Hải Phòng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án sinh thái 1 tỷ USD đảo Vũ Yên
Xây dựng 550km đường ven biển nối Quảng Ninh-Thanh Hóa
Xây khu biệt thự, du lịch sinh thái tâm linh 31ha gần Đền Sóc
Thanh niên Sài Gòn rót 200 tỷ đồng vào Seaprodex Saigon
Tiền rút khỏi chứng khoán thị trường mới nổi mạnh nhất 7 năm
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-04-2016
- Cập nhật : 28/04/2016
Trung Quốc: Mặt trái của "liều thuốc kích thích" từ chính phủ
Ngân hàng Deutsche Bank cho biết, tổng giá trị các khoảng cho vay mở rộng của các ngân hàng Trung Quốc trong ba tháng qua lớn hơn toàn bộ thị trường tài chính doanh nghiệp Mỹ cộng lại.
Theo Morgan Stanley, các quy định mua bán tài sản tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã được nới lỏng nhiều lần. Không chỉ doanh nghiệp tăng cường chi tiêu, chính phủ Trung Quốc cũng đã sử dụng ngân sách nhiều hơn trong thời gian qua, bằng chứng là tỷ lệ các khoản chi tiêu tài chính so với GDP của nước này đã tăng thêm 2% kể từ tháng 3/2015.
Điều này đã hỗ trợ cho các ngành đang tăng trưởng giảm tốc tại Trung Quốc. Morgan Stanley cho biết ngành công nghiệp sản xuất trong tháng 3 của nước này đã tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất trong vòng chín tháng qua. Cùng với đó, doanh số bất động sản trong tháng 3 cũng tăng mạnh 37,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng những dấu hiệu lạc quan kia có thể tiêu tan bất kỳ lúc nào.
Morgan Stanley lo ngại rằng hiệu quả của sự cải thiện mang tính chu kỳ này sẽ suy giảm bởi sự phục hồi trong tăng trưởng đầu tư, đặc biệt là ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản, là nhờ sự dẫn dắt của chính phủ Trung Quốc. Sự cải thiện chu kỳ này không thể giải quyết được vấn đề nợ cao, dư thừa công suất và áp lực thiểu phát dai dẳng. Ngân hàng của Mỹ dự báo rằng chu kỳ hồi phục hiện nay của Trung Quốc sẽ kéo dài thêm 3-4 tháng nữa trước khi giảm tốc vào tháng 8 hoặc tháng 9.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley không mong đợi nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm mạnh nhưng “liều thuốc kích thích” mà Trung Quốc đang nhận được có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới họ trong dài hạn. Nguyên nhân là bởi sự tăng trưởng dựa trên các biện pháp kích thích kinh tế đang tạo ra sự dư thừa năng suất, trong khi Trung Quốc lại đang cần điều ngược lại xảy ra.
Theo một số phương pháp tính toán, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tăng trưởng. Năm 2015, Trung Quốc cần 6,4 đơn vị nợ mới để tạo ra 1 đơn vị GDP danh nghĩa. Trong khi đó, để tăng thêm 1 đơn vị GDP danh nghĩa trong năm 2014, Trung Quốc chỉ cần thêm 4,2 đơn vị nợ mới.(NDH)
Tầng lớp trung lưu châu Á sẽ thúc đẩy kinh tế Singapore
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu châu Á sẽ vẫn là động lực cho tăng trưởng của khu vực trong những năm tới. Và điều này sẽ giúp nền kinh tế Singapore đối phó tốt hơn với những “cơn gió ngược” của nền kinh tế toàn cầu. Đây là nhận định được ông Beh Swan Gin - Chủ tịch Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore đưa ra trong trả lời phỏng vấn mới đây.
Theo vị này, cho dù nền kinh tế Singapore đối mặt với những khó khăn trong duy trì tăng trưởng nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua những dấu hiệu tích cực vẫn đang xuất hiện. Một trong số đó là khả năng chi tiêu “kiên cường” của người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á và tăng trưởng vững chắc trong giao thông hàng không tại sân bay quốc tế Changi, một trung tâm hàng không của khu vực.
Beh Swan Gin cho rằng, các DN Singapore có thể khai thác lợi ích của các nền kinh tế khu vực hiện đang được hưởng lợi từ cơ cấu dân số trẻ và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. “Về cơ bản chúng ta có thể lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của khu vực.
Dù vẫn còn đó những bất ổn nhưng ASEAN hoàn toàn có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5%/năm trong những năm tới”. Và với một nước nhỏ nhưng lại là trung tâm của thương mại và tài chính trong khu vực và toàn cầu, Singapore hoàn toàn có thể tiếp tục hưởng lợi từ điều này.
Tăng trưởng của nền kinh tế định hướng xuất khẩu và thương mại này gần như dậm chân tại chỗ trong quý I vừa qua và NHTW Singapore đang nỗ lực hỗ trợ cho xuất khẩu của nước này.
Mới đây nhất là cam kết sẽ không tìm cách tăng giá đồng nội tệ, để giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN trong nước. Một trong những vấn đề mà NHTW Singapore lo ngại là chi phí xuất khẩu và thương mại tăng lên. (TBNH)
Tiếp tục đẩy mạnh ngành cơ khí ô tô
Mới đây, tại Quảng Nam CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức khởi công Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải mở rộng và 2 tuyến đường nối từ Cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc và khu công nghiệp…
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, đây là dự án trọng điểm của công ty. Theo đó, dự án sẽ triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm 2018 bao gồm, nhà máy xe con mới với công nghệ hàn laser và công nghệ sơn tân tiến có công suất 100 nghìn xe/năm. Nhà máy xe tải mới có công suất trên 100 nghìn xe/năm, nhà máy xe bus có công suất 5 nghìn xe/năm và xe mini bus 12 - 16 chỗ 10 nghìn xe/năm.
Đồng thời, phát triển tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ, kết nối các DNNVV trong nước với các nhà sản xuất linh kiện nước ngoài cung ứng cho các nhà máy lắp ráp nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Qua đó triển khai sản xuất động cơ, máy móc phục vụ nông nghiệp nhằm phát triển Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dụng miền Trung theo đúng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã phê duyệt.
Bên cạnh, Thaco sẽ đầu tư mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải, lập tuyến vận tải biển trực tiếp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc về Chu Lai nhằm giảm giá thành vận chuyển, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực logictis cho khu vực miền Trung.
Triển khai đầu tư xây dựng Khu đô thị Tam Hiệp trên diện tích 265 ha với đầy đủ tiện ích xã hội như nhà ở, trường học, siêu thị nhằm thu hút lực lượng nhân sự làm việc tại khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải nói riêng và khu kinh tế mở Chu Lai nói chung. Tổng vốn mà Thaco trực tiếp đầu tư hơn 20,3 nghìn tỷ đồng và các đối tác khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Dự và phát biểu tại lễ khởi công Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải mở rộng và 2 tuyến đường nối từ Cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc và khu công nghiệp, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, nhân viên Thaco, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH, góp phần khẳng định vị thế ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn Thaco nỗ lực hơn nữa, nhanh chóng triển khai dự án, thu hút lao động, giải quyết việc làm; đồng thời khẳng định, Chính phủ, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, phát huy nội lực, chuẩn bị tốt cho việc hội nhập của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, kể từ khi đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai từ năm 2003, đến nay đã hình thành nên một khu phức hợp có diện tích gần 400 ha.
Bao gồm, 24 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trường Cao đẳng nghề đào tạo trung cấp và kỹ sư thực hành. Cảng biển và kho bãi, 2 tàu biển trọng tải 10 nghìn tấn, với tổng vốn đầu tư đến thời điểm hiện nay gần 28 nghìn tỷ đồng và tổng số nhân sự gần 8 nghìn kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, công nhân lành nghề được huấn luyện đào tạo bài bản…
Được biết, từ năm 2014 Thaco đã vươn lên vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Năm 2015, Thaco tiếp tục dẫn đầu với tổng số xe bán ra là 80.421, đứng đầu cả nước chiếm 38,6% thị phần Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam. Nộp ngân sách trong năm 2015 là 13.856 tỷ đồng trong đó tại Quảng Nam là 10.096 tỷ đồng… Những kết quả đạt được như trên đã đưa Thaco trở thành DN đứng đầu trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Với lộ trình hội nhập khu vực Asean khi thuế suất ô tô nhập khẩu về bằng 0% vào năm 2018, Thaco đã định hướng, phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, lấy sản xuất, kinh doanh ô tô làm chủ đạo và trở thành DN Việt Nam có vị trí hàng đầu trong khu vực. Mục tiêu năm 2018 doanh số trên 150 nghìn xe, tổng doanh thu trên 95 nghìn tỷ đồng.
Trong đó tập trung đầu tư phát triển Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải có quy mô ngang tầm Asean với các phương thức liên doanh, liên kết hợp tác với các đối tác có công nghệ phù hợp để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.(TBNH)
BMW Malaysia sẽ xuất khẩu BMW 3 Series, 5 Series và 7 Series sang Việt Nam
Theo thông tin mới nhất, bắt đầu từ năm 2018, BMW Malaysia lên kế hoạch để lắp ráp, xuất khẩu sang thị trường Việt Nam và Philippines với các dòng xe 3 Series, 5 Series và 7 Series.
Tuy chưa có lộ trình chi tiết về kế hoạch này được tiết lộ, nhưng các mẫu xuất sang thị trường Việt Nam và Philippines sẽ được điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm kỹ thuật và thói quen lái xe của từng thị trường. Hiện tại các mẫu xe này cũng đã được chạy dây chuyền lắp ráp để kịp xuất khẩu đúng như thời gian đã dự định.
Được biết, các mẫu trên sẽ được BMW Malaysia lắp ráp ở nhà máy tại Kulim, Kedah với số lượng không nhiều. Giám đốc điều hành Han Sang Yun cho biết, việc lắp ráp và xuất khẩu các mẫu xe sang thị trường Việt Nam và Philippines là một trong những chiến lược trọng tâm của hãng tại khu vực Asean trong thời gian tới.
Năm 2018 cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu áp dụng thuế suất nhập khẩu ôtô từ khu vực ASEAN xuống mức 0%. Bên cạnh việc dòng xe sang BMW sẽ được nhập khẩu từ Malaysia, người tiêu dùng trong nước sẽ có thể sở hữu nhiều dòng xe khác với giá rẻ đến từ Malaysia.
IMF khuyến nghị các biện pháp hỗ trợ kinh tế
Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu đưa ra mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, rủi ro tài chính toàn cầu tăng trở lại trong những tháng gần đây do kinh tế tiếp tục khó khăn, giá cả hàng hóa giảm thấp, kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc.
Từ cuối năm 2015, thị trường tài chính toàn cầu chao đảo mạnh trong bối cảnh rủi ro toàn cầu có chiều hướng tăng dần, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh. Đầu năm nay, các thị trường tài chính phản ứng tiêu cực trước những thay đổi này. Giá cổ phiếu lao dốc, thị trường chứng khoán chao đảo mạnh, dư luận xôn xao về nguy cơ suy thoái gia tăng tại các nước phát triển, giá cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực mới.
Xu hướng phát triển này trở nên trầm trọng hơn do lo ngại về thiếu dư địa chính sách tại các nước phát triển để đối phó với triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi, giá dầu giảm thấp gây tác động tiêu cực cho kinh tế toàn cầu, nghi ngờ về hiệu quả các biện pháp của Trung Quốc trong việc kiềm chế đà suy giảm kinh tế.
IMF cho rằng, hệ thống ngân hàng tại các nước phát triển vẫn an toàn, nhưng đang chịu áp lực rất lớn từ các thị trường tài chính
IMF nhận định, tình hình thị trường có dấu hiệu cải thiện từ tháng 2 vừa qua, sau những thông tin lạc quan về kinh tế, các biện pháp chính sách quyết liệt của Ngân hàng Trung ương châu Âu, sự thận trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ khi quyết định tăng lãi suất, Trung Quốc cũng tăng cường các nỗ lực chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định tỷ giá hối đoái.
Tuy nhiên, các nhà tạo lập chính sách cần tăng cường các biện pháp nhằm tạo ra sự cân bằng hơn và kết hợp chặt chẽ các biện pháp chính sách để giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu không, thị trường có thể sẽ rối loạn trở lại, làm suy giảm lòng tin, tăng trưởng thấp, thị trường tài chính căng thẳng, nợ nần gia tăng, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái kinh tế và tài chính.
Theo kịch bản đó, báo cáo ước tính sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn khoảng 4% so với sản lượng cơ sở trong 5 năm tới, tương đương với 1 năm kinh tế toàn cầu dậm chân tại chỗ.
Để tránh nguy cơ suy thoái, các nhà tạo lập chính sách cần khắc phục ba khó khăn tồn tại từ trước trong nền kinh tế toàn cầu. Đó là, những vấn đề cơ bản về khủng hoảng tại các nước phát triển chưa được giải quyết triệt để, rủi ro ngày càng tăng tại các nước mới nổi, rủi ro thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu. Nếu khắc phục được những khó khăn này, sản lượng toàn cầu năm 2018 sẽ cao hơn ngưỡng cơ sở khoảng 1,7%.
