WB đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Hàn Quốc là quốc gia thứ 4 muốn đầu tư metro tại TP.HCM
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị bỏ Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc cũ
Chính sách thông thoáng thì doanh nghiệp mới “phất”
Doanh nghiệp nông nghiệp đã thoái vốn được trên 2.100 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-03-2016
- Cập nhật : 17/03/2016
Hàng trăm xe container ùn tắc tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy
Trong 1 tuần nay, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) đột nhiên mỗi ngày có hàng trăm xe container xuất hàng sang Trung Quốc từ các tỉnh miền Nam.
Tuy nhiên, do lưu lượng xe được bốc dỡ để chuyển hàng qua bên kia biên giới nhỏ giọt, khâu thủ tục thông quan phía nước bạn chậm khiến cho hàng trăm xe container ùn lại đỗ tràn ra khắp khu vực cửa khẩu.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, đến sáng 16/3 tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy có gần 300 chiếc xe container vẫn xếp hàng nối đuôi nhau kéo dài hàng ki lô mét tại khu vực cửa khẩu. Không chỉ đỗ ở quốc lộ, nhiều xe còn phải đỗ ở các bãi đỗ phía trong khu vực cửa khẩu. Các xe container chở hàng xuất qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy chủ yếu là các mặt hàng nông sản như: thanh long, bắp ngô tươi được các chủ hàng vận chuyển từ Tiền Giang, Bình Thuận ra. Còn các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc như sắn, gỗ ván bóc thì được vận chuyển từ các tỉnh lân cận với Hà Giang như Tuyên Quang, Phú Thọ và Yên Bái.
Ông Đỗ Viết Hợp, Phó trưởng Ban thường trực Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang cho biết, hiện tượng hàng trăm xe container đổ về đây nhiều như thế này ở Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy là chưa có bao giờ. Đây là sự thách thức và cũng là cơ hội cho cửa khẩu với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Hà Giang.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang cũng phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh mời các chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trao đổi, bàn bạc nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác xuất nhập khẩu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan đồng cấp phía nước bạn tăng thời gian thông hành, giảm thời gian kiểm duyệt các thủ tục nhập khẩu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu hàng hóanông sản một cách nhanh chóng.
Việc ùn tắc xe container bắt đầu từ ngày 9/3 đến nay vẫn chưa biết đến khoảng thời gian nào mới chấm dứt. Theo các chủ hàng tham gia xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, hiện tượng hàng trăm xe container tập kết bất thường tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy là vì chi phí xuất khẩu cho một xe container hàng từ miền Nam vận chuyển ra đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy có giá thành giảm hơn hơn nhiều so với chi phí xuất khẩu hàng nông sản tại các Cửa khẩu Quốc tế khác. Tuy nhiên, việc tăng đột biến các xe container ở Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như việc quản lý của các ngành chức năng.
Hiện mỗi ngày có từ 100 đến 120 xe container vận chuyển hàng hóa lên Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Trong khi đó số phương tiện được thông quan hàng ngày chỉ có khoảng 50 đến 60 xe. Số xe container bị ùn lại do nguyên nhân phía bên Trung Quốc dùng chính sách biên mậu thắt chặt, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thông quan hàng hóa.
Thời gian thông quan một lô hàng tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) chỉ mất từ 7 đến 8 phút, trong khi đó thời gian thông quan một lô hàng phía bên cơ quan chức năng của Cửa khẩu Thiên Bảo (Trung Quốc) phải kéo dài từ 15 đến 20 phút. Điều này đã khiến hàng trăm xe container ùn tắc tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Nhiều chủ hàng, chủ xe phải đợi thông quan hàng hóa 4 đến 5 ngày vẫn chưa xong. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hàng nông sản xuất khẩu.
Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 và quy hoạch chung đến năm 2030. Với tổng diện tích 28.781 ha, đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế. Một cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối xuất nhập cảnh quan trọng; cầu nối giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với các tỉnh miền Bắc (Việt Nam) và hành lang biển Đông, giữa các nước ASEAN với các nước Đông Bắc Á.
Để Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy phát triển, thời gian qua tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế cửa khẩu và kinh tế biên mậu; tạo điều kiện thông thoáng thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế đến với Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy. Chỉ tính riêng trong năm 2015, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Hà Giang đạt 215,46 triệu USD, tăng 9,6% so với năm 2014.
Giá điều tươi đang cao nhất từ trước tới nay
Liên tục 2 năm trở lại đây, giá hạt điều tươi liên tục tăng cao, đời sống người trồng điều không ngừng được nâng lên. Hiện 1 kg hạt điều tươi thương lái thu mua 34.000 đồng/kg, cao nhất trong chục năm trở lại đây.
