Châu Âu vẫn 'nghiện' khí đốt Nga; Tỉ phú Thái Lan liên tục gom cổ phiếu Vinamilk; Dự trữ nhiên liệu của Trung Quốc giảm trong cuối tháng 4; Samsung nhắm tới mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 57%
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-06-2018
- Cập nhật : 05/06/2018
Thái Lan xuất khẩu phở Việt
Phở Việt hiện thuộc nhóm sản phẩm xuất khẩu bán chạy nhất trong dây chuyền công nghiệp của doanh nghiệp Thái Lan.
Phở Việt Nam đang là một trong những sản phẩm ready-to-eat (thực phẩm tươi ăn liền đóng gói) thuộc hàng bán chạy nhấtcủa nhà máy CPF tại Thái Lan. Đây là tiết lộ của lãnh đạoCharoen Pokphan Foods Plc (CPF) trong buổi gặp gỡvới đoàn doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đầu bởi Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Phía CPF cho biết, phở của công ty bán rất chạy tại châu Mỹ, nơi các sản phẩm thực phẩm tươi ăn liền đóng gói rất được ưa chuộng. Đặc biệt, theo đánh giá, nhu cầu của món phở tại Mỹ ngày càng lớn. Viện nghiên cứu nhập cư Mỹ cho hay, tính đến năm 2014, có 8.900 cửa hàng phở Việt Nam tại Mỹ và con số này vẫn tăng.
Phở Việt Nam cùng với Pizza Ý, bánh burritos Mexico và Sushi Nhật Bản trở thành một trong những món ăn được ưa chuộng nhất tại Mỹ.CPF cho biết, ban đầu chỉ dự tính mở mộtvăn phòng thương mại, nhưng sau đó đã quyết định xây dựng hẳn nhà máy tại Mỹ vớisản lượng 2 triệu sản phẩm mỗi ngày, phân phối trong các siêu thị, kênh bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon...
Phở gà đóng gói do CPF sản xuất bán gần 5 USD mỗi tô trên Walmart Canada.
Theo đánh giá của đại diệnHội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, phở tươi đóng gói của công ty Thái Lan có "thiết kế bao bì bắt mắt, và rất dễ sử dụng". Sản phẩm xuất khẩu thuận tiện vì hạn dùng đến 18 tháng, chỉ cần cho vào lò vi sóng khoảng 1-2 phút trước khi ăn.
Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp Việt ngạc nhiên nhất là nhà máy của CPF tại Thái Lan, nơi sản xuất món phở, có công suất 200.000 sản phẩm mỗi ngày nhưng chỉ chưa đầy 10 công nhân. Phía đơn vị này tuyên bố đây có thể coi là một nhà máy 4.0 và đang tiếp tục được nâng cấp để tự động hóa hoàn toàn.Hiện nay, một số dây chuyền đã được tự động hóa và chỉ cần 2 công nhân điều khiển bằng máy tính.
Một góc nhà máy sản xuất thực phẩm của CPF tại Thái Lan.
"Để đuổi kịp một trong những đối thủ trực tiếp của ngành nông sản và thực phẩm tại Đông Nam Á này thì Việt Nam còn nhiều điều phải thay đổi", đại diệnHộidoanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng caobình luận.
Tại Việt Nam hiện chưa nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường thực phẩm tươi đóng gói, với chỉ một số ít tên tuổi như Sài Gòn Food với công suất 100.000 suất ăn tươi mỗi ngày; CJ Cầu Tre với bún bò Huế, mỳ spaghetti xốt bò nấu sẵn, hạn dùng 12 tháng khi đặt trong ngăn đá tủ lạnh. Gần đây nhất là tham vọng dùng công nghệ xử lý áp suất cao để sản xuất các loại thực phẩm như phở, bún bò hay nước mía, nước thanh long, dưa hấu… của Minh Hưng Group. Dự kiến, nhà máy của tập đoàn này với quy mô đầu tư 500 tỷ đồng cho giai đoạn một sẽ được khởi công vào tháng 9 tới và vận hành vào năm sau.(Vnexpress)
---------------------------
Trung Quốc tuyên bố để ngỏ cánh cửa đàm phán thương mại với Mỹ
Ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố cánh cửa đàm phán thương mại về nguyên tắc vẫn mở, một ngày sau khi Bắc Kinh cảnh báo bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Washington sẽ không còn hiệu lực nếu Mỹ áp đặt các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo nêu rõ: “Về nguyên tắc, lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng rằng cánh cửa đối thoại và tham vấn với nước này luôn mở".