Thứ nhất, các nhà tạo lập chính sách tại các nước phát triển cần loại trừ tàn dư của khủng hoảng, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng do các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho nền kinh tế. IMF cho rằng, hệ thống ngân hàng tại các nước phát triển vẫn an toàn, nhưng đang chịu áp lực rất lớn từ các thị trường tài chính, nhất là từ đầu năm nay, khi triển vọng kinh tế ảm đạm và bất ổn gia tăng.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đối mặt với những thách thức rất lớn về cơ cấu trước yêu cầu phải thích ứng với những thực tế mới sau khủng hoảng kinh tế vốn tiếp tục xói mòn lợi nhuận kinh doanh. Nhiều ngân hàng tại các nước phát triển phải đối mặt với những thách thức rất lớn về mô hình kinh doanh.
Tại Eurozone, áp lực thị trường cũng bắt nguồn từ những vấn đề mang tính di sản vốn đã tồn tại từ lâu. Các ngân hàng cần sử dụng chiến lược tổng hợp để nhanh chóng xử lý những khoản nợ xấu đang gia tăng, khắc phục tình trạng dư thừa năng lực trong một số khu vực ngân hàng. Cuối cùng, châu Âu cũng cần hoàn tất liên minh ngân hàng và thiết lập kế hoạch chung về bảo đảm tiền gửi.
Thứ hai, các nhà tạo lập chính sách tại các nước mới nổi cần nâng cao khả năng đối phó với những biến động lớn. Giá hàng hóa lao dốc đã làm tăng mức độ thiệt hại cho các doanh nghiệp và chính phủ, làm tăng rủi ro kinh tế và tài chính. Sau nhiều năm vướng vào nợ nần, các nước mới nổi đang đối mặt với khó khăn từ xu hướng kinh tế tăng chậm dần, điều kiện tín dụng ngày càng khắt khe, và dòng vốn thất thường.
Cho đến nay, đa số các nước mới nổi vẫn có đủ khả năng chống đỡ những tác động tiêu cực về kinh tế nhờ nguồn lực dự phòng tích lũy được trong thời kỳ hưng thịnh. Tuy nhiên, nguồn lực hỗ trợ này đang cạn dần và một số nước đã đi quá giới hạn chính sách khi can thiệp thị trường.
Thứ ba, do tình hình của các doanh nghiệp ngày càng xấu đi, nhất là tại các nước xuất khẩu hàng hóa và các ngành sản xuất liên quan, yêu cầu tái cấp vốn ngày càng trở nên cấp bách, có thể đe dọa nền tài chính quốc gia do nhiều doanh nghiệp yếu là doanh nghiệp nhà nước.
Tại nhiều nước mới nổi, nguồn vốn tín dụng về cơ bản vẫn đủ hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng nợ xấu có thể sẽ tăng cao. Điều này đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ mức độ tổn thương của doanh nghiệp, xác định kịp thời và quản lý những tài sản rủi ro, củng cố năng lực của các ngân hàng.
Trong số các nước mới nổi, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng, nhưng đang chật vật thực hiện các biện pháp chuyển đổi sang nền kinh tế cân bằng hơn và xây dựng hệ thống tài chính dựa trên nguyên tắc thị trường. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp cải cách, nhưng quá trình chuyển đổi này vấp phải nhiều khó khăn và phức tạp.
Trong đó, mối liên kết DN - ngân hàng cũng đang là thách thức lớn do kinh tế giảm tốc và lợi nhuận thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình của các DN. Nợ xấu tăng cao, lợi nhuận của nhiều DN không đủ để trả lãi vay ngân hàng. IMF cho rằng, Trung Quốc cần xử lý các khoản nợ của DN, củng cố hệ thống ngân hàng, tăng cường khung khổ giám sát để hỗ trợ và củng cố hệ thống tài chính.
Báo cáo của IMF kết luận, các nhà tạo lập chính sách cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp chính sách tái cân bằng nền kinh tế, nhất là các biện pháp chính sách tiền tệ. Đồng thời, cần đẩy mạnh các biện pháp tái cơ cấu, hướng nền kinh tế phát triển bền vững và đổi mới chính sách tài khóa.(TBNH)