“GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% năm 2018”; Nhà đầu tư lo ngại tương lai Starbucks sau khi CEO hãng từ nhiệm; Gần 23% dư nợ của Maritimebank là bất động sản và hạ tầng; Không nên phát triển thêm nhiệt điện than sau 2020
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-06-2018
- Cập nhật : 06/06/2018
Microsoft thâu tóm GitHub với giá 7,5 tỷ USD
Dự kiến thương vụ này sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, tùy thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan quản lý.
Sau nhiều đồn đoán, Microsoftchính thức tuyên bố thâu tóm GitHub với giá 7,5 tỷ USD. Tuy nhiên, toàn bộ thương vụ này sẽ được Microsoft thanh toán bằng cổ phiếu của họ.
GitHub là trang web lưu trữ mã nguồn lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. GitHub có thể coi là một điểm đến vô cùng quen thuộc đối với giới lập trình viên, lưu trữ một lượng khổng lồ mã nguồn của các dự án cá nhân, doanh nghiệp cũng như các dự án mã nguồn mở. Năm 2015, GitHub được định giá khoảng 2 tỷ USD.
Như một phần của thỏa thuận, Microsoft sẽ sắp xếp một nhân sự đảm nhiệm vị trí CEO của GitHub. Cụ thể, cựu giám đốc phụ trách Xamarin, Nat Friedman sẽ thay thế vị trí của Chris Wanstrath, đồng sáng lập kiêm CEO GitHub. Microsoft nói rằng Wandstrath sẽ gia nhập Miccrosoft với tư cách nhân viên kỹ thuật.
Thỏa thuận này dường như không thay đổi cách hoạt động của GitHub, Microsoft cho biết dịch vụ này vẫn sẽ vận hành độc lập và những ưu điểm mà các nhà phát triển yêu thích vẫn được giữ nguyên.(CafeF)
-----------------------
Nỗi lo chiến tranh thương mại "phủ bóng đen" lên ngành hàng không thế giới
"Thế giới càng hạn chế hoạt động thương mại tự do hay di cư và du lịch thì sự thịnh vượng của ngành hàng không càng giảm sút", Tổng giám đốc IATA nhấn mạnh.
Căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng có thể gây ra những tổn hại không nhỏ đến ngành hàng không cũng như kinh tế thế giới. Đó là lời cảnh báo vừa được lãnh đạo các doanh nghiệp và lãnh đạo ngành hàng không thế giới đưa ra tại hội nghị thường niên lần thứ 74 của IATA đang diễn ra ở Sydney (Úc).
Những động thái mới đây của Mỹ được cho là đã "châm ngòi" cho chiến tranh thương mạikhi đe dọa sẽ đánh thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc và áp thuế lên nhôm thép nhập khẩu từ nhiều nước đồng minh gồm Canada, Mexico và các nước EU.
Theo ông Alexandre de Juniac, tổng giám đốc của IATA, "bất kỳ động thái nào làm cản trở hoạt động thương mại và có thể dẫn đến hệ quả làm lượng hành khách đi lại bằng máy bay giảm xuống đều là tin xấu".
"Tin tức về các lệnh cấm vận, chính sách thuế quan và xung đột địa chính trị xuất hiện trên báo chí ngày càng nhiều. Bóng ma chiến tranh thương mại đang hiện diện. Những cuộc tranh luận về di cư và nhập cư ngày càng gay gắt, trong khi niềm tin giữa các quốc gia ngày càng trở nên mong manh hơn".
Trong khi đó bà Gloria Guevara Manzo, CEO của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), nhận định môi trường bất ổn hiện nay có thể làm giảm nhu cầu về các chuyến đi công tác (business trip) vốn là một trong những nguồn lợi nhuận chính của ngành hàng không. "Các doanh nghiệp cần phải chờ đợi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, doanh nghiệp của họ có bị ảnh hưởng không, liệu có phải đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường khác hay không. Chiến tranh thương mại chẳng bao giờ đem lại điều gì tốt đẹp", bà nói.
Bên cạnh đó, WTTC còn lo ngại bối cảnh hiện nay khiến các nước giảm lượng vốn đầu tư vào các cơ sở hạ tầng như sân bay, khách sạn hay cầu cảng bến bãi – điều không tốt cho sự phát triển của ngành hàng không.
Đồng tình với quan điểm chung, đại diện của các nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus nhấn mạnh sự thiếu chắc chắn là điều cực kỳ tệ hại đối với hoạt động kinh doanh. "Hàng không là ngành có tính chất toàn cầu. Thương mại tự do giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế và việc làm. Ngành hàng không tồn tại là bởi mọi người có thể đi lại tự do và các thị trường đều mở cửa". Trong khi đó 1 lãnh đạo của Boeing chia sẻ thuế nhập khẩu thép không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của Boeing vì 90% lượng nhôm mà hãng này sử dụng là đến từ trong nước.
