tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-07-2017

  • Cập nhật : 20/07/2017

Kinh tế Anh bắt đầu 'lung lay'

Tỷ lệ việc làm giảm, tăng trưởng kinh tế suy yếu, giá thuê nhà đất mất đà tăng... là những dấu hiệu cho thấy nền tảng kinh tế London đang bắt đầu khó khăn.

nen kinh te anh dang trai qua thoi ky am dam truoc nhung tac dong cua brexit anh: reuters

Nền kinh tế Anh đang trải qua thời kỳ ảm đạm trước những tác động của Brexit ẢNH: REUTERS

Theo một báo cáo được công bố hôm 18.7 từ Centre for London, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn các sự kiện chính trị - kinh tế tại Anh, tỷ lệ tạo ra việc làm mới và thị trường bất động sản ở thủ đô nước Anh đã suy yếu nhanh chóng ngay trước thời điểm nước này chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

“Trong khi không ai biết Brexit sẽ thực sự diễn ra như thế nào, nhưng kết quả từ các phân tích mới này cho thấy nền kinh tế London đang bắt đầu lung lay”, Ben Rogers, giám đốc nhóm nghiên cứu, nói.

London chiếm khoảng 13% nền kinh tế của Anh. Thành phố này cũng là một thỏi nam châm thu hút người nhập cư trên toàn thế giới đến làm việc trong các ngành tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, báo cáo nhận thấy rằng tỷ lệ việc làm của London đang ở mức thấp kỷ lục, số lượng người nước ngoài đăng ký làm việc tại đây sụt giảm mạnh. Số người đăng ký bảo hiểm xã hội, một loại bảo hiểm cần thiết cho người lao động, cũng đã giảm 15% vào quý trước.

“Sự sụt giảm đáng kể trong việc đăng ký bảo hiểm xã hội, đặc biệt đối với những người đến từ các nước thuộc EU, là dữ liệu tin cậy cho thấy người di cư đến Anh để làm việc đang chậm lại”, Jonathan Portes, Giáo sư tại King’s College London, nhận định.

Thị trường nhà ở của London cũng đang mất đà đi lên kể từ sau khi tăng trưởng đạt đỉnh 14% vào đầu năm 2016.

Song, có lẽ điều tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra khi nhiều công ty tài chính lớn như JP Morgan Chase, UBS, HSBC và Goldman Sachs cho biết họ sẽ chuyển việc làm, đầu tư hoặc cả hai ra khỏi Anh do lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực mà Brexit có thể mang lại.

Sadiq Khan, thị trưởng thành phố, người đã vận động chống Brexit, nói với CNN hôm 16.7 rằng ông hiểu lý do tại sao các doanh nghiệp muốn rời đi, vì họ cần có sự chắc chắn. Nhưng để trấn an, ông Khan lưu ý rằng vẫn có một số công ty lớn như Google và Snapchat đang có kế hoạch đầu tư tại London trong những tháng sau cuộc trưng cầu dân ý.

Theo CNN, dữ liệu được công bố vào cuối tháng 6.2017 đã khẳng định Anh là nền kinh tế đang phát triển chậm nhất tại châu Âu, khi tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,2% trong ba tháng đầu năm nay. Trong khi đó, tình trạng vay tín dụng lại ở mức cao kỷ lục. Lạm phát cũng tăng lên mức 2,9% vào tháng 5, trước khi giảm nhẹ trong tháng 6. Chi tiêu của người tiêu dùng Anh giảm hai tháng liên tiếp trước sức ép giá cả hàng hóa tại đây lên cao.

Tuy nhiên, đối với London có lẽ vẫn còn ít nhất một điểm sáng trong tình hình kinh tế đầy ảm đạm này, đó là du lịch. Sự sụt giảm mạnh giá trị của đồng bảng kể từ khi cuộc trưng cầu Brexit diễn ra đang khiến cho ngành du lịch bùng nổ. Theo số liệu từ London & Partners, khoảng 4,5 triệu du khách đã đến London trong quý 1/2017, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái.(Thanhnien)
------------------

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập nhiều nông sản Việt Nam nhất 6 tháng đầu năm 2017

 Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 3,05 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 35,8% trong tổng giá trị 8,51 tỷ USD.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập nhiều nông sản Việt Nam nhất 6 tháng đầu năm 2017

Ảnh minh họa.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2017 đạt 35,88 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước. Qua đó đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2017 đạt 198,22 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu trong tháng 6/2017 đạt gần 17,8 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 5/2017 và kim ngạch xuất khẩu 6 tháng/2017 đạt 97,21 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu trong tháng 6/2017 đạt gần 18,09 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 6 tháng/2017 đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Chỉ tính riêng các mặt hàng nông sản bao gồm: Rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 là 1,53 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2017 đạt 8,51 tỷ USD, tăng 19,8% so với tháng trước.

Trong đó, hàng nông sản xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2017 chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ.

