SCIC thu hơn 10.000 tỷ nhờ bán vốn Vinamilk; Tiêu dùng Trung Quốc sẽ thêm vào kinh tế toàn cầu 1.800 tỉ USD; Tổng nợ thế giới gấp ba lần tổng GDP; TP.HCM có thêm 37.389 m2 mặt bằng bán lẻ; Tổng thống Nga gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-05-2016
- Cập nhật : 30/05/2016
Gạo Việt xuất mạnh sang Trung Quốc
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu gạo Việt Nam. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu sang nước này chiếm tới 36,45% thị phần, riêng khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5/2016 ước đạt 345.000 tấn, giá trị 165 triệu USD.Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng khoảng 445 USD mỗi tấn, tăng 2% so với cùng kỳ 2015. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 với 36,45% thị phần. Bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt gần 706 triệu tấn, tương đương hơn 325 triệu USD, tăng 10,31% về khối lượng và tăng 23,63% về giá trị so với cùng kỳ.
Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 với 15,59% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 4 tháng đầu năm đạt gần 351.000 tấn và 139 triệu USD, tăng hơn 72 lần về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ.
Các thị trường khác có giá trị tăng mạnh là Ghana (12,87%), Đài Loan (64,29%), Bờ Biển Ngà (65,83%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (10,59%). Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (46,6%), Malaysia (36,57%) và Singapore (31,12%).
Bộ Nông nghiệp cũng cho biết, trong tháng 5/2016, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động từ ổn định đến giảm nhẹ trước sức ép từ việc Thái Lan tuyên bố xả kho gạo khổng lồ 11,4 triệu tấn.
Giá lợn hơi tại các tỉnh Đông Nam Bộ cũng giảm do Trung Quốc đột ngột ngừng nhập lợn hơi qua đường tiểu ngạch. Ngoài ra, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm một phần do chưa có đơn hàng mới, phần khác do các nhà máy chuyển qua bắt cá trong vùng nuôi, hạn chế thu mua cá ngoài vùng nuôi để tránh gây áp lực tăng giá thu mua cá tra nguyên liệu.
Nợ xấu lại “vật” nhà băng
Nợ xấu “dềnh” lên
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 3/2016 tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào tháng 12/2015. Báo cáo tài chínhquý I/2016 của một số ngân hàng cũng cho thấy, nợ xấu đang quay đầu tăng trở lại. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh. Riêng nợ mất vốn của 10 ngân hàng lớn đã lên tới trên 1 tỷ USD.
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, số nợ xấu mới phát sinh riêng trong năm 2015 là hơn 45.000 tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, số nợ xấu mới phát sinh năm 2016 còn cao hơn nữa.
.
Trong khi nợ xấu mới vẫn sinh sôi hàng ngày, thì nợ xấu cũ mà VAMC mua về từ hơn 40 tổ chức tín dụng vẫn đang nằm chờ giải cứu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho biết, tính đến đầu tháng 5/2016, VAMC đã phát hành 207.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 244.000 tỷ đồng nợ gốc. Trong tổng số nợ xấu đã mua, VAMC mới xử lý được 44.000 tỷ đồng.
Chính vì nợ xấu vẫn được nhốt chủ yếu trong kho VAMC, nên 2 năm qua, nhất là năm 2015, dù tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã giảm xuống dưới 3%, nhưng các ngân hàng vẫn chịu áp lực nặng nề. Riêng trong năm 2015, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng đột biến, phần nhiều trong đó là những khoản trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu bán cho VAMC, nhưng VAMC chưa kịp xử lý, với mức trích lập lên tới 20%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, thực tế, một lượng lớn nợ xấu bán cho VAMC vẫn chưa được xử lý, dẫn tới khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng giảm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB dự đoán, tình trạng này của các ngân hàng có thể tiếp diễn trong 5 năm tới, nếu VAMC không nhanh chóng xử lý được số nợ tồn đọng.
Muốn có thị trường, giá phải hợp lý
Với quyết tâm xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có buổi làm việc với VAMC để tìm hiểu vướng mắc. Theo kế hoạch, trong năm 2016, VAMC sẽ thí điểm mua nợ theo giá thị trường với số lượng khoảng 5.000 tỷ đồng dư nợ gốc, với giá mua là 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, VAMC cũng đặt mục tiêu xử lý, thu hồi 30.000 tỷ đồng nợ xấu, gần gấp đôi năm 2015. Tuy nhiên, nếu mục tiêu này hoàn thành, VAMC cũng chỉ xử lý được vài trăm khoản nợ, trong số hàng chục nghìn khoản nợ mua về.
Theo lãnh đạo VAMC, để xử lý nhanh nợ xấu, cần phải có thị trường mua bán nợ tấp nập. VAMC đang tích cực chuẩn bị danh mục các khoản nợ xấu chào bán để giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, một số ngân hàng đã bày tỏ ý định thành lập công ty mua bán nợ trực thuộc (AMC). Việc nhiều ngân hàng nhảy vào thị trường này cho thấy, mua bán nợ là một lĩnh vực tiềm năng và việc hình thành thị trường mua bán nợ không hẳn là “bất khả thi”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một công ty mua bán nợ, thị trường nợ xấu chưa thể khai thông và hình thành bởi bị trói buộc trong 4 chữ: trách nhiệm - giá bán. “Khi chúng tôi đặt vấn đề mua nợ, nhiều lãnh đạo ngân hàng rất muốn bán nợ, kể cả bán lỗ, nhưng lại sợ trách nhiệm hình sự nếu để thất thoát tài sản. Chính vì vậy, họ chấp nhận bán nợ cho VAMC để giãn thời gian xử lý, chứ cũng không kỳ vọng VAMC sẽ xử lý được nợ. Nếu tình hình này kéo dài, nợ xấu vẫn sẽ ẩn nấp và thị trường mua bán nợ không thể hình thành”, đại diện công ty này cảnh báo.
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu, nếu được bán với giá hợp lý, thì rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nhảy vào mua, thị trường mua bán nợ sẽ tự hình thành mà không cần phải hô hào nhiều. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế định giá cho nợ xấu vẫn chưa rõ ràng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng kiến nghị, nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giá mua và giá bán nợ xấu theo kiểu “lỗ cùng chịu, lãi cùng chia” để tạo động lực cho các ngân hàng bán nợ. Cơ chế bắt buộc tổ chức tín dụng phải chịu rủi ro hoàn toàn khi bán nợ hiện nay là nguyên nhân khiến các ngân hàng không mặn mà bán nợ cho VAMC, nhất là trong bối cảnh VAMC và ngân hàng khó tìm được sự đồng thuận về giá bán tài sản.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận, định giá là một trong những khó khăn lớn nhất của VAMC khi thực hiện mua nợ theo giá thị trường. Để tháo gỡ khó khăn này, VAMC đang đề xuất thành lập Trung tâm Đấu giá trực thuộc VAMC.(BĐT)
Money Week: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang siêu rẻ
Trong một bài viết đăng trên MoneyWeek ngày 26/5, bà Merryn Somerset Webb, chủ biên của MoneyWeek, đã đưa ra những đánh giá mới tích cực về thị trường Việt Nam, sau khi hồi tháng 10 năm ngoái từng nhận cổ phiếu Việt Nam là “Bài học về giá trị cho các thị trường phát triển”.
Theo chủ biên của trang MoneyWeek này, thị trường chứng khoán của Việt Nam đang siêu rẻ, với gần 400 cổ phiếu có tỷ lệ P/E dưới 10 lần, khoảng 50% các công ty giao dịch dưới giá trị sổ sách, và cổ tức có lợi suất bình quân gần 4%.
Một tin tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, theo bà Merryn, là việc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSI AM) sắp cho ra mắt một quỹ mở vào tháng 6 tới, trong đó các nhà đầu tư có thể mua bán trên hầu hết các sàn giao dịch tại Anh.