Hội nghị thường niên lần thứ 74 của IATA quy tụ khoảng 130 CEO hàng không và khoảng 1.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay hội nghị bị bao trùm bởi nỗi lo sau 3 năm ở mức cao đột biến lợi nhuận của ngành hàng không sẽ sụt giảm do chi phí nhiên liệu, nhân công và cơ sở hạ tầng đều tăng cao.
"Thế giới càng hạn chế hoạt động thương mại tự do hay di cư và du lịch thì sự thịnh vượng của ngành hàng không càng giảm sút", ông de Juaniac nhấn mạnh.(CafeF)
----------------------------------
Tổng thống Chile đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam
Ngày 4/6, tại Phủ Tổng thống La Moneda, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chile Nguyễn Ngọc Sơn đã trình thư ủy nhiệm lên Tổng thống CH Chile Sebastian Piñera Echenique.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, tại buổi tiếp thân mật sau lễ trình thư ủy nhiệm, Tổng thống Piñera đã chào mừng Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn chính thức nhận nhiệm vụ tại Chile; thông qua Đại sứ chuyển lời thăm hỏi và những lời chúc tốt đẹp nhất tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các vị lãnh đạo Việt Nam.
Tổng thống Sebastian Piñera đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua, đồng thời nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong các chuyến thăm Việt Nam, đặc biệt chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 3/2012 trên cương vị Tổng thống Chile trong nhiệm kỳ đầu 2010-2014.
Nhà lãnh đạo Chile cũng bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước phát triển tích cực trong hơn 45 năm qua, và đề nghị cần mở rộng hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Tổng thống Piñera bày tỏ vui mừng chào đón Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Chile nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC 2019.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Tổng thống Sebastian Piñera; bày tỏ vinh dự được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của nước CHXHCN Việt Nam tại CH Chile.
Đại sứ thông báo một số nét về tình hình Việt Nam hiện nay và cam kết trên cương vị của mình, sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, vốn đã rất tốt đẹp, giữa chính phủ và nhân dân hai nước (TTXVN)
----------------------------
Mexico kiện Mỹ lên WTO về vấn đề thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu
Mexico sẽ bắt đầu triển khai các bước để giải quyết những bất đồng với Mỹ và gửi đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phản đối việc Washington áp thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép.
Tuyên bố của Bộ Kinh tế Mexico nêu rõ biện pháp trên của Mỹ vi phạm các quy tắc của WTO.
Công nhân làm việc tại một nhà máy luyện thép ở Monterrey, Mexico ngày 31/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Phòng Công nghiệp thép Mexico (Canacero) dự báo lĩnh vực luyện kim của nước này có thể thiệt hại tới 2 tỷ USD/năm do các biện pháp thuế quan của Mỹ đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập từ nước này.
Thông cáo mới đây của Canacero cảnh báo trong 2 năm qua, Mexico nhập nhiều nhôm và thép và chịu mức thâm hụt thương mại lên tới 3,6 tỷ USD với Mỹ trong lĩnh vực luyện kim. Do vậy, các biện pháp đáp trả của Mexico sẽ tác động mạnh tới ngành thép và nhôm của Mỹ.
Mexico chủ yếu xuất khẩu quặng sắt và các sản phẩm sắt, thép thô sang Mỹ, trong khi nhập khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Ngày 31/5, Mỹ tuyên bố bắt đầu áp dụng thuế nhập khẩu 25% đối mặt hàng thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Mexico, Canada (Ca-na-đa) và Liên minh châu Âu (EU), kết thúc thời hạn miễn thuế kéo dài hai tháng. Đáp lại, Mexico ngay lập tức thông báo áp dụng các biện pháp tương đương đối với nhiều mặt hàng của Mỹ.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết biện pháp đáp trả này nhằm vào các mặt hàng gồm thép, chân giò lợn, táo, nho và phô mai. Ông Guajardo nhấn mạnh Mexico sẽ áp dụng biện pháp trên cho đến khi được chính quyền Mỹ miễn trừ thuế nhập khẩu nhôm và thép.
Mexico là nhà nhập khẩu nhôm lớn nhất và nhập khẩu thép lớn thứ hai từ Mỹ. Theo ước tính, lượng hàng hóa trao đổi trị giá 4 tỷ USD giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng do mức thuế mới mà Washington áp với hai mặt hàng trên.(TTXVN)