Bà Hoa Xuân Oánh cho biết thêm Trung Quốc thực sự muốn “giải quyết thích đáng” vấn đề thương mại với Mỹ thông qua đối thoại, song không nêu rõ chi tiết.
Trung Quốc và Mỹ đã kết thúc vòng tham vấn thứ ba về kinh tế và thương mại ngày 3/6. Sau cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tại Bắc Kinh, phía Trung Quốc đã ra tuyên bố thể hiện sẵn sàng gia tăng nhập khẩu hàng hóa của nhiều nước, trong đó có Mỹ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cảnh báo mọi thỏa thuận đạt được giữa hai bên sẽ không còn hiệu lực nếu Washington thực hiện các biện pháp trừng phạt thương mại, bao gồm áp đặt các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong bài xã luận, nhật báo chính thức "China Daily" của Trung Quốc nhận định kết quả cuộc đàm phán trên cho thấy hai bên tiếp tục đạt được bước tiến “mang tính xây dựng”, song cảnh báo chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rất khó đoán định.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng thời gian gần đây khi hai bên lần lượt đưa ra đe dọa áp thuế đối với lượng hàng nhập khẩu có giá trị 150 tỷ USD.(TTXVN)
---------------------
Cần cảnh giác với người Trung Quốc mua nhà đất ven biển Đà Nẵng
Đã từ lâu tại Đà Nẵng và các thành phố ven biển, có rất nhiều người Trung Quốc cố tình lách luật để sở hữu nhà đất. Vị trí mà người nước ngoài tập trung sở hữu nhà đất cũng gần các vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Những khu dân cư ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng từ nhiều năm nay người dân không còn lạ với những ngôi nhà người Việt đứng tên để người Trung Quốc mua đất xây nhà sinh sống. Không chỉ ở các khu dân cư những lô đất đắc địa ở ven biển cũng được người Trung Quốc sở hữu bằng hình thức người Việt đứng tên hộ.
Theo tìm hiểu của phóng viên VTC1, một người nhiều lần tiếp cận và giao dịch mua bán đất đai với người Trung Quốc cho biết, các vị trí đất đắc địa ven biển hầu như đã được người nước ngoài sở hữu, trong đó người Trung Quốc là chủ yếu.
Có 3 hình thức cơ bản được họ áp dụng, thứ nhất là những người Hoa kiều tức là bà con dòng họ ở Sài Gòn ra hoặc ở đây đứng tên cho, thứ hai là cưới vợ Việt Nam và cho vợ đứng tên, thứ ba là theo hình thức công ty cổ phần.
Hình thức thành lập công ty cổ phần với tỷ lệ người Việt 51% người nước ngoài 49% nhưng thực chất 100% vốn là người nước ngoài đang được áp dụng khá nhiều, nhất là khu vực xung quanh sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Theo các cơ quan chức năng từ năm 2015 khu vực sân bay Nước mặn, có 246 lô đất tại khu vực sân bay Nước Mặn được sở hữu bởi các doanh nghiệp, cá nhân. Hầu hết các lô đất này đều có dấu hiệu nghi do người Trung Quốc đứng phía sau thu gom, nhờ người Việt Nam đứng tên để lách luật.
Biểu hiện của hình thức sở hữu này là một số cá nhân sở hữu số lượng nhiều một cách bất thường hoặc một số công ty sở hữu hàng chục lô như Công ty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday 24 lô; Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi 17 lô; Công ty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung 12 lô; Công ty TNHH TM Du lịch & DV Nguyên Thịnh Vượng 10 lô; Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp 7 lô; Công ty TNHH Thương mại Du lịch và DV Silverk Park 04 lô và Công ty TNHH Du lịch TM và DV Golden Wyn 3 lô.
Theo luật sư Đỗ Pháp, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, không cấm việc đứng tên nhưng cần làm rõ nguồn tài chính từ đâu mà có, quan hệ pháp lý giữa người đứng tên mua nhà và người sử hữu thực sự kia có ràng buộc nhau cái gì không. Nếu có thì pháp luật pháp cần có chủ trương rõ ràng chứ không để người ta tự động thực hiện giao dịch đó. Nhưng cái quan trọng nhất là hiện nay có tình trạng đó xảy ra nhưng chúng ta vẫn nhắm mắt làm ngơ thì không thể chấp nhận được.
