Ngành dược Việt Nam trước thách thức TPP
Việt Nam vay WB 310 triệu USD để chống ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Cảng cạn phát triển nóng, “vỡ” quy hoạch
Bài toán bán bò và ngân hàng “lãi suất bèo”
Mắc nhiều sai phạm, đa cấp MLM Việt Nam bị phạt 200 triệu đồng
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-06-2016
- Cập nhật : 12/06/2016
Thái Lan sẵn sàng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Thái Lan sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước thành viên hiện có bao gồm Nhật Bản.
Tại thời điểm hiện nay, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc thăm dò ý kiến dư luận từ các quốc gia thành viên – bước đệm chuẩn bị quan trọng có thể kéo dài 1 năm. Hình thức thăm dò ý kiến dư luận được sử dụng để tìm kiếm ý kiến của người dân trước khi ký kết bất kỳ Hiệp định Tự do Thương mại với các quốc gia khác.
Phương thức tiếp cận này sẽ làm giảm những xung dột giữa các nhóm khác nhau trước khi Thái Lan chính thức tham gia Hiệp định TPP. Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha đã xác nhận sự sẵn sàng sự tham gia Hiệp định TPP của Thái Lan.
Một hội đồng do Bộ trưởng Thương mại của Thái Lan Apiradi Tantraporn đứng đầu đã được thành lập. Nhiệm vụ chính của hội đồng này là nghiên cứu tính phù hợp của Thái Lan trong việc trở thành thành viên của Hiệp định TPP. Ngoài ra, hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu tính phù hợp của việc tham gia Hiệp định TPP của Thái Lan. Hội đồng cũng xem xét kinh nghiệm của các quốc gia thành viên khác về tầm ảnh hưởng của các bên liên quan sau khi tham gia Hiệp định TPP.
Hiệp định TPP có ý nghĩa to lớn mang lại nhiều lợi ích hơn những tác động xấu cho Thái Lan. Sau cuộc bầu cử chính thức tới, Chính phủ tương lai cũng sẽ cam kết toàn tâm với Hiệp định TPP do đây là vấn đề có ý nghĩa quan trong đối với đất nước trong thời gian dài hạn.
Vấn đề được nhiều bên liên quan đặc biệt quan tâm hiện nay bao gồm nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, bản quyền thuốc, bảo mật các thông tin y tế, bảo vệ các loài cây trồng mới, cho phép các nhà đầu tư kiện nhà nước.
Bộ Thương mại Thái Lan sẵn sàng lắng nghe những đề xuất của các nhóm và làm việc với khối khu vực dân sự và các cơ quan khác nhằm bảo vệ quyền lợi nhà nước. Đối với các nhóm chịu ảnh hưởng của Hiệp định TPP, Bộ Thương mại Thái Lan cũng sẵn sàng lắng nghe, chia vẻ và tìm hướng giải quyết những khó khăn.
Hiệp định TPP hiện là một trong những thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội đạt 27,4 nghìn tỉ USD (978 nghìn tỉ Bạt), chiếm 39,3% tổng sản phẩm quốc nội của toàn cầu. Tổng giá trị thương mại của Hiệp định TPP trị giá 8,7 nghìn tỉ USS chiếm 26,17% giá trị thương mại toàn cầu.
Xuất khẩu thủy sản: “Khát” đầu vào, bí đầu ra
Báo cáo từ các doanh nghiệp thủy sản cho biết, nửa đầu năm 2016 doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, ngay trong thị trường nội địa, lượng hàng tiêu thụ cũng bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm.
Thực tế Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho thấy, nửa đầu năm 2014 đơn vị này thu hơn 509 tỷ đồng, thì cùng kỳ năm 2015 lợi nhuận trước thuế âm gần 23 tỷ đồng. Bước dang năm 2016, tình hình không mấy khả quan khi kết thúc quý I/2016, doanh thu giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Thực phẩm Phước Bình đang rơi vào tình cảnh lượng nguyên liệu chế biến là 7.547 tấn, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng doanh thu chỉ bằng 95% so với cùng kỳ.
