trái phép.
Cụ thể, đối với chủ sử dụng lao động, nếu sử dụng lao động nhập cư không có giấy phép lao động hoặc sử dụng lao động nhập cư trong các lĩnh vực bị cấm sẽ bị xử phạt từ 400.000 bath đến 800.000 bath (tương đương 11.000 - 23.500 USD)/lao động. Việc sử dụng lao động không đúng với ngành nghề đã đăng ký trong giấy phép lao động có thể bị xử phạt tới 400.000 bath/lao động.
Đối với lao động nhập cư trái phép, người lao động không có giấy phép hoặc làm việc trong các lĩnh vực bị cấm có thể bị phạt tù tới 5 năm, phạt tiền từ 20.000 bath đến 100.000 bath. Lao động làm việc trong lĩnh vực không đúng với giấy phép lao động có thể bị xử phạt tới 100.000 bath.
Về quản lý lao động nhập cư, nếu chủ sử dụng lao động hay bất kỳ cá nhân nào giữ giấy phép lao động hay giấy tờ tùy thân của lao động nhập cư trái phép có thể bị phạt tù tới 6 tháng và phạt tiền tới 100.000 bath. Đối với các cá nhân làm dịch vụ đưa lao động nước ngoài sang làm việc mà không có giấy phép của Cục Quản lý lao động có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm và phạt tiền từ 200.000 đến 600.000 bath. Trong khi đó, đối tượng môi giới lao động nhập cư trái phép vào làm việc tại Thái Lan có thể bị phạt tù tới 10 năm và xử phạt tới 1 triệu bath.
Theo Sắc lệnh Hoàng gia năm 1979 của Thái Lan, có 39 ngành, nghề, lĩnh vực bị cấm đối với lao động nước ngoài như lao động phổ thông, bán hàng, nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, dệt may, bán hàng rong, văn thư,thư ký, dịch vụ pháp lý hoặc tố tụng.(Baotintuc)
-----------------------------
SCIC báo lãi gần 19.000 tỉ đồng trong năm 2016
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2013 - 2016.
Theo đó, tổng doanh thu tăng 4,1 lần, từ 5.320 tỉ đồng năm 2013 lên hơn 22.000 tỉ đồng năm 2016; lợi nhuận trước thuế tăng gần 4 lần, từ gần 5.000 tỉ đồng lên 18.970 tỉ đồng. Mức nộp ngân sách tăng 7,4 lần, từ 2.246 tỉ đồng lên 16.590 tỉ đồng năm 2016, trong đó doanh thu từ bán vốn tại Vinamilk sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là hơn 10.870 tỉ đồng.
Năm 2016, SCIC đã giải ngân 1.174 tỉ đồng... Sắp tới, SCIC tiếp tục đầu tư vào dự án sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp, dự án nhà máy sản xuất thuốc chữa ung thư, các bệnh viện… SCIC cũng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh 2017 với chỉ tiêu doanh thu đạt 11.241 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.343 tỉ đồng. Tuy nhiên, khả năng thực hiện kế hoạch 2017 gặp nhiều khó khăn do danh mục doanh nghiệp bán vốn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.(Thanhnien)