Bộ Tài chính trần tình vụ doanh nghiệp "làm 10 đồng, thuế ăn 4 đồng"
Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp
Vụ chiếm đoạt 420 tỷ: Đề nghị án chung thân cho một bị cáo
Không những muốn giảm thuế, Hiệp hội Năng lượng đề xuất chỉ đạo Petrolimex mua xăng của Dung Quất
Vốn FDI rót vào Việt Năm tăng chóng mặt trong 2 tháng đầu năm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-02-2016
- Cập nhật : 28/02/2016
Ngân sách trung ương có thể hụt thu 50.000 tỷ đồng vì giá dầu
Tại Hội nghị trực tuyến, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2016 diễn ra cuối tuần này, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành thuế, trong đó số dư nợ giảm tới 11%, tương ứng 7.300 tỷ đồng. Công tác quản lý nội ngành đã có những bước tiến nhất định...
Nói về nhiệm vụ công tác năm 2016, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, cụ thể là ngành thuế phải góp phần đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách đạt tối thiểu 21-22% GDP, trong đó thuế phí là 20-21%; đồng thời cơ cấu lại nguồn thu Ngân sách Nhà nước, đảm bảo bội chi không quá 4%, nợ công không quá 65% GDP.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Tổng cục Thuế phải tập trung triển khai 6 nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý trong năm 2016, thu ngân sách trung ương được dự báo sẽ hụt khoảng 50.000 tỷ đồng do giá dầu giảm và nguồn thu sẽ chuyển dịch sang ngân sách địa phương (do giá đầu vào hàng hóa giảm).
Do đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là tham mưu cho UBND các tỉnh những giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung xử lý nợ, phấn đấu đến 31/12, tổng số nợ không được vượt quá 5%. Đồng thời, ngành thuế phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cụ thể hóa nhiệm vụ tới từng đơn vị, cán bộ; tập trung thanh tra chống chuyển giá và các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết trong năm qua, toàn ngành đã thu được 39.102 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ, bằng gần 103% chỉ tiêu thu nợ. Tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm 31/12/2015 là gần 70.000 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với thời điểm cuối năm 2014.
Đà Nẵng sẽ cho phép chuyển nhượng các dự án “treo”
Đây là những dự án đã được triển khai hàng chục năm nay nhưng vẫn không xây dựng, đất đai bị bỏ hoang.
Ngày 26-2, phát biểu tại hội nghị bàn về công tác thu ngân sách của TP Đà Nẵng năm nay, ông Nguyễn Xuân Anh - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng Đà Nẵng luôn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư làm ăn nhưng nếu nhà đầu tư không chịu đóng tiền sử dụng đất thì phải thu hồi, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nếu tìm được đối tác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại các khu đất vàng ở trung tâm TP Đà Nẵng như khách sạn và căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian, dự án Golden Square, dự án Đà Nẵng Center...
Đây là những dự án đã được triển khai hàng chục năm nay nhưng vẫn không xây dựng, đất đai bị bỏ hoang. “Nếu để như hiện nay, dự án sẽ tiếp tục bỏ hoang vì chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện” - ông Xuân Anh nói.
Cũng tại hội nghị, ông Trần Văn Miên - cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng - cho biết một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn vẫn còn nợ tiền sử dụng đất với số lượng lớn. Theo ông Miên, Cục Thuế đã nhiều lần mời các chủ đầu tư này lên làm việc nhưng vẫn chưa thống nhất được kế hoạch nộp tiền nên sắp tới TP sẽ quyết tâm có biện pháp thu hồi đất đã giao cho doanh nghiệp không chịu nộp tiền.
Mỹ cam kết không 'làm khó' cá tra Việt
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn liên ngành sang Mỹ để trao đổi về các vấn đề liên quan tới việc thực thi bộ quy định cuối cùng thanh tra cá da trơn do phía Mỹ đưa ra. Theo đó, phía Việt Nam cho rằng các quy định thanh tra cá da trơn của Mỹ mới ban hành không phù hợp với quy định của Codex về sản xuất và chế biến thủy sản của Việt Nam. Việc này cũng không cần thiết khi sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường này gần 20 năm.
Bên cạnh đó, bộ quy định có thể được coi là rào cản thương mại nhằm hạn chế xuất khẩu cá tra, ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ và vi phạm các quy định của WTO và các cam kết trong Hiệp định TPP. Nếu việc xuất khẩu cá tra, ba sa sang thị trường Mỹ bị ảnh hưởng, Việt Nam có thể xem xét khả năng khởi kiện Mỹ ra WTO…
Công ty chứng khoán nội lo thiệt khi thành doanh nghiệp ngoại
Tại Hội thảo xây dựng nghị định quy định một số điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán diễn ra tại TP HCM cuối tuần này, hầu hết đại diện các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đều lo ngại sẽ thiệt thòi nếu nới room lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài và chuyển đổi từ công ty chứng khoán nội sang vốn ngoại.
Ông Trịnh Hoàng Giang - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khóa HSC băn khoăn liệu sau khi nới room, công ty chứng khoán chuyển thành tổ chức đầu tư nước ngoài thì có còn được hưởng các chính sách cũng như đối xử như công ty trong nước hay không? Đối với các chính sách thuế, tín dụng, ông Giang cũng sợ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nếu thực hiện theo cơ chế khác công ty trong nước.
“Ngoài ra, quyền sở hữu tài sản, quyền đi vay và cho vay cũng bị hạn chế. Trong khi đó, công ty chứng khoán có hoạt động cho vay ký quỹ và nhiều đơn vị vẫn phải đi vay để cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Nhưng theo quy định của ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài, công ty ngoại không được phép đi vay để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Như vậy, vô hình chung các công ty chứng khoán có vốn ngoại sẽ thiệt thòi hơn”, ông Giang nói.
Đáp lại lo ngại của ông Giang, ông Nguyễn Thành Long - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho hay, theo Luật đầu tư, tổ chức có trên 51% vốn ngoại thì sẽ phải thực hiện các quy định theo điều kiện thủ tục nhà đầu tư nước ngoài. Còn đối với quy định về chứng khoán, do tỷ lệ đầu tư nước ngoài có nhiều biến động nên tổ chức nước ngoài vẫn được hoạt động và ưu đãi như trong nước nhưng chỉ có hiệu lực trên hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả các quy định, hướng dẫn trong phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng được ở thị trường chứng khoán chứ không trong các lĩnh vực khác. Riêng đối với các quy định về thuế, tín dụng, sử dụng người lao động…, các công ty chứng khoán buộc phải tuân thủ theo quy định trước đó.
Ông Long cũng cho biết thêm, Ủy ban Chứng khoán đã nhiều lần trao đổi với Cục thuế về vấn đề này nhưng chưa có hướng giải quyết cụ thể. Tuy nhiên, thời gian tới, tùy theo tình hình phát triển của thị trường thì cơ quan quản lý sẽ có những giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những thắc mắc về chính sách, quyền lợi khi chuyển từ công ty trong nước sang công ty 100% vốn ngoại thì vấn đề sáp nhập, hợp nhất của các công ty đầu tư chứng khoán cũng được đông đảo doanh nghiệp quan tâm. Trong đó, các đơn vị đề nghị Ủy ban Chứng khoán đưa ra những tiêu chí phù hợp, quyền lợi rõ ràng hơn trong quy định đối với hoạt động này.
Riêng vấn đề chào bán cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Đây là một hoạt động còn khá mới mẻ trên thị trường chứng khoán, chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai. Vì vậy, nhà đầu tư cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần có quy định rõ hơn về cơ chế phát hành, quyền mua lại hay quy định giá trị mua lại…
Doanh nghiệp Việt đơn độc ở nước ngoài
Doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn khi làm ăn ở nước ngoài do không được tham tán thương mại Việt Nam ở các nước cung cấp thông tin đầy đủ, hỗ trợ đấu tranh có hiệu quả với những rào cản thương mại vô lý.
Kết nối lỏng lẻo
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết năm 2015, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh gặp không ít khó khăn, thủy sản thì chịu nhiều rào cản của các nước nhập khẩu nên hiệu quả không như mong muốn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự phối hợp giữa DN với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chưa chặt chẽ, thương vụ chưa phát huy được vai trò kết nối thị trường. “Tham tán hiện chỉ đủ để duy trì sự có mặt của mình ở các nước, không đủ để tìm kiếm thông tin cho DN. Tôi mong các thương vụ giúp đẩy mạnh tiêu thụ cá tra, nông sản… cho nông dân” - ông Hùng kiến nghị.
Sản phẩm Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn ở nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất chi tiết nhựa cao cấp xuất khẩu tại Công ty Minh Phát Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng ngành thủy sản đang phải cạnh tranh gay gắt ở nước ngoài. Hơn 10 quốc gia đã sử dụng truyền thông để bôi nhọ sản phẩm của Việt Nam, như bị ô nhiễm, gây biến đổi gien… khiến người tiêu dùng của họ bị tác động. Ông Nam hy vọng thương vụ sẽ là cánh tay nối dài để hóa giải những thông tin “bôi nhọ”, góp phần tạo chỗ đứng bền vững cho sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài.
“Giá thành đang là vấn đề chúng tôi quan tâm nhất, chi phối đến sức cạnh tranh của ngành hàng, nhất là những mặt hàng xuất khẩu hàng tỉ USD như tôm. Chúng tôi mong muốn tham tán cung cấp thông tin thị trường thường xuyên cho hiệp hội. Bên cạnh đó, đấu tranh quốc tế ngày càng rõ hơn khi các rào cản nước ngoài đưa ra không theo thông lệ quốc tế, sai so với cam kết hoặc không có cơ sở khoa học. Hiệp hội đã chủ động cung cấp thông tin và mong tham tán có sự đấu tranh cùng chúng tôi” - ông Nguyễn Hoài Nam nói thêm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận xu hướng áp dụng rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phổ biến hơn, dẫn đến DN trong nước khó tăng thị phần, nhất là trong bối cảnh sản phẩm Việt Nam chậm cải thiện về chất lượng. “Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế. Đồng thời, đổi mới công tác thương vụ và thông tin thị trường, nghiên cứu xây dựng mô hình gắn kết chặt chẽ các tham tán, thương vụ với DN trong nước...” - ông Tuấn Anh yêu cầu.
Đặt hàng cho thương vụ
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nhập sâu rộng mang lại nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức với DN Việt Nam. Tuy nhiên, DN lớn có thể gặp ít khó khăn hơn so với DN nhỏ và vừa. Vì vậy, thương vụ nên tìm những DN nhỏ và vừa của các nước bởi đây là đối tác “vừa sức” của DN trong nước. Mặt khác, tiếp cận với các tập đoàn đa quốc gia thông qua mắt xích của các DN nhỏ và vừa cũng là bước đi phù hợp. Theo ông Lộc, hiện thương vụ chỉ có thể cung cấp thông tin chung, chưa thể cung cấp thông tin chuyên sâu do hạn chế về nguồn lực. “DN trong nước sẵn sàng trả phí dịch vụ cho thương vụ để cung cấp những thông tin chuyên sâu với điều kiện phải bảo đảm chất lượng” - ông Lộc gợi ý.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông cho hay hiện bộ này mới có 8 đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài nên chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Ông Đông đề nghị các thương vụ phải thực hiện đúng trách nhiệm của cơ quan đại diện ở nước ngoài như theo dõi, hỗ trợ các nhà đầu tư trong chấp hành pháp luật nước sở tại, bảo vệ quyền lợi DN, thông qua ngoại giao đề nghị chính phủ nước sở tại hỗ trợ DN, xác minh thông tin khi có yêu cầu nhằm cung cấp thông tin kịp thời và hữu ích hơn cho DN trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định năm 2016, mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu… đặt ra rất nặng nề. Để hoàn thành được các mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị các tham tán tích cực tìm hiểu thông tin thị trường quốc tế; tư vấn, góp ý, kiến nghị với Bộ Công Thương để có thể sửa đổi các thể chế trong nước.
“Sẽ không thể cạnh tranh nếu thủ tục còn rườm rà, chậm chạp. Chừng nào DN còn bị hành, khó khăn thì lỗi thuộc về nhà quản lý. Các bộ, ngành và tham tán thương mại cần căn cứ vào những hiệp định đã thỏa thuận, trách nhiệm của mình, tạo điều kiện cho DN làm ăn, tháo gỡ khó khăn, mở thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Tham tán thương mại phải là cầu nối để các DN xuất khẩu được các sản phẩm trong nước sang các quốc gia khác” - Thủ tướng chỉ đạo.