Quỹ mới này có tên Vietnam Value and Income Fund (Quỹ giá trị và Thu nhập Việt Nam), sẽ tập trung đầu tư vào những cổ phiếu có định giá thấp và chưa được nghiên cứu trong một thị trường còn đang rẻ tại Việt Nam.
SSI AM hiện có 2 quỹ tại Việt Nam và cả hai đều đang có những con số rất khả quan, trong đó Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững (SSI-SCA) hiện đạt mức tăng trưởng 14% kể từ khi thành lập vào tháng 9/2104 dù thị trường chung giảm 12% và một quỹ hoạt động tốt thứ hai trên thị trường (VN Holding Ltd) chỉ tăng 7%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài khó có thể đầu tư vào một trong 2 quỹ đó vì một quỹ dành cho các nhà đầu tư trong nước và một dành cho các nhà đầu tư tổ chức.
Quỹ mới này có quy mô khoảng 200 triệu USD. SSI AM dự kiến danh mục cổ phiếu đầu tư sẽ có mức lợi suất trung bình khoảng 5,5%, P/E trung bình khoảng 9 lần và mức P/B trung bình khoảng 1,6 lần.
Mặc dù quỹ mới sẽ không quá rẻ, với mức phí quản lý và phí hoạt động khoảng 1%, nhưng bà Merryn cho rằng các nhà đầu tư không nên quá lo ngại nếu nó hoạt động tốt như các quỹ trước đây của SSI.
Ngoài ra, khi xét đến tiềm năng của thị trường Việt Nam, bà Merryn Somerset Webb cho rằng đây là quốc gia có dân số trẻ và có giáo dục tốt, với độ tuổi trung bình là 29 tuổi và tỷ lệ biết chữ đạt 94,5%.
Việt Nam cũng đã trở thành trung tâm sản xuất tại Châu Á, và tiêu dùng trong nước cũng đang tăng nhanh, từ 46 tỷ USD trong năm 2012 lên mức dự kiến 940 tỷ USD vào năm 2030. Lạm phát và lãi suất đang ở mức hợp lý, lần lượt là 3 % và 5%, trong khi tăng trưởng GDP đạt gần 7%.
Sài Gòn bùng nổ các 'siêu' dự án
Thị trường bất động sản Sài Gòn đang xuất hiện ngày càng nhiều những "siêu" dự án mới, được bung hàng số lượng lớn theo chiến dịch tung hàng trực diện chứ không nhỏ giọt theo kiểu truyền thống.
Nguồn cung các tổ hợp dự án này cao nhất trên 10.000 căn nhà và thấp nhất khoảng 3.000 sản phẩm. Lượng hàng hóa cho thấy quy mô nguồn cung hiện nay không thua kém gì với lượng hàng hóa của Phú Mỹ Hưng đã và đang tiêu thụ trong gần 20 năm qua.
Dẫn đầu về quy mô toàn thị trường là VinGroup chỉ với 2 dự án xuất hiện tại TP HCM là Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) và Golden River City (quận 1) có nguồn cung trên 13.000 căn nhà. Đây là đại diện tiêu biểu cho mô hình "dội bom" trực diện, công bố, mở bán rầm rộ, xây dựng tốc độ rất nhanh, đa dạng sản phẩm và chỉ nhắm đến phân khúc cao cấp, hạng sang với vị trí cận trung tâm.
Đứng thứ hai về quy mô trong danh sách các dự án khủng này là tổ hợp dự án River City có tổng cộng 8.000 sản phẩm tại quận 7, TP HCM. Dự án do liên minh Phát Đạt - An Gia - Creed Group đầu tư phát triển và đang rục rịch mở bán, thuộc phân khúc trung cấp. Đây cũng chính là khu đô thị ven sông có quy mô lớn nhất khu Nam Sài Gòn tính đến thời điểm tháng 5/2016.Cũng tọa lạc tại quận 7, Tập đoàn Hoàn Cầu đang triển khai khu đô thị phức hợp Diamond City quy mô khoảng 6.000 sản phẩm nhà ở tại quận 7 nhắm đến phân khúc cao cấp. Nam Long, tuy nổi tiếng với phân khúc bất động sản giá rẻ, chuyên phát triển các dự án theo cụm quy mô nhỏ, nay cũng nuôi tham vọng mở rộng Ehome 3 thành một khu đô thị có quy mô lớn.
TP HCM đang xuất hiện rất nhiều dự án khu đô thị quy mô trên dưới 10.000 căn, một bước nhảy vọt về nguồn cung so với 2 thập niên qua. Ảnh: Lucas Nguyễn
Hai nhà phát triển bất động sản khác đang triển khai tổ hợp dự án, khu đô thị quy mô trên 3.000 căn trở lên thuộc khu Nam TP HCM gồm có: Năm Bảy Bảy và Tập đoàn Phú Long.
Ở phía Đông và Tây TP HCM, Novaland lần đầu tiên công bố 2 khu đô thị với quỹ đất xấp xỉ cả trăm hecta, trong đó dự án Habor City lớn nhất, tọa lạc trên khu đất rộng 60 hecta. Theo kế hoạch, nguồn cung của khu đô thị này lên đến hàng nghìn căn, số lượng sản phẩm lớn hơn các dự án mà doanh nghiệp từng triển khai trước đó.
Trong khi đó, tại Thủ Thiêm, các đô thị quy mô lớn đang trong quá trình chuẩn bị có thể lấn lướt phần còn lại của thị trường. Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập mới đây, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Đại Quang Minh khẳng định, đến cuối năm 2018 toàn bộ Khu đô thị Sala có tổng diện tích khoảng 106ha sẽ được hoàn thành. "Kể từ ngày bắt đầu mở bán sản phẩm đầu tiên vào tháng 5/2015, đến nay Công ty đã bán được 870 căn hộ cao cấp, 126 nhà ở kết hợp thương mại và 30 biệt thự, với tổng doanh số là 10.872 tỷ đồng", ông Dương cho biết.
Tuy nhiên, theo giới phân tích bất động sản, hầu hết các dự án ở Thủ Thiêm cần thêm thời gian để xác định những nhà đầu tư chiến lược, nguồn vốn, các loại hình sản phẩm..., sau đó mới chính thức trình làng.
Nhận xét về hiện tượng ngày càng có nhiều dự án nhà ở quy mô lớn chưa từng có từ trước tới nay được công bố, chào hàng tại TP HCM, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, Phan Công Chánh cho biết: "Đây là bước nhảy vọt của thị trường bất động sản so với 1-2 thập niên trước. Sự biến đổi về lượng và chất đã diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh quy mô của thị trường ngày càng phình to hơn".
Ông Chánh đánh giá, điều đáng chú ý là những dự án không chỉ "khủng" về số lượng sản phẩm nhiều hơn gấp bội lần mà tiện ích, dịch vụ cũng ngày càng hiện đại, phong phú. Thương hiệu của nhà phát triển các siêu dự án này cũng được bảo chứng qua thời gian. Quy mô của các dự án lớn được chào bán đang phản ánh lợi thế cạnh tranh mới trên thị trường, đó là định vị lại các hình thức tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm khác biệt so với trước đây. "Xu hướng xuất hiện những siêu dự án mới tại TP HCM sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới", ông dự báo.
Trả lời câu hỏi liệu thị trường địa ốc TP HCM có tiêu thụ nổi những "suất ăn đại công nghiệp", cụ thể là những cụm nhà ở từ 3.000 đến 10.000 sản phẩm sẽ bán cho ai, bán hết trong bao lâu, ông Chánh cho rằng hãy để thị trường tự trả lời câu hỏi đó. Tất nhiên, một sân chơi lớn chộn rộn hơn sẽ vấp phải những băn khoăn bởi định kiến cũ, nhưng bài toán cung cầu luôn biến đổi theo từng thời kỳ và luôn phản ánh khách quan nhất.
So với thời kỳ khu đô thị Phú Mỹ Hưng ra đời, gần 20 năm qua, thị trường đã có sự tích lũy và lớn mạnh không ngừng, đủ để bứt phá với những siêu dự án của chặng đường mới.
Ông phân tích, thị trường đã có sự tích lũy hoàn hảo về vốn, kinh nghiệm, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội hay sự lớn mạnh về quy mô nguồn cầu, khả năng chi trả, hệ thống phân phối, các hình thức marketing... Điều quan trọng nhất là quy mô thị trường không chỉ lớn lên mà còn mở rộng thêm nhờ các hiệp định thương mại, chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cho phép người nước ngoài được mua nhà...
"Chúng ta hãy cùng chờ xem sức hấp thụ nhà ở của đô thị 10 triệu dân sẽ diễn biến ra sao. Tuy nhiên, có một thực tế ai cũng nhìn thấy là nhu cầu nhà ở của thành phố trẻ trung, năng động như TP HCM là rất lớn và đây vẫn là thị trường địa ốc tiềm năng nhất Việt Nam", ông nói.(VNEX)
Người giàu nhất Trung Quốc tuyên chiến với Disneyland
Wanda Cultural Tourism City nằm trên diện tích 2km2 tại Nam Xương (Giang Tây, Trung Quốc). Công trình này gôm một công viên mô phỏng, một phim trường, thủy cung, khách sạn và khu mua sắm. Wanda Cultural Tourism City được quảng cáo là có "đường trượt dài và cao nhất, cùng tháp rơi tự do cao nhất Trung Quốc". Wanda ước tính sẽ thu hút 10 triệu lượt khách mỗi năm.
"Chúng tôi muốn trở thành một hình mẫu, và nhấn mạnh sức ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc", Wang Jianlin cho biết trong lễ khai trương khi nói về vấn đề "sự xâm nhập" của văn hóa nước ngoài. Dự án có chi phí 22 tỷ NDT (3,2 tỷ USD).
Người dân tới công viên của Wanda trong ngày khai trương. Ảnh: AP
Một tuần trước, ông cũng cho biết đang theo dõi sát Disneyland - công viên mô phỏng đầu tiên của Disney được mở tại Trung Quốc, sẽ khai trương vào tháng 6. "Người ta đã hết cuồng nhiệt với chuột Mickey và vịt Donald rồi. Thời kỳ chúng ta mù quáng chạy theo Disney đã qua hàng năm rồi", ông cho biết trên CCTV.
Sau Nam Xương, Wanda dự kiến mở 6 công viên mô phỏng nữa tại Trung Quốc trong vòng 3 năm. Ông cũng lên kế hoạch mở khoảng 15 công viên tại nước này cho đến năm 2020.
"Chúng tôi sẽ khiến Disney không thể có lời trong mảng công viên mô phỏng tại Trung Quốc trong 10-20 năm", ông nói. Wang cũng cho rằng Disney “chỉ sao chép thành công trong quá khứ mà không có đột phá”.
Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu của Wanda quá tham vọng. Do họ thiếu kinh nghiệm trong thị trường này. Tuy nhiên, Wanda cũng không hoàn toàn là người mới trong mảng giải trí. Họ đã mua chuỗi rạp phim Mỹ - AMC Entertainment năm 2012 và cũng đang lấn sân sang sản xuất phim, báo in và đầu tư nghệ thuật.
Dự án của Disney tại Thượng Hải có vốn đầu tư 5,5 tỷ USD. Đây là công viên thứ 4 của hãng này ngoài Mỹ, sau Paris, Tokyo và Hong Kong (Trung Quốc). Đại gia giải trí Mỹ đang kỳ vọng tiếp cận tầng lớp trung lưu đang lên ở Trung Quốc, sau khi ngày càng có thị phần lớn trong doanh số phòng vé nước này.