2 đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư
Nâng 'tuổi thọ' máy móc cũ được nhập khẩu lên gấp đôi
Masan đạt doanh thu kỷ lục từ hàng tiêu dùng nội địa
TP.HCM kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án phát triển đô thị
Vietcombank ngừng dịch vụ chuyển tiền ATM cho người nước ngoài
Tin kinh tế đọc nhanh 12-08-2016
- Cập nhật : 12/08/2016
Vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh
Theo một báo cáo kinh tế vĩ mô được Ngân hàng Standard Chartered công bố hôm 9/8, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay được dự báo ở mức 6% và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm nay, trong khi xuất khẩu có thể giảm nhẹ trong 6 tháng tới.
Các chuyên gia của Standard Chartered tin tưởng Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới không mấy sáng sủa. Trong đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng vào nửa cuối năm nay sau khi giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm.
Vốn FDI thực hiện trong năm 2015 cao hơn năm 2014, nhưng vốn đăng ký đầu tư mới lại giảm. Tuy nhiên, Standard Chartered kỳ vọng cả vốn FDI đăng ký và thực hiện tại Việt Nam trong năm 2016 đều tăng hơn năm ngoái. Trong đó, vốn FDI vào ngành sản xuất sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2016.
Cho đến nay, 65% dòng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vào ngành sản xuất. Các chuyên gia của ngân hàng này kỳ vọng xu hướng này tiếp tục trong những quý tiếp theo, đặc biệt khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng cao.
Hiện Việt Nam là điểm đến đầu tư được ưa thích của các công ty sản xuất tại phía nam Trung Quốc do đang muốn dời hoạt động ra khỏi nước này. Hơn 40% khách hàng đang hoạt động tại Trung Quốc của Ngân hàng Standard Chartered muốn dời sang Việt Nam và Campuchia là điểm đến được yêu thích thứ hai.
Chuyên gia của Standard Chartered cũng cho rằng Việt Nam nên tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào ngành sản xuất công nghệ cao để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu hàng điện tử.
Trong khi FDI vào Việt Nam trong năm nay được dự báo tăng trưởng khả quan, báo cáo cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm nay sẽ giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu của các nước phương Tây, mặc dù xuất khẩu có tăng ổn định trong 6 tháng đầu năm.
Theo đó, Việt Nam có thặng dư thương mại trong nửa đầu năm nay nhờ xuất khẩu hàng điện tử tăng tốt trong khi nhập khẩu tăng chậm lại. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm nay, Việt Nam được dự báo sẽ nhập siêu do xuất khẩu yếu trong khi nhập khẩu lại tăng mạnh nhằm phục vụ các dự án FDI được triển khai.
Ngoài ra, theo báo cáo, kinh tế Việt Nam trong năm nay được dự báo tăng trưởng 6% và dự báo tăng 6,6% vào năm tới. Ngành sản xuất và xây dựng tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bù lại cho tăng trưởng nông nghiệp đang chậm lại do tình trạng hạn hán trầm trọng nhất trong 90 năm qua.(CP)
Việt Nam nhập siêu 3 tỷ USD từ ASEAN
Về cán cân thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2016 thì thâm hụt tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với mức 3,3 tỷ USD, bằng 45,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2016, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong nửa đầu năm 2016 đạt 8,08 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ của một năm trước đó và chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN giảm trong 6 tháng/2016 là do trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng giảm như dầu thô giảm 715 triệu USD; sắt thép loại khác giảm 222 triệu USD; tàu thuyền các loại giảm 215 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 114 triệu USD …
Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ các nước ASEAN trong 6 tháng/2016 là 11,38 tỷ USD, giảm 4,6% so với 6 tháng/2015 và chiếm tới 14,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước từ tất cả các thị trường trên thế giới.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường ASEAN trong 2 quý đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước 543 triệu USD về số tuyệt đối chủ yếu do trị giá nhập khẩu một số nhóm hàng chủ lực giảm như xăng dầu các loại giảm 429 triệu USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 293 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 235 triệu USD; sản phẩm khác từ dầu mỏ giảm 142 triệu USD; hóa chất giảm 103 triệu USD…
Về cán cân thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2016: mức thâm hụt tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với mức 3,3 tỷ USD, bằng 45,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (các con số tương ứng trong 2 quý đầu năm 2015 là 2,66 tỷ USD; 31%).
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu: Tính đến hết tháng 6 năm 2016, hai nhóm hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN vẫn là điện thoại các loại và linh kiện và máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá chiếm xấp xỉ 22,7% tổng kim ngạch hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Về các đối tác trong ASEAN, trong 6 tháng đầu năm 2016, Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá hàng hoá trao đổi giữa hai nước là 5,64 tỷ USD. Tiếp theo là Malaixia: 3,87 tỷ USD và Singapore: 3,63 tỷ USD.
Ngân hàng dồn dập cảnh báo lừa đảo qua mạng sau vụ hacker tấn công sân bay
Các nhà băng lớn vừa đồng loạt gửi tin nhắn, email cảnh báo người dùng không cung cấp thông tin thẻ qua điện thoại, email, mạng xã hội hay những đường link lạ để tránh nguy cơ mất tiền.
