Thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục trong hơn 16 năm qua
Sống lại hy vọng về thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu mỏ
ANZ xem xét lại các hoạt động ngân hàng bán lẻ ở châu Á
Chi gần 5 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-02-2016
- Cập nhật : 27/02/2016
Giá vàng trong nước ngược dòng thế giới
Mở cửa phiên 26/2 lúc 8h35, giá mua bán vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết tại 33,50-33,60 triệu đồng một lượng, thấp hơn giá đóng cửa cuối ngày hôm qua 10.000 đồng, còn nếu so với sáng 25/2, giá hiện rẻ đi 30.000 đồng.Trong khi đó, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) được niêm yết quanh 33,39- 33,66 triệu đồng một lượng, giảm 30.000 đồng so với giá chốt hôm trước.
Trên thế giới, giá kim loại quý hôm qua lại tăng nhẹ 4 USD. Đến 9h (giờ Hà Nội), mỗi ounce vàng thế giới có giá 1.238 USD, tức tăng thêm 4 USD nữa. Với mức giá này, quy đổi ra tiền Việt, mỗi lượng tương đương 33,37 triệu đồng mỗi lượng (chưa thuế, phí, gia công).
Do giá vàng trong nước thời gian qua có tốc độ tăng chậm hơn thế giới nên độ vênh giữa hai thị trường co hẹp ở mức kỷ lục. Đến sáng nay, mức chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới chỉ còn quanh 230.000 đồng mỗi lượng.
Lý giải việc giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với giá quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu lúc này là giới đầu cơ thờ ơ với vàng bởi sự bấp bênh về giá. Mặt khác, đầu năm là thời điểm các nhà đầu tư quan tâm nhiều tới việc du xuân và đi lễ cầu may.
Điều này thể hiện rõ trong phiên giao dịch ngày thứ năm, trong khi giá vàng thế giới "rung lắc" thì nhu cầu trong nước ngày một đi xuống. Chốt phiên giao dịch hôm qua, lượng khách tham gia tại DOJI cân bằng ở hai chiều mua và bán.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá đôla tiếp tục giảm phiên thứ tư liên tiếp. Theo đó, Vietcombank niêm yết giá mua bán quanh 22.290 - 22.360 đồng, giảm 10 đồng so với hôm qua và giảm 50 đồng so với đầu tuần. Các ngân hàng khác có giá tương tự.
Sẽ dẹp hàng loạt cơ sở, cá nhân tự làm mỹ phẩm
Cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải có nhân sự, nhà xưởng, trang thiết bị, hệ thống hồ sơ phù hợp với sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, theo dự thảo, cơ sở này còn phải có giấy xác nhận hoặc biên bản nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy; báo cáo tác động môi trường của cơ sở sản xuất kinh doanh kèm theo hồ sơ đã thẩm định, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Theo quy định mới này, nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất mỹ phẩm hiện nay sẽ phải đóng cửa vì không đáp ứng điều kiện.
Các doanh nghiệp đã từng được cấp số tiếp nhận công bố mỹ phẩm có thể dùng số này cho đến khi hết thời hạn. Doanh nghiệp xin cấp số sau ngày 1-7 sẽ được kiểm tra đủ điều kiện kể trên hay không, nếu đủ thì mới được cấp số tiếp nhận công bố.
Dự kiến quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7.
Samsung C&T được xem xét miễn thuế nhập khẩu sà lan
Bộ Tài chính cho biết sẽ chấp thuận đề nghị được miễn 16 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu bốn sà lan của công ty Công ty Samsung C&T Corporation nếu số sà lan là tạm nhập tái xuất
Trong văn bản trả lời Công ty Samsung C&T Corporation (nhà thầu xây dựng dự án Formosa Hà Tĩnh), Bộ Tài chính cho biết sẽ chấp thuận đề nghị được miễn 16 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu bốn sà lan của công ty này nếu số sà lan là tạm nhập tái xuất và chỉ được sử dụng cho dự án.
Theo đó, Bộ Tài chính giao Cục Hải quan Hà Tĩnh kiểm tra, nếu xác định số sà lan được công ty này nhập về không sử dụng vào mục đích khác thì được miễn thuế nhập khẩu trong thời gian thi công công trình nói trên.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, sau khi hết thời hạn tạm nhập, số máy móc, thiết bị này phải được tái xuất theo quy định. Trường hợp số hàng hóa tạm nhập tái xuất trên không đúng mục đích hoặc không tái xuất khi hết thời hạn tạm nhập đều bị xử lý truy thu thuế và xử phạt theo quy định.
Trước đó, sau khi nhận được quyết định truy thu 16 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu đối với bốn sà lan này, Samsung C&T Corporation đã có văn bản đề nghị không thu thuế với lý do các sà lan này chỉ được tạm nhập để làm điểm tựa cho máy móc, thiết bị hoạt động trên biển, trong nội bộ dự án, không sinh lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh khác và sẽ được tái xuất sau khi công trình hoàn thành.
Sai phạm tại doanh nghiệp "họ" Sông Đà: Tiền tạm ứng cá nhân, nợ thuế hàng chục tỷ đồng
Nhiều khoản chi trái quy định, nợ thuế giá trị lớn tại các công ty con của Tổng công ty Sông Đà...
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa phát hiện nhiều sai phạm tại một số đơn vị trực thuộc Tổng công ty Sông Đà trong việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, quản lý, sử dụng vốn, tài sản.
Theo kết luận thanh tra do Chánh thanh tra Bộ Phạm Gia Yên ký ban hành mới đây, tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) tồn tại khoản tiền ghi là “tạm ứng cá nhân” chưa được quyết toán lên đến hơn 12,9 tỷ đồng.
Cùng với đó, tại dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội do SDU triển khai, dự toán tính thêm chi phí vận chuyển lên cao đối với gạch xây, vữa xây không phù hợp định mức của quy định pháp luật, dẫn đến tăng sai số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; trong việc lắp đặt ống cấp nước lạnh cũng tính thêm chênh lệch khiến tăng vốn đến hơn 536 triệu đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu SDU phải giảm trừ dự toán số tiền hơn 2,1 tỷ đồng và tiếp tục nộp về ngân sách nhà nước số tiền nợ thuế của năm 2014 là trên 14,3 tỷ đồng.
Riêng cá nhân ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SDU bị phát hiện trong năm 2014 đã ký ban hành 38 nghị quyết nhưng không có sự tán thành của đa số thành viên Hội đồng Quản trị.
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà (IDC), thanh tra Bộ phát hiện một số sai phạm về tài chính, và yêu cầu phải quyết toán số tiền hơn 5,6 tỷ đồng tạm ứng cá nhân đã tồn tại nhiều năm; đồng thời có phương án thu hồi hơn 4,3 ty đồng đầu tư vào Công ty Cổ phần Sông Đà Ban Mê - hiện đang làm thủ tục phá sản.
Công ty TNHH Một thành viên Hạ tầng Sông Đà cũng bị yêu cầu cơ cấu lại vốn đầu tư không hiệu quả tại 4 đơn vị với số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều công ty thủy điện trực thuộc Tổng công ty Sông Đà cũng bị thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, Công ty Thủy điện Nậm Chiến (Mường La, Sơn La) nợ quá hạn khoản vốn vay ODA hơn 179,4 tỷ đồng để nhập máy móc thiết bị. Tổng mức đầu tư điều chỉnh áp sai đơn giá máy, đơn giá bê tông... dẫn đến tăng tổng mức đầu tư lên hơn 144,5 tỷ đồng. Công ty này cũng bị phát hiện không thực hiện một số văn bản chỉ đạo của Thủ tướng dẫn đến chi phí đầu tư sai tăng số tiền hơn 47 tỷ đồng.
Tại Công ty Cổ phần Điện Việt Lào, thanh tra Bộ phát hiện nợ quá hạn 6 đơn vị khác với số tiền hơn 372,4 tỷ đồng. Còn tại Công ty Thủy điện Nậm He (Mường Trà, Điện Biên) thực hiện dự án thủy điện Nậm He đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2014, tuy nhiên sau 12 tháng dự án vẫn chưa quyết toán...
Ngoài ra, thanh tra Bộ cũng yêu cầu Tổng công ty Sông Đà và một số đơn vị thành viên khác như: Thuỷ điện Cần Đơn, Nậm Chiến, Sông Đà 9, Sudico… phải xử lý về kinh tế và nộp về ngân sách số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền nợ thuế.
Bốn tỉnh miền Trung 'bắt tay' làm du lịch
Ngày 26-2, Tổng cục Du lịch, Dự án “Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (Dự án EU-ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ) và lãnh đạo bốn tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình) đã diễn ra tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã có phiên họp cấp cao Hợp tác phát triển Du lịch nhằm thảo luận về hợp tác liên kết phát triển du lịch bốn địa phương này.
Tổng cục Du lịch cho biết trong chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Bắc Trung Bộ là một khu vực phát triển du lịch có vai trò và vị trí rất quan trọng của cả nước, trong đó bốn địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Chính vì vậy đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch vùng Bắc miền Trung luôn là mối quan tâm và là một trong những nội dung quan trọng trong công tác chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL.
Ông Tom Corrie (Phó ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) cho biết: “Dự án EU-ESRT đã tư vấn xây dựng cơ cấu quản lý điểm đến giúp du lịch phát triển bền vững. Một tổ chức được sắp xếp hợp lý và được tài trợ đầy đủ để làm nhiệm vụ quản lý điểm đến một cách chuyên nghiệp sẽ là yếu tố mang tính quyết định hỗ trợ du lịch phát triển, đặc biệt tại những điểm đến mà du lịch đóng vai trò là một động lực kinh tế quan trọng như tại khu vực Bắc miền Trung”.
Chuyên gia đề xuất, để đảm bảo tính bền vững trong tương lai, các địa phương cần xem xét thiết lập một tổ công tác điều phối các hoạt động du lịch cấp điểm đến. Tiến tới hình thành một ban điều phối phát triển du lịch vùng. Đồng thời, cần phổ biến các kiến thức về du lịch có trách nhiệm tới các chủ thể và phổ biến Chiến lược quản lý điểm đến tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Hơn nữa, sự tham gia của khối tư nhân, xây dựng một quỹ chung dành cho các hoạt động marketing, tăng cường công tác marketing và e-marketing điểm đến của khu vực cũng là những yếu tố quan trọng.
Kết thúc phiên họp, đại diện lãnh đạo bốn tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch, tạo cơ sở để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương và thúc đẩy tăng trưởng du lịch của khu vực một cách bền vững.
Các địa phương này thỏa thuận hợp tác bốn nội dung: Hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch và hợp tác phát triển nhân lực du lịch.
Dự án EU là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ với mục đích đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Dự án có trị giá 11 triệu euro và Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu euro.