Các đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi một loạt sắc thuế; Ai sẽ trả tiền cho ‘Con đường tơ lụa’ của Trung Quốc?; Mỹ - Trung Quốc ký kết nhiều thỏa thuận làm ăn 'béo bở'; Chính phủ “siết chặt” quản lý giá thuốc
Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-05-2016
- Cập nhật : 30/05/2016
Đồng NDT yếu đi sẽ ảnh hưởng doanh nghiệp Việt Nam
Khi đồng NDT của Trung Quốc bị yếu đi, đồng Việt Nam sẽ mạnh lên và khả năng cạnh tranh của họ sẽ cao hơn, từ đó hàng hóa sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần may Hưng Yên, tỷ giá đồng NDT của Trung Quốc hạ xuống mức thấp nhất trong 5 năm chắc chắn gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là đối với một số ngành nghề xuất khẩu. Cụ thể, với hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều nhưng hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam sẽ chịu tác động lớn hơn. Khi đồng NDT của Trung Quốc bị yếu đi, đồng Việt Nam sẽ mạnh lên và khả năng cạnh tranh của họ sẽ cao hơn, từ đó hàng hóa sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Đó chính là nỗi lo của tất cả các mặt hàng có chung thị trường xuất khẩu với Trung Quốc.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, việc hạ giá NDT sẽ tạo ra lợi thế lớn hơn cho Trung Quốc trong việc xuất khẩu; trong đó, có xuất khẩu thép Trung Quốc ra thị trường thế giới. Thép Trung Quốc vốn dĩ đã rất cạnh tranh về giá, nên với việc đồng Trung Quốc giảm giá sẽ tạo điều kiện cho thép Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường trên thế giới và khu vực Đông Nam Á. Nhưng, tác động cụ thể thì cần phải đánh giá chi tiết hơn.
Tuy nhiên, thời điểm này, tác động của việc giảm giá NDT chưa rõ ràng bằng những áp lực khác như dư thừa công suất và khả năng giảm nhu cầu tại Trung Quốc. Đó là những yếu tố mà nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu. Năm vừa qua, Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường thế giới hơn 110 triệu tấn thép. Việc giảm giá NDT sẽ giúp Trung Quốc đẩy mạnh hơn xuất khẩu thép ra thế giới.
Đồng tình với ý kiến của ông Nghiêm Xuân Đa, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ, về tổng thể, việc hạ giá đồng NDT là để Trung Quốc tạo thế thuận lợi cho xuất khẩu của nước họ; trong đó có thép. Do vậy, tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hơn nữa vì lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Đông Nam Á là hơn 30 triệu tấn/năm; trong đó, Việt Nam chiếm khoảng 10 triệu tấn. Việc hạ giá đồng NDT sẽ khiến giá thép của Trung Quốc càng rẻ và điều này gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, việc bảo vệ bằng chống phá giá, phòng vệ thương mại là cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Còn dài hạn vẫn phải nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh, do thanh toán bằng đồng Việt Nam nên doanh nghiệp không bị tác động trước những điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc. Việc giảm giá đồng NDT cũng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc có chút đắn đo khi giao dịch. Nhưng, việc kinh doanh với những bạn hàng lâu năm và thanh toán bằng tiền Việt Nam đã đi vào nếp nên không ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp. Thậm chí, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu sản phẩm chè sang Trung Quốc của doanh nghiệp còn có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2015.
Đối với doanh nghiệp làm về lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần HaNoi Redtour cho hay, việc điều chỉnh tỷ giá cũng không tạo sự khác biệt lớn. Hiện giá tour đi Trung Quốc ở mức thấp, dao động từ 7 - 15 triệu đồng/tour (tương đương khoảng 300 - 500 USD); trong đó, khoảng một phần hai trong số này đã dành để trang trải chi phí vé máy bay và phần còn lại sử dụng cho các chi phí khác. Phía Trung Quốc báo giá các dịch vụ qua bên công ty theo giá NDT nên khi tỷ giá thay đổi, giá tour cũng có sự điều chỉnh nhưng không nhiều.(TTXVN)
All Nippon Airways trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines
Vietnam Airlines và Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways (ANA Holdings Inc) đã chính thức ký hợp đồng mua bán cổ phần ngày 28/5
Nga từ chối giảm giá khí đốt cho Belarus
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 28/5 cho biết nước này sẽ không giảm giá khí đốt cho Belarus trong quý III/2016, và vẫn giữ giá bán theo mức đã ký trong hợp đồng.
Trước đó, Minsk đã yêu cầu Moskva giảm gần một nửa giá mua khí đốt.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Bộ trưởng Novak nhấn mạnh: "Hợp đồng của chúng tôi có hiệu lực cả năm và được tính theo công thức. Sẽ không cần thêm thỏa thuận nào cả, bởi giá bán khí đốt được xác định theo hợp đồng thương mại". Người đứng đầu ngành Năng lượng Nga cũng cho biết Moskva không có kế hoạch kiện Belarus tại tòa án Stockholm để giải quyết vấn đề thanh toán khoản nợ mua khí đốt của Nga.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Belarus Vladimir Potupchik cho biết Minsk không thay đổi quan điểm của mình trong cuộc tranh cãi về khí đốt. Theo báo "Thương gia", Belarus yêu cầu Nga giảm giá bán khí đốt từ 132 USD/1.000m3 xuống còn 73 USD/1.000m3.
Theo thỏa thuận liên chính phủ, giá khí đốt Nga bán cho Belarus năm 2011 là 132 USD/1.000m3. Minsk muốn trả tiền theo mức giá có "lợi nhuận tương đương" với giá bán khí đốt cho Đức trừ đi chi phí vận chuyển qua Ba Lan (9 USD/1.000m3), Belarus (12 USD/1000m3), và tuyến đường ống Yamal - châu Âu cũng như thuế xuất khẩu (30%).
