Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng qua ước đạt 17,8 tỷ USD
Những mặt hàng Trung Quốc nào vào Việt Nam nhiều nhất trong nửa năm nay?
Startup Trung Quốc đặt cược vào khả năng bùng nổ dân số
Hậu Brexit: Anh cân nhắc giảm thuế để thu hút đầu tư
Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-07-2016
- Cập nhật : 25/07/2016
Yếu tố tiền tệ chi phối lớn đến lạm phát năm nay
Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm đang ở mức 1,81%, rất sát với mức 1,82% của chỉ số giá tiêu dùng bình quân...
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2016 đã tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau 7 tháng, CPI đã tăng 2,48% - bằng một nửa mục tiêu kế hoạch cả năm so với tháng 12 năm trước.
Đây là mức tăng khá thấp so với diễn biến giá cả một số tháng gần đây. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm đang ở mức 1,81% rất sát với mức 1,82% CPI bình quân cho thấy yếu tố tiền tệ đang chi phối rất lớn đến lạm phát năm nay.
Trong tháng 7 này có tới 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông với mức tăng 1,19% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 tăng chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt tăng giá xăng dầu trong thời gian qua. Mặc dù có tới hai đợt điều chỉnh giảm giá vào ngày 20/6/2016 và ngày 5/7/2016, nhưng tác động khá lớn của đợt điều chỉnh tăng giá trước đó vào ngày 4/6/2016 khiến giá xăng dầu bình quân tháng 7/2016 vẫn tăng so với tháng trước.
Do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu các loại, giá dầu hỏa cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14% so với tháng trước.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao cũng góp phần lớn vào việc tăng giá của nhóm hàng quan trọng này.
Mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng do sức mua của người dân chưa phục hồi mạnh mẽ khiến chỉ số giá các nhóm hàng đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc mũ nón giày dép và nhóm thiết bị đồ dùng gia đình chỉ tăng nhẹ dưới 0,1% so với tháng trước.
Ở chiều ngược lại, tuy chỉ có một nhóm hàng giảm giá so với tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm bưu chính viễn thông nhưng do quyền số lớn nên đã tác động đáng kể kìm bớt mức tăng của chỉ số chung.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,05% so với tháng trước, trong đó lương thực giảm 0,64%, thực phẩm giảm 0,01% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11% so với tháng trước.
Tiếp đà của tháng trước, giá lương thực bán lẻ trong nước tiếp tục giảm do nguồn cung từ hai vựa lúa lớn của cả nước dồi dào sau các vụ thu hoạch Đông Xuân ở miền Bắc và Hè Thu ở miền Nam.
Ngoài ra, việc xuất khẩu gạo cũng đang gặp khó khăn khiến nguồn cung lúa gạo trong nước đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu. Theo dự báo, trong thời gian ngắn, giá lúa gạo còn tiếp tục giảm.
Xét diễn biến giá cả của các vùng kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng tăng thấp nhất ở mức 0,03% trong khi tăng cao nhất là vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung tăng 0,19% so với tháng trước.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức tăng 5,36% và giảm 0,21% so với tháng trước.(VnEconomy)
Đại gia Thái hứa xây dựng dự án hóa dầu Long Sơn cuối 2017
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch Tập đoàn SCG, một trong những nhà đầu tư chính của dự án cho biết việc chuẩn bị các thủ tục đang vào giai đoạn cuối, sẽ xây dựng cuối năm 2017.
Chia sẻ nhân dịp tham dự sự kiện kỷ niệm 10 năm học bổng Chung một ước mơ - dự án trách nhiệm xã hội của SCG tại Việt Nam, ông Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn này cho rằng, hiện các bên đang tiến hành đàm phán. Đến cuối năm nay tỷ lệ góp vốn của các đối tác trong liên doanh của dự án này mới gút lại và thống nhất các giải pháp về tài chính. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến đến cuối năm sau dự án có thể triển khai xây dựng.
"Nếu các vấn đề về cổ phần được các cổ đông thống nhất vào cuối năm nay thì chúng tôi cũng phải mất 6 tháng hoàn thiện các thủ tục. Khi mọi thứ hoàn tất thì việc xây dựng sẽ triển khai ngay", ông Roongrote Rangsiyopash khẳng định.
Ông Roongrote Rangsiyopash đánh giá, đây là dự án rất lớn tại Việt Nam mà SCG đã theo đuổi nhiều năm qua và cam kết sẽ thực hiện.
Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn là một trong những dự án quan trọng nhất lĩnh vực hóa dầu tại Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, được khởi công vào năm 2008 để có thể có sản phẩm cuối năm 2012.
