tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-07-2017

  • Cập nhật : 01/07/2017

SCIC thu hơn 10.000 tỷ nhờ bán vốn Vinamilk

Sau khi trừ chi phí của thương vụ bán 9% vốn điều lệ tại Vinamilk, SCIC ghi nhận doanh thu tăng đột biến hơn 10.873 tỷ đồng. 

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 vừa được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố, tổng doanh thu của đơn vị này đạt 22.034 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) sau khi trừ các khoản chi phí nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp là 10.873 tỷ đồng. Kết quả này kéo lợi nhuận trước thuế tăng lên mức kỷ lục, đạt 18.971 tỷ đồng. 

Dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng gấp đôi năm trước nhưng kết quả này vẫn không hoàn thành kế hoạch đề ra trước đó. Hồi đầu năm, SCIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khoảng 15% so với năm trước. 

Đến cuối quý III/2016, sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ thoái vốn tại 10 doanh nghiệp “gà đẻ trứng vàng”, Tổng công ty chọn thực hiện đầu tiên tại Vinamilk và công bố quyết định điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng đột biến lên lần lượt là 26.872 tỷ đồng và 24.305 tỷ đồng.

Sau đó không lâu, SCIC thông báo chào bán cạnh tranh 130,6 triệu cổ phần, tương đương 9% vốn điều lệ của Vinamilk với mức giá khởi điểm là 144.00 đồng một cổ phần. Mức giá này được tính toán và ấn định dựa trên căn cứ về định giá đối với cổ phiếu Vinamilk cũng như các giao dịch trung bình trong thời gian 30 phiên, 60 phiên và 90 phiên.

Giữa tháng 12, hai nhà đầu tư thuộc tập đoàn đồ uống Singapore là F&NBev Manufacturing và F&N Dairy Investments của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua 78,378 triệu cổ phiếu, tương đương 60% lượng chào bán. Với giá mua bằng mức khởi điểm, nhà đầu tư nước ngoài ước tính phải chi 11.286 tỷ đồng để sở hữu số lượng cổ phiếu này. Sau phiên đấu giá, sở hữu của SCIC giảm xuống còn 39,33%, tương đương gần 571 triệu cổ phiếu.

Trong năm 2016, SCIC tiến hành giải ngân 1.174 tỷ đồng vào 6 doanh nghiệp bằng hình thức góp vốn đầu tư, mua trái phiếu… Đơn vị này đánh giá, tỷ lệ giải ngân đầu tư năm 2016 chưa cao. Ngoài một số khoản đầu tư hiện hữu và đầu tư tài chính, nhiều dự án khác chưa giải ngân được do một số nguyên nhân như đối tác chưa phê duyệt hoặc thay đổi đối tác, có văn bản của địa phương về việc tạm dừng dự án chờ thu xếp vốn hoặc không đủ điều kiện cấp vốn như kế hoạch… (Vnexpress)
--------------------

Tiêu dùng Trung Quốc sẽ thêm vào kinh tế toàn cầu 1.800 tỉ USD

Mua sắm ở Đại lục đang tăng nhanh đến mức đến năm 2021, nước này sẽ thêm vào nền kinh tế thế giới 1.800 tỉ USD, tương đương kích thước kinh tế Đức hiện tại.

anh: reuters

Ảnh: Reuters

Russia Today cho hay đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Boston Consulting Group và AliResearch, công ty nghiên cứu của hãng Alibaba. Báo cáo cho biết tiêu thụ của Trung Quốc tăng 10%/năm, nhanh hơn bất cứ nước nào khác. Ngay cả khi GDP Đại lục tăng trưởng với mức khá thấp là 5,5%, nền kinh tế tiêu dùng nước này vẫn đạt 6.100 tỉ USD năm 2021.

Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng là tầng lớp trung lưu mới nổi, dân số trẻ háo hức chi tiêu và sự đi lên của mua sắm trực tuyến. “Vì những yếu tố này, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn và mua bán sản phẩm có chất lượng cao hơn”, Jeff Walters, đối tác của hãng BCG, một trong các tác giả của báo cáo cho hay.

Tiêu dùng Trung Quốc sẽ thêm vào kinh tế toàn cầu 1.800 tỉ USD - ảnh 1

Trung Quốc sẽ có thêm 2.000 tỉ USD tiêu dùng mới đến năm 2021ẢNH: BOSTON CONSULTING GROUP VÀ ALIRESEARCH

Ông Walters nói thêm: “Công nghệ số là một trong những yếu tố cơ bản thúc đẩy mua sắm tiêu dùng. Người dân Đại lục có mối liên hệ mật thiết hơn dân ở các nước khác. Đến năm 2021, 90% mua sắm sẽ ít nhiều liên quan đến kỹ thuật số, trong quá trình tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả hoặc thực hiện quyết định mua sắm”.

Thói quen chi tiêu của người Trung Quốc cũng thay đổi. Nhiều người đang mua những sản phẩm đắt tiền hơn, chẳng hạn như hàng điện tử. Thế hệ trẻ có thể chi 2.600 tỉ USD năm 2021, tăng từ mức 1.500 tỉ USD năm 2016 và 700 tỉ USD năm 2011.

Thêm vào đó, ngày càng nhiều người Trung Quốc chưa lập gia đình. Trước đây, tỷ lệ người độc thân sau tuổi 35 là 4% song hiện tại, số liệu này đã tăng lên 21%. Năm ngoái, trong dịp mua sắm lớn vào Ngày Độc thân, mức chi tiêu trong ngày ở Đại lục lên cao hơn 17 tỉ USD. (Thanhnien)
-------------------------

Tổng nợ thế giới gấp ba lần tổng GDP

Theo Russia Today, đây là thống kê do Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế (IIF) đưa ra. Nợ thế giới tăng cao vì các nền kinh tế mới nổi vừa vay thêm 3.000 tỉ USD, đẩy tổng nợ lên 65.000 tỉ USD. Con số này bằng 218% tổng GDP các nền kinh tế mới nổi, tăng 5 điểm phần trăm so với năm trước.

Nước góp nhiều nhất vào “núi nợ” này là Trung Quốc với 92.000 tỉ USD. Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thúc giục Bắc Kinh giải quyết vấn đề nợ, mô tả nợ Đại lục là cao bất thường so với một nền kinh tế đang phát triển. Một số ước tính cho biết nợ Trung Quốc bằng 260% GDP.

Các nền kinh tế tiên tiến giảm 2.000 tỉ USD nợ trong năm qua. Dù vậy, tổng nợ Mỹ đang chạm gần mốc 20.000 tỉ USD, chiếm gần 10% nợ toàn cầu.

Báo cáo của IIF viết: “Nợ gia tăng có thể tạo bất lợi cho tăng trưởng dài hạn và cuối cùng gây ra rủi ro cho sự ổn định tài chính. Trong một số trường hợp, tình trạng nợ tăng nhanh bắt đầu trở thành yếu tố kéo xếp hạng tín nhiệm nhiều nước đi xuống, trong đó có Trung Quốc và Canada”.

Báo cáo còn cho hay khi Mỹ và Anh có thể tăng lãi suất trong tương lai gần, việc trả nợ của các nước đang đi vay sẽ tốn kém hơn.(Thanhnien)
------------------------------

TP.HCM có thêm 37.389 m2 mặt bằng bán lẻ

Báo cáo tiêu điểm thị trường quý 2 của CBRE VN công bố ngày 28.6 cho thấy mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM trong quý này có thêm 37.389 m2 diện tích thực thuê mới, nâng tổng nguồn cung thị trường lên 853.425 m2.

Những dự án mới trong quý đều nằm ở khu vực ngoài trung tâm (Pearl Centre, Vincom Plus Homyland tại Q.2, Vincom Plus Saigonres tại Q.Bình Thạnh, và Trung tâm thương mại Romea tại Q.3) và tất cả đều thuộc khối đế chung cư. Từ nay đến cuối năm, nguồn cung mới tiếp tục tập trung vào khu ngoài trung tâm, trong đó có Q.5 và Q.10. Các thương hiệu dành cho giới trẻ và ngành hàng ăn uống sẽ tiếp tục được mở rộng.(Thanhnien)
---------------

Tổng thống Nga gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây

Ngày 30/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kéo dài lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây cho đến cuối năm 2018, qua đó tiếp tục chính sách trả đũa các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moskva do vấn đề Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn báo chí ở Moskva ngày 15/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Sắc lệnh trên đã được Tổng thống Putin ký và đăng tải trên một cơ sở dữ liệu chính thức của Chính phủ Nga, theo đó, việc cấm vận đối với sữa và các sản phẩm làm từ sữa, thịt và hầu hết các thực phẩm khác sẽ được kéo dài tới ngày 31/12/2018. 

Liên minh châu Âu (EU) hôm 28/6 đã gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga cho đến ngày 31/1/2018. Điện Kremlin đã tuyên bố Nga bảo lưu quyền áp dụng các hành động đáp trả nhằm vào EU vì quyết định gia hạn trừng phạt nói trên.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục