tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-07-2017

  • Cập nhật : 19/07/2017

Ấn Độ mất 1,5 triệu việc làm sau lệnh đổi tiền

Theo trang Quartz, viện chính sách Trung tâm Theo dõi Kinh tế Ấn Độ vốn theo sát dữ liệu kinh doanh và kinh tế cho biết 1,5 triệu việc làm ở nước này biến mất trong giai đoạn từ tháng 1 - 4.2017. Đây có thể là hậu quả của đợt đổi tiền mặt.

anh: reuters

Ảnh: Reuters

“Tổng việc làm trong giai đoạn này là 405 triệu việc làm, thấp hơn so với mức 406,5 triệu việc làm trong giai đoạn bốn tháng liền trước là từ tháng 9 - 12.2016. Đây là dữ liệu tổng số việc làm trong nước, trong đó bao gồm khu vực tổ chức và phi tổ chức, các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp”, CEO Mahesh Vyas của hãng CMIE cho biết.

Tình trạng này được cho là tác động của quyết định đổi tiền. Tháng 11.2016, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi quyết định vô hiệu hóa giá trị của hai loại giấy bạc có mệnh giá cao để thay thế bằng tiền giấy mới. Tiền giấy mệnh giá 500 và 1.000 rupee khi đó chiếm khoảng 86% giá trị lượng tiền tệ trong lưu thông và lệnh trên dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền mặt nghiêm trọng trong nền kinh tế.

“Tháng 11.2016 vẫn là mùa lễ hội song tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm xuống mức thấp mới là 44,8%. Rõ ràng, đây là tác động trực tiếp của việc đổi tiền”, chuyên gia Vyas nói.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là tỷ lệ của số dân đang đi làm hoặc sẵn sàng làm việc, tìm việc. Việc sụt giảm cho thấy nền kinh tế suy thoái. Hậu quả của đợt đổi tiền bắt đầu với việc sụt giảm chậm, vì khoảng thời gian từ tháng 9 - 12 thường là mùa bận rộn với ngành nông nghiệp Ấn, có thể giữ dữ liệu việc làm luôn ở mức cao.

Một nghiên cứu khác được Tổ chức Các nhà Sản xuất Toàn cầu (AIMO) thực hiện vào tháng 1 dự báo việc làm Ấn Độ hạ 60% và doanh thu Ấn độ mất 55% trước tháng 3.2017. AIMO là tổ chức đại diện cho hơn 300.000 doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn trong nhiều ngành công nghiệp có tham gia hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Nền kinh tế Ấn Độ nói chung cũng chịu ảnh hưởng. GDP nước này tăng trưởng 7,1% trong giai đoạn cuối năm 2016, đầu năm 2017, thấp hơn mức 8% của năm tài khóa trước. Dữ liệu cho thấy các ngành như xi măng, thép và cơ sở hạ tầng vẫn gặp khó. Đầu tư mới ở nước này chậm chạp với nhiều dự án chưa được khởi động.(Thanhnien)
---------------------------

Thống đốc: Đến 30/6 tín dụng tăng 9,06%, lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt

Theo khẳng định của Thống đốc, cơ cấu tín dụng đã chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 18-20% nhưng cần linh hoạt điều chỉnh

Tính đến 20/6, tăng trưởng tín dụng mới đạt 7,54%. Theo số liệu sau đó được Thủ tướng công bố tại phiên họp với các lãnh đạo các địa phương, tín dụng nửa đầu năm tăng tới 8%. Tuy nhiên, báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu ngành ngân hàng công bố con số cao hơn nhiều.

Cụ thể, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tín dụng với nền kinh tế đến ngày 30/6 đã tăng 9,06% , cao hơn cùng kỳ 2015, 2016. Thống đốc cũng khẳng định cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%. Cùng đó, những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.

 

Tại buổi công tác này, trong 6 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt thông qua Tổ công tác, vấn đề đầu tiên và cũng được coi là nhiệm vụ số 1 - theo lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác - là tăng trưởng tín dụng với mục tiêu cả năm từ 18 - 20% và giảm lãi suất từ 0,5-1%.

Theo Thống đốc, tín dụng có thể tăng như chỉ đạo của Chính phủ là từ 18 - 20%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với kiểm soát được ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, đưa tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên. Do đó, NHNN sẽ linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến vĩ mô.

Tổ công tác cũng đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm của NHNN đã chủ động, linh hoạt, thành công, góp phần ổn định vĩ mô. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tăng trưởng tín dụng hợp lý, cơ cấu dòng tiền tốt hơn, thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên.

Đặc biệt, Tổ công tác đánh giá cao sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại với quyết tâm tiết kiệm chi phí để hạ lãi suất, từ đó vướng mắc, kêu ca của doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng sẽ giảm đi.

Tín dụng nông nghiệp vướng chính sách thế chấp nhà kính, nhà lưới

Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là một trong các lĩnh vực ưu tiên và được Chính phủ khuyến khích đầu tư, kêu gọi ngành ngân hàng cung cấp gói tín dụng ít nhất 100.000 tỷ đồng. Thống đốc cho biết đến nay các ngân hàng đã cam kết cho vay 120 nghìn tỷ, giải ngân gần 33 nghìn tỷ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm rất vướng liên quan tới thế chấp tài sản trên đất.

Đây cũng là vướng mắc chính sách được đại diện các ngân hàng thương mại lớn nêu ra tại buổi làm việc. Nguyên nhân là bởi tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm thì không được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, nên khi đưa ra thế chấp thì không được chấp nhận. Chính phủ đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết, giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu tháo gỡ.

Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Agribank, vì đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, có thể lên tới 30-40 tỷ đồng mỗi ha, nhưng các tài sản trên đất lại không được thế chấp vay vốn. Ông Khánh cũng thẳng thắn chỉ ra lúc được mùa thì các tài sản này rất giá trị, nhưng gặp thiên tai, mất mùa thì không đáng bao nhiêu, kể cả nhà máy tới 500 tỷ đồng nhưng mất mùa thì cũng vậy.(NDH)
------------------------------

Hòa Phát đạt hơn 920 triệu USD doanh thu trong nửa đầu năm

Sau 6 tháng, Hòa Phát đạt hơn 70% mục tiêu lợi nhuận sau thuế vẫn với sự đóng góp chính từ ngành thép. 

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt doanh thu hơn 21.000 tỷ đồng (hơn 920 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế 3.470 tỷ đồng, tăng tương ứng 36% và 14% so với cùng kỳ 2016.

Trước đó, năm 2016, Tập đoàn Hòa Phát đạt tổng doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.600 tỷ. Năm 2017, toàn tập đoàn dự kiến đạt 38.000 tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế dự kiến lại thấp hơn năm 2016 với 5.000 tỷ đồng. 

Trong 6 tháng đầu năm, thép xây dựng và ống thép tiếp tục là các sản phẩm đóng góp chính vào kết quả ấn tượng của Hòa Phát 6 tháng đầu năm. Trong lĩnh vực nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò Úc công nghệ cao, 6 tháng đầu năm nay đóng góp khoảng 1.000 tỷ doanh thu toàn Tập đoàn.

Đối với dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất, hiện Hòa Phát đã hoàn thành đàm phán hợp đồng thiết bị với các đối tác cung cấp thiết bị luyện kim quốc tế như nhà máy luyện thép, máy đúc phôi… Với chiến lược đẩy mạnh thị trường miền Trung và miền Nam, Hòa Phát đang đẩy mạnh thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất công suất 4 triệu tấn một năm tại tỉnh Quảng Ngãi, trong đó sẽ ưu tiên đưa hạng mục nhà máy cán thép vào vận hành trước.

Đại diện Hòa Phát cho biết, phía đối tác từ Italy đảm bảo dây chuyền cán thép đầu tiên của dự án sẽ hoàn thành và chạy thử vào tháng 6/2018 và dây chuyền cán thép thứ 2 dự kiến được hoàn thành sau đó 6 tháng. Sau khi hoàn thành dây chuyền cán, Hòa Phát sẽ cung cấp thêm 2 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao hàng năm ra thị trường.(Vnexpress)
-----------------------------

Giá thuê biển khu vực TP HCM để xây đảo nhân tạo là 5 triệu đồng/ha/năm

UBND TP HCM vừa quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, mức thu tiền sử dụng khu vực biển được áp dụng tùy theo mục đích sử dụng. Nếu sử dụng để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu là 3 triệu đồng/ha/năm.

Sử dụng để xây dựng hệ thống ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện là 4 triệu đồng/ha/năm.

Sử dụng để xây dựng các công trình nổi, ngầm, đảo nhân tạo, công trình xây dựng dân dụng trên biển, các hoạt động lấn biển là 5 triệu đồng/ha/năm.

Biển Cần Giờ TP HCM

Giá thuê là là 6 triệu đồng/ha/năm nếu sử dụng khu vực biển để làm vùng nước cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí và các cảng, bến khác.

Đồng giá thuê là sử dụng khu vực biển để làm vùng nước phục vụ hoạt động cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển, xây dựng cảng cá, bến cá, vùng nước phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, đón trả khách, khu neo đậu, trú nghỉ đêm của tàu thuyền du lịch, thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác nước biển làm mát cho các nhà máy, trục vớt hiện vật, khảo cổ.

Sử dụng để đổ thải bùn nạo vét là 7,5 triệu đồng/ha/năm; các hoạt động sử dụng khu vực biển khác là 3 triệu đồng/ha/năm.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục