Khởi công dự án điện mặt trời 1.300 tỉ đồng; Bài toán khó cho Tổng thống Trump ở hội nghị G7; Cathay Pacific tự tin sẽ lãi trong năm 2019 dù 2 năm qua liên tiếp thua lỗ; Startup Trung Quốc kết hợp mô hình Instagram và Amazon được định giá 3 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-06-2018
- Cập nhật : 04/06/2018
Cẩn trọng khi mua dự án đất nền ở Long An
Trong bối cảnh thị trường bất động sản khu vực các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Đồng Nai lên cơn sốt đất, nhiều công ty môi giới bắt tay với chủ đầu tư và đã có dấu hiệu qua mặt các cơ quan chức năng để tiến hành giao dịch đất nền trái quy định.
Dự án khu dân cư tại Đức Hòa của Công ty Trần Anh vừa bị Thanh tra Sở Xây dựng Long An xử phạt vì có nhiều sai phạm
Cụ thể, qua kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn, Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết đã tuýt còi hàng loạt dự án vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng và kinh doanh BĐS. Điều này đồng nghĩa các khách hàng mua đất nền ở khu vực này rất dễ gặp rủi ro vì tính pháp lý dự án không rõ ràng.
Đơn cử, Thanh tra Xây dựng tỉnh Long An vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP BĐS Trần Anh và buộc dừng thi công 2 dự án gồm dự án khu dân cư biệt thự tại Bến Lức và dự án chung cư thương mại tại Đức Hòa vì đã tổ chức thi công hạ tầng kỹ thuật mà không gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định (đối với công trình phải lập dự án) và không có giấy phép xây dựng của cơ quan thẩm quyền cấp.
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Long An buộc CTCP BĐS Trần Anh Long An phải ngừng thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư biệt thự Trần Anh và chung cư thương mại Trần Anh, đồng thời lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng theo đúng quy định.
Dự án khu dân cư, nhà ở công nhân Thiên Phúc - Hoàng Gia (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa), do CTCP Đầu tư BĐS Thiên Phúc làm chủ đầu tư, qua kiểm tra mới có chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, chưa được cơ quan chức năng phê duyệt đồ án quy hoạch, chưa lập thủ tục cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kế hoạch bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy nhưng đã tiến hành giao dịch sai quy định.
Điều đáng nói, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện tại là của cá nhân và chưa được Sở Tài nguyên - Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho Công ty Thiên Phúc. Thế nhưng, công ty này đã ngang nhiên bán nền đất cho rất nhiều khách hàng thời gian qua.
Đối với dự án Khu đô thị Năm Sao giai đoạn 1 (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc), do CTCP Tập đoàn Quốc Tế Năm Sao làm chủ đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết dự án này do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nên công ty chưa lập thủ tục cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Qua kiểm tra thực tế, Sở Xây dựng đề nghị công ty phải lập đầy đủ thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư dự án khác cũng bị xử phạt do đã có hành vi quảng cáo, rao bán không đúng tên gọi dự án, không đầy đủ thông tin, mập mờ tên chủ đầu tư đã gây hiểu nhầm cho khách hàng, ảnh hưởng tính minh bạch thị trường BĐS, dễ xảy ra tranh chấp, khiếu nại.
Trước diễn biến phức tạp trong hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn, Sở Xây dựng Long An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chấn chỉnh và siết chặt công tác quản lý.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, văn phòng luật sư bất động sản TP.HCM, việc chủ đầu tư mở bán và nhận đặt cọc, giữ chỗ theo kiểu các dự án nêu trên thuộc dạng bán tài sản hình thành trong tương lai. Vì vậy, việc các chủ đầu tư rao bán tràn lan trên mạng khi chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng như đường, điện, cống thoát nước… là một kiểu “lách luật”, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng và tranh chấp rất dễ xảy ra nhưng lại rất khó giải quyết trong tương lai. Do đó, các khách hàng cần phải rất thận trọng.(Laodong)
----------------------
Muốn thoái vốn, Habeco phải 'ưu tiên Carlsberg’?
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Công ty cổ phần bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang vướng mắc hợp đồng ký với Carlsberg nên khi thoái vốn thì phải ưu tiên cam kết với đối tác này.
Habeco vẫn chưa thể thoái vốn dù kế hoạch đuọc đặt ra phải xong trước cả Sabeco - NGỌC THẮNG
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về thoái vốn nhà nước tại Habeco tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2.6, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay của Habeco là hợp đồng đã ký kết với Carlsberg và khi thoái vốn thì đầu tiên phải ưu tiên cam kết giữa Habeco và Carlsberg.
Nói về thoái vốn tại các doanh nghiệp ngành công thương, theo ông Đỗ Thắng Hải, mặc dù thoái vốn là chủ trương nhất quán và xuyên suốt từ Thủ tướng cho đến các lãnh đạo của Chính phủ song vì một số lý do, nguyên nhân dẫn đến việc thoái vốn không được theo kế hoạch và không được như kỳ vọng.
Ngoài việc nhiều chính sách hiện nay chưa đồng bộ, cho nên khi thực hiện việc thoái vốn, còn có những vướng mắc nhất định, một nguyên do khác, theo ông Hải, "có thể một số cơ quan, kể cả bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.