Tuy nhiên, mãi đến tháng 10/2015, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, công việc giải phóng mặt bằng mới hoàn tất, sau khi liên doanh nhà đầu tư phải ứng trước 906 tỷ đồng cho địa phương để đền bù và chuẩn bị cơ sở hạ tầng.
Năm ngoái, Tập đoàn dầu khí quốc gia Qatar xin rút vốn khỏi dự án này, do phải tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển, đã làm cho nhiều chuyên gia lo ngại dự án tiếp tục gặp khó sau gần 8 năm trì hoãn.
Ngay sau tuyên bố trên, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và SCG đã làm việc với Qatar Petroleum để đàm phán về các điều khoản chuyển nhượng vốn. Tại thời điểm cuố 2015, Qatar Petroleum nắm 25% vốn, SCG nắm 46% và 29% còn lại thuộc về PVN. Các bên cũng đã góp được 144,2 triệu USD vào để thực hiện đầu tư.
Liên quan đến chiến lược và định hướng của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn Thái Lan này cho biết, tập đoàn đã đầu tư hơn 800 triệu đôla Mỹ vào Việt Nam ở nhiều dự án trong lĩnh vực xi măng, nhựa, vật liệu xây dựng, hóa dầu... và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư các lĩnh vực khác.
"Việt Nam là một trong những đích đến tiềm năng của tập đoàn. Chúng tôi hy vọng số vốn đầu tư tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 tỷ đôla Mỹ vào cuối năm nay", ông Roongrote Rangsiyopash nói thêm.
SCG bắt đầu đầu tư tại Việt Nam từ năm 1992 với nhiều ngành nghề từ. Hiện tập đoàn đa ngành này có 20 công ty đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 6.900 nhân viên.
Hiện Indonesia là điểm đến đầu tư lớn nhất của Tập đoàn, theo sau là Việt Nam và Campuchia ở vị trí thứ 3.
“Tử huyệt kinh tế” của Philippines phụ thuộc vào Trung Quốc thế nào?
Philippines, nước đang khát khao khôi phục lại sự phát triển trữ lượng dầu mỏ và khí đốt “sống còn” ở ngoài khơi bờ biển nước này, có khả năng sẽ cần phải đạt được một thỏa thuận với Chính phủ Trung Quốc vốn đã bị chọc tức bởi phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) ở La Haye, Hà Lan với lợi thế nghiêng về Manila ở Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Philippines sẽ ngày càng phải nhập khẩu thêm nhiên liệu, trong lúc nguồn cung cấp chính của nước này đang càng lúc càng cạn kiệt. Manila rất muốn khai thác các mỏ dầu khí nằm ngoài Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Một trong những khu vực này là Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nằm cách bờ biển Philippines 85 hải lý. Vì vậy, việc phát triển các giếng dầu và khí đốt ngoài khơi đối với nước này đang ngày càng trở nên cấp bách, trong khi Trung Quốc cho thấy không có tín hiệu nới lỏng sự kiểm soát của họ.
Bắc Kinh đã không thừa nhận phán quyết của PCA vốn công nhận quyền chủ quyền của Philippines để tiếp cận các giếng dầu và khí đốt ở ngoài khơi bờ biển nước này. Theo các quan chức và chuyên gia, nếu Trung Quốc không thay đổi quan điểm, Philippines sẽ có một giai đoạn khó khăn trong việc tìm kiếm công ty nước ngoài sẵn sàng mạo hiểm làm Trung Quốc khó chịu.
Philippines hiện đang dựa vào khu mỏ khí đốt Malampaya, ở ngoài khơi Philippines trong vùng không bị tranh chấp, cung cấp 40% năng lượng cho hòn đảo chính Luzon, nơi có thủ đô Manila, do tập đoàn Royal Dutch Shell khai thác.
Khu mỏ này bắt đầu hoạt động vào năm 2001, và đang bước vào giai đoạn cuối thời kỳ sản xuất. Trong khi đó, theo công ty dịch vụ dầu khí Weatherford của Mỹ, chỉ riêng một lô tại vùng Bãi Cỏ Rong - như lô SC 72 - đã có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn hơn gấp ba lần trữ lượng của mỏ Malampaya.
Vấn đề đối với Philippines là cho đến nay, Bãi Cỏ Rong, dù rất xa Trung Quốc, nhưng vẫn bị Bắc Kinh cho là của mình, và Trung Quốc đã không ngần ngại dùng vũ lực xua đuổi các tàu khảo sát của Philippines đến thăm dò tại đây, đồng thời gây sức ép với các công ty nước ngoài khiến cho không hãng nào dám hợp tác với Manila để khai thác tại Bãi Cỏ Rong.
