tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-08-2015

  • Cập nhật : 02/08/2015

Tháng 8-2015 sẽ có nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực từ 1-7-2015 nhưng hiện vẫn chưa có nghị định hướng dẫn. Đến tháng 8-2015 này mới có thể ban hành nghị định...

Trao đổi vớiTuổi trẻvề ý kiến một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn  dẫn đến vướng mắc cho các phòng đăng ký kinh doanh, ảnh hưởng đến việc thành lập doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch đầu tư (KHĐT) công nhận khi Luật Doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ 1-7, các phòng đăng ký kinh doanh cũng có một số lúng túng và người dân cũng có bỡ ngỡ khi chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn.

Song, những ngày sau đó, sự thông thoáng của Luật cũng đã được người dân đón nhận tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng nhanh.

Số liệu cập nhật mới nhất từ ngày 01/7/2015 đến ngày 28/7/2015, theo bà Minh, cả nước đã có 6936 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 (vừa có hiệu lực từ 1-7-2015), trong đó hầu hết là doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 10 trường hợp.

Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 66% so với cùng thời điểm năm trước. Nếu so với tháng 6-2015 - tháng vẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp cũ, thì mức tăng vẫn đạt 4,7%.

Bà Minh tái khẳng định Luật Doanh nghiệp và Đầu tư mới đã được soạn thảo trên tinh thần chi tiết hóa, vì vậy, hoàn toàn có thể thực thi ngay.

Bà Trần Thị Hồng Minh cho biết Bộ KHĐT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp từ ngày 29-5. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ ban hành nghị định trong thời gian sớm nhất, dự kiến vào tháng 8 năm 2015. 


Sẽ cung ứng 30% lượng than sau 3 ngày khắc phục

  "Nếu tình hình thời tiết không có diễn biến bất thường, không còn ngập lụt thì chỉ trong khoảng 3 ngày nữa ngành than có thể cung ứng than trở lại".

“Dự kiến sản lượng được khoảng 30% so với thời điểm chưa có cơn mưa lũ lịch sử này”, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 1-8 về công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Theo ông Hải, nếu thời tiết thuận lợi thì sau 5 ngày nữa, khi các lò hoạt động bình thường thì có thể cung ứng khoảng 50-60% lượng than cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng, các hộ sản xuất… Sau khoảng 1 tuần nếu nắng liên tục thì sẽ cung ứng than trở lại 100%.  

Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai đã huy động máy móc cùng với đội ngũ công nhân có kinh nghiệm đến những đơn vị bị thiệt hại nặng như Công ty CP Than Mông Dương, Quang Hanh… để bơm nước và bùn từ trong lò ra ngoài.

Xác nhận vớiTuổi Trẻ, ông Hải cho biết, trong ngày 31-7 Hội đồng thành viên TKV đã có nghị quyết về việc thay đổi nhân sự lãnh đạo của Công ty CP Than Mông Dương.

Theo đó, ông Nguyễn Trọng Tốt, Trưởng ban Kỹ thuật - Công nghệ TKV sẽ thay ông Bùi Văn Tuấn làm giám đốc và điều hành toàn bộ hoạt động cũng như công tác khắc phục hậu quả “cứu” mỏ Mông Dương sớm thoát khỏi tình trạng ngập lụt trong nước và bùn lầy.

Trao đổi về nguyên nhân thay đổi nhân sự này có liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo Công ty CP Than Mông Dương trong mưa lũ, ông Hải nói: “Đây là công việc nội bộ. Còn nhiều nguyên nhân khách quan khác. Trong lúc này chưa nói đến trách nhiệm gì cả vì tập đoàn đang tập trung khắc phục sự cố”.


JICA tiếp tục hỗ trợ hiện đại hóa ngành hải quan Việt Nam

Ngày 31.7, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết tiếp tục tài trợ dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường tính hiệu quả của hệ thống thông quan hàng hóa tự động của VN (VNACCS)” chính thức bắt đầu từ tháng 8.2015.

Dự án này nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động hiệu quả của hệ thống hải quan điện tử mới có tên là VNACCS.VCIS, và là dự án tiếp nối cho dự án hợp tác kỹ thuật hiện tại có tên “Dự án thúc đẩy hải quan điện tử tại VN” sẽ khép lại vào cuối tháng này. Dự án hỗ trợ kỹ thuật hiện tại đã được vận hành từ tháng 4.2012 song song với dự án viện trợ không hoàn lại “Hải quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia trong hiện đại hóa hải quan” (3.2012 - 3.2014).

Theo JICA, từ khi được đưa vào vận hành vào 4.2014, VNACCS.VCIS đã hoạt động ổn định và góp phần tạo thuận lợi thương mại ở VN. Xấp xỉ 99% số lượng tờ khai xuất nhập khẩu đã được thực hiện thông qua VNACCS. Trong năm đầu tiên triển khai (từ 1.4.2014 - 31.3.2015), có tổng số 56.000 doanh nghiệp đã nộp tờ khai thông qua hệ thống, tổng số tờ khai vào khoảng 6,74 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 271,5 triệu USD. 


IMF không cứu trợ tài chính cho Hy Lạp: Bỏ của chạy lấy người

Chưa hẳn là dội gáo nước lạnh nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã khiến EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Hy Lạp ngỡ ngàng khi tuyên bố không tham gia đàm phán và thực hiện gói cứu trợ tài chính thứ ba cho Hy Lạp.

IMF còn đi xa hơn khi đặt ra hai điều kiện để tham gia là phải đảm bảo Hy Lạp thực thi nghiêm chỉnh cam kết cải cách và EU giảm bớt gánh nặng vay nợ cho nước này. Điều kiện thứ nhất thì không có gì phải bàn vì đấy cũng là quan điểm của EU và ECB. Nhưng điều kiện thứ hai thể hiện bất đồng quan điểm với EU và ECB vì đồng nghĩa với việc yêu cầu xóa nợ, dù ít hay nhiều, cho Hy Lạp.
Đến nay, EU và ECB kiên quyết không xóa bớt nợ. Đấy cũng là bất đồng cơ bản và công khai giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde. IMF cho rằng nợ công của Hy Lạp quá lớn, không thể trả nổi. Vì thế, chỉ khi bớt được một phần khối nợ này thì Athens mới có cơ hội phục hồi phát triển và chỉ dần có lại khả năng trả nợ. Cho đến nay, IMF đã đổ rất nhiều tiền vào quỹ chung với EU và ECB để giải cứu Hy Lạp nhưng mỗi khi đến hạn trả nợ và có tiền thì nước này lại ưu tiên trả cho EU và ECB trước.

Tham gia giải cứu Hy Lạp, IMF cầu danh và ảnh hưởng. Bây giờ, giải cứu bất thành và Hy Lạp trở nên bỏ thì thương, vương thì tội, khiến các bên mất danh và giảm ảnh hưởng. IMF muốn có vai trò nhưng bị EU và ECB lấn lướt cũng như bị Hy Lạp coi thường. Không bỏ của chạy lấy người mới lạ. 


Giá dầu giảm, Shell sa thải 6.500 công nhân

Theo Reuters ngày 31.7, giá dầu tiếp tục giảm nhẹ trước những lo ngại nguồn cung toàn cầu tăng mạnh khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) tỏ ra sẽ không cắt giảm sản lượng cho dù nguồn cung đã vượt nhu cầu tiêu thụ. Dầu Brent giảm 50 cent xuống mức 52,81 USD/thùng, dầu thô nhẹ Mỹ giảm 60 cent còn 47,92 USD/thùng. Trong tháng qua giá dầu đã giảm khoảng 10 USD.

Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri cho rằng việc cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Theo khảo sát của Reuters, trong quý 2 các thành viên OPEC đã sản xuất khoảng 31,25 triệu thùng/ngày nhiều hơn nhu cầu mỗi ngày 3 triệu thùng.
Trong khi đó, trước tình hình giá dầu giảm và chưa có dấu hiệu sẽ tăng trở lại, công ty dầu khí khổng lồ của Hà Lan vừa quyết định sẽ sa thải 6.500 công nhân trong năm 2015 trong số 94.000 nhân công trên toàn cầu của hãng. Đồng thời đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu để trấn an nhà đầu tư rằng họ có thể chịu đựng được tình trạng giá dầu giảm kéo dài.
Shell đã thông báo kế hoạch bán bớt tài sản để thu về 50 tỉ USD sau khi lợi nhuận quý 2 giảm 37%. Các công ty đối thủ của Shell như BP, Statoil, Total cũng đã thông báo giảm vốn đầu tư lần thứ 2 trong năm nay, để tiết kiệm khoảng 3 tỉ USD ngân sách năm 2015.

Cũng theo Reuters, báo cáo ngày 31.7 của tập đoàn Exxon Mobil Corp cho thấy do giá dầu giảm nên kết quả lợi nhuận quý 2 của tập đoàn này thấp hơn mức dự kiến một nửa. Cụ thể lợi nhuận quý 2 của Exxon chỉ đạt 4,2 tỉ USD so với mức mong đợi là 8,8 tỉ USD. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục