Vì sao ngân hàng ngừng cho vay mua nhà dự án
Bầu Đức mất 4.500 tỷ đồng trong hơn một năm
TPP sẽ được ký tại New Zealand
Doanh nghiệp Mỹ ồ ạt rời Trung Quốc
Số liệu tiêu thụ nhà vênh nhau 14.000 căn
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 25-07-2016
- Cập nhật : 25/07/2016
Chủ động làm thương hiệu
Theo thống kê của Cục Sở hữu Công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90 nghìn thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, thì chỉ có khoảng 15% là của các DN trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Tương tự, tại thị trường trong nước cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không hề có nhãn hiệu. Chính vì chưa có tên tuổi nên nhiều loại nông sản cạnh tranh rất kém khi ra thị trường lớn và nhanh chóng bị DN nước ngoài thâu tóm.
Ví như cà phê, gạo, mặc dù là nước đứng nhất nhì thế giới, nhưng lại bị các nước khác thâu tóm về giá, thường bị động trong giao dịch. Do đó, các DN cần liên kết để tạo thế chủ động và xây dựng cho mình một thương hiệu đủ mạnh, bền vững.
Mặc dù nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Đây chính là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường rất yếu và gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Điển hình chỉ vài năm trước, sản phẩm vải thiều của Việt Nam chưa được nhiều nước chú ý và biết đến thì sau khi có thương hiệu loại nông sản này đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới đồng thời khắc phục được tình trạng “được mùa, rớt giá” cho nông dân.
Hiện tại, ý thức xây dựng chiến lược thương hiệu của các DN Việt Nam vẫn còn rất kém, nhất là các DN kinh doanh nông sản. Chỉ có khoảng 32% DN trong tổng số DN xuất khẩu nông sản có chiến lược cụ thể, 45% không có chiến lược rõ ràng, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp phân tích.
Muốn xây dựng được thương hiệu, trước hết mỗi sản phẩm phải thỏa mãn ba điều kiện: Đạt đến một khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá bán cạnh tranh; tổ chức kênh phân phối bảo đảm lợi ích hài hòa, hợp lý với tất cả các chủ thể tham gia.
Chỉ nên chọn một vài mặt hàng nổi bật để xây dựng thương hiệu chứ không nên làm tràn lan và DN phải là đối tượng xây dựng thương hiệu chứ không phải Nhà nước, hay nông dân, PGS-TS. Vũ Trọng Khải cho biết. Để xây dựng được thương hiệu, phát triển bền vững thì các DN phải chủ động tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó cần có các trang trại gia đình sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, được hình thành trên cơ sở tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho DN chế biến và tổ chức sản xuất theo hợp đồng.
Các chủ trang trại liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác để làm cầu nối giữa DN chế biến và các trang trại, đồng thời cũng có thể trở thành đối tác làm ăn với DN. Về phía Nhà nước, cần tạo ra khung pháp lý để các giải pháp trên được thực thi thuận lợi.
Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng như hiện nay thì bản thân các DN phải chủ động xây dựng thương hiệu của chính mình nếu không muốn bị thị trường đào thải.(TBNH)
Khách hàng tốt, tài chính lành mạnh được vay với lãi suất chỉ 5-6%/năm
NHNN Việt Nam đã cho biết như vậy khi thông tin về hoạt động ngân hàng tuần từ 11/7-15/7/2016.
Theo đó liên quan đến mặt bằng lãi suất huy động, NHNN Việt Nam cho biết, trong tuần một số TCTD điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Trong khi hiện lãi suất huy động USD của TCTD vẫn được duy trì ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Về lãi suất cho vay bằng VND, NHNN Việt Nam cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5-6%/năm.
Còn lãi suất cho vay USD hiện phổ biến ở mức 2,8-6,2%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5,2%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,1-6,2%/năm. (TBNH)
Xuất khẩu nông sản sạch: Chọn ngách nhỏ, mở đường lớn
Nông sản sạch là lĩnh vực đầy tiềm năng phát triển nhưng không dành cho những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn.