Ông Antonio Carpio, một thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines, thành viên đoàn luật gia nước này tham gia vụ kiện Trung Quốc tại La Haye, nói: “Malampaya sẽ hết khí đốt trong 10 năm vì vậy có sự cấp bách hiện nay đối với chúng tôi trong việc phát triển Bãi Cỏ Rong. Mỗi lần chúng tôi gửi tàu khảo sát đến đó, các tàu hải giám Trung Quốc lại quấy rối tàu khảo sát của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã phải làm một điều gì đó”.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho rằng dưới lòng Biển Đông có thể có 11 tỷ thùng dầu, hơn trữ lượng của Mexico, và gần 60 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết các công ty nước ngoài có vốn và công nghệ cần thiết để phát triển trữ lượng đó lại không muốn rủi ro liên quan đến những tranh cãi về quyền tài phán và đã tránh những sự chuyển nhượng trong vùng biển tranh chấp.
Bị bắt bí
Cả Manila và Bắc Kinh đều đã bày tỏ mong muốn nối lại đàm phán, nhưng Philippines nói họ không thể chấp nhận điều kiện trước đó của Trung Quốc là không thảo luận về phán quyết của PCA.
Ông Andrew Harwood, một nhà phân tích về Đông Nam Á tại Công ty Wood Mackenzie nhận định nếu không có một thỏa thuận giữa Manila và Bắc Kinh, việc tìm kiếm các đối tác phát triển sẽ khó khăn. Ông nói: "Cần phải làm mềm lập trường của Bắc Kinh trước khi có bất kỳ công ty nào sẵn sàng đến và khoan trong khu vực tranh chấp".
Dù hiện Philippines đã thắng kiện, nhưng thái độ phủ nhận phán quyết từ PCA của Bắc Kinh tiếp tục là lực cản đối với Manila, vì trong thực tế, nếu Trung Quốc không chịu lùi bước, thì không một công ty quốc tế nào dám lao vào khai thác Bãi Cỏ Rong, trong lúc bản thân Philippines thiếu năng lực làm việc này.
Giải pháp gần như là duy nhất khả thi trong tình hình hiện nay đối với Manila có lẽ là bắt tay với các tập đoàn Trung Quốc để cùng khai thác. Nếu khả năng hợp tác Philippines-Trung Quốc thành hiện thực, thì rõ ràng là Manila đã chấp nhận để cho Bắc Kinh bắt bí, vì lẽ theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không được phép cản trở các hoạt động của Philippines ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.(Baotintuc)
Nhà đầu tư Nhật “săn” dự án bất động sản
Chiều 21-7, một số doanh nghiệp (DN) bất động sản lớn của Nhật Bản đã đến TP.HCM khảo sát thị trường bất động sản, tìm quỹ đất và dự án đầu tư.
Tại buổi làm việc với báo Tuổi Trẻ, các chủ DN này cho biết đánh giá cao tiềm năng thị trường bất động sản VN và bày tỏ mong muốn đầu tư vào thị trường này, đặc biệt sau khi VN cho phép người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại VN.
Ông Yasuyuki Enomoto - thành viên trong đoàn - cho biết rất muốn thực hiện một dự án khu đô thị kiểu mẫu của Nhật Bản tại TP.HCM, hiện DN tìm các quỹ đất tại TP.HCM để thực hiện. Một số thành viên trong đoàn cũng bày tỏ mong muốn tìm các dự án trung tâm thương mại dở dang, ế ẩm để đầu tư và khai thác.
Xuất khẩu da giày hụt hơi
Hiệp hội Da giày - túi xách VN (Lefaso) cho biết suy thoái kinh tế các nước EU và một số khu vực khác đã ảnh hưởng không ít đến xuất khẩu giày dép của VN.
Đến hết tháng 6-2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng xấp xỉ 7%, mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây.
Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Lefaso, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp xóa bỏ mức thuế xuất khẩu hiện tại từ 3,5 - 57,4% về 0% trong thời gian tới.
Nếu muốn tận dụng được cơ hội giảm thuế này, các doanh nghiệp Việt phải phát triển được các chuỗi liên kết nội địa, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn thay cho việc chỉ làm gia công thuần túy như hiện nay.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI hiện chi phối gần 80% thị phần xuất khẩu giày dép của VN, hầu hết đều nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu do hệ thống nhà máy của các doanh nghiệp này hoàn toàn chủ động từ khâu cung cấp nguyên phụ liệu, sản xuất đến điểm cuối cùng là hệ thống phân phối.
Với những lợi thế này, việc các doanh nghiệp FDI dễ dàng tiếp cận được các đơn hàng có giá trị cao, tận dụng hiệu quả mức thuế suất ưu đãi từ các FTA là do có giá thành cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp trong nước.