Hiện tại vì sao người Trung Quốc lại lách luật để sở hữu đất và nhà dọc theo biển và vị trí nhạy cảm tại Đà Nẵng thì khó xác định. Tuy nhiên thực trạng này đang khiến nhiều người nghi ngại nhất là các vị trí người nước ngoài nhắm đến là các vị trí đắc địa ven biển và an ninh Quốc phòng.
Thực tế hiện nay không chỉ tại Đà Nẵng mà làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc còn có ở nhiều địa phương khác.
Theo một báo cáo của JLL, làn sóng đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường Việt Nam trải rộng trên khắp các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp đến bất động sản du lịch. Dự báo, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản của đối tác Trung Quốc sẽ tiếp tục sôi động, đặc biệt trong thị trường nhà ở.
Như thương vụ mua bán của VinaCapital với Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) đến từ Trung Quốc tại dự án Đại Phước Lotus, Hongkong Land hợp tác với CII phát triển Thủ Thiêm River Park, CFLD hợp tác với Tập đoàn Tín Nghĩa phát triển các dự án liền kề sân bay quốc tế Long Thành. Thương vụ tập đoàn Chow Tai Fook Trung Quốc thâu tóm dự án Casino Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD…
6 năm trở lại đây, nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu năm 2012, Trung Quốc xếp vị trí thứ 13 trong số 100 đối tác đầu tư vào Việt Nam, với hơn 2 tỷ USD thì đến cuối 2016, con số này đã vượt 10,5 tỷ USD. Đến năm 2017 tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đến nay đạt hơn 12 tỷ USD, với 1.784 dự án đầu tư, trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 tại Việt Nam.
Các chuyên gia cũng lưu ý, với dòng vốn có nhiều điều tiếng từ Trung Quốc thì Việt Nam cần cảnh giác và cần thận trọng trong hợp tác đầu tư.(CafeLand)
-----------------------------
PVN nộp ngân sách Nhà nước vượt 32% kế hoạch
Tính đến hết tháng 5/2018, toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nộp ngân sách Nhà nước đạt 40.800 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch 5 tháng và bằng 55% kế hoạch năm 2018.
Giàn khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo PVN, trong 5 tháng qua, thị trường dầu khí có nhiều biến động khó lường nên đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn.
Tuy nhiên, PVN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm động viên, trấn an, khích lệ tinh thần cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn Tập đoàn.
Hàng tháng, hàng quý, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ đều ban hành Kết luận, Nghị quyết về công tác lãnh đạo, tư tưởng của Tập đoàn, thường xuyên giao ban, nắm tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, người lao động.
Lãnh đạo Tập đoàn trực tiếp đến các đơn vị nắm bắt tình hình, động viên khích lệ, đồng thời tăng cường tuyên truyền kết quả sản xuất kinh doanh đến người lao động...
Với những giải pháp này, 5 tháng đầu năm 2018, PVN đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương giao.
Theo đó, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra. Tập đoàn đã đưa mỏ Bunga Pakma – PM3CAA vào khai thác bắt đầu từ ngày 12/5/2018, sớm hơn so với kế hoạch 1 tháng 19 ngày.
Tổng sản lượng khai thác quy dầu 5 tháng đầu năm đạt 10,44 triệu tấn, vượt 2,7% kế hoạch 5 tháng và bằng 45,7% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu 5 tháng qua đạt 6,01 triệu tấn, vượt 2,2% kế hoạch; sản lượng khai thác khí 5 tháng đạt 4,43 tỷ m3, vượt 3,4% kế hoạch 5 tháng.
Bên cạnh đó, sản xuất điện 5 tháng đầu năm đạt 9,80 tỷ kWh, vượt 6,1% kế hoạch 5 tháng. Sản xuất đạm 5 tháng đầu năm đạt 695 ngàn tấn, vượt 5,2% kế hoạch 5 tháng. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn 5 tháng đầu năm đạt 2,96 triệu tấn, vượt 2,6% kế hoạch 5 tháng.
Về tài chính, tổng doanh thu toàn PVN 5 tháng đạt 234,5 ngàn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch 5 tháng và bằng 40% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 5 tháng đạt 9,8 ngàn tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch 5 tháng và bằng 51% kế hoạch năm.(TTXVN)