PVN lên kế hoạch đối phó nhà thầu nước ngoài phá giá dịch vụ dầu khí
Vốn điều lệ các công ty tài chính tăng trở lại
Việt Nam có nhiều cơ hội hấp dẫn dòng vốn ngoại
Lợi nhuận trồng lúa tăng 40% nhờ ‘bắt tay nhau’
Các nước ngày càng khắt khe với nông sản Việt
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-10-2015
- Cập nhật : 15/10/2015
>Giá dầu mất 7% sau 3 phiên giảm liên tiếp
Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tuần khiến giá dầu thô giảm khoảng 7% và mất mốc 50 USD/thùng. Giá dầu quay đầu giảm mạnh do lo ngại tình trạng dư cung sau loạt báo cáo của Mỹ và OPEC.
Báo cáo mới công bố cho thấy, sản lượng dầu tháng 9 của OPEC tăng 110.000 thùng/ngày so với tháng 8 và cao hơn gần 2 triệu thùng so với nhu cầu tiêu thụ dự báo cho năm 2015. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua ước tính tăng gần 3 triệu thùng.
Cơ quan năng lượng quốc tế dự đoán tình trạng dư cung trên thị trường dầu sẽ còn kéo dài đến cuối 2016 do nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Nhu cầu tiêu thụ chậm lại chủ yếu do kinh tế Trung Quốc giảm tốc. GDP quý III của Trung Quốc dự báo đạt dưới 7% lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2009. Do đó, OPEC hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2016 giảm 40.000 thùng xuống 1,25 triệu thùng/ngày.
NHNN giải thích về việc 'mua ngân hàng với giá 0 đồng'
Ngày 13-10, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), đã phát đi thông điệp cho biết việc mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng là đủ cơ sở pháp lý.
Trên cơ sở đó, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48 hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, các hình thức, biện pháp mua lại các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt, bao gồm định giá cổ phiếu, quyền các bên liên quan.
Việc thực hiện mua ngân hàng với giá 0 đồng còn được dựa trên cơ sở Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015.
Không những thế Quyết định 48 có nêu rõ phải thực hiện thuê các tổ chức tư vấn có chức năng định giá độc lập để xác định giá trị DN của ngân hàng, trên cơ sở đó xác định giá trị cổ phiếu của các ngân hàng một cách độc lập, khách quan.
Myanmar mở thị trường chứng khoán vào tháng 12 tới
Sở giao dịch chứng khoán Yangon sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu tháng 12 tới với khoảng 10 doanh nghiệp niêm yết ban đầu.
Trả lời phỏng vấn WSJ, Thứ trưởng tài chính Myanmar Maung Maung Thein cho biết: “Chúng tôi dự kiến ra mắt sàn giao dịch chứng khoán vào tuần đầu tiên hoặc tuần thứ 2 của tháng 12 tới”.
Theo kế hoạch ban đầu, sàn giao dịch này sẽ mở cửa ngay trong tháng 10 nhưng buộc phải hoãn lại cho đến hoàn tất tổng tuyển cử vào ngày 8/11. Ông Maung Maung Thein hy vọng kế hoạch ra mắt sàn giao dịch chứng khoán sắp tới sẽ không bị hoãn tiếp.
Lập sàn giao dịch chứng khoán của Myanmar được coi là động thái tích cực của Myanmar trong nỗ lực mở cửa thị trường sơ khai cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kế hoạch, chính phủ Myanmar sẽ công bố danh sách khoảng 10 doanh nghiệp đầu tiên được niêm yết cũng như chi tiết kế hoạch IPO(phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của các doanh nghiệp này. Hiện Bộ tài chính Myanmar đang xem xét hồ sơ của khoảng 200 doanh nghiệp, chủ yếu từ các ngành như điện, giao thông, nông nghiệp.
Chính phủ nước này cũng đang trong quá trình soạn thảo lại quy định cấm nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phiếu ở một số doanh nghiệp. Dự luật dự kiến được Quốc hộ Myanmar biểu quyết vào đầu năm sau. Ông Maung Maung Thein hy vọng, nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch cổ phiếu Myanmar vài tháng sau khi thị trường mở cửa.
Sàn giao dịch chứng khoán Yangon là liên doanh giữa Ngân hàng kinh tế Myanmar (một ngân hàng quốc doanh) với Công ty chứng khoán Daiwa và Sở giao dịch chứng khoán Nhật Bản.
Trong bối cảnh nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil cho kinh tế giảm tốc và rủi ro nợ công, thì Myanmar gần như không bị ảnh hưởng do thị trường vốn vẫn đóng.
Kinh tế Myanmar tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng 7% trong năm 2014 một phần do gói kích thích tiêu dùng của chính phủ và nhu cầu tiêu thụ nội địa. ADB dự báo, GDP của Myanmar có thể tăng 8,3% trong năm nay. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar cũng tăng mạnh lên hơn 8 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua.
Việt Nam mời DN Nhật Bản đầu tư vào 6 ngành công nghiệp mũi nhọn
Việc cùng tham gia TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam và Nhật Bản tận dụng hơn nữa những lợi thế của nhau để hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao…
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản 2015 ngày 14/10, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các DN Nhật Bản trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn ASEAN 6 và ASEAN 4.