Không lựa chọn “đường thênh thang” như phần lớn DN xuất khẩu thuỷ sản, Công ty thuỷ sản Bến Tre (ABT) đã đi vào “đường ngách”, sản xuất sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, và xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Singapore, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…
Ông Nguyễn Văn Khải, thành viên HĐQT lý giải, DN chọn “đường ngách” và khó đi hơn vì tự lượng sức mình, nên chọn lối nhỏ để ít đụng chạm. Đến nay, điều này đã mang lại cho DN những thành công bước đầu.
“Đó là con đường không dễ đi chút nào”, ông Khải cho biết. Lựa chọn phân khúc sản phẩm có yêu cầu cao để tránh cạnh tranh trực tiếp với đối thủ lớn, cũng có nghĩa là cách đầu tư sản xuất phải khác biệt. Theo đó, ABT tự đầu tư mô hình khép kín, từ nuôi cá bố mẹ, cho đẻ để làm cá giống, sau đó nuôi làm cá thịt, đánh bắt và thu hoạch về sản xuất.
Ông Khải cho biết, DN quyết định tự đầu tư tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, vì như vậy mới đảm bảo đáp ứng tất cả yêu cầu khắt khe của đối tác. “Đơn cử thị trường Nhật Bản yêu cầu cá chỉ nặng trong khoảng 700 gram, nếu to hơn thì họ không tiêu thụ. Thì ngay việc nuôi cá để thu hoạch ở đúng trọng lượng đó đã không phải việc dễ dàng. Chưa kể các chỉ tiêu chất lượng đặt ra cũng ở tiêu chuẩn rất cao”, ông chia sẻ.
Dẫn câu chuyện của chính DN mình về con đường chinh phục những thị trường khó tính hàng đầu thế giới trong tiêu thụ nông sản, ông Khải khẳng định, đầu tư sản xuất nông sản sạch là lĩnh vực Việt Nam chắc chắn làm được, tuy khó.
Thấu hiểu hơn cả về cái khó của đường ra cho nông sản sạch trên thị trường nội địa, bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ CTCP Nhất Nam cho biết, hệ thống siêu thị Fivimart mà đơn vị này đang sở hữu đã coi nông sản sạch là một trong những sản phẩm phân phối không thể thiếu, nhưng hiện chưa đặt chỉ tiêu lợi nhuận của mặt hàng này lên đầu.
Bà Hậu dẫn chứng, hệ thống này đã tìm cách giảm rất nhiều chi phí ở các khâu trung gian, trong quá trình vận hành, bảo quản. Như mặt hàng rau, buổi sáng bán một giá, tới 18h30 giảm giá 30%, 20h giảm giá 50%, sau đó không bán được nữa thì bỏ, nhất định không để tồn đọng. Với cách thức bán hàng như vậy thì doanh số nông sản sạch chỉ hoà vốn, thậm chí còn lỗ. “Vì vậy không thể đặt chỉ tiêu lợi nhuận lên đầu, nếu không người tiêu dùng sẽ không bao giờ quay lại với siêu thị nữa”, bà Hậu khẳng định.
Những câu chuyện thực tế được chia sẻ từ chính các NĐT cho thấy, nông sản sạch là lĩnh vực đầy tiềm năng phát triển nhưng không dành cho những NĐT thiếu kiên nhẫn. Song có một nghịch lý, theo nhiều NĐT thì xuất khẩu ra thị trường nước ngoài có vẻ lại là đường ra thuận lợi hơn cho nông sản sạch, trong khi tìm cách tiêu thụ trong nước lại rất chật vật.
