Doanh nghiệp Mỹ - Trung không muốn chiến tranh thương mại; Bộ Giao thông “chốt” xây nhà ga sân bay Long Thành hình hoa sen; Thêm 2,8 tỉ USD đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất; Sốt đất nền ngoại thành Hà Nội: Chính quyền địa phương nói gì?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-07-2017
- Cập nhật : 19/07/2017
Singapore muốn tham gia 'Con đường tơ lụa mới' của Trung Quốc
Mối quan hệ 'ghập ghềnh' giữa Singapore và Trung Quốc đang được hàn gắn với các kế hoạch thăm viếng cấp cao và thỏa thuận tham gia vào một hiệp ước thương mại tự do.
Theo South China Morning Post, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tuyên bố tại hội nghị Futurechina được tổ chức vào hai ngày cuối tuần qua rằng đảo quốc sư tử dự định sẽ mở rộng sự tham gia của mình vào dự án “Một vành đai - Một con đường” do Trung Quốc khởi xướng. Đây là dự án đầy tham vọng nhằm khôi phục thương mại dọc theo những con đường tơ lụa cổ và tăng cường vị thế của Đại lục trên toàn cầu.
Khi được hỏi về mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua, ông Lý Hiển Long nói: “Nó đã luôn đi đúng hướng”. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng việc tham gia dự án “Một vành đại - Một con đường” sẽ tạo cơ hội cho Singapore trở thành “cơ sở để các nước khác nhảy vào khu vực”.
"Một Vành đai - Một con đường là cách để Trung Quốc liên kết và gia tăng ảnh hưởng đến thế giới theo hướng xây dựng. Dự án này không phải là một khối đóng kín, thay vào đó nó là sự trao đổi cởi mở, tự do để các bên cùng có lợi. Trung Quốc có thể sẽ tăng cường các hoạt động kinh tế với các nước trong khu vực nhờ sáng kiến trên, và tất nhiên Singapore cũng có thêm nhiều cơ hội nếu đồng ý tham gia”, ông Lý Hiển Long nói.
Được biết, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Hamburg (Đức) hồi đầu tháng, Thủ tướng Singapore và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc thảo luận tích cực về một dự án chính phủ ở Trùng Khánh (Trung Quốc), cũng như vai trò chủ tịch luân phiên của Singapore tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm tới.
Mối quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc diễn biến xấu đi trong năm qua do các vấn đề căng thẳng trên biển. Tiếp đó là vụ hải quan Hồng Kông bắt giữ 9 xe thiết giáp của Singapore trên đường quá cảnh về nước. Phía Singapore cho rằng Bắc Kinh đứng đằng sau vụ này, cố tình gây khó dễ để bí mật lấy thông tin về khí tài của Singapore.
Tuy nhiên, sau gần một năm trục trặc, ông Lý Hiển Long đánh giá mối quan hệ giữa hai nước hiện “tiến nhanh hơn” và nóng lòng được gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm chính thức Singapore trong thời gian tới.
Phát biểu trước hội nghị một ngày trước đó, Phó thủ tướng Singapore Trương Chí Hiền cho biết cả hai nước cũng đang hướng tới việc “nâng cấp” thỏa thuận thương mại tự do song phương đầu tiên được ký kết vào năm 2009.(Thanhnien)
------------------
Cổ phiếu hai 'ông lớn' ngành bia nổi sóng
Thông tin thoái vốn tại Sabeco và Habeco giúp cổ phiếu hai tổng công ty bất ngờ tăng mạnh, đi ngược với xu hướng sụt giảm của thị trường.
Phiên giao dịch hôm qua (17/7), chỉ số VN-Index của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) giảm 8,7 điểm, tương đương 1,12%, còn chỉ số HNX-Index giảm gần 1,9%. Hầu hết các cổ phiếu thuộc nhóm có vốn hóa lớn (blue-chip), các cổ phiếu thuộc nhóm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn vừa qua đều giảm.
Tuy nhiên, đi ngược xu hướng này, cổ phiếu của hai tổng công ty bia lớn nhất cả nước đều tăng mạnh. Cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tăng gần 4% lên 219.500 đồng, trong khi cổ phếu BHN của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) tăng kịch trần biên độ 7% lên 82.600 đồng.
