Malaysia tăng cường truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp; Kinh tế Ấn Độ bối rối sau cải cách thuế lớn nhất 70 năm; Giá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục leo thang; Công ty năng lượng lớn nhất châu Âu muốn tiến vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-07-2017
- Cập nhật : 02/07/2017
Bùng nổ kinh doanh bất động sản
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ năm, thu hút khoảng 0,7 tỉ USD, trong đó có 39 dự án đăng ký cấp mới với 0,5 tỉ USD.
Theo báo cáo tổng kết nửa năm 2017 của Jones Lang LaSalle, Việt Nam đã thu hút được 19,2 tỉ USD vốn FDI, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 11,8 tỉ USD đến từ 1.183 dự án.
Lượng vốn FDI đổ vào hoạt động kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ năm, thu hút khoảng 0,7 tỉ USD, trong đó có 39 dự án đăng ký cấp mới với 0,5 tỉ USD.
Lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới không ngừng tăng: Trong sáu tháng đầu năm nay, có khoảng 18.000 doanh nghiệp được thành lập mới, hơn 1/3 trong số này là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang thu hút sự quan tâm đầu tư rất lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng qua, hoạt động kinh doanh của lĩnh vực bất động sản tăng 3,86% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong năm năm gần đây, kết quả này đã giúp đóng góp 0,21% vào sự tăng trưởng của toàn nền kinh tế từ đầu năm đến nay. (PLO)
--------------------------------
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô
Chiều 1/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp Quý II/2017 của Hội đồng, nhằm xây dựng báo cáo phục vụ điều hành của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong 6 tháng đầu năm. Lạm phát đã được kiểm soát nhanh, tiệm cận về mục tiêu của cả năm 2017 (4,15% so với chỉ tiêu 4% vào hết năm) đúng theo kế hoạch điều hành của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Thu ngân sách đạt khá, nhập khẩu tăng cao khi chủ yếu là hàng hóa, máy móc phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, tăng trưởng Quý II/2017 tăng khá với mức 5,75% khi mà 6 tháng năm ngoái chỉ tăng 5,65% và GDP của Quý II/2017 cũng tăng mạnh so với Quý I/2017 ở các mức 6,13% và 5,15%.
6 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69%, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo. Ảnh Trần Việt - TTXVN
Đầu năm 2017, trước áp lực lạm phát tăng và cán cân xuất nhập khẩu chuyển sang nhập siêu đã dẫn đến sức ép tăng lãi suất và tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng đồng bộ các chính sách tiền tệ thông qua thị trường mở, kết hợp điều hành lãi suất, tỷ giá giúp thị trường tiền tệ ổn định, phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69%, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đảm bảo, tín dụng tăng nhiều hơn so với các năm trước ở mức 7,98%, đã hỗ trợ cho việc giải ngân vốn đầu tư công. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng phục vụ người nghèo. Tín dụng phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đã chậm lại so với năm 2016 và giữa các tháng trong nửa đầu năm 2017. Lãi suất tiếp tục được duy trì tương đối ổn định.
Các thành viên Hội đồng cũng dự báo các rủi ro, bất định của kinh tế thế giới, xu hướng thay đổi các dòng vốn thương mại sang hướng bảo hộ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU giảm sẽ tác động tới kinh tế trong nước. Ở trong nước, có thể kiểm soát được làm phát theo mức bình quân 4%, tính toán tới việc giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, Hội đồng lưu ý Chính phủ về giải ngân vốn FDI không bằng các năm trước cần khắc phục; xem xét lại cách tính lạm phát bình quân; tính toán điều chỉnh giá điện hợp lý, ở thời điểm phù hợp và thúc đẩy được đầu tư vào lĩnh vực điện năng.
Các thành viên Hội đồng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh; xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp…
Ghi nhận các ý kiến của Hội đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thường trực tổng hợp đầy đủ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế vĩ mô, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với đẩy nhanh lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công; ban hành văn bản hướng dẫn và củng cố công cụ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển logisitics và tạo thuận lợi thương mại gắn với phòng chống gian lận thương mại; tiếp tục khai thác các tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… để bảo đảm tăng trưởng bền vững và lâu dài.(TTXVN)
-------------------------
Công ty Hong Kong ngưng tham gia kinh doanh đua chó và đua ngựa tại Việt Nam
Mới đây, công ty Success Dragon của Hong Kong vừa tuyên bố họ đã từ bỏ hoạt động kinh doanh đua chó và đua ngựa tại Việt Nam, với lý do là gặp nhiều thay đổi khó khăn về mặt pháp lý.