Đối với thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu nông sản của nước ta đạt 3,05 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giá trị xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc cũng chiếm tỷ trọng 35,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của cả nước.

Đứng thứ hai là thị trường EU bao gồm 28 nước thành viên đạt kim ngạch 1,53 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm tỷ trọng 17,9% và đứng thứ 3 là Hoa Kỳ với giá trị xuất khẩu nông sản đạt 1,04 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 12,2%.

Xét theo từng mặt hàng cụ thể, hàng rau quả đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 là 272 triệu USD; giảm 27,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng/2017 của nhóm hàng này đạt 1,67 tỷ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hạt điều trong tháng 6 tăng không nhiều, đạt 35 nghìn tấn, trị giá 354 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và 7,4% về trị giá. Đưa kim ngạch xuất khẩu hạt điều 6 tháng/2017 đạt 151 nghìn tấn, trị giá 1,47 tỷ USD, giảm 3,2% về lượng, tuy nhiên tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, xuất khẩu cà phê trong tháng 6 chỉ đạt 122 nghìn tấn, trị giá 276 triệu USD, tương đương với mức xuất khẩu của tháng trước. Đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 6 tháng/2017 đạt 831 nghìn tấn, trị giá 1,88 tỷ USD, giảm 15,3% về lượng, tuy nhiên tăng 10,4% về trị giá.

Và xuất khẩu cao su trong trong tháng đạt 122 nghìn tấn, trị giá 188 triệu USD, tăng 100,8% về lượng và 84,5% về trị giá so với tháng trước. Đưa kim ngạch xuất khẩu cao su 6 tháng/2017 đạt 484 nghìn tấn, trị giá 896 triệu USD.(bizlive)
--------------------

Từ tháng 7.2018 Hòa Phát sẽ cung cấp thêm 2 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu hơn 21.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.470 tỉ đồng, tăng tương ứng 36% và 14% so với cùng kỳ 2016.

hoa phat se cung cap them 2 trieu tan thep xay dung chat luong cao tu thang 7.2018 hpg

Hòa Phát sẽ cung cấp thêm 2 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao từ tháng 7.2018 HPG

Tính riêng quý 2/2017, doanh thu toàn tập đoàn đạt 10.700 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.530 tỉ đồng. Thép xây dựng và ống thép tiếp tục là các sản phẩm đóng góp chính vào kết quả ấn tượng của Hòa Phát 6 tháng đầu năm.

Về thép xây dựng, Hòa Phát đã cho ra thị trường hơn 1.015.000 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ 2016, hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm. Bước đột phá này giúp thị phần tiêu thụ của Thép Hòa Phát tăng trưởng từ 22,2% cuối năm 2016 lên trên 24% vào cuối tháng 6.2017. Từ đầu năm nay, Thép Hòa Phát đã xuất khẩu khoảng 90.000 tấn thép xây dựng, thép rút dây sang thị trường các nước như Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào và Philippines.

Với mặt hàng ống thép, sản lượng bán hàng 6 tháng đạt 273.000 tấn, qua đó nâng thị phần lên mức 26,57%. Công ty hiện đang từng bước nâng cao năng lực sản xuất ở tất cả các nhà máy trên cả nước nhằm đạt sản lượng 1 triệu tấn vào năm 2020. Với công suất 400.000 tấn/năm, dự án nhà máy tôn mạ màu, mạ lạnh Hòa Phát hiện đang bắt đầu lắp đặt thiết bị dây chuyền theo đúng kế hoạch, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017, bắt đầu ra sản phẩm trong quý 1/2018.

Các nhóm ngành sản xuất công nghiệp khác như nội thất, điện lạnh, thiết bị phụ tùng tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định, liên tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Mảng bất động sản, Hòa Phát dự kiến sẽ cất nóc phần thô toàn bộ dự án Mandarin Garden 2 tại Hà Nội vào cuối tháng 7, phấn đấu bắt đầu bàn giao căn hộ cho khách hàng từ cuối năm nay. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng có những kết quả nhất định trong lĩnh vực nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò Úc công nghệ cao, 6 tháng đầu năm 2017, đóng góp khoảng 1.000 tỉ doanh thu toàn tập đoàn.

Đối với dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất, đến nay, Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất đã hoàn thành đàm phán hợp đồng thiết bị với các đối tác cung cấp thiết bị luyện kim hàng đầu thế giới như nhà máy luyện thép, máy đúc phôi… Với chiến lược đẩy mạnh thị trường miền Trung và miền Nam, Hòa Phát đang đẩy mạnh thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất công suất 4 triệu tấn/năm tại tỉnh Quảng Ngãi, trong đó sẽ ưu tiên đưa hạng mục nhà máy cán thép vào vận hành trước. Đối tác Danieli (Italia) đảm bảo dây chuyền cán thép đầu tiên của dự án sẽ hoàn thành và chạy thử vào tháng 6.2018 và dây chuyền cán thép thứ hai dự kiến được hoàn thành sau đó 6 tháng. Sau khi hoàn thành dây chuyền cán, Hòa Phát sẽ cung cấp thêm 2 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao hằng năm ra thị trường. (Thanhnien)
--------------------------

Ngành nông nghiệp khó “lớn” vì trông chờ thương lái, sản xuất lại manh mún

“Chúng ta thấy một bức tranh nông nghiệp sản xuất tốt, khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng chúng ta không biết bán ở đâu bởi vì từ trước tới nay chúng ta cứ ngồi chờ vào thương lái. Chúng ta quen với cách thức làm đó và cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ...”, một đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Ngành nông nghiệp khó “lớn” vì trông chờ thương lái, sản xuất lại manh mún

Ảnh minh họa.

Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) 2017 dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2017 với sự chủ trì và điều hành đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Năm 2017, từ kết quả các phiên làm việc của doanh nghiệp và căn cứ các ngành kinh tế mũi nhọn mà Chính phủ xác định, VPSF đã lựa chọn ra 3 nội dung để đối thoại, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Trước khi phiên toàn thể diễn ra, Nhóm công tác về Nông nghiệp của VPSF đã có cuộc trao đổi về các vấn đề nổi bật cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nội dung liên quan đến vấn đề thị trường, chính sách đất đai... được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp VPSF, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, đã đến lúc không thể chần chừ việc tổ chức hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng đi phù hợp. 

“Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất manh mún. Với các doanh nghiệp như chúng tôi, muốn có 100 ha đất để sản xuất nông nghiệp thì phải ký với 1000 hộ dân. Điều này gây nhiều trở ngại cho quá trình sản xuất kinh doanh”, ông Trần Mạnh Báo nói.

Theo Chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp VPSF, điều mà các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất là thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đầu tư như thủ tục tiếp cận thuê đất, thủ tục thu hút đầu tư mua máy móc công nghệ hay thủ tục về thuế.

“Ngoài ra doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro nên chính sách về thuế cần phải khác”, ông Trần Mạnh Báo nêu kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc The Pan Group cho rằng quan trọng nhất với doanh nghiệp vẫn là thị trường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng được mùa mất giá của một số mặt hàng nông sản trong thời gian qua. 

“Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp rất manh mún, nhỏ lẻ vì chưa có người đứng ra kiểm soát và làm đầu tàu trong chuỗi giá trị, tức là chưa có doanh nghiệp đủ lớn”, ông Hải nói.

Do vậy, ông Hải cho rằng Chính phủ cần có chính sách khuyến khích cơ chế hợp tác, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến gặp gỡ để doanh nghiệp có cơ hội trao đổi và hiểu về thị trường xuất khẩu tốt hơn. 

“Nhà nước chỉ cần làm vai trò định hướng và doanh nghiệp là trọng tâm của hệ thống sản xuât nông nghiệp thì sẽ hạn chế được tình trạng được mùa rớt giá và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn”, ông Hải nói.

Đề cập đến câu chuyện phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề thị trường.

“Chúng ta thấy một bức tranh nông nghiệp sản xuất tốt, khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng chúng ta không biết bán ở đâu bởi vì từ trước tới nay chúng ta cứ ngồi chờ vào thương lái. Chúng ta quen với cách thức làm đó và cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ”, ông Viên nói.

Theo ông Viên, muốn bức tranh này thay đổi thì phải quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường. “Các tập đoàn của các quốc gia trên thế giới họ đi tới từng nước để đầu tư, bỏ tiền hàng triệu đô, hàng tỷ đô để đầu tư cho thị trường. Đó là câu hỏi, là con đường để đầu tư phát triển”, ông Viên nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị này, Chính phủ đã có chính sách khuyến nông tốt nhiều năm nay nhưng chính sách về cho thị trường thì chúng ta hoàn toàn thiếu. Trong khi đó, lẽ ra chúng ta phải có chính sách thị trường tốt rồi mới đẩy mạnh khuyến nông.

Cũng theo ông Viên, doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam tới nay vẫn chưa bùng nổ ở quy mô lớn là bởi yếu tố chất lượng. Muốn bán được nhiều thì sản phẩm phải hấp dẫn. Muốn sản phẩm hấp dẫn cần nguồn nguyên liệu tốt. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa làm được vì một nền nông nghiệp còn manh mún, chuyên phục vụ thương lái là chủ yếu chứ chưa hướng nhiều tới việc phục vụ thị trường đẳng cấp cao, chất lượng tốt.

“Yếu tố đó một phần bắt nguồn từ việc bản thân các doanh nghiệp không có khả năng có diện tích đất đai với quy mô canh tác lớn và có những cánh đồng lớn để sản xuất. Đó là nút thắt quan trọng”, ông Viên cho biết.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục