EC yêu cầu xét nghiệm 100% thanh long Việt Nam xuất sang châu Âu; Ngành công nghiệp thịt lợn Mỹ ước tính mất 2,2 tỷ USD/năm vì Trung Quốc; Trung Quốc phản ứng trước quyết định của EU tại WTO; Nhật Bản chỉ trích chính sách thuế của Mỹ gây rối loạn thị trường toàn cầu
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-06-2018
- Cập nhật : 04/06/2018
Thuế thép, nhôm khiến Mỹ bị cô lập ở hội nghị G7
Việc Tổng thống Donald Trump áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Sự phản đối này đã phủ bóng lên hội nghị quan chức tài chính nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 1/6.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã trở thành mục tiêu chính của sự chỉ trích tại hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 diễn ra tại Canada. Sáu quốc gia còn lại trong nhóm đều bị Mỹ áp thuế thép và nhôm - chương trình đánh thuế dựa trên cơ sở an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Mỹ bị cô lập
Thuế suất 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu được Mỹ áp dụng đối với mọi quốc gia, nhưng khi đưa ra kế hoạch này vào tháng 3, chính quyền Trump đã tạm miễn cho một số nước đồng minh và đối tác để các nước này có thời gian đàm phán với Washington.
Tuy nhiên, ngày 31/5, Mỹ tuyên bố dừng miễn đánh thuế với Canada, Mexico và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi các đối tác này không chấp nhận đề xuất hạn ngạch mà Mỹ đưa ra. Nhật Bản, đồng minh số 1 của Mỹ ở khu vực châu Á, thậm chí không được miễn ngay từ đầu.
Cả EU và Canada hiện đã kiện Mỹ về thuế thép và nhôm lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một tuyên bố của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói rằng thuế thép và nhôm của Mỹ "được áp đặt với lý do không đúng sự thật là bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Canada, ông Bill Morneau, nói với các nhà báo rằng trong một cuộc gặp với ông Mnuchin, "tôi đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của chúng tôi với thuế thép và nhôm của Mỹ. Chúng tôi cho rằng thật lạ lùng khi nói rằng Canada có thể là một rủi ro an ninh".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Bruno Le Maire nói ông Mnuchin rõ ràng bị cô lập tại hội nghị G7 vì vấn đề thuế thép và nhôm, dù Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Italy và Canada cùng đang cố gắng thuyết phục chính quyền Trump "trở lại với điều đúng đắn".
"Không may là chúng tôi đang có một nhóm G6 và 1, trong đó Mỹ một mình chống lại tất cả và gây nguy cơ bất ổn kinh tế", ông Le Maire nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond thì nói rằng hành động của Mỹ khiến các thành viên G7 lo ngại, nhưng hy vọng các nước còn lại trong khối sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó với Tổng thống Trump trong vấn đề này tại thượng đỉnh G7 diễn ra vào tuần tới ở Charlevoix, Canada.
"Chúng ta đều biết là Tổng thống Trump có một phong cách rất cá nhân. Ông ấy thích tự giải quyết các vấn đề", ông Hammond nói.
Hiện Mỹ, Canada và Mexico đang trong một cuộc đàm phán cam go về điều chỉnh lại Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA). Hôm thứ Năm, ông Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có một cuộc điện đàm căng thẳng về vấn đề này.
Khó ứng phó với Trung Quốc?
Sau đó, hôm thứ Sáu, ông Trump đã lên mạng xã hội Twitter đăng dòng trạng thái (tweet) chỉ trích Canada, nói rằng nước này đã đối xử với nông dân Mỹ "rất tệ trong một khoảng thời gian rất dài".
"Họ hạn chế thương mại rất nhiều. Họ phải mở cửa thị trường và hạ hàng rào thương mại. Họ có thặng dư thương mại rất lớn với chúng ta", ông Trump viết.
Sau đó cùng ngày, ông Trump nói ông muốn có thỏa thuận thương mại song phương với Canada và Mexico, hơn là điều chỉnh NAFTA. Nhà Trắng cho biết ông Trump cũng đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nói về sự cần thiết phải "cân bằng lại quan hệ thương mại với châu Âu".
Những tuyên bố này được đưa ra sau khi Canada, Mexico và EU nhanh chóng đáp trả thuế thép và nhôm của Mỹ bằng kế hoạch áp thuế lên nhiều tỷ USD hàng Mỹ, gồm nước cam, rượu whiskey, quần jean và xe mô-tô Harley-Davidson.
"Chúng tôi quyết tâm bảo vệ hệ thống đa phương", cao ủy viên châu Âu về thương mại Cecilia Malmstrom nói về việc kiện Mỹ lên WTO. "Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia đều tuân thủ luật chơi".
Những động thái này diễn ra trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại.
Các quan chức tại hội nghị G7 lo ngại rằng thuế thép và nhôm của Mỹ sẽ khiến khối này khó có thể hợp tác để ứng phó với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, nhất là khi Bắc Kinh - cũng giống như hầu hết các nước G7 - ủng hộ các nguyên tắc thương mại dựa trên WTO hiện nay, trong khi Mỹ tìm cách né tránh những nguyên tắc này.
