Tiềm năng phát triển của các nền kinh tế châu Á
Hiệp hội Thép: Thời gian tới có thể áp thuế tự vệ chính thức để bảo vệ phôi thép
Pinaco sẽ phát hành tăng vốn lên gấp 1,5 lần
WTO cảnh báo thiệt hại trong xuất khẩu của Anh khi rời khỏi EU
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-08-2016
- Cập nhật : 12/08/2016
Hiệp hội thép: Giá thép có thể sẽ tăng trong thời gian tới
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu xây dựng trong nước tốt, cùng với những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản hồi phục nên lượng thép dài sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được mức sản lượng khá cao.
Cùng với đó, hiệp hội cũng dự báo, nhiều khả năng giá thép sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới đây.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho hay, hiện giá bán các sản phẩm thép phế từ đầu tháng Bảy đến nay không có nhiều thay đổi song giá phôi thép và thép thanh đã có mức tăng đáng kể.
Cụ thể, phôi thép từ đầu tháng Bảy là 300-310 USD/tấn đã tăng lên 315-325 USD/tấn vào đầu tháng Tám. Thép thanh cũng tăng tương tự từ 308-315 USD/tấn lên 330-338 USD/tấn.
Còn trong nước, giá bán thép xây dựng tháng Bảy và đầu tháng 8/2016 nhìn chung tương đối ổn định.
Giá bán tại các nhà máy phía Bắc là 9,4-9,9 triệu đồng/tấn; miền Nam là 9,4-9,7 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm 10% VAT, giao tại nhà máy...).
Tuy nhiên, ông Sưa nhận định, khả năng tăng giá trong những tháng tới là rất cao.
Nguyên nhân được ông Sưa đưa ra là do giá phôi, giá thép phế nói chung và giá phôi Trung Quốc có xu hướng tăng hơn so với tháng trước 10-20 USD/tấn; thị trường bước vào những tháng cuối năm khi xây dựng có phần khởi sắc hơn...
Ngoài ra, cũng theo báo cáo của VSA, giá thép phế hiện ở mức 228 USD/tấn, tương đương mức giá cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức cao nhất là 287 USD/tấn.
Giá phôi thép hiện ở 330 USD/tấn, tương đương mức giá hồi tháng 6/2015 và cũng chưa quay trở lại bằng mức giá hồi đầu tháng 1/2015 là 371 USD/tấn...
Trong tháng Bảy, sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2015, giảm 5% so với tháng trước.
Bán hàng sản phẩm thép các loại tháng Bảy đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 20% so với tháng 6/2016 và tăng 27,3% so với cùng kỳ 2015.
Xuất khẩu các sản phẩm thép các loại tháng 7/2016 cũng đạt hơn 246.500 tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tăng trưởng mạnh về cả bán hàng và sản xuất các sản phẩm thép trong 7 tháng so với cùng kỳ năm trước cho thấy khả năng đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về các sản phẩm thép xây dựng của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, để có thể giữ được thị phần trong nước, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất… để tiếp tục có giá thành cạnh tranh hơn…/.(Vietnam+)
Bộ Tài chính nói gì về tăng thuế nhập khẩu ‘làm khó con tôm’
Quyết định của Bộ Tài chính về áp thuế nhập khẩu mới cho mặt hàng trứng artermia (một loại thức ăn nuôi tôm giống) đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôm giống cho rằng quyết định tăng thuế này là “làm khó con tôm”.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 98/2016/TT-BTC bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với mặt hàng trứng artemia vào chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo Thông tư này, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng trứng artemia từ 5% xuống 3% và chi tiết thêm dòng thuế này vào chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi với mã hàng là 9843.00.00.
Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh về thuế nhập khẩu mặt hàng trứng artemia của Bộ Tài chính đã khiến cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôm giống cho rằng quyết định tăng thuế này là “làm khó con tôm”.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính tối qua (10/8) đã phát thông tin "lên tiếng" khẳng định quyết định trong việc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu trứng artermia của Bộ Tài chính là đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp và bảo hộ hợp lý cho sản xuất trong nước.
Theo Bộ Tài chính, mã số hàng hóa quy định tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi Việt Nam và việc phân loại hàng hóa của Hải quan Việt Nam được tuân thủ hoàn toàn theo Công ước quốc tế về mô tả và mã hóa hàng hóa (gọi tắt là Công ước HS), Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN).
Tham gia quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới và Tổ chức Hải quan ASEAN, đồng thời đã ký kết Công ước HS. Do vậy, việc phân loại hàng hóa không chỉ được thực hiện thống nhất trong các đơn vị hải quan cả nước mà còn thống nhất với các quốc gia trên thế giới, đảm bảo mỗi mặt hàng chỉ có một mã số.
Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, mặt hàng trứng Artemia còn sống, dùng làm thức ăn cho tôm được phân loại vào nhóm 05.11, mã số 0511.99.90, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 5%. Các quốc gia trên thế giới cũng phân loại thống nhất mặt hàng này vào nhóm 0511.
Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, đa số các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này đã phân loại đúng theo mã số 0511.99.90.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Cục Hải quan các tỉnh thành phố thì từ năm 2009-2015, có khoảng hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia, trong đó, khoảng hơn 20 doanh nghiệp nhập khẩu với kim ngạch chiếm 84% tổng số kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khai báo mã số 0511.91.00 (thuế suất 5%); và chưa đến 10 doanh nghiệp nhập khẩu với lượng kim ngạch chiếm 15% tổng số kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khai báo vào nhóm 23.09 (thuế suất 0%).
Như vậy, việc cơ quan Hải quan truy thu các doanh nghiệp khai báo mã số chưa đúng là đúng quy định của pháp luật và đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp đã nhập khẩu mặt hàng này.
Hơn nữa, theo quy định tại Biểu khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì mặt hàng trứng Artemia có mức cao nhất là 5%, mức cam kết trần WTO là 5%. Sau khi nhận được kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều chỉnh thuế suất với mặt hàng này, Bộ Tài chính đã dự thảo văn bản và gửi xin ý kiến các bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Và theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng này phải đảm bảo tính khả thi và phù hợp với Nghị quyết 99 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 là không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước và mặt hàng này là mặt hàng trong nước đã sản xuất được...
Qua số liệu của Tổng cục Thủy sản thì nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này khoảng trên 200 tấn, sản xuất trong nước đáp ứng 20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.
Do vậy, trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, Hiệp hội, Bộ Tài chính thấy cần có mức thuế hợp lý để vừa khuyến khích bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, vừa khuyến khích mặt hàng tôm giống phát triển nên đã ban hành Thông tư số 98/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu trứng Artemia từ 5% xuống 3%.
EU sẽ thanh tra toàn diện vấn đề an toàn thực phẩm thủy sản nuôi Việt Nam
Lo ngại về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thủy sản NK từ Việt Nam, ngoài việc gửi công thư cảnh báo, trong năm 2017, EU sẽ sang thanh tra toàn diện và tổng thể hệ thống kiểm soát dư lượng chất độc hại trong thủy sản nuôi ở nước ta.
Từ năm 2014 đến nay, EU đã 2 lần gửi công thư tới cơ quan thẩm quyền của Việt Nam để cảnh báo về tình hình ATTP ở thủy sản có nguồn gốc từ Việt Nam.
Cụ thể, ngày 9/12/2014, Tổng vụ Sức khỏe và ATTP (DG SANTE) của Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư gửi cơ quan thẩm quyền Việt Nam thông báo rằng trong năm 2014, đã có tới 48 lô thủy sản của 16 doanh nghiệp Việt Nam bị EU cảnh báo về hóa chất, kháng sinh.
Với số lô hàng bị cảnh báo cao như vậy, DG SANTE khẳng định đây là vấn đề rất nghiêm trọng liên quan đến hệ thống kiểm soát ATTP của Việt Nam, và yêu cầu Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) nhanh chóng điều tra nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả.
Tháng 1/2015, NAFIQAD đã có công thư gửi DG SANTE, cung cấp nguyên nhân các lô hàng vi phạm các quy định về hóa chất, kháng sinh và thông báo các biện pháp cấp bách do Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị trực thuộc thực hiện để kiểm soát tình hình. Nhờ đó, DG SANTE đã chưa thực hiện các biện pháp khẩn cấp đối với thực phẩm thủy sản NK từ Việt Nam.