2 ngày nay, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã gửi tin nhắn cho toàn bộ các khách hàng cảnh báo về việc lừa đảo qua mạng nhằm đánh cắp thông tin tài khoản. Nhà băng này khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên hay mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử (Internet Banking), mã mật khẩu một lần (OTP), số thẻ ngân hàng bằng bất cứ hình thức nào qua điện thoại, email, mạng xã hội hay những trang web, đường link lạ.Sở dĩ Vietcombank phải đưa ra cảnh báo này bởi thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều chiêu thức lừa đảo khác nhau để giả mạo giao dịch ngân hàng điện tử. Ví dụ như kẻ gian giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin thông báo khách hàng chuyển nhầm để yêu cầu cung cấp thông tin tên đăng nhập, mật khẩu dịch vụ Internet Banking và mã OTP để nhận tiền hoặc nhận khuyến mại/quà tặng/trúng thưởng...
Bên cạnh đó, kẻ gian có thể giả mạo thông báo rằng tài khoản của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link độc hại.
Một hình thức khác là giả mạo người thân gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo có tiền chuyển từ nước ngoài về hoặc cần sự hỗ trợ về tài chính và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật cá nhân để nhận tiền.
Không chỉ vậy, gần đây cũng xuất hiện các hình thức giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập dịch vụ bằng cách gửi email từ một địa chỉ mạo danh ngân hàng nhằm lừa khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật.
Đây không phải lần đầu Vietcombank gửi tin nhắn cảnh báo trên toàn hệ thống về nguy cơ mất an toàn thông tin thẻ này. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 8 đến nay, một số ngân hàng khác cũng liên tục đưa ra cảnh báo về giao dịch ngân hàng điện tử, đặc biệt sau vụ hacker tấn công ngành hàng không cuối tháng trước.
Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng khuyến nghị khách hàng nên đổi thẻ tín dụng mới nếu từng giao dịch để mua vé trên website của Vietnam Airlines. Đơn vị này cam kết sẽ hỗ trợ 60% phí đổi thẻ nhằm đảm bảo an toàn thông tin.
Còn Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng vừa gửi email nêu 4 bước để khách hàng bảo vệ an toàn thẻ. Nhà băng này khuyến cáo, khách hàng chỉ cung cấp thông tin cho các website có địa chỉ bắt đầu với https:// hoặc có biểu tượng hình chìa khoá ở đầu thanh địa chỉ. Ngoài ra, đơn vị cũng khuyên không nên thực hiện giao dịch thẻ trên các thiết bị kết nối Internet công cộng và khách hàng có thể khoá tính năng thanh toán trực tuyến của thẻ nếu không có nhu cầu sử dụng.
Còn tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đơn vị này cũng đưa ra hàng loạt khuyến cáo với khách hàng. Nhà băng này cho biết, khi nhận số điện thoại lạ, khách hàng cần bình tĩnh để phán xét tình hình và tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản của người lạ. Đồng thời, khách hàng cũng không nên đứng tên hộ người khác để mở tài khoản ngân hàng.
Giá nhiều kim loại quý tăng vọt
Trong khi giá vàng chỉ tăng 0,5% trong phiên hôm qua thì palladium và platinium bất ngờ thăng hoa, vượt lên mức cao nhất 14 tuần.
Trong phiên Mỹ, vàng giao ngay tăng nhẹ 0,5% lên 1.345 USD mỗi ounce. Vàng kỳ hạn giao tháng 12 của Mỹ cũng tăng 0,4% lên 1.351,9 USD.
Trong khi đó, hôm qua lại là ngày tăng vọt của các kim loại quý như palladium và platinium. Sau một đêm, palladium có mức hồi phục mạnh nhất tính theo ngày kể từ 5 tháng qua khi tăng 4,1% lên 722,5 USD mỗi ounce. Trong phiên, có lúc giá kim loại quý này còn lên 746,1 USD. Nhiều chuyên gia cho rằng, không quá ngạc nhiên nếu sắp tới sẽ có một đợt mua vào đáng kể của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, platinium cũng tăng 2% và đưa giá lên 1.173,24 USD. Giá bạc cũng tăng 1,6% và hiện mỗi ounce bạc khoảng 20,15 USD.
"Giá các kim loại quý hôm nay đang được hỗ trợ đáng kể bởi trạng thái mua vào và đồng đôla yếu đi. Chỉ ít người bán ra còn lại bạn thấy khá nhiều người muốn mua vào", David Govett - người đứng đầu bộ phận kim loại quý của Marex Spectron nói.
Bên cạnh đó, giá cả tăng còn một phần do báo cáo về năng suất lao động quý III của Mỹ vừa được công bố. Những kết quả kém lạc quan về tình hình sản xuất tại nước này càng củng cố thêm niềm tin rằng kinh tế này vẫn trượt thêm vào khó khăn và điều này cho thấy Fed có thể chưa sẵn sàng tăng lãi suất.