Đà tăng tiếp tục được củng cố khi mở cửa thị trường sáng nay, cổ phiếu BHN tiếp tục tăng trần 7% lên hơn 88.300 đồng, trong khi cổ phiếu SAB vượt mốc 220.000 đồng.Theo nhận định từ các công ty chứng khoán, đà tăng mạnh của 2 cổ phiếu SAB và BHN xuất phát từ thông tin mới được Bộ Công Thương công bố. Theo đó, các doanh nghiệp này dự kiến sẽ trình phương án thoái vốn Nhà nước ngay trong tháng 7, và khi được Bộ Công Thương phê duyệt, quá trình thoái vốn sẽ được thực hiện trong năm nay.
Cổ phiếu BHN của Habeco đã tăng mạnh sau thông tin thoái vốn mới được Bộ Công Thương công bố. Ảnh: VNDirect
Cuối tháng 8/2016, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phải thực hiện các bước để thoái vốn tại hai doanh nghiệp này, đồng thời đưa Habeco và Sabeco lên sàn.
Theo phương án dự kiến khi đó, toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco khoảng 9.000 tỷ đồng (gần 82% vốn điều lệ) sẽ được thoái vốn trong năm 2016. Còn lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ được chia làm 2 đợt. Đợt một thoái 53,6% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016 và đợt 2 sẽ thoái tiếp phần còn lại, khoảng 16.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Ngay sau khi niêm yết, trong 9 phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu SAB đã tăng một mạch từ 110.000 đồng lên 225.000 đồng. Còn cổ phiếu BHN tăng gần 4 lần từ mức giá chào sàn 39.000 đồng lên gần 145.000 đồng và tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 225.000 đồng. Đã có thời điểm thị giá cổ phiếu của Habeco còn cao hơn Sabeco.
Tuy vậy, sau màn chào sàn ấn tượng, cả hai cổ phiếu ngành bia đã đồng loạt điều chỉnh sâu. Cổ phiếu BHN giảm chỉ còn một phần ba so với mức đỉnh, giao dịch quanh ngưỡng 70.000 - 80.000 đồng. Trong khi đó, cổ phiếu SAB của Sabeco lùi về quanh ngưỡng 185.000 - 190.000 đồng.
Các chuyên gia cho rằng, đà tăng ngay sau khi bộ đôi cổ phiếu ngành bia lên sàn được hỗ trợ bởi thông tin thoái vốn, nhà đầu tư kỳ vọng việc thoái vốn sẽ được thực hiện ngay sau đó. Tuy nhiên khi lộ trình ban đầu vẫn dừng ở phương án và thông tin thoái vốn sau đó dần "chìm xuống", khiến nhà đầu tư trên thị trường không còn quá kỳ vọng đến hai cổ phiếu này.(Vnexpress)
--------------------------
Vì sao người nước ngoài mua nhà tại TP HCM chưa được cấp "giấy đỏ"?
UBND TP HCM vừa yêu cầu Sở Xây dựng xác định danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở dự án và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở.
Việc này nhằm chấn chỉnh tình trạng chậm trễ giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn.
Qua đó làm cơ sở cho cá nhân, tổ chức biết, tạo cơ sở pháp lý cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn Thành phố.
Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn thành phố trong thời gian từ ngày 1/7/2015 đến nay về số lượng đã tiếp nhận, số lượng đã giải quyết và số lượng còn tồn đọng. Theo đó Sở có văn bản trả lời đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và có thư xin lỗi đối với các trường hợp chậm trễ.
Đồng thời, Sở này cần đề xuất hướng xử lý đối với các trường hợp hồ sơ của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn thành phố trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 10/12/2015, đã ký hợp đồng mua bán nhà ở tại Phòng Công chứng, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, có cam kết khi Nhà nước có quy định khu vực người nước ngoài không được sở hữu.
Báo cáo Tiêu điểm thị trường bất động sản TP HCM quý II/2017 của CBRE cho biết người nước ngoài chiếm 59% số lượng giao dịch thành công. Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông là những khách mua sôi nổi, tích cực nhất. Điều này cho thấy sức hút của bất động sản Thành phố đối với người nước ngoài và tầm quan trọng của việc hoàn thiện thủ tục pháp lý nhà ở cho đối tượng này.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 giữa tháng 6 vừa qua, Tiểu nhóm Công tác Đất đai chất vấn Chính phủ Việt Nam về việc hoãn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ hay còn gọi là sổ đỏ) cho người nước ngoài.
Đại diện Tiểu nhóm Công tác Đất đai cho rằng, các văn bản pháp luật đã được ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản, gồm Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Nhà ở 2014 (cả 2 luật đều có hiệu lực từ 1/7/2015).
Các luật này đã giúp lĩnh vực bất động sản có được nhiều khoản đầu tư hơn thông qua việc giảm bớt các rào cản về đầu tư và thực sự mở rộng khả năng tiếp cận bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, Tiểu nhóm Công tác Đất đai cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đã trì hoãn thực hiện các bước thi hành, dẫn đến chưa cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam.
Theo điều 75 Nghị định 99/2015, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phải gửi văn bản thông báo cụ thể các khu vực cần đảm bảo an ninh và quốc phòng tại từng địa phương cho UBND cấp tỉnh. Sau đó, UBND cấp tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép đối tượng nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
Tiểu nhóm này cho rằng Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa ban hành Danh mục dự án không cho phép người nước ngoài sở hữu, và hỏi lý do trì hoãn công bố danh mục này.
“Việc trì hoãn đã gây ra sự lúng túng cho người mua cũng như chủ đầu tư trong việc đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam”, đại diện tiểu ban nói.
Tiểu nhóm đề xuất ban hành Danh mục dự án không cho phép người nước ngoài sở hữu "trong thời gian sớm nhất" để đối tượng nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam có được giấy CNQSDĐ đứng tên mình.
Phản hồi về vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định: “Việt Nam không hoãn cấp giấy CNQSDĐ cho người nước ngoài”, mà chỉ là do chậm trễ.
Thực hiện Nghị định 99/2015, Bộ Quốc phòng tháng 10/2016 đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quy định rõ các khu vực dự án không cho phép người nước ngoài sở hữu và hướng dẫn để các UBND xác định rõ những khu vực này.
Tháng 4/2017, Bộ Công an đã gửi văn bản cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hướng dẫn cụ thể các khu vực, các dự án mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được quyền sở hữu theo Luật Nhà ở.
Tiếp theo hai Bộ trên, tháng 5/2017, Bộ Xây dựng cũng gửi văn bản cho các tỉnh thành, yêu cầu các sở xây dựng phối hợp với bộ chỉ huy quân sự và công an địa phương để xác định rõ các khu vực, các dự án mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được quyền sở hữu.
“Với các văn bản của các bộ có chức năng, chắc chắn trong thời gian tới các địa phương sẽ phải tập trung triển khai những nội dung này”, đại diện Bộ Xây dựng cho biết.(NDH)
-------------------------
Nhật Bản cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD thúc đẩy các mục tiêu phát triển
Chính phủ Nhật Bản ngày 17/7 đã cam kết ủng hộ Liên hợp quốc 1 tỷ USD trong hai năm tới để thúc đẩy các chương trình phát triển của tổ chức quốc tế này.
Động thái được đánh giá nhằm nâng cao vai trò của Nhật Bản là một trong các nước đóng góp tài chính nhiều nhất của Liên hợp quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã đưa ra cam kết trên trong cuộc họp tại Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định những cam kết tài chính này sẽ góp phần giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đối phó thiên tai và bình đẳng giới.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norio Murayama cũng cho biết thêm khoản hỗ trợ tài chính này sẽ kết hợp với các khoản viện trợ song phương và đa phương khác của Chính phủ Nhật Bản.
Tuyên bố trên của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh tổ chức này đang thúc đẩy triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tới năm 2030, trong đó có một số nhiệm vụ cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng đói nghèo cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái Đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đói.
Các cơ quan viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng về ngân sách trong bối cảnh nhu cầu ngày càng gia tăng và việc Mỹ đe dọa cắt các khoản hỗ trợ tài chính cho các tổ chức của Liên hợp quốc.
Tháng 9/2015, Liên hợp quốc đã chính thức thông qua 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030, bao gồm xóa đói nghèo, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi, đảm bảo giáo dục chất lượng, bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo việc tiếp cận nước sạch và cải thiện vệ sinh cho tất cả mọi người và tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy.
Để đạt được điều này, Liên hợp quốc tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc - đẩy mạnh công nghiệp hóa, giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia cũng như bảo vệ môi trường(Vietnam+)