Những ngày này, hàng ngàn hộ nông dân trồng điều tại tỉnh Đăk Nông đang khẩn trương thu hoạch điều. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích điều của người dân ở các địa phương chuyên trồng điều như Đắk R’lấp, Cư Jút, Krông Nô... đều trúng mùa, được giá.
Gia đình anh Trần Đình Phú ở thôn 2 xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức đang bước vào thu hoạch 3 ha điều, năng suất khoảng 3 tấn hạt, cao hơn 0,5 tấn so với mọi năm. Hiện giá điều đầu vụ được các thương lái thu mua từ 33.000 - 34.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 - 8.000 đồng/kg so với năm 2015.
Anh Phú cho biết: “Những năm gần đây, vườn điều của gia đình tôi cho năng suất khá ổn định, giá cả lại nhích dần lên, nên tôi đã tăng cường bón phân, tưới nước và chăm sóc. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, hoa điều nở rộ, tỷ lệ đậu trái cao nên gia đình cũng có khoản thu nhập khá”.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Duy Thanh, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp cũng đang khẩn trương thuê mướn nhân công thu hoạch hơn 5 ha điều đang chín rộ. Năm nay, nhờ điều trúng mùa, được giá nên gia đình ông đã bố trí một nhân công ra vườn điều để canh giữ và thu hạt.
Ông Thanh cho hay: “Ngay từ đầu vụ, nhiều thương lái vào tận vườn mua bao cả vụ với giá 23.000 - 24.000 đồng/kg nhưng tôi không bán vì hy vọng giá điều sẽ còn tăng cao. Gia đình tôi hiện chỉ trông vào 5 ha điều này, chứ cà phê bây giờ rớt giá mạnh quá.
Năm nay, vườn điều rất sai trái, hạt căng mẩy. Dự kiến 5 ha điều cho sản lượng hơn 15 tấn hạt, sau khi trừ chi phí, ước tính thu được hơn 300 triệu đồng”.
Theo một số hộ trồng điều ở huyện Đắk R’lấp, Krông Nô... thì trung bình 1 ha điều năng suất 2,5 tấn/ha, cho thu từ 60 – 70 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, thực lãi từ 45 – 50 triệu đồng/ha. Ngoài niềm vui điều trúng mùa, được giá, các gia đình còn giải quyết được việc làm cho nhiều người.
Theo ông Thanh, hiện các nhà vườn đều thiếu hụt lao động nên phải tranh nhau thuê nhân công hái điều. Tuy nhiên, để thuê được người làm không phải là điều đơn giản. Hiện giá thuê công nhật từ 150.000 - 170.000 đồng/người/ngày, còn thuê nhặt khoán ăn theo ki lô gam với giá 2.000 – 2.500/kg.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2016
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BCT quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2016.
Cụ thể, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2016 đối với trứng gà, trứng vịt, ngan và loại khác là 48.620 tá (trứng thương phẩm không có phôi); muối là 102.000 tấn.
Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối và trứng gia cầm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nhu cầu nhập khẩu.
Thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2016.
Cá cảnh trở lại sân nhà
Xuất khẩu cá cảnh ngày càng khó khăn do vướng hàng rào kỹ thuật trong khi nhu cầu ở thị trường nội địa lại đang rộng mở
Theo thống kê, năm 2015, TP HCM, nơi ngành cá cảnh phát triển nhất cả nước, xuất khẩu mặt hàng này được khoảng 11 triệu USD, tăng mạnh so với mức 7 triệu USD năm 2011. Những loại có thế mạnh như: cá neon, cá xiêm, hắc kim, trân châu, bảy màu, tai tượng, cá dĩa…
Thế giới có gì, Việt Nam có đó
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đánh giá tình hình xuất khẩu cá cảnh ngày càng khó khăn do phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật (tỉ lệ xuất khẩu chiếm từ 10%-15% sản xuất, còn lại bán trong nước). Nhất là 2 thị trường chính châu Âu và Mỹ đòi hỏi phải có chứng nhận an toàn dịch bệnh, để có chứng nhận này cho mỗi loài cá, các trại thường phải mất 2 năm. Trong khi đó, phần lớn cơ sở sản xuất cá cảnh của TP còn nhỏ lẻ, manh mún rất khó đáp ứng yêu cầu. Do vậy, nhiều trại cá đã tập trung khai thác thị trường nội địa do nhận thấy nhu cầu chơi cá cảnh của khách hàng trong nước gia tăng từng ngày.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hầu hết các loài cá cảnh nuôi phổ biến trên thế giới đều đã có ở Việt Nam với tổng số hơn 120 loài. Nguyên nhân theo đánh giá của Hội Nghề cá Việt Nam là do nước ta có tiềm năng lớn cho phát triển cá cảnh do nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú. Đặc biệt, TP HCM do điều kiện tự nhiên thuận lợi, có thể nuôi quanh năm, giá thành thấp và tập trung đông nghệ nhân có kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh cá cảnh. Đây cũng là nơi tiêu thụ cá cảnh lớn ở mọi phân khúc từ bình dân đến trung bình, cao cấp.
Theo ông Lê Hữu Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi, TP HCM), thị trường TP HCM gần đây rất chuộng tép cảnh. Trong khi thủ tục xin nhập khẩu chính ngạch khó khăn thì dân buôn tìm cách nhập lậu, đẩy giá bán lên đến 2.000 USD/con. Khảo sát báo giá tại một số cửa hàng kinh doanh cá cảnh, có những con tép màu đỏ, kích thước chỉ 1,6-1,8 cm nhập từ Đài Loan được chào giá “khủng” nhất đến 52 triệu đồng.
Ông Tống Hữu Châu (chủ trại cá Châu Tống, quận 12, TP HCM), người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá cảnh, cho biết trước đây, nhiều người, kể cả ông vẫn nghĩ cá cảnh chỉ dành cho người giàu nhưng thực tế những năm gần đây, thị trường bình dân phát triển rất mạnh. “Tôi quan sát thấy trong phòng trọ của nhiều công nhân, lao động nghèo vẫn thích có một chậu cá cảnh nhỏ để thư giãn và số lượng khách hàng này thì rất đông” - ông Châu nói.
Ngoài ra, theo ông Châu, với mỗi loài cá cảnh, khi nào thị trường đi đầu là TP HCM chững lại, khó bán thì phong trào nuôi tại các tỉnh mới nổi lên, quan trọng là các trại cá làm ra hàng chất lượng thì không lo thiếu chỗ tiêu thụ.
Tăng hậu mãi
Ông Trần Văn Phú, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam, lưu ý nhiều người nuôi cá cảnh ngoài việc để trang trí còn có chức năng về phong thủy. Do đó, cá cảnh bị chết thường khiến chủ nhà muộn phiền vì cho rằng đó là điềm báo cho những sự xui xẻo trong làm ăn hoặc trong đời sống. Trong khi cá chết có thể do những nguyên nhân như nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn không đạt hay cá bệnh đều có thể khắc phục bằng việc tổ chức tốt dịch vụ hậu mãi. “Các cơ sở kinh doanh cá cảnh cần tổ chức đội ngũ nhân viên có kỹ thuật định kỳ ghé thăm cá, giúp chủ nhà thay nước, làm sạch bể, đưa cá yếu về chữa bệnh hoặc thay bằng con khỏe để tránh chuyện cá chết cho khách hàng” - ông Phú khuyến cáo.
Bà Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM, đánh giá nghề nuôi cá cảnh của TP đang có nhiều tiềm năng phát triển do phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị. Nhằm tạo ra những giống cá cảnh độc, lạ, trung tâm đã áp dụng công nghệ chuyển gien để tạo ra cá cảnh có màu sắc đẹp chưa có trong tự nhiên và khả năng phát sáng độc đáo.
Bước đầu, sau hơn 2 năm nghiên cứu, trung tâm đã tạo được cá sóc mang gien phát huỳnh quang màu lục lam và màu đỏ, cá thần tiên mang gien phát huỳnh quang màu đỏ làm tiền đề thương mại hóa. Trên thế giới, những giống cá cảnh mới từ công nghệ chuyển gien thường có giá cao hơn từ 5-10 lần so với cá truyền thống.
Tiền ảo vẫn hoành hành
Nhiều loại tiền ảo mới đang được quảng bá rầm rộ, kêu gọi nhà đầu tư bất chấp việc Bộ Công Thương cảnh báo về rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản
“Ưu việt” Octacoin
Theo anh Liêm, khác biệt với Onecoin, Octacoin là kênh đầu tư lâu dài trong 6 tháng mới rút vốn nhưng sẽ đem lại mức lời “khủng”, được rút vốn trực tiếp hoặc dùng đồng tiền này mua hàng trên 50 triệu sản phẩm đang chuẩn bị được trưng bày trên các website, được mua cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí đang chuẩn bị IPO (chào bán lần đầu ra công chúng). “Dù mới về Việt Nam từ cuối năm ngoái nhưng hiện nay, các nhà đầu tư vào mạng lưới Octacoin rất mạnh, quy mô không kém Onecoin nhưng ưu việt hơn nhiều. Mới đây, tại Hà Nội và TP HCM, vừa diễn ra 2 sự kiện rất lớn giới thiệu kênh đầu tư của thế kỷ này” - anh Liêm khoe.
Một nhà đầu tư khác tên Nghĩa (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết cách đây khoảng vài tháng, anh có đầu tư một khoản tiền vào Octacoin nhưng đến giờ vẫn chưa bán được vì phải giữ đủ 6 tháng mới cho chuyển đổi. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết cứ mỗi lần có đồng tiền ảo mới xuất hiện, anh đều nhận được lời mời chào gia nhập mạng lưới để “tăng uy tín và dễ chiêu dụ nhà đầu tư”.
Theo tìm hiểu, Octacoin là đồng tiền ảo được tạo ra bởi Tập đoàn Senet Holding (thuộc hòn đảo Malta) với số lượng khoảng 44,2 triệu Octacoin có thể được chuyển đổi qua Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác. Đồng tiền này không bị kiểm soát bởi bất cứ ai vì các mã nguồn đều công khai, có ví điện tử (e-wallet) nên có thể thực hiện giao dịch ngang hàng với Bitcoin và các đồng tiền ảo khác một cách dễ dàng, nhất là có thể được dùng để mua hơn 50 triệu sản phẩm vào đầu năm 2016. Quan trọng hơn, nhà đầu tư sẽ thu lợi nhuận “khủng” trong vòng 6 tháng với các mức hoa hồng hấp dẫn.
Có tổng cộng 5 gói đầu tư cho người chơi từ 150 euro (khoảng 4,5 triệu đồng) đến 25.050 euro (khoảng 751 triệu đồng). Nhà đầu tư sẽ được chia lãi hằng tuần (20%), hoa hồng trực tiếp, hoa hồng nhánh yếu và hoa hồng cộng hưởng được tính theo tỉ lệ từ những người tham gia sau với mức 2%-15%. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư mua một gói Octacoin 25.550 euro (tương đương 764 triệu đồng), sau tuần đầu tiên sẽ nhận được hoa hồng từ hệ thống 2.020 euro. Tổng cộng số tiền cả gốc và lãi sau 6 tháng lên tới 66.874 euro, trong đó có 54.035 euro được nhận trực tiếp và số còn lại sẽ hưởng trong thời gian 6 tháng tiếp theo…
Cẩn trọng bị chiếm đoạt tài sản
Với đồng tiền điện tử mới này, chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh cho rằng nhà đầu tư có thể xác minh nguồn gốc chính xác của đồng tiền này bằng cách liên hệ tới địa chỉ, số điện thoại của tập đoàn. Có nhiều đồng tiền ảo mục đích ban đầu rất tốt (như Bitwalking, nhà sáng lập đến từ Nhật) nhưng đã bị biến tướng trở thành chiêu trò kinh doanh đa cấp, lợi dùng người dùng để kiếm tiền.
Mới đây, trước việc một số website, diễn đàn và mạng xã hội phổ biến nhiều thông tin về các loại tiền ảo như Bitcoin, Swisscoin, Gem coin, Onecoin, IL coin và liên tục chào mời tham gia mạng lưới, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi mua hoặc dùng để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử, tránh rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, trong 2 năm qua, nhiều hệ thống tiền ảo như Bitcoin đã bị cấm giao dịch ở một số quốc gia Trung Quốc, Nga, Thái Lan… và thậm chí việc hệ thống kỹ thuật bị hacker tấn công như ở Nhật, Hồng Kông khiến nhiều nhà đầu tư và người dân bị thiệt hại nặng nề. Ở Việt Nam, cơ quan công an cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi.
Ngày 15-3, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, khẳng định tiền điện tử Octacoin, trước đó là Onecoin, Bitcoin… không được phát hành bởi chính phủ nào, không phải một dạng tiền tệ. Do đó, những nhà đầu tư tham gia mua bán, đầu tư vào tiền ảo sẽ gặp rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. “Không có kênh đầu tư nào kiếm tiền dễ dàng và siêu lợi nhuận, như lời quảng cáo đầu tư vào tiền ảo. Nếu lời khủng như vậy, tại sao giới tài phiệt nổi tiếng thế giới hoặc các tỉ phú trong nước không chọn đầu tư? Mức siêu lợi nhuận được quảng cáo thực chất giống như mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả hoa hồng cho người trước và khi không cầm cự được sẽ rất dễ vỡ mạng lưới, do đó người chơi cần cẩn trọng” - TS Huỳnh Trung Minh nhìn nhận.