Theo các quan chức Belarus, Nga cần bán ở mức"giá sinh lợi bình đẳng" từ năm 2015, phù hợp với các thỏa thuận liên chính phủ. Tuy nhiên, phía Nga lại cho rằng quá trình chuyển đổi này là không cần thiết.
Ngày 12/5, Bộ trưởng Novak thông báo khoản tiền nợ mua khí đốt của Belarus trong 4 tháng là 125 triệu USD. Đầu tháng 5, công ty con của Gazprom là Gazprom Transgaz Belarus đã kiện lên Tòa Trọng tài Belarus việc nước này chưa trả đủ tiền mua khí đốt.
Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp
Trong liên kết vùng Tây Nguyên, việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp có tác dụng huy động các nguồn lực, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa.
Công ty đầu tư nước ngoài Dalat Hasfarm là công ty đầu tiên đầu tư về nông nghiệp tại Lâm Đồng đã đưa các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Người dân đã học hỏi và nâng cao khả năng sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, công ty liên kết với người dân theo mô hình cung cấp giống, kiểm soát các vấn đề kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua các sản phẩm. Các hộ nông dân phải bảo đảm các tiêu chí nghiêm ngặt của doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tại Lâm Đồng còn có 2 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công là Hợp tác xã Xuân Hương và Hợp tác xã Anh Đào. Tại mô hình hợp tác xã này, các thành viên chính là hộ nông dân trực tiếp tổ chức sản xuất và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp trong quá trình sản xuất. Các xã viên có quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủ động trong tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu thị trường.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng (trước hết là cà phê, hồ tiêu) trên cơ sở liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ sở, các hộ sản xuất kinh doanh từ cung ứng các yếu tố đầu vào đến sản xuất và chế biến sâu, tạo ra sản phẩm tiêu dùng cuối cùng có giá trị gia tăng và chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và mang đặc trưng riêng của vùng là rất cần thiết; chú trọng khâu bảo quản, chế biến. Xác định một số sản phẩm mũi nhọn để xây dựng đề án phát triển thương hiệu quốc gia Tây Nguyên cho một số sản phẩm chủ lực. Xây dựng và quảng bá thương hiệu Tây Nguyên cho các sản phẩm toàn vùng, xây dựng hệ thống quản trị thương hiệu sản phẩm Tây Nguyên.
Để làm được điều này, việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù liên kết sản xuất nông lâm nghiệp cho toàn vùng Tây Nguyên, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo chuỗi gắn với chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, mang lại cho nông dân Tây Nguyên lợi ích lớn và bền vững cần sớm được triển khai. Phải coi đây là giải pháp chiến lược. Thực hiện liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu…) bền vững, từ sản xuất đến thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm (theo tiêu chuẩn 4C, GAP…), vừa bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp. Đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, tránh việc tranh mua, tranh bán, hoặc ép giá.
Các địa phương trong vùng cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực vùng Tây Nguyên. Hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, tiến tới hình thành tổ chức chủ trì điều phối liên kết phát triển chuỗi giá trị cho từng loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su…) của vùng.
Thực hiện liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa các tỉnh trong vùng và giữa Tây Nguyên với các vùng có tiềm năng và lợi thế so sánh.
Thúc đẩy tập quán canh tác bền vững trong đó chú ý đến các vấn đề cải thiện cảnh quan nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn, định hướng công nghệ cao và liên kết chuỗi toàn cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Tăng cường liên kết nhằm đẩy nhanh hiện đại hóa chuỗi giá trị rừng trồng. Xây dựng chính sách đặc thù ưu đãi cho việc phát triển mô hình rừng tự quản, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và dịch vụ tài chính, thương mại, hậu cần hỗ trợ. Xây dựng các mô hình cảnh quan dựa trên nông lâm kết hợp, tạo ra cảnh quan đẹp tại vùng rừng và vùng nông nghiệp, phục vụ du lịch nông nghiệp sinh thái. Kết hợp phát triển lâm nghiệp với phát triển du lịch và nông nghiệp.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, trong thời gian tới cần sớm thành lập các tiểu ban điều phối liên kết như: Ban điều phối phát triển hạ tầng giao thông; Ban điều phối phát triển du lịch; Ban điều phối phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su, rừng…) do Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì với các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan, các tỉnh Tây Nguyên, giáp Tây Nguyên. Xây dựng các đề án liên kết nhằm huy động, tập trung nguồn lực phát triển đối với một số lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm.
Hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển liên kết vùng để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước thúc đẩy việc hình thành các liên kết đối với từng lĩnh vực, sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính và quản trị làm nòng cốt cho việc hình thành liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp. Thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp, thu hút cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Tây Nguyên để kết nối các doanh nghiệp chủ lực. Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp của người nông dân làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, tiêu dùng.
Thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực công và tư trong phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi giá trị nông nghiệp và du lịch. Điều phối hợp lý các nguồn lực, khắc phục tình trạng không gian kinh tế chia cắt bởi địa giới hành chính.
Khẩn trương xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp xuất khẩu gạo thời gian tới.
Một dây chuyền lau bóng gạo, xay lúa và sấy lúa với công nghệ hiện đại để tạo ra gạo thành phẩm. Ảnh: Lê Sen/TTXVN
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng Chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam và đánh giá việc thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1271/VPCP-KTTH ngày 26/02/2014 và số 43/TB-VPCP ngày 10/02/2015 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 tới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cụ thể về tác động ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất lúa gạo; thường xuyên rà soát, cập nhật khả năng cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo.