Kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa 7 tháng đầu năm giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2014 cho thấy thị trường đã bão hòa, các nhà sản xuất sữa bột đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Truyền hình số vệ tinh K+ vừa cho biết, K+ đã đạt điểm hòa vốn vào tháng 6/2015, sau gần 6 năm tham gia thị trường truyền hình trả tiền, với những khoản lỗ kéo dài.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản phẩm giấy nội địa tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với giấy nhập khẩu. Hiện trên thị trường giá giấy nhập khẩu đang bán với giá thấp hơn trong nước để mở rộng thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-08-2015
- Cập nhật : 02/08/2015
Sẽ có Luật Quản lý ngoại thương để quản nhập khẩu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020, nhằm đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế và hội nhập với kinh tế thế giới.
Theo đó, định hướng chung của đề án là sẽ duy trì, tận dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan được phép áp dụng theo các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đề án cũng định hướng xây dựng Luật Quản lý ngoại thương nhằm đảm bảo tính ổn định, thống nhất về mặt chính sách. Đồng thời, thường xuyên rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết.
Quyết định nêu rõ các biện pháp cụ thể thực hiện đề án gồm: biện pháp thuế quan; biện pháp hạn ngạch thuế quan; biện pháp cấm nhập khẩu; biện pháp hạn ngạch nhập khẩu; biện pháp giấy phép nhập khẩu; biện pháp kỹ thuật, chuyên ngành; biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp về xuất xứ hàng hóa; biện pháp tỷ giá hối đoái; các biện pháp quản lý nhập khẩu khác.
Trong đó, về biện pháp thuế quan, sử dụng hiệu quả công cụ thuế nhập khẩu và các loại thuế khác nhằm hỗ trợ ở mức độ phù hợp cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước theo đúng cam kết.
Với những hàng hoá trong nước có thể sản xuất được, xem xét duy trì mức trần thuế nhập khẩu theo cam kết trong WTO và có lộ trình xóa bỏ thuế phù hợp cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước có FTA.
Đối với biện pháp hạn ngạch thuế quan, nghiên cứu và đàm phán với các đối tác trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương để có lộ trình quản lý nhập khẩu bằng phương thức hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng cần bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế.
MobiFone muốn vượt 100 nghìn tỷ đồng doanh thu vào 2020
Tổng công ty Viễn thông MobiFone đặt mục tiêu đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng doanh thu vào năm 2020, với tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm trên 20%.
Thông tin trên được nhà mạng này cho biết tại Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020, hôm 27/7.
Trong 5 năm tới, MobiFone đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế bình quân hàng năm tăng 3-5%, nộp ngân sách tăng bình quân 5%/năm, năng suất lao động bình quân tăng 6%/năm; thực hiện cổ phần hóa MobiFone theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2014, tổng doanh thu của MobiFone đạt hơn 191.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 8%/năm), tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 33.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 6%/năm) và tổng số nộp ngân sách gần 23.000 tỷ đồng.
Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải cho biết, trong thời gian tới, MobiFone sẽ tập trung vào các lĩnh vực lớn như di động, truyền hình, bán lẻ, đa phương tiện, xây dựng hệ thống kênh phân phối…
Tại đại hội trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son ghi nhận những thành công của MobiFone trong nhiệm kỳ 2010-2014, đặc biệt là việc tái cơ cấu, tách MobiFone ra khỏi VNPT.
Tuy nhiên, ông Son cũng cho rằng, nhiệm vụ đối với MobiFone tới đây là nặng nề.
Cụ thể, so với các đối thủ cạnh tranh như VNPT và Viettel nguồn lực của MobiFone còn hạn chế, vì thế MobiFone cần phải xác định các thứ tự ưu tiên đầu tư phát triển, có trọng tâm trọng điểm, để tạo dấu ấn riêng trên thương trường.
MobiFone cũng cần đổi mới, tổ chức sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất, nhất là khi thời gian tới MobiFone phát triển nhiều hạ tầng, nhiều dịch vụ mới, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng Son cho rằng, MobiFone phải đảm bảo công tác cổ phần hóa được triển khai chặt chẽ, thận trọng, công khai minh bạch, theo đúng kế hoạch của Chính phủ, đồng thời đem lại lợi ích cao nhất cho nhà nước và cho MobiFone.
Chính phủ Mỹ lại có nguy cơ đóng cửa
Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ đóng cửa lần thứ hai trong vòng 2 năm qua bởi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa từ chối gặp các nghị sĩ Dân chủ để thỏa hiệp về ngân sách, theo Thượng nghị sĩ Chuck Schumer.
“Dường như mục đích của phe Cộng hòa là đóng cửa chính phủ. Chúng tôi đang thúc đẩy thủ lĩnh phe đa số tại thượng viện Mitch McConnell và các lãnh đạo Cộng hòa khác cùng với tổng thống ngồi lại thương lượng” - ông Schumer phát biểu tại cuộc họp báo hôm 30-7.
Thượng nghị sĩ Schumer nhấn mạnh: “Nếu ông McConnell muốn tìm cách thông qua dự luật cắt giảm đáng kể ngân sách dành cho các chương trình nội địa và quốc phòng, ông ấy có thể gây ra tình trạng đóng cửa chính phủ”.
Theo trangSputnik, những cảnh báo về nguy cơ tái đóng cửa chính phủ Mỹ xuất hiện hồi tháng 2-2015 khi các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ không thể thỏa thuận về ngân sách dành cho Bộ An ninh Nội địa. Nếu họ không thể đạt thỏa thuận trước khi quốc hội nghỉ hè, nguy cơ đóng cửa chính phủ sẽ càng gia tăng.
Trong khi đó, Hội nghị Bộ trưởng 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra ở bang Hawaii - Mỹ vấp phải trở ngại lớn khi chính phủ Canada cho đến giờ vẫn chưa chịu mở cửa thị trường sữa nhiều hơn cho hàng nhập khẩu.
Nếu đàm phán không kết thúc trong ngày 31-7 (giờ địa phương) như kế hoạch, sẽ không còn cơ hội trình TPP lên quốc hội Mỹ từ nay cho đến đầu năm sau, thời điểm mùa bầu cử tổng thống ở Mỹ bắt đầu.
Người dân Myanmar giận dữ vì phóng thích 155 tù nhân Trung Quốc
Phương tiện truyền thông xã hội Myanmar hôm 31-7 bày tỏ sự giận dữ và thất vọng khi chính phủ nước này thả tự do cho 155 tù nhân khai thác gỗ trái phép người Trung Quốc, trong đó có 153 người bị kết án chung thân.
155 công dân Trung Quốc nói trên bị bắt hồi tháng 1 năm nay và bị tống giam hôm 22-7 tại TP Myitkyina, bang Kachin, miền Bắc Myanmar (giáp biên giới Trung Quốc). Họ bị tòa án kết tội khai thác gỗ lậu. Trong số này, 153 người lãnh án chung thân.
Tuy nhiên, đến ngày 30-7, chính quyền Naypyidaw nhân đợt ân xá 6.966 tù nhân đã thả tự do cho 155 phạm nhân người Trung Quốc, khiến cộng đồng dân mạng ở Myanmar sôi sục vì tức giận.
Một thành viên mạng xã hội Facebook lên tiếng: “Tôi hy vọng chính phủ Trung Quốc đọc được dòng chia sẻ này. Các người nhận lại 155 công dân của mình nhưng cũng nhận về sự căm ghét của 51 triệu người dân Myanmar”.
Thaung Su Nyein, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Truyền thông Information Matrix, nói rằng chính phủ không giải thích về quyết định tha bổng những kẻ khai thác gỗ lậu và chỉ có phương tiện truyền thông xã hội công khai phản đối quyết định này.
“Không có lời giải thích - không có gì cả. Tại Myanmar, chúng tôi chỉ có thể phàn nàn trên Facebook” - ông Nyein bất bình.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Naypyidaw diễn ra khá tốt đẹp từ 49 năm nay. Myanmar đã mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia khác nhưng Trung Quốc vẫn là một đồng minh ngoại giao và kinh tế quan trọng. Việc lâm tặc Trung Quốc khai thác gỗ trái phép ở Myanmar khiến người dân nước này không hài lòng.
Tháng 1 năm nay, Myanmar bắt 155 công dân Trung Quốc khai thác gỗ lậu nói trên và vấp phải sự phản ứng của Bắc Kinh. Người dân Myanmar cho rằng Naypyidaw bị gây sức ép từ người hàng xóm khổng lồ của mình nên đành phải nhượng bộ.
Kiên Giang: 2 lãnh đạo bị xử lý, thu hồi hơn 18 tỷ đồng tham nhũng
Xử lý trách nhiệm 8 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng: Tỉnh Kiên Giang 2 người, Thành phố Hồ Chí Minh 6 người. Số tiền thiệt hại do hành vi tham nhũng gần 25 tỷ đồng, trong đó tại Kiên Giang là 19,2 tỷ đồng và tỉnh này thu hồi 18,34 tỷ đồng.
Thời gian qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện tốt công tác tham mưu, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng.
Ban phân công cán bộ, chuyên viên phối hợp với các cơ quan chức năng tìm hiểu, nắm tình hình bước đầu các vụ việc khiếu nại, tố cáo khi tiếp nhận đơn thư; nghiên cứu thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan; đề nghị người gửi thông tin, tố cáo cung cấp bằng chứng, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; lắng nghe ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo...
Trên cơ sở đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang phân tích, đánh giá vụ việc, nội dung thông tin tham nhũng, khi xác định có dấu hiệu tham nhũng sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết, tiến hành thanh tra, kiểm tra; xác định có dấu hiệu tội phạm yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra làm rõ.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Kiên Giang đã triển khai 163 cuộc thanh tra, kiểm tra, kết thúc 133 cuộc phát hiện sai phạm với tổng số tiền 10,6 tỷ đồng; kiến nghị thu nộp ngân sách 4,2 tỷ đồng; kiểm điểm rút kinh nghiệm 44 tập thể, 95 cá nhân và kiểm điểm có hình thức kỷ luật 21 cá nhân.
Tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng phát sinh như: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, thu nhập; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.../.