Ông Le Maire đặt câu hỏi với ông Mnuchin: "Làm thế nào các ông thuyết phục Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế nếu như các ông không tôn trọng?" - một quan chức có mặt tại cuộc họp tiết lộ.
Đối với EU, một quyết định trong việc chống lại thuế thép và nhôm của Mỹ sẽ đòi hỏi sự nhất trí giữa 28 quốc gia thành viên.
Đức - nước xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ nhất - muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng, nhất là khi chính quyền Trump đã mở ra khả năng áp thuế lên xe hơi nhập khẩu. Nếu Mỹ đánh thuế xe hơi, các hãng xe Đức sẽ chịu thiệt hại lớn.
Trong khi đó, các nước EU khác như Pháp muốn có lập trường cứng rắn hơn đối với điều mà họ xem là "sự bắt nạt" của Mỹ.(Vneconomy)
------------------
ZTE có thể bị phạt 1,7 tỉ USD
Mỹ đang tìm cách trừng phạt và thắt chặt quyền kiểm soát đối với ZTE trước khi cho phép hãng viễn thông Trung Quốc trở lại kinh doanh, Reuters dẫn thông tin từ nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết.
ZTE đã trở thành yếu tố thương lượng quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc - ẢNH: REUTERS
Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ sớm đòi ZTE phải bồi thường 1,7 tỉ USD. Một nguồn tin cho biết Mỹ cũng muốn ZTE sớm thay thế hội đồng quản trị và ban điều hành công ty trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa được hoàn thành và hình phạt, cũng như các điều khoản có thể sẽ được thay đổi. Đại diện Bộ Thương mại Mỹ và ZTE hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Hoạt động của nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc đã bị tê liệt bởi lệnh cấm của Washington hồi tháng 4.2018 vì đã vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên và Iran. Cụ thể, hãng này sẽ không được mua bán sản phẩm và dịch vụ với các công ty Mỹ trong vòng bảy năm. Khoảng 25% đến 30% linh kiện trong thiết bị của ZTE, bao gồm điện thoại di động và thiết bị để xây dựng mạng viễn thông, là do các công ty Mỹ cung cấp. Ước tính ZTE đã mất hơn 3 tỉ USD kể từ ngày lệnh cấm được đưa ra.
Tình trạng khủng hoảng hoạt động của ZTE đã trở thành yếu tố thương lượng quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Washington và Bắc Kinh. Cụ thể, phía Trung Quốc nói rằng nếu Mỹ giảm bớt áp lực với ZTE, thì họ sẽ mua thêm nông sản của Mỹ.
Ông Trump tháng trước đã viết trên Twitter rằng ông đã nói với các quan chức Bộ Thương mại để tìm cách đưa ZTE trở lại kinh doanh. Tổng thống Mỹ sau đó đã đề cập đến khoản phạt 1,3 tỉ USD và yêu cầu ZTE phải thay đổi ban quản trị như một cách trừng phạt. Tuy nhiên, nỗ lực hồi sinh hãng viễn thông Trung Quốc của ông Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong Quốc hội. Các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nói rằng ông Trump đã cúi đầu trước áp lực từ Bắc Kinh để giúp một công ty có nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo các nguồn tin, mặc dù số tiền phạt dự tính là 1,7 tỉ USD, nhưng trên thực tế có thể ZTE chỉ trả khoảng 1 tỉ USD. Ngoài ra, hãng này sẽ được yêu cầu đưa 400 triệu USD tiền ký quỹ. Trong năm 2017, ZTE đã phải trả khoảng 892 triệu USD tiền phạt dân sự và hình sự, cùng với đó là khoản phạt 300 triệu USD được treo trong vòng bảy năm nếu công ty lại tiếp tục vi phạm trong tương lai. Theo quy định của thỏa thuận mới, 300 triệu USD này sẽ được chuyển vào ngân hàng ở Mỹ, cộng thêm 100 triệu USD nữa.(Thanhnien)
----------------------
Phát triển nhà ở xã hội chỉ đạt 30% mục tiêu đề ra
Mới đây, trong tờ trình gửi Chính phủ về việc bổ sung vốn tín dụng cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định thị trường bất động sản. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc.
Một góc dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
Nguyên nhân là do vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018 - 2020 là 1.262,069 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội tại văn bản số 4177/NHCS-KHNV ngày 3/11/2016.
Riêng năm 2018 Ngân hàng này chỉ được giao 500 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân. Theo quy định, với số vốn được giao 500 tỷ đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ huy động thêm được 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và chỉ cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân (chủ đầu tư dự án không được vay nguồn vốn này). Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí.
Hiện cũng không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016. Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công; trong đó một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại; số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế.
Bên cạnh đó, chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp; cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở.
Bộ Xây dựng khẳng định, trong các nguyên nhân trên thì việc không bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là nguyên nhân là chủ yếu.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thời gian qua Bộ Xây dựng đã nhận được một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cử tri kiến nghị Nhà nước sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách theo quy định của pháp luật về nhà ở để tiếp tục cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội đang bị ách tắc cũng như sớm tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020 phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp và công nhân lao động tại các khu công nghiệp; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện đến năm 2020; cấp cho các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 9716/NHNN-TCKT ngày 21/12/2016 để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỷ đồng.(TTXVN)
-------------------------
Bộ Công thương đang "thiết kế" thêm điều kiện kinh doanh mới cho kinh doanh bán lẻ?
Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối. Tuy nhiên, dự thảo này đang được phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định rằng bản chất là Bộ đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới.
VCCI nhấn mạnh, một số quy định không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành các giấy phép con bất hợp lý.
Đơn cử, ở chương quy định về siêu thị, trung tâm thương mại, điều khoản đầu tiên nêu ra tiêu chuẩn để xác định siêu thị, trung tâm thương mại sẽ được gọi tên dựa vào tiêu chí nào. Theo đó, Bộ Công thương đề ra một số giới hạn tối thiểu về diện tích, tiêu chuẩn chữa cháy, an ninh, an toàn…
VCCI cho rằng cần phải xem xét lại ở nhiều khía cạnh, ví dụ việc đưa ra những tiêu chí này để làm gì? Những cơ sở kinh doanh không đáp ứng được được tiêu chí này nhưng vẫn gọi là siêu thị, trung tâm thương mại thì những lợi ích công cộng nào ảnh hưởng? Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh trong siêu thị, trung tâm thương mại liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau, tương ứng với các loại hàng hóa đó có những văn bản chuyên ngành điều chỉnh tương ứng và các văn bản này đã đủ để kiểm soát rủi ro đối với hoạt động này…
Quy định buộc siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, tối thiểu từ 10h – 22h tối cũng được xem là không hợp lý. Bởi điều này được VCCI cho rằng là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đây là vấn đề thị trường, không cần bàn tay của Nhà nước.
VCCI còn nhấn mạnh quy định này ở một góc độ nào khác cần phải được xem xét lại về định hướng. Ở các nước phương Tây, các siêu thị bị hạn chế mở cửa để tạo không gian cho cửa hàng bán lẻ nhỏ, chợ truyền thống, nghĩa là vẫn có sự kiểm soát. Nhưng ở Việt Nam, việc kiểm soát này có vẻ chưa thích hợp hoặc chưa cần thiết và còn theo chiều ngược lại.
Mặt khác, Việt Nam thuộc bối cảnh khan hiếm hàng hoá tiêu dùng cũng không diễn ra đến mức bắt buộc phải duy trì các trung tâm thương mại, siêu thị tất cả các ngày. Các địa điểm này không phải chỉ toàn bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, do vậy VCCI đặt câu hỏi về căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả các ngày trong năm.
Điều khoản khuyến mãi, quảng bá cũng bị đánh giá chưa phù hợp. Dự thảo đã đặt ra một khung cứng với hoạt động khuyến mãi của siêu thị, trung tâm thương mại như: mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền; Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra tối thiểu trong 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo…
Phía VCCI cho rằng siêu thị hay trung tâm thương mại không phải hoạt động đặc thù để đi ngược lại hay có chính sách quy định riêng về khuyến mại, trong khi chính sách khuyến mại chung đã có.
Bên cạnh đó, các quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này, theo VCCI.
Những phân tích trên đang cho thấy một khả năng nhiều điều kiện kinh doanh, giấy phép con có thể được sản sinh ra nếu không được những người làm luật cân nhắc kỹ. Điều này sẽ đi ngược lại với những hành động mà phía Bộ Công thương đã nỗ lực trong thời gian qua là cắt giảm hàng loạt những thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho môi trường đầu tư, kinh doanh.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng hết lời khen ngợi Bộ Công thương trong công cuộc này. Ông nói: "Các bộ khác mới chỉ chạy hết một vòng, nhưng Bộ Công thương đã chạy sang vòng thứ hai rồi".
Tuy nhiên, bên cạnh việc cắt giảm, ông Cung lưu ý về việc chống "tái mọc" giấy phép con. "Chúng ta phải kiểm soát các Luật, Nghị định mới ban hành. Có thể những văn bản phál lý này sẽ đẻ thêm nhiều điều kiện kinh doanh. Cần một sự giám sát chặt chẽ", ông nói và cho biết "nếu mọc thêm thì chỉ những thứ cần thiết và phải lý giải được mục tiêu chính sách".
Hiện với tốc độ cải cách như hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2018 sẽ khó đạt. Ông Cung cho rằng phải đến giữa năm 2019 mới hoàn thành mục tiêu giảm 50% điều kiện kinh doanh hiện hành, theo thống kê của năm 2017.(CafeF)