Các giải pháp đó đã và đang phát huy tác dụng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ năm 2012 đến nay, từ 5,1% lên đến 6,5%; sản xuất công nghiệp được phục hồi, xuất khẩu được duy trì và nền kinh tế ngày càng tỏ ra thích nghi tốt hơn với các cú sốc bên ngoài như giá dầu giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc đi xuống, phá giá đồng Nhân dân tệ…
Trong thời gian qua, Việt Nam đã hoàn thành ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu, hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam – EU và sắp tới là TPP, AEC... Đặc biệt, việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ là cơ hội kinh doanh đầu tư mới cho cả hai nước với thị trường 600 triệu dân và tổng GDP hơn 1.850 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết, cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam đang chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư thông qua việc tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Ngoài ra, để tạo sự đồng bộ và phát triển bền vững, chuẩn bị tốt cho hội nhập, Việt Nam còn chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách cạnh tranh nhằm thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp.
“Ngày 5/10/2015, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ được Quốc hội các nước thông qua vào đầu năm 2016. Hiệp định TPP được ký kết sẽ hình thành một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do vậy, việc cùng tham gia TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam và Nhật Bản tận dụng hơn nữa những lợi thế của nhau để hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao…
Trong những năm qua, Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam với hơn 37,7 tỷ USD vốn FDI và 2.661 dự án còn hiệu lực, trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thay đổi cơ cấu nền kinh tế như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng…
Kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước tăng theo từng năm. Năm 2014 đạt trên 27,6 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2015 đạt 19 tỷ USD.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ 2 nước đã ban hành chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp mũi nhọn bao gồm điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô.
“Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là 6 ngành công nghiệp mũi nhọn; cũng như đầu tư vào các lĩnh vực khác như: nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông, môi trường, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, hình thức đầu tư PPP và các hình thức khác Nhật Bản có thế mạnh phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam” – Phó Thủ tướng cho biết.
Vụ đùi gà Mỹ nhập khẩu: Bộ Nông nghiệp đang rà soát và có thể khởi kiện
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện cơ quan này đang rà soát lại lại vụ việc và đến ngày 30/10 tới đây sẽ có báo cáo cụ thể về việc có nên khởi kiện đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam hay không.
Đại diện của Bộ NN&PTNT cho biết như vậy tại Hội thảo "Điều gì cản trở DN Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện sáng ngày 14/10.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo rà soát để đưa ra phương án về việc áp dụng hay không biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo vị này, hiện mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm trên thị trường đạt khoảng gần 1 triệu tấn, trong đó lượng nhập khẩu hiện nay chỉ khoảng 70 – 80 nghìn tấn, chỉ chiếm khoảng 7-8% thị phần tại Việt Nam.
“Với mức thị phần chỉ khoảng 7 – 8% thì có gây ra tổn thất nghiêm trọng hay không? Trong khi 6 tháng đầu năm sản xuất gà trong nước tiếp tục tăng trưởng. Đó là vấn đề mà Bộ Nông nghiệp phải trả lời trong thời gian tới”, vị này thông tin.
Tuy nhiên, vị này cho rằng hiện nay một kg đùi gà nhập khẩu từ Mỹ chỉ có giá 20 nghìn đồng/kg, có thể về ngắn hạn không gây thiệt hại nhưng về dài hạn có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất gia cầm trong nước và các DN chăn nuôi.
Do đó, đại diện của Bộ NN&PTNT cho biết: Hai biện pháp mà Bộ nông nghiệp đang xem xét là chống bán phá giá và tự vệ. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp chống bán phá giá gặp khó khăn khi tìm được DN hoặc nhóm DN chiếm 25% thi phần, trong khi ngành chăn nuôi chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, nên tập hợp rất khó.
Khi đáng giá về khả năng khởi kiện, đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho rằng đây sẽ là bài toán khó với các DN ngành chăn nuôi gia cầm. Dẫn chứng, chi phí để làm bộ hồ sơ khởi kiện tại Mỹ cũng đã mất tới 200 nghìn USD, chưa kể những chi phí theo kiện sẽ phát sinh thêm.
Trong khi đó, những thông tin tập hợp, nguồn lực cũng là bài toán khó với DN, luật sư am hiểu toàn bộ pháp luật quốc tế cũng hạn chế, nên việc Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm có thể theo kiện được không, là bài toán khó.
“Nếu có quyết định khởi kiện thì phải làm việc nhiều bên, xem ta có nên đánh đổi hay không? Chúng tôi đang làm rà soát toàn diện và ngày 30/10 có báo cáo này, căn cứ vào đó mới quyết định có nên hay không nên xem xét khả năng thực hiện công cụ phòng vệ thương mại. Sau đó mới tập hợp lực lượng, chi phí và vấn đề khác để đưa vấn đề này ra”, đại diện Bộ NN&PTNT thông tin.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), liên quan đến vụ việc đùi gà Mỹ, việc cơ quan nhà nước “sắn tay” để xem xét khả năng có thể đi kiện được hay không là thông tin tích cực.
“Để có hiệu quả thì cần phân tích kỹ lưỡng việc nhập khẩu có giá bán như thế nào, tác động ra sao và ảnh hưởng tới sản xuất trong nước như thế nào thế nào, thì cần phân tích rõ, bởi có tới 21 thiệt hại khác nhau”, bà Trang khuyến nghị.