Nhờ đó, trong mấy năm qua, tình hình ATTP trong thủy sản XK sang EU đã có nhiều cải thiện. Nếu như trong năm 2014, có 91 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo ATTP ở EU, thì sang năm 2015 chỉ còn 47 lô và 6 tháng đầu năm 2016 là 13 lô.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền EU vẫn tỏ ra quan ngại với ATTP thủy sản Việt Nam, nhất là dư lượng hóa chất, kháng sinh. Bởi trong 6 tháng đầu năm nay, tuy chỉ có 6 lô hàng thủy sản bị EU cảnh báo hóa chất, kháng sinh, nhưng về tỷ lệ thì chiếm tới gần 50% tổng số lô hàng thủy sản bị cảnh báo ATTP ở thị trường này. Đây là một con số đáng lo ngại, vì trong năm 2015, tỷ lệ lô hàng thủy sản bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh ở EU đã giảm mạnh xuống còn 29% so với mức 54,9% của năm 2014.
Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho vào tháng 5 vừa rồi, DG SANTE lại có công thư gửi NAFIQAD, cảnh báo rằng biện pháp kiểm soát hóa chất, kháng sinh của Việt Nam vẫn chưa thực sự có hiệu quả, chưa kiểm soát tốt việc phân phối và sử dụng thuốc thú y, không tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc, không kiểm soát tốt việc sử dụng hóa chất cấm.
Cũng trong công thư này, DG SANTE đã yêu cầu Việt Nam phải thực hiện ngay những biện pháp cần thiết để đảm bảo ATTP các lô hàng thủy sản XK sang EU và cảnh báo sẽ đưa ra khỏi danh sách được phép XK vào EU cơ sở chế biến có lô hàng thủy sản bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh cấm.
Theo ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng NAFIQAD, EU đang tăng cường kiểm soát thủy sản NK từ Việt Nam. Đặc biệt, thông tin từ DG SANTE cho hay, trong năm 2017, EU sẽ tiến hành thanh tra toàn diện và tổng thể hệ thống kiểm soát dư lượng chất độc hại trong thủy sản nuôi ở Việt Nam.
Theo đó, tất cả các khâu liên quan đến ATTP trong nuôi thủy sản đều được thanh tra, từ cấp phép cho lưu hành thức ăn thủy sản, thuốc thú y, sản phẩm phục vụ nuôi thủy sản, sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi…, tới việc đảm bảo ATTP trong quá trình chế biến ở các nhà máy.
Trước tình hình đó, NAFIQAD đã đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét ban hành quyết định ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản sản xuất từ các cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo hóa chất, kháng sinh.
Việc cấp chứng thư sẽ được thực hiện trở lại khi doanh nghiệp có báo cáo điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục được thẩm tra phù hợp. Các cơ quan có liên quan thuộc Bộ NN-PTNT, chính quyền các tỉnh, TP cần triển khai quyết liệt hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi thủy sản…
Ông Ngô Hồng Phong cho rằng các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc tự kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản XK.(NNVN)
Xuất khẩu nông sản: Cần thông tin thông suốt
Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 30% lượng hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, những thay đổi từ thị trường này có sự tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Nhiều mối lo từ thị trường truyền thống
Với dân số đứng hàng đầu thế giới và vị trí địa lý sát ngay Việt Nam, thị trường Trung Quốc đang “hút” hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường truyền thống này có nhiều chính sách biên mậu khiến nông sản Việt nhiều phen lao đao, hàng hóa “dội chợ” và sụt giá thê thảm.
Điển hình nhất là mặt hàng gạo. Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 54% thị phần của thị trường này, tuy nhiên thương nhân Trung Quốc hầu hết thu mua tiểu ngạch để tránh thuế nên việc xuất khẩu của ta gặp nhiều rủi ro.
Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, những năm trước, xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc rất lớn, nhưng năm nay rất khó khăn, vì chính sách nhập khẩu của Trung Quốc có sự thay đổi lớn, họ chuyển hướng sang nhập gạo từ Campuchia, Thái Lan, Myanma.
Bà Tâm cũng nhìn nhận, chính sách nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc cũng rất khác biệt và chuyển đổi nhanh chóng. Năm 2015, muốn có đươc hạn ngạch xuất khẩu thì chúng ta phải cam kết đồng thời nhập khẩu lại hàng hóa của bạn bao nhiêu. Nhưng năm nay, khi họ chuyển chính sách nhập khẩu hàng từ Campuchia thì lại có những chính sách khác hẳn.
Trong ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục Phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) mô tả câu chuyện gần đây khi các xe tải nối hàng, mỗi xe chở cả trăm con lợn mỡ xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Càng xuất khẩu được thì hàng đổ về cửa khẩu càng nhiều. Nhưng nếu đột ngột cửa khẩu nước bạn hạn chế nhập khẩu thì các chủ xe phải lùa lợn xuống... “đi bộ” qua lối đường mòn và phải bán tống bán tháo. Lợn gãy chân, chết dọc đường khá nhiều trong khi vẫn còn hàng dài xe chở lợn mỡ chờ thông quan.
Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện ở ngành hàng cá tra khi gần đây các thương nhân Trung Quốc tâp trung thu mua cá cỡ lớn (khoảng trên 1kg/con). Cá tra cỡ lớn không phải là “gu” nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu có giá trị lớn như châu Âu . Chính vì thế, các doanh nghiệp trong nước cũng không nhập loại cá tra cỡ lớn để chế biến. Nguy cơ cuối cùng người nuôi sẽ gánh chịu.
Theo bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn vào số liệu thống kê của Hải quan thì Trung Quốc đang là thị trường chiếm 28,5% tổng lượng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. “Tuy nhiên thống kê này vẫn chưa đầy đủ vì thực tế xuất khẩu tiểu ngạch rất lớn, nên có thể ước tính lượng hàng nông sản nói chung của chúng ta đang xuất sang Trung Quốc là nhất là khoảng 30%”, bà Thảo khẳng định.
Lượng hàng thì chiếm khoảng 30% xuất sang Trung Quốc, nhưng với thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay thì những biến động trong chính sách thu mua nông sản của Trung Quốc lại tác động rất lớn đến sản xuất của từng hộ nông dân Việt Nam.
Cần khơi mạch thông tin
Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng Phòng Hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại (Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan) là người có kinh nghiệm nhiều năm công tác tại các cửa khẩu giáp Trung Quốc chia sẻ: “Nhiều năm tôi ở biên giới thấy thương lái Trung Quốc tuy thu mua độc lập nhưng lại rất thống nhất về giá. Ví dụ, họ cùng thống nhất mua 3 tệ/kg hàng hóa là đúng 3 tệ, không thấy ai mua hơn, mua kém dù số lượng và chất lượng hàng nông sản Việt Nam như thế nào. Sau đó họ sẽ rút dần xuống còn 2 tệ hoặc 1,5 tệ nhưng cũng rất đồng loạt.
Còn về phía Hải quan của Trung Quốc thì không có vấn đề gì, nhưng các đơn vị chức năng kiểm soát chất lượng thì tùy theo chính sách biên mậu của họ mà khi thì gắt gao khi thì lại thoáng trong vấn đề nhập nông sản.
Ông Sơn cũng nhìn nhận thêm: “Tuy ở cấp cao chúng ta đã bàn thảo, ký kết để tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nhưng việc thực hiện chính sách biên mậu của các địa phương có biên giới chung lại rất linh hoạt. Chính vì vậy, việc nắm bắt thông tin ngay tại vùng biên giới là yếu tố rất quan trọng để điều tiết lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Còn bà Dương Phương Thảo cho biết: “Chúng tôi đã cử đoàn sang làm việc với Trung Quốc, họ ghi nhận và hứa tạo điều kiện tối đa cho hàng nông sản Việt Nam. Nhưng thông điệp của họ là sẽ siết chặt hoạt động xuất tiểu ngạch để chống buôn lậu, đồng thời họ sẽ tăng cường giám sát chất lượng, kiểm soát đầu mối được phép nhập vào Trung Quốc, giám sát nhà máy chế biến, sản xuất. Do vậy, điều cần thiết nhất vẫn là chúng ta phải cải thiện chất lượng nông, lâm, thủy sản”.
Không những phải thông suốt thông tin từ thị trường đến người sản xuất, một mạch thông tin khác cũng cần được khơi nguồn đó là khúc mắc của doanh nghiệp đến với các đơn vị quản lý.
Bà Thảo thẳng thắn nhìn nhận từ giữa năm 2015, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã ký hợp tác để tăng cường xuất khẩu với những nội dung rất cụ thể, nhưng việc này vẫn chỉ “ở trên giấy”.
Theo đề xuất của bà Thảo, sau các cuộc làm việc liên bộ hoặc các cuộc làm việc với doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cần có những biên bản chỉ rõ đơn vị sẽ xử lý các vấn đề nảy sinh và thời hạn giải quyết cụ thể; tránh trường hợp, nhiều khi những khúc mắc của doanh nghiệp được nêu trên khắp các diễn đàn, thậm chí lên đến cấp cục, vụ... Nhưng đến khi lãnh đạo Bộ chủ trì các cuộc họp tiếp theo thì vấn đề lại như mới tinh hoàn toàn.(Chinhphu.vn)