Các NĐT cho biết, ở góc độ nhà sản xuất thì chất lượng, yêu cầu cao đến mấy cũng có thể đáp ứng được, nhưng làm sao đưa đến người tiêu dùng, tạo thành chuẩn mực thì đòi hỏi sự góp sức từ nhiều phía. Chẳng hạn cần có những bộ đánh giá tiêu chuẩn chất lượng đáng tin cậy và cơ quan thẩm định để xác nhận với người tiêu dùng. Hoặc ngay những nhà phân phối cũng cần đảm bảo nhập những hàng hoá có chất lượng để người tiêu dùng nhận biết, qua đó mới tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.
TS. Phạm Kim Đăng, Học viện Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhìn nhận, rất nhiều DN trong nước đã xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính, cho thấy nông sản sạch là lĩnh vực đầu tư nằm trong khả năng của DN. Tuy nhiên theo ông Đăng, để thành công thì từ DN, nhà sản xuất, nhà phân phối, kể cả các hộ sản xuất phải tôn trọng cuộc chơi và nghiêm túc thực hiện, mà điều này hiện còn yếu.
“Ở Việt Nam có cái khó là sản xuất nhỏ lẻ manh mún, vì vậy việc này chỉ giải quyết được nếu các NĐT, tập đoàn lớn vào đầu tư, tạo lòng tin tiêu dùng, để sản phẩm không đủ chất lượng sẽ không thể có chỗ đứng trên thị trường”, ông Khải nhận định.
Để có sự phối hợp chặt chẽ như vậy, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp chỉ ra rằng, câu chuyện chính nằm trong thể chế, ở việc làm sao chuyển Nhà nước từ quản lý giám sát sang kiến tạo thị trường. Theo ông Sơn, bộ thường chia ra theo lĩnh vực mình quản lý. Bộ nào cũng muốn tầm quản lý rộng nhưng khi chịu trách nhiệm thì lại chỉ mong gạt bớt đi. Vì thế mới đẻ ra giấy phép mẹ con, ngăn sông cấm chợ… gây khó khăn cho NĐT.
Hiện nay những yếu kém về thể chế là gánh nặng lên nông nghiệp và DN cả nước. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, có đến 800 điều kiện kinh doanh khác nhau được áp dụng cho ngành nông nghiệp, gây khó khăn cho DN và nông dân. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc cho nông dân và DN, giảm bớt các loại thủ tục, phí, lệ phí để DN và nông dân có thể giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành.(TBNH)
Xuất khẩu đối mặt nguy cơ sụt giảm
Nếu không có biện pháp thúc đẩy kịp thời, nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam sẽ có nguy cơ đi “thụt lùi” cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không khỏi lo lắng khi cho biết về tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm, và dự báo diễn biến thị trường trong những tháng cuối năm 2016 không mấy khả quan.
Cụ thể, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt 2,66 triệu tấn, kim ngạch 1,19 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 6,9% về kim ngạch so với cùng kỳ. Có thể nói đây là con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây khi Việt Nam liên tục là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới.
Sau khi chỉ ra những nguyên nhân khách quan khiến sản lượng và giá gạo của Việt Nam 6 tháng qua sụt giảm như tình hình thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán mất mùa, xâm nhập mặn, nhu cầu tiêu thụ của một số quốc gia nhập khẩu giảm… VFA phải thừa nhận những vấn đề nội tại mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất khẩu có dấu hiệu “thụt lùi” hiện nay.
Thực tế, gạo Việt Nam chủ yếu xuất đi thị trường Trung Quốc (chiếm xấp xỉ 35%) và một số quốc gia Đông Nam Á, châu Phi. Những nhà nhập khẩu này thường nhập hàng giá rẻ, chất lượng không cao nên khi thị trường có sự biến động, giá thu mua, đầu vào nguyên liệu tăng đẩy giá trị hàng hóa xuất đi tăng theo.
Vì vậy, khi giá cao, khả năng cạnh tranh, lượng hàng xuất khẩu sụt giảm là khó tránh khỏi. Dù không ít DN ngành gạo trong nước muốn quay sang tìm thị trường xuất khẩu mới nhưng việc “chuyên làm hàng chợ” khiến cho hàng hóa của Việt Nam gặp không ít trở ngại, khó khăn từ hàng rào kỹ thuật, VSATTP mà các thị trường khó tính hơn đề ra.
“Nếu không nhanh chóng tìm ra các giải pháp tháo gỡ, nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa và tạo mối liên kết chặt chẽ, ổn định với nguồn lúa gạo nguyên liệu thì không chỉ xuất khẩu từ nay đến cuối năm gặp khó mà về lâu dài cũng chưa thể có được hướng đi bền vững” - ông Huệ nói.
Không riêng ngành hàng lúa gạo, nhiều mặt hàng khác trong nhóm nông-lâm-thủy sản giảm đang cho thấy sự sụt giảm đáng kể như mặt hàng cao su xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 444 nghìn tấn, kim ngạch 551 tỷ USD, dù tăng 7,3% về lượng nhưng lại giảm 8,7% về giá trị so với cùng kỳ. Sở dĩ cao su ì ạch suốt thời gian qua vì quá phụ thuộc vào xuất thô, hàm lượng giá trị gia tăng thấp.
Và nếu các DN chế biến xuất khẩu cao su không tìm hướng thay đổi cơ cấu sản phẩm, hướng đến các sản phẩm nhà nhập khẩu đang có nhu cầu cao như cao su khối 20, cao su tờ xông khói RSS 3 thay vì SVR 3L như hiện nay thì kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm “cán đích” con số 1 - 1,1 triệu tấn sẽ vẫn còn mịt mù.
Ngoài ra, đáng quan tâm là trong những ngành hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày cũng đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ sụt giảm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận thực tế, trong suốt 11 năm qua, hiện ngành dệt may đang tăng trưởng ở con số... thấp nhất. Kỳ vọng đặt ra trong nửa đầu năm nay vào khoảng 15 tỷ USD, nhưng thực tế kim ngạch mới gần được 12 tỷ USD.
Rõ ràng, mục tiêu đến cuối năm đạt con số xấp xỉ 30 tỷ USD là cực kỳ vất vả. Sở dĩ có tình trạng này do là dệt may thời gian qua phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ sự sụt giảm đơn hàng của nhà nhập khẩu, nhưng những trở ngại trong nước mới là điều mà các DN ngành dệt may quan tâm, trăn trở.
Theo ông Giang, hiện nay các DN dệt may đang phải chịu áp lực chi phí rất lớn từ việc tăng lương cơ bản kéo theo chi phí bảo hiểm, các khoản đóng góp, chi phí lưu kho bãi, cân trọng lượng của các hãng tàu... tăng 30 - 32%. Nhất là các quy định từ một số thông tư mới do Bộ Công Thương ban hành về kiểm định, kiểm tra hàng hóa khiến hàng xuất khẩu bị chậm trễ rất nhiều.
“Trung bình mỗi năm các DN ngành dệt may bị thiệt hại gần 2 tỷ USD do mất các đơn hàng lớn về gia công sản phẩm may mặc quần áo, quân trang quân dụng cho một số đối tác nước ngoài bởi các thủ tục xin cấp phép, kiểm tra tại Việt Nam quá rườm rà, phức tạp”, ông Giang chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến dệt may khó đạt mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng.
Trước những vấn đề mà các hiệp hội, ngành hàng, DN nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ tổng hợp những ý kiến, vướng mắc từ hoạt động thực tiễn để trình Chính phủ hoạch định ra các giải pháp cụ thể nhằm nhanh chóng tháo gỡ, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm.
Bộ sẽ rà soát những quy định, thông tư làm cản trở, hạn chế năng lực xuất khẩu của DN để giúp các ngành hàng xuất khẩu chủ lực nhanh chóng bứt phá.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng mong muốn Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ để các bộ, ngành khác cùng bắt tay vào cuộc, tháo gỡ cho DN vì mục tiêu phát triển kinh tế chung của đất nước.(TBNH)