Mỹ từ chối dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Brazil; BMW đầu tư 37 triệu USD vào sàn thương mại xe cũ; Nhà hàng Nhật ăn nên làm ra ở Việt Nam; Chứng khoán châu Á tăng cao nhất gần 10 năm qua
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-07-2017
- Cập nhật : 20/07/2017
Người nước ngoài mua nhà Mỹ tăng cao kỷ lục
Số giao dịch bất động sản để ở của người nước ngoài tại Mỹ vừa tăng lên mức cao nhất khi xét số lượng căn hộ và tổng số tiền tính bằng USD.
CNBC dẫn nguồn từ Hiệp hội các nhà môi giới địa ốc cho biết khách nước ngoài mua 153 tỉ USD giá trị nhà ở của Mỹ từ tháng 4.2016 đến tháng 3.2017, tăng 49% so với cùng kỳ năm liền trước. Đà tăng trên xuất hiện khá bất ngờ, vì giá trị đô la Mỹ so với các loại tiền tệ khác hiện đắt hơn, khiến bất động sản Mỹ cũng đắt hơn. Giá trị của một ''thiên đường an toàn tài chính'' đang vượt qua chi phí gia tăng.
Doanh số bán cho người nước ngoài chiếm 10% tổng doanh số bất động sản ở Mỹ xét theo tổng giá trị USD và chiếm 5% số lượng bất động sản. Tổng cộng, người nước ngoài mua 284.455 căn nhà, tăng 32% so với năm trước. Một nửa doanh số chỉ gói gọn trong ba bang là Florida, California và Texas.
Khách mua Trung Quốc là nhóm khách dẫn đầu năm thứ tư liên tiếp, tiếp theo là người Canada, Anh, Mexico và Ấn Độ. Khách Nga chiếm gần 1% số người mua.
Dù vậy, doanh số bán hàng cho khách mua Canada tăng mạnh nhất. Người Canada mua 19 tỉ USD giá trị bất động sản để ở của Mỹ, chủ yếu là ở Florida. Họ cũng chi tiêu nhiều hơn khi giá bình quân của một căn nhà được mua đạt 561.000 USD.
Chuyên gia bất động sản Elli Davis ở Toronto (Canada) cho hay ngày càng nhiều khách hàng lớn tuổi giảm diện tích căn hộ chính của mình và tậu thêm căn nhà thứ hai ở bang Florida. “Bất động sản ở đó rất có giá trị. Tất cả họ đều có thêm tiền. Họ đang bán các căn nhà lớn trong thành phố với giá trên 2 triệu USD, những căn nhà tăng giá nhiều trong 10-15 năm qua”, chuyên gia Davis cho hay.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ quan điểm chống nhập cư và nhắc đến chuyện xây dựng bức tường giữa Mỹ và Mexico, người Mexico không chần chừ khi tậu nhà ở Mỹ. Tổng số tiền mà người Mexico bỏ ra để mua nhà ở Mỹ đã tăng gấp đôi so với cách đây một năm, chỉ sau Trung Quốc và Canada.
Nhìn chung người Mexico tậu nhà rẻ hơn. Trung bình, giá cả nhà ở mà họ mua vào khoảng 327.000 USD, thấp hơn so với mức giá 782.000 USD của người Trung Quốc và 522.000 USD của người Ấn Độ. Người Mexico ưu ái nhà ở Texas, trong khi người Trung Quốc thích mua nhà ở California. Texas cũng là nơi được người Trung Quốc chú ý vì môi trường càng ngày càng thân thiện với người châu Á.(Thanhnien)
-----------------------------
Ngân hàng Singapore đầu tiên được cấp phép thành lập ngân hàng con tại Việt Nam
Ngày 19/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận về nguyên tắc Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam sau khi xem xét đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của UOB.
Cũng tại văn bản này, NHNN chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của UOB Việt Nam.
Văn bản nêu rõ, để được xem xét, cấp Giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam, yêu cầu Ngân hàng UOB tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định và hướng dẫn của NHNN để trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam.
Cũng trong ngày 19/7/2017, NHNN có văn bản số 5647/NHNN-TTGSNH chấp thuận chủ trương cho phép UOB được thành lập 01 chi nhánh trực thuộc trên cơ sở tiếp quản (tiếp nhận tài sản, công nợ và đóng cửa) chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiện nay của Ngân hàng UOB tại thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi được NHNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam.
UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam năm 1995. Trước đó, vào cuối tháng 3/2017, UOB đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận sơ bộ để thành lập ngân hàng con có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hiện tổng số có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gồm HSBC (Hồng Kông), ANZ (Úc), Standard Chartered, Shinhan Vietnam (Hàn Quốc), Hong Leong Bank (Malaysia - thành viên của Tập đoàn Hong Leong (Malaysia), CitiBank, CIMB (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia).(NDH)
------------------
Nghề nuôi chim yến phát triển mạnh
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, hiện có hơn 5.000 nhà yến tại 36 tỉnh, thành, tăng hơn 2.400 nhà yến so với năm 2014; trong đó, một số địa phương có số lượng nhà yến nhiều là Tiền Giang, TP.HCM, Kiên Giang... Nhiều vướng mắc trong nghề nuôi chim yến đã dần được tháo gỡ, tuy nhiên phần lớn các cơ sở nuôi là tự phát, nằm trong khu dân cư, gây khó khăn trong phòng chống dịch bệnh; do chưa nắm vững kỹ thuật nên số hộ nuôi yến thành công chưa cao; nhiều địa phương chưa có quy hoạch vùng nuôi chim yến.
Theo ông Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty yến sào Khánh Hòa, để phát triển nghề nuôi chim yến, cần có quy hoạch các vùng nuôi trong cả nước đồng thời có những giải pháp đồng bộ về quản lý. Các tổ chức, đơn vị cần phối hợp với cơ quan chuyên ngành của địa phương khảo sát, quy hoạch làng nghề, các tiểu vùng nuôi chim yến nhằm phát triển đồng bộ giữa tốc độ tăng trưởng nhà yến với sự gia tăng đàn chim yến.(Thanhnien)
-------------
Có thể hủy bỏ quy hoạch siêu dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa
Ngày 19/7 ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP HCM dẫn đầu tổ công tác đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch UBND TP giao tại quận Bình Thạnh.
Tại buổi làm việc, Phó Chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh Võ Thị Phương Uyên cho biết, dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) xin rút khỏi dự án nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể tiến hành.
Theo bà Uyên, do Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án và theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì dự án phải điều chỉnh, hủy bỏ.
Được biết, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, Thành phố giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ, đến năm 2010, TP HCM quyết định thu hồi, sau đó giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2000).
Đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư này bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng chính và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu đô thị mới theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đồng bộ trên tổng diện tích khoảng 426,93 ha.
Dự án dự kiến được chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 (2016-2020) tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021-2025) đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng. Giai đoạn 3 (2026-2030) hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.(NDH)