Với trường hợp điển hình là tại Habeco, ông Hải cho biết điểm quan trọng hiện nay là hợp đồng đã ký kết với Carlsberg. “Khi chúng ta thực hiện thoái vốn thì đầu tiên phải ưu tiên cam kết giữa hai doanh nghiệp Habeco và Carlsberg, phải ưu tiên họ trước trong việc mua cổ phần của Nhà nước”, ông Hải nhấn mạnh và cho hay đây là vấn đề mà Bộ Công thương đã phải lập ra một tổ công tác, do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị. “Chúng tôi cũng đã thực hiện và thường xuyên báo cáo cập nhật vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng trực tiếp phụ trách vấn đề thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, ông Hải nói thêm.
Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng quản trị Habeco đã quyết định hoãn họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (theo kế hoạch là ngày 24.5) sang tháng 6.2018, sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Công thương. Trước đó, kế hoạch này cũng đã lùi từ cuối tháng 4 sang trong tháng 5. Trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội đã được công bố, Habeco đặt mục tiêu năm 2018 đạt sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu 500 triệu lít, tăng 3,7%; doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính 8.895 tỉ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế 607,3 tỉ đồng, giảm 7,7% so với năm 2017.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong tài liệu này, Habeco không đề cập đến tiến trình thoái vốn nhà nước. Nhà nước vẫn đang nắm 82% vốn tại Habeco, đối tác nước ngoài là Carlsberg đang giữ hơn 17%.(Thanhnien)
------------------------
230 cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số MSCI Thị trường mới nổi
Gần 230 cổ phiếu Trung Quốc vừa bước vào chỉ số MSCI Thị trường mới nổi hôm 1.6. Đây là sự kiện được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ giúp thu hút hàng tỉ USD vào thị trường Đại lục.
Ảnh: Bloomberg
Theo CNBC, việc bao gồm một phần cổ phiếu A-share (tức các cổ phiếu niêm yết bằng nhân dân tệ, giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến) vào chỉ số MSCI Thị trường mới nổi được diễn ra theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ hai diễn ra vào tháng 8.
Những cái tên được thêm vào MSCI Thị trường mới nổi là các hãng tài chính, tiêu dùng và phát triển như Kweichow Moutai sản xuất rượu cao cấp, BYD sản xuất xe điện, nhà băng lớn nhất Trung Quốc Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc và Ping An Insurance.
ZTE, hãng thiết bị viễn thông đang bị cấm mua công nghệ Mỹ, và bốn hãng khác không được thêm cổ phiếu vào MSCI Thị trường mới nổi.
Sau khi hoàn thành việc đưa cổ phiếu A-share vào MSCI Thị trường mới nổi lần đầu, tỷ lệ cổ phiếu Trung Quốc (gồm cổ phiếu A-share và cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông) đạt 31,3%. Hoàn tất thêm cổ phiếu A-share vào MSCI sẽ đưa tỷ lệ này lên 42%, với tỷ lệ của riêng cổ phiếu A-share là 16%.
Tuy nhiên sự kiện hôm 1.6 thất bại trong việc thúc đẩy tâm lý thị trường Trung Quốc. Thị trường nước này giảm điểm vào buổi chiều: Chỉ số Shanghai Composite hạ 0,53% trong khi chỉ số Shenzen Composite giảm 0,9%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông thì hạ 0,17%.
Việc thêm A-share vào MSCI Thị trường mới nổi được xem là biểu tượng quan trọng, dù khoảng 22 tỉ USD vốn đầu tư rót vào cổ phiếu A-share chỉ là một phần nhỏ so với kích thước thị trường chứng khoán Đại lục.
“Số lượng USD đầu tư vào bây giờ khá nhỏ, nhưng nó sẽ khởi động quá trình thêm cổ phiếu A-share vào chỉ số rất quan trọng này ngày càng nhiều”, Jon Howie, người đứng đầu chiến lược chỉ số chứng khoán tại BlackRock cho hay.
Dù sự kiện này có tác động hạn chế trên thị trường cổ phiếu A-share, nó vẫn là bước đi cực kỳ quan trọng trong việc mở rộng quá trình mở rộng tài khoản vốn của Trung Quốc, hai chuyên gia tại JPMorgan cho hay.
“Thị trường chứng khoán Trung Quốc giờ chính thức bước lên trường quốc tế”, hai chuyên gia viết trong một lưu ý. Việc A-share được thêm đầy đủ vào MSCI Thị trường mới nổi cũng đem lại nhiều thay đổi cho thị trường Đại lục.
“Dĩ nhiên còn nhiều tồn tại. Tạm ngừng giao dịch và nhân dân tệ hải ngoại là hai trong các vấn đề đó, song quá trình này là rất tiến bộ”, Frank Benzimra, người đứng đầu chiến lược vốn chủ sở hữu châu Á tại Societe Generale, cho biết. Ông nói thêm rằng MSCI thêm cổ phiếu A-share sau ba năm từ chối đồng nghĩa với việc giới quản lý và các sàn giao dịch Trung Quốc có nỗ lực khắc phục nhiều vấn đề. Dù vậy, rót vốn vào cổ phiếu A-share giai đoạn này, nhà đầu tư vẫn sẽ gặp nguy cơ thanh khoản và sự can thiệp thị trường.(Thanhnien)
--------------------