Success Dragon đã vào thị trường Việt Nam từ năm 2000, có tổ chức đua chó tại Vũng Tàu và Xuân Thành (Hà Tĩnh), cũng như đua ngựa ở TPHCM và Madagui (Lâm Đồng).
Theo một văn bản vừa công bố, Success Dragon (SD) đã hủy bỏ hợp đồng với các đối tác Sports and Entertainment Services (SES), CTCP Đua chó Xuân Thành (XT) và CTCP Đua ngựa Thiên Mã Madagui (TMM), với hiệu lực từ ngày 28/6. Trước đó, Success Dragon cung cấp phần mềm và phần cứng hỗ trợ cho 3 công ty này, cũng như đảm nhiệm luôn phần quản lý hoạt động đua chó của SES tại Việt Nam.
Theo SD, nguyên nhân họ rời khỏi Việt Nam là do các quy định không có lợi, chẳng hạn như việc có mức trần đặt cược hàng ngày là 1 triệu đồng dành cho người Việt, cũng như việc không cho phát sóng quốc tế (international simulcast) các cuộc đua, và việc hạn chế nghiêm ngặt việc mở các điểm cá cược mới. SD cho rằng những yếu tố này làm cho việc hoạt động dựa theo các hợp đồng hiện tại là “không thể làm được”.
SD ước tính thiệt hại của họ là 14,22 triệu USD, trong đó có 5,1 triệu từ thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, còn lại là thiệt hại từ bất động sản và trang thiết bị.
SD tuyên bố: “Khả năng gia tăng hoạt động kinh doanh và doanh thu sẽ không đủ để đạt mức bù lại chi phí vận hành, cũng như chi phí thiết lập hoạt động. Vì vậy, hội đồng quản trị xem việc hủy các hợp đồng là điều phù hợp để cho phép công ty chuyển hướng và tập trung nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh sẵn có và các cơ hội tiềm năng mới”.
Trước đó, vào tháng 1 năm nay, SD cũng đã hủy bỏ ý định kinh doanh máy đánh bạc tại 2 khách sạn hạng sang ở Đà Nẵng và TPHCM, sau khi có các thay đổi về quy định hoạt động kinh doanh máy đánh bạc.
Trong một báo cáo được công bố hồi giữa năm 2016, SD từng khá lạc quan và cho rằng tổng số tiền mà người Việt bỏ ra cho việc đặt cược vào các cuộc đua chó và ngựa sẽ lên đến 1 tỷ USD trong vòng 3-4 năm tới.(NCĐT)
-------------------------
Credit Suisse lại vừa trao tay số cổ phiếu Novaland trị giá gần nghìn tỷ đồng cho 1 cá nhân
Theo tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, ngày 30/6 VSD đã hoàn tất chuyển nhượng gần 14 triệu cổ phiếu NVL của CTCP Novaland từ một quỹ ngoại của Singapore là Credits Suisse AG, Singapore Branch sang cho 1 cá nhân là bà Đặng Thị Diễm Trang.
Số cổ phiếu này Credit Suisse AG vừa nhận chuyển nhượng về từ 2 cá nhân khác là ông Nguyễn Như Pho và ông Lê Thanh Liêm ngay những ngày đầu tháng 6/2017 này.
Đây cũng không phải là lần đầu Credit Suisse làm “cầu nối” chuyển nhượng cổ phiếu NVL. Trước đó ngày 14/4, ông Nguyễn Như Pho đã trao tay hơn 19,5 triệu cổ phiếu NVL cho chính Credit Suisse AG. Và chỉ 10 ngày sau đó, Credit Suisse AG lại chuyển nhượng đúng số cổ phiếu này sang cho ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT của Novaland.
Lần nhận chuyển nhượng tiếp theo này Credit Suisse lại chuyển qua tay bà Đặng Thị Diễm Trang.
Đáng chú ý, sắp tới đây Novaland sẽ phát hành hơn 33 triệu cổ phiếu hoán đổi khoản nợ 60 triệu USD với chính Credit Suisse. Và 2 cá nhân được chỉ định nhận số cổ phiếu này không ai khác hơn là ông Nguyễn Như Pho và ông Lê Thanh Liêm. Và, số cổ phiếu chỉ định nhận này cũng đúng bằng số cổ phiếu NVL mà Credit Suisse từng nhận chuyển nhượng từ 2 cá nhân này trong thời gian gần đây.(CafeF)