Nợ công Trung Quốc vượt xa tất cả các quốc gia đang phát triển
Fed có thể giữ nguyên chính sách lãi suất trong cuộc họp tuần tới
Từ nay đến cuối năm: Đảm bảo ổn định lãi suất, tỷ giá
Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại còn 6,5% trong năm 2016
Tin kinh tế đọc nhanh 25-07-2016
- Cập nhật : 25/07/2016
"Sếp" IMF phải hầu tòa vì vụ 400 triệu euro trả cho tài phiệt Pháp
Tòa phúc thẩm cao nhất của Pháp hôm 22-7 ra phán quyết rằng Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde sẽ phải ra tòa vì vai trò trong vụ nước này phải trả hơn 400 triệu euro cho nhà tài phiệt Bernard Tapie khi bà Lagarde còn giữ chức Bộ trưởng Kinh tế Pháp.
Tòa này đã bác bỏ kháng cáo của bà Lagarde đối với quyết định của tòa án sơ thẩm hồi tháng 12 năm ngoái về việc bà phải ra trước một tòa án đặc biệt là Cour de Justice de la Repulique dành cho các quan chức cấp cao của chính phủ.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, bà Christine Lagarde khẳng định bà không có ý định quay lại chính trường. Ảnh: Reuters
Vụ việc liên quan tới khoản tiền 404 triệu euro (438 triệu USD) vào năm 2008 cho nhà tài phiệt Bernard Tapie khi bà Lagarde còn là Bộ trưởng Kinh tế Pháp. Chuyện bắt đầu từ việc ông Tapie bán công ty thiết bị thể thao Adidas với sự tham gia của ngân hàng nhà nước Credit Lyonnais trong thập niên 1990. Vị doanh nhân khiếu nại rằng ngân hàng nhà nước này đã lừa đảo và ông được nhận quá ít tiền trong thương vụ. Bà Lagarde lúc bấy giờ trên cương vị Bộ trưởng Kinh tế Pháp đã quyết định bổ nhiệm ủy ban trọng tài để xử lý vụ tranh chấp. Phán quyết của ủy ban trọng tài này đưa ra vào năm 2008 cho rằng ông Tapie phải được trả tiền thiệt hại. Đến tháng 12-2015, tòa phúc thẩm của Pháp lại tuyên bố vị tài phiệt phải trả lại số tiền bồi trường đã nhận lên tới gần nửa tỉ USD nói trên.
Phán quyết mới đưa ra từ tòa án Pháp với bà Lagarde có thể là bước cản lớn nhất từ trước tới nay đối với nữ lãnh đạo “lên như diều gặp gió” – người vừa được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc IMF nhiệm kỳ thứ 2 trong tháng 7 này. Bà Lagarde một mực khẳng định bà hành động dựa trên quyền lợi của quốc gia và đúng với pháp luật.(NLĐ)
Cán cân thương mại đảo chiều
Hết tháng 6, cả nước xuất siêu 1,7 tỷ USD, trái ngược với mức thâm hụt thương mại lên đến 3,43 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015, theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố.
Sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy phục vụ thị trường trong nước và XK tại Công ty Stanley (Hà Nội)- DN có vốn FDI của Nhật Bản. Ảnh: T.Bình.
Trong đó, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 10,25 tỷ USD và khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước (doanh nghiệp trong nước) nhập siêu gần 8,55 tỷ USD.
Đáng chú ý, xét ở khía cạnh châu lục, Việt Nam thâm hụt thương mại duy nhất với châu Á, chủ yếu thâm hụt từ Trung Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, thâm hụt thương mại với châu Á là hơn 26,69 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 69% so với kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu lục này.
Theo Tổng cục Hải quan, những tháng vừa qua các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong hoạt động XNK của cả nước. Cụ thể, trị giá XNK của các doanh nghiệp FDI đạt gần 104,45 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng kim ngạch XNK của cả nước, đạt mức tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu khối doanh nghiệp vốn hoàn toàn trong nước đạt 58,13 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng về kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp FDI vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao với trị giá hơn 57,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Ngược lại doanh nghiệp hoàn toàn trong nước đạt 24,79 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tập trung vào ba nhóm hàng chính gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với tổng trị giá đạt 25,73 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ, và chiếm 44,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này.
Ngược lại với xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp FDI lại có mức tăng trưởng âm với trị giá hơn 47,11 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của doanh nghiệp FDI là điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá hơn 15,89 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, đạt kim ngạch hơn 7,07 tỷ USD...(HQ)
Gần 8. 000 loại thuốc bị yêu cầu kê khai lại giá
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 7.987 loại thuốc của các doanh nghiệp bị yêu cầu kê khai lại giá do chưa hợp lý
Theo Cục Quản lý Dược, qua xem xét các mặt hàng thuốc do các doanh nghiệp gửi về Cục, có nhiều mặt hàng các doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai theo quy định trước khi đấu thầu hoặc các doanh nghiệp đã kê khai nhưng mức giá kê khai chưa hợp lý. Cục Quản lý dược đã có văn bản kiến nghị về mức giá kê khai, nhưng doanh nghiệp chưa điều chỉnh. Các trường hợp này là chưa thực hiện đúng quy định về quản lý giá thuốc và đấu thầu mua thuốc.
Để đảm bảo tránh gián đoạn việc cung ứng, thanh toán chi phí thuốc của các cơ sở y tế do chưa thực hiện đúng các quy định nêu trên, Cục Quản lý Dược đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc phải thực hiện đúng quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường, tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế để được xem xét, công bố theo quy định.
