Người Trung Quốc tràn sang Mỹ làm việc
Tám nhóm hàng tăng giá
Hàng ngàn kiện hàng tồn đọng ở cảng, sân bay
Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại Đông Nam Á
Đồng NDT sắp vào giỏ tiền tệ quốc tế
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-07-2016
- Cập nhật : 26/07/2016
Mặt hàng nông, thủy sản đối mặt nhiều thách thức
Nếu không có biện pháp tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hàm lượng chế biến sản phẩm... thời gian tới, xuất khẩu sản phẩm nông-thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao.
6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 82 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong đó nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1% so cùng kỳ
Theo nhận định từ các chuyên gia, đa số các mặt hàng nông-thủy sản xuất khẩu đã đến ngưỡng, sản lượng khó có thể tăng cao hơn nữa. Do vậy, nếu không có biện pháp tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hàm lượng chế biến thì trong thời gian tới, xuất khẩu nhóm hàng này khó có thể đạt mức tăng trưởng cao, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2016 đạt chưa tới 2,7 triệu tấn, giảm 2%. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Theo ông Huệ, giải pháp cho ngành gạo là vẫn phải tiếp tục củng cố thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường mới. Về lâu dài, để nâng cao năng lực cho gạo xuất khẩu, cần tái cơ cấu sản xuất lúa gạo trong nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng được thương hiệu. Muốn làm được điều này cần phải có sự chung tay của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN).
Đối với các DN xuất khẩu thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá cả thị trường giảm, nhưng xuất khẩu mặt hàng này vẫn đạt 3,08 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt các thị trường lớn truyền thống vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, riêng thị trường Trung Quốc có sự tăng đột biến. Dự báo cả năm 2016, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước, riêng sản phẩm xuất khẩu chủ lực là tôm ước đạt trên 3 tỷ USD.
Theo đánh giá của VASEP, mặc dù xuất khẩu thủy sản thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, nhưng các sản phẩm chế biến sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều dư địa phát triển, lượng tiêu thụ tại các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU vẫn tăng đều.
Chính vì vậy, ông Hòe cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đồng hành với DN và nông dân, sớm quy hoạch phát triển chương trình nuôi tôm sạch. Nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm tôm sạch đạt chất lượng luôn tăng cao. Đồng thời, các cơ quan chức năng, nhất là quản lý thị trường cần xử phạt mạnh tay với hành vi bơm tạp chất vào tôm trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và uy tín của DN xuất khẩu.
Tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/7 tại TPHCM, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, để nâng cao giá trị cho hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu, Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án tái cơ cấu của từng ngành trong khuôn khổ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; xây dựng quy hoạch sản phẩm nông sản, thủy sản xuất khẩu theo từng chủng loại hàng, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng, chế biến về các mô hình thực hành sản xuất tốt (GlobalGAP, VietGAP…), cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách kiểm soát dư lượng kháng sinh... để thu được sản phẩm sạch, chất lượng cao cho xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính.(Chinhphu)
Xuất khẩu điện thoại, dệt may đem về nhiều ngoại tệ nhất cho Việt Nam
Theo đó, trong nửa đầu tháng 7/2016 (từ 1/7-15/7), Việt Nam đã thu được 1,2 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại và linh kiện, giảm 12,7 % so với 15 ngày cuối tháng 6. Tính đến ngày 15/7, xuất khẩu nhóm hàng này đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hải quan Việt Nam, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7 đạt hơn 7,21 tỷ USD, giảm 6,2% (tương ứng giảm hơn 477 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6/2016. Tính đến hết ngày 15/7/2016 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 89,3 tỷ USD, tăng 6,5% (tương ứng tăng gần 5,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Cũng tính đến 15/7, đứng ở vị trí thứ 2 về giá trị xuất khẩu, nhóm mặt hàng dệt may thu được hơn 12 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2015. Tiếp theo là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 8,6 tỷ USD, tăng 8,9%; giày dép các loại đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 8,3%; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng 19,4%....
Theo Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nửa đầu tháng 7.2016 đạt gần 4,93 tỷ USD, giảm 7,1% (tương ứng giảm 375 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6/2016.
Như vậy, tính đến hết ngày 15/7/2016 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 62,25 tỷ USD, tăng 9,8% tương ứng tăng gần 5,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Cán cân thương mại đảo chiều: xuất siêu
Hết tháng 6, cả nước xuất siêu 1,7 tỷ USD, trái ngược với mức thâm hụt thương mại lên đến 3,43 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015, theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố.
Trong đó, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 10,25 tỷ USD và khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước (doanh nghiệp trong nước) nhập siêu gần 8,55 tỷ USD.
Đáng chú ý, xét ở khía cạnh châu lục, Việt Nam thâm hụt thương mại duy nhất với châu Á, chủ yếu thâm hụt từ Trung Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, thâm hụt thương mại với châu Á là hơn 26,69 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 69% so với kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu lục này.
Theo Tổng cục Hải quan, những tháng vừa qua các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong hoạt động XNK của cả nước. Cụ thể, trị giá XNK của các doanh nghiệp FDI đạt gần 104,45 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng kim ngạch XNK của cả nước, đạt mức tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu khối doanh nghiệp vốn hoàn toàn trong nước đạt 58,13 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng về kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp FDI vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao với trị giá hơn 57,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Ngược lại doanh nghiệp hoàn toàn trong nước đạt 24,79 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tập trung vào ba nhóm hàng chính gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với tổng trị giá đạt 25,73 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ, và chiếm 44,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này.
Ngược lại với xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp FDI lại có mức tăng trưởng âm với trị giá hơn 47,11 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của doanh nghiệp FDI là điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá hơn 15,89 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, đạt kim ngạch hơn 7,07 tỷ USD...(HQ)
Saudi Arabia lấy lại vị trí hàng đầu về cung cấp dầu thô cho Trung Quốc