Thái Lan sẵn sàng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Xuất khẩu thủy sản: “Khát” đầu vào, bí đầu ra
Doanh nghiệp khởi nghiệp tự cứu lấy mình
Phát hiện "sai sót triệu Đô" tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Singapore mua lại tòa nhà Kumho Asiana Plaza
Tin kinh tế đọc nhanh 11-06-2016
- Cập nhật : 11/06/2016
Việt Nam vượt Thái Lan giành vị trí xuất khẩu tôm số 1 thế giới
Từ vị trí số 1, Thái Lan đã tụt xuống vị trí thứ 4 thế giới về xuất khẩu tôm và nhường vị trí đứng đầu cho Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thông tin trên nằm trong báo cáo về hoạt động nuôi tôm ở Đông Nam Á do Tổ chức Nghề cá Bền vững (SFP) thực hiện đầu năm 2015.
Vasep dẫn báo cáo cho biết, nguyên nhân khiến Thái Lan tụt vị trí là do phải đối mặt với thiệt hại về sản lượng do dịch bệnh EMS và rơi xuống vị trí thứ 4 lần lượt sau Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù vậy, ngành tôm Thái Lan đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.
Trong 10 nước được nghiên cứu, có 4 nước (Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia) xuất khẩu hơn một nửa sản lượng tôm nuôi nội địa với kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD mỗi nước. Các nước này đều đầu tư quy mô lớn vào tôm nuôi tôm chân trắng thâm canh.
Trong khi đó, 5 nước (Bangladesh, Malaysia, Cambodia, Philippines và Myanmar) không đầu tư lớn vào nuôi tôm chân trắng thâm canh, phải cạnh tranh nhiều với các nước có đầu tư. Các nước này XK 500 triệu USD tôm/năm và giữ lại hơn một nửa nguồn cung tôm trong nước để tiêu thụ nội địa.
Theo Vasep, Trung Quốc là một ngoại lệ vì nước này vừa đầu tư nhiều cho nuôi tôm chân trắng vừa giữ lại 88% sản lượng để tiêu thụ nội địa do nhu cầu tôm cao tại thị trường Trung Quốc. Báo cáo cũng chỉ ra, Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường NK hàng đầu tôm châu Á.(DNVN)
USD tăng khi giới đầu tư tìm kiếm tài sản an toàn
USD phiên 9/6 tăng so với các đồng tiền chủ chốt và tăng mạnh so với đồng tiền thị trường mới nổi khi giới đầu tư tìm kiếm tài sản an toàn.
Yên Nhật sau khi lên cao nhất kể từ 4/5 so với USD ở 106,24 JPY/USD chốt phiên đã giảm 0,1% xuống 107,07 JPY/USD.
Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 0,4% lên 86,02 điểm. Trong khi đó, Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, hồi phục từ mức đáy 5 tuần, tăng 0,5% lên 94,063 điểm.
Đồng bạc xanh tăng mạnh so với đồng tiền thị trường mới nổi. Theo đó, USD tăng 0,8% so với peso Mexico và tăng 0,4% so với rupee Ấn Độ.
USD cũng được hỗ trợ khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào 4/6 giảm 4.000 đơn xuống 264.000 đơn.
Giới phân tích cho rằng USD sẽ dao động trong phạm vi hẹp trước phiên họp chính sách của Fed vào 14-15/6. Theo dự đoán, Fed sẽ chưa nâng lãi suất trong phiên họp tháng này trước khả năng thị trường biến động do cuộc bỏ phiếu của người Anh về việc đi hay ở lại EU (Brexit).
Ukraine chê khí đốt Nga quá đắt
Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn năng lượng Naftogaz Ukraine, ông Yuri Vitrenko cho rằng giá gas mà Moskva cung cấp là đắt, do đó Naftogaz không định mua nhiên liệu trong điều kiện như vậy.
Tuy nhiên, ông Vitrenko viết trên trang mạng Facebook rằng: "Bộ trưởng Năng lượng Nga cho rằng giá đó thậm chí còn thấp hơn mức giá thị trường. Nhưng chúng tôi không nghĩ thế". Theo ông, giá gas trên thị trường Đức trong tháng 7 là dưới 173 USD, vì vậy, Kiev sẽ mua toàn bộ khí đốt cần thiết ở thị trường châu Âu.
Soán ngôi Saudi Arabia, Nga xuất khẩu dầu khí số 1 thế giới
Bảo tồn “ngôi vương” về xuất khẩu khí đốt tự nhiên, Nga còn vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới năm 2015.
Theo số liệu thống kê hàng năm vừa công bố của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới BP (nước Anh), Nga đã trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt số một thế giới trong năm 2015.
Ngoài việc vẫn giữ nguyên “ngôi vương” về xuất khẩu khí đốt tự nhiên, “xứ sở Bạch dương” còn vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới năm ngoái. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng là năm ghi nhận sản lượng dầu mỏ của Nga tăng 1,2% lên mức cao kỷ lục từ thời hậu Xô viết là 11 triệu thùng/ngày.
Báo cáo của BP cho thấy có đến 3/4 số dầu sản xuất tại Nga đã được xuất sang nước ngoài trong năm 2015. Trong khi đó, con số này trong lĩnh vực khí đốt và than đá lần lượt là 33,7% và 41,8%. “Nga là nước cung cấp dầu mỏ và khí đốt hàng đầu châu Âu, với tỷ trọng lên tới 37% và 35% tổng lượng tiêu thụ của châu lục”.
Năm ngoái, mặc dù sức tiêu thụ năng lượng đã giảm 3,3% song Nga vẫn là quốc gia có số người dùng năng lượng lớn thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Theo Cơ quan Thống kê LB Nga (Rosstat), tổng sản lượng trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga trong tháng Ba vừa qua, ở mức 10,92 triệu thùng/ngày, cũng cao hơn Saudi Arabia với chỉ 10,12 triệu thùng/ngày.
Vượt Mỹ-Canada, Nga thành nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu
Năm 2015, Nga xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn lúa mì, chính thức vượt Canada và Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.
Theo hãng tin Bloomberg, mặc dù gặp phải thách thức từ lệnh cấm vận thực phẩm của phương Tây và một số quốc gia châu Âu liên quan vấn đề Ukraine, cũng như đứng trước thực trạng đồng ruble yếu, nhưng một số khía cạnh trong ngành nông nghiệp của Liên bang Nga lại bắt đầu mang đến nhiều lợi nhuận hơn so với ngành sản xuất vũ khí và khí đốt.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev cho biết trong năm 2015, nước này sản xuất được gần 105 triệu tấn ngũ cốc, trong đó sản lượng lúa mì tăng 4%, đạt khoảng 62 triệu tấn. Chỉ riêng trong năm ngoái, Nga đã xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn lúa mì, chính thức vượt Canada và Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.
Bộ Nông nghiệp Nga ước tính trong vụ mùa 2014-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì của nước này đạt 21,7 triệu tấn, đồng thời dự báo kim ngạch trong vụ mùa 20105-2016 có thể đạt mức 24-25 triệu tấn. Lượng ngũ cốc dư thừa cùng thực trạng đồng ruble yếu đã góp phần nâng mức doanh thu từ xuất khẩu thực phẩm cao hơn so việc bán vũ khí.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Nga còn có bước giảm nhập khẩu ấn tượng. Kể từ năm 2013 đến nay, nước này đã giảm 40% các đơn hàng thực phẩm nhập từ nước ngoài.
LB Nga luôn coi trọng việc giảm phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài và đã chứng tỏ được sự thành công trong việc biến một ngành nông nghiệp tưởng như không nổi bật thành một nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng, góp phần đảm bảo tạo việc làm ổn định cho thị trường lao động.