Đồng thời khẩn trương xem xét, điều chỉnh mức giá kê khai, kê khai lại phù hợp với các mặt hàng đã có văn bản kiến nghị về giá kê khai chưa hợp lý của Cục Quản lý Dược để được xem xét, công bố theo quy định. Đồng thời, tổng hợp tất cả các mặt hàng thuốc của doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố theo biểu mẫu quy định. Trong đó, có thông tin về giá trúng thầu, cơ sở y tế trúng thầu và gửi về Cục.
Được biết từ năm 2012 đến nay, đã có hơn 13.000 loại thuốc cả trong nước và nhập khẩu đã kê khai giá tại Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế.(HQ)
"Ông lớn" công nghệ Trung Quốc bị kiện vì vi phạm bằng sáng chế
Hãng điện tử Hàn Quốc Samsung Electronics ngày 22/7 cho biết vừa khởi kiện đối thủ Huawei Technologies vì cho rằng công ty Trung Quốc này đã vi phạm bằng sáng chế của hãng.
Phát ngôn viên của Samsung cho hay tập đoàn này đã đệ đơn kiện lên Tòa án Bắc Kinh, cáo buộc Huawei vi phạm 6 bằng sáng chế của mình.
Phía Samsung cho hay mặc dù đã nỗ lực giải quyết sự việc này trong êm thấm, song Samsung vẫn phải nhờ tới sự can thiệp của Tòa án nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của hãng.
Về phần mình, Huawei cho biết hiện chưa nhận được “lời phàn nàn chính thức” nào.
Trước đó hồi tháng Năm, Huawei cũng đã đệ đơn kiện Samsung lên tòa án ở Mỹ và Trung Quốc, cáo buộc tập đoàn này đã vi phạm bằng sáng chế công nghệ mạng 4G, hệ điều hành và phần mềm giao diện người dùng của mình.
Thép Trung Quốc: Đã thừa, nay lại còn thừa hơn
Trong tháng 6 vừa qua, sản lượng thép của Trung Quốc lại đạt mức kỷ lục mới, bất chấp đang bị đánh thuế bán phá giá ở nhiều nước.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã cho xuất khẩu 57,12 triệu tấn thép, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc xem ra không muốn dừng khuấy động thị trường: riêng trong tháng 6 vừa qua, sản lượng xuất khẩu đã đạt 10,9 triệu tấn, tăng 23% so với năm ngoái và 16% so với tháng 5.
“Bất chấp việc bị đánh thuế bán phá giá, thép Trung Quốc vẫn có sức cạnh tranh khá tốt”, nhà phân tích Hongmei Li của Platts nhận định. “Giá thép toàn cầu đã dần dà hồi phục trong nửa đầu năm nay, và Trung Quốc đã duy trì được chi phí sản xuất thấp nhờ vào giá quặng và than rẻ”. Giá quặng sắt toàn cầu hiện là 50 USD/tấn, giảm mạnh so với lúc chạm đỉnh 70,5 USD hồi tháng 4. Tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới là BHP Billiton của Úc đã cho biết sẽ tiếp tục tăng sản lượng, bất chấp tình trạng dư thừa. Trong năm ngoái, giá quặng bình quân của BHP là 43 USD/tấn, giảm 30% so với 2014.
Sản lượng thép (màu xanh) và sản lượng xuất khẩu (màu vàng) của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút. Ảnh: WSJ
Tính bình quân thì trong tháng 6 Trung Quốc sản xuất thép tới 2,32 triệu tấn / ngày, một con số kỷ lục từ trước tới nay. Trước đó, nước này đã hứa có thể giảm sản lượng tới 45 triệu tấn trong năm nay. Tuy vậy, con số này cũng không phải nhiều nhặn gì so với sản lượng khoảng 800 triệu tấn trong năm ngoái (bằng phân nửa toàn cầu), và càng không là gì so với mức công suất tối đa của Trung Quốc là 1,2 tỷ tấn.
Tại các quốc gia khác, nhiều tập đoàn thép lớn đang khá chật vật tìm cách trụ vững trước tình trạng dư thừa thép toàn cầu. Tata Steel của Ấn Độ đang tìm cách bán đi các nhà máy ở Anh. US Steel của Mỹ đã lỗ 1,5 tỷ USD và tiến hành khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) của Mỹ về thép Trung Quốc. Trước tình trạng nhiều công nhân ngành thép Mỹ chịu cảnh mất việc, nước này đã áp thuế 265,79% lên một số mặt hàng thép Trung Quốc Liên minh châu Âu, Ấn Độ và một số nước khác cũng đã có các động thái tương tự.
Theo dự đoán của nhà phân tích Jiming Zou tại Moody’s, sản lượng thép của Trung Quốc năm nay có thể giảm 2-3% so với năm 2015, nhưng sản lượng xuất khẩu thì có thể tăng 8-10% so với mức 112 triệu tấn của năm ngoái.
Theo chỉ số khảo sát S&P Global Platts China Steel Sentiment Index, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép Trung Quốc đều tin rằng giá thép sẽ tăng trong thời gian tới. Chỉ số này mới đây đã đạt 53,71, tăng mạnh so với 15,92 trong tháng 6. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do hy vọng vào việc chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế và vực dậy lĩnh vực bất động sản.(NCĐT)