Đại diện các công ty này nhận định, tình hình sẽ còn khó khăn hơn khi hệ thống siêu thị Big C từ đầu năm tới nay tăng chiết khấu hàng hóa nhập vào từ 10% lên tới 20%, thậm chí là 25%. Điều này khiến doanh nghiệp thủy sản không có lời khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị này.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tác động trực tiếp đến sản lượng, chất lượng nhiều loại thủy, hải sản. Ví dụ, tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 124.000 ha, nhưng đến nay, diện tích thả chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch. Tại Cà Mau, tổng sản lượng tôm 3 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt hơn 85% so với cùng kỳ. Riêng tỉnh Tiền Giang, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 50%. Từ thực tế này, các doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh “khát” nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam là vấn đề tỷ giá. Các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu thủy sản với Việt Nam đã giảm giá đồng tiền của họ so USD để thúc đẩy xuất khẩu. Chính vì thế, thủy sản Việt Nam vẫn bị cạnh tranh khốc liệt về giá bán ở những thị trường truyền thống.
Một tín hiệu mừng cho xuất khẩu thủy sản, chính là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ưu thế lớn nhất mà ngành thủy sản hưởng lợi là hầu hết các nước phát triển trong TPP cam kết cắt giảm thuế quan, các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa cũng như các chính sách hạn chế thương mại với một số loại hàng nông thủy sản ngay khi hiệp định có hiệu lực. Một lợi thế nữa là các nước thành viên tham gia Hiệp định TPP đều là những đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, những sản phẩm tôm tươi/đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ thời gian tới sẽ có thuế 0% giúp doanh nghiệp có lợi thế hơn các đối thủ như Argentina, Thái Lan, Ấn Độ... Riêng các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ hội Nhật Bản bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ, cá hồi... cũng là một lợi thế.
Đón cơ hội này, ông Trương Quang Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Phước Bình cho biết, Công ty đã vay thêm vốn, nhập máy móc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Theo ông Hùng, trước tình hình tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong nước và một số nước trong khu vực gặp khó khăn, Công ty quyết định tìm đường xuất khẩu hàng hóa với trọng tâm là thị trường tại 11 thành viên còn lại của TPP.
Bên cạnh đó, nhiều công ty khác cũng coi xuất khẩu là trọng tâm phát triển. Ví dụ, Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex 2 từ đầu năm 2016 đã đầu tư dây chuyền chế biến, xuất khẩu, áp dụng tiêu chuẩn thực hành thủy sản tốt nhất, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu khó tính.
Công ty cổ phần Hùng Vương trước đó đã thành lập liên doanh ở Nga với số vốn 30 triệu USD và sắp tới mua 51% vốn một đơn vị chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. Đơn vị này sẽ đầu tư thêm vùng nguyên liệu và quy mô sản xuất để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Nga.
Từ việc tìm đường xuất khẩu qua các nước TPP để hưởng lợi thay vào thị trường nội địa hay thị trường truyền thống, ông Hòe nhận định, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2016 sẽ đạt khoảng 7,07 tỷ USD, tăng hơn 6% so với năm 2015. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp vẫn phải chú trọng thị trường nội địa và các thị trường truyền thống. Bởi đó là cách đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy đầu tư sản xuất, từng bước tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. (ĐT)
Doanh nghiệp khởi nghiệp tự cứu lấy mình
Trong bối cảnh đó, các DN Starup không còn cách nào khác là tự cứu mình. Phiên chợ khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại ĐH Bách khoa TP HCM vào sáng 11/6 là một minh chứng cho sự đoàn kết của tập thể các DN starup này.
Tuy là lần đầu tiên được tổ chức bởi Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ Trường ĐH Bách khoa TP HCM phối hợp với Mạng lưới Kết nối Giao thương Việt Nam (Vietnam Business Matching), nhưng phiên chợ đã có gần 100 đơn vị là những DN mới khởi nghiệp đăng ký tham gia. Trải qua quá trình chọn lọc, ban tổ chức phiên chợ đã chốt danh sách 41 gian hàng của các DN khởi nghiệp với rất nhiều lĩnh vực khác nhau đã kết nối với hàng ngàn khách hàng quan tâm.
Mục tiêu của Phiên chợ khởi nghiệp nhằm tạo ra không gian giúp các DN khởi nghiệp tiếp cận thị trường, marketing sản phẩm và dịch vụ, tạo dựng thương thiệu. Thông qua các hoạt động tại phiên chợ này, các DN có thể tương tác với khách hàng để cùng nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ hoàn hảo hơn.
Ông Vũ Anh Tuấn – Người sáng lập Vietnam Business Matching cho biết: Các DN khởi nghiệp thường có nguồn kinh phí martketing rất hạn chế. Đồng thời, khả năng kết nối của các startup Việt Nam rất yếu nên các DN chỉ còn một con đường đoàn kết lại mới có thể tổ chức một sự kiện lớn, có ý nghĩa và mang lại nhiều giá trị cho mình.
“Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức các phiên chợ mini với khoảng 10 đến 15 DN cùng tham gia. Những phiên chợ này sẽ có các startup cùng chung một lĩnh vực để sự tương tác, kết nối giữa các DN- DN và DN- khách hàng được tốt hơn”- ông Tuấn bật mí.
Cũng trong khuôn khổ của Phiên chợ khởi nghiệp, cộng đồng các bạn trẻ đã, đang và sẽ khởi nghiệp có thể tiếp cận, trao đổi, học hỏi và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các startup. Đơn cử như tham gia phiên chợ, khách hàng sẽ được trải nghiệm sản phẩm đa dạng như: Du lịchcủa Mạng Du lịch Hitrip; Phần mềm quản lý bán hàng các lĩnh vực cafe, quán ăn… của Dân Trí Soft, thịt bò Mỹ, áo thun cho DN, tinh dầu thiên nhiên nguyên chất …
Theo TS Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN Trường ĐH Bách khoa TP HCM, phiên chợ khởi nghiệp sẽ giúp cộng đồng dân cư nhận thức đúng, đủ và hoàn thiên về khởi nghiệp. Từ đó hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ khởi nghiệp. Ban tổ chức rất khuyến khích và đưa ra nhiều ưu đãi cho các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, xã hội, môi trường, thực phẩm sạch… Song hành với sự kiện là các hoạt động cộng đồng như hội thảo, đào tạo, tuyển dụng nhằm gia tăng giá trị cho các đối tượng tham gia.
Phiên chợ khởi nghiệp sẽ diễn ra định kì hằng tháng (thứ 7 thứ hai trong tháng) cho đến hết năm 2016.(DDDN)
Phát hiện "sai sót triệu Đô" tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Tại Kết luận Thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của Công ty CP DAP số 2 và Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2 có công suất 330 nghìn tấn/năm tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai).
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, công tác điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình còn sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư gần 79,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với gói thầu EPC có nhiều bất cập dẫn đến giá một số hạng mục công trình và vật tư, thiết bị trong biểu giá hợp đồng cao hơn so với giá dự thầu, làm tăng giá trị hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD.
Đồng thời, trong việc quản lý chuyên gia nước ngoài của Công ty cổ phần DAP số 2 cũng còn nhiều tồn tại. Cụ thể, chủ đầu tư không quản lý chuyên gia nước ngoài theo điều khoản trong hợp đồng thuê tư vấn về thời gian làm việc, khối lượng và tiến độ thực hiện công việc. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng nhà máy DAP số 2 đã sử dụng chi phí quản lý dự án vượt hơn 25,7 tỷ đồng.
Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra những tồn tại, sai sót tại dự án thanh tra. Đồng thời chỉ đạo Công ty CP DAP số 2 khắc phục các tồn tại, nghiêm túc chấp hành các yêu cầu nêu trong kết luận, báo cáo kết quả thanh tra.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Công ty CP DAP số 2 chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân về những tồn tại, sai sót theo nội dung thanh tra, có báo cáo kết quả lên Thanh tra Bộ Xây dựng. Nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2 cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra tồn tại, sai sót với công tác lập dự án, nghiệm thu và thanh toán.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2 điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư với giá trị hơn 79,8 tỷ đồng do sai sót khi lập, phê duyệt điều chỉnh dự án và các số liệu tài chính khác là gần 26 tỷ đồng cùng hơn 1,3 triệu USD sai sót do nghiệm thu, thanh toán. Phương án đưa ra là giảm trừ khi thanh, quyết toán số tiền hơn 217 triệu đồng và hơn 1,3 triệu USD, thu hồi về tài khoản chủ đầu tư số tiền hơn 25,7 tỷ đồng.
Mặt khác, do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là cổ đông chính của Công ty cổ phần DAP số 2 nên Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu đơn vị này kiểm tra, làm rõ khoản tăng do đàm phán, ký kết hợp đồng tại gói thầu EPC là hơn 145,2 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD, báo cáo kết quả gửi về Thanh tra Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.(DDDN)
Singapore mua lại tòa nhà Kumho Asiana Plaza
Tờ Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai tại Hàn Quốc, vừa bán 50% cổ phần tại tòa nhà Kumho Asiana Plaza (TPHCM) cho Saigon Boulevard Holdings - một công ty thành viên của tập đoàn phát triển bất động sảnMapletree củaSingapore. Động thái này được cho là một phần nỗ lực nhằm cải thiện tình hình tài chính của hãng hàng không này.
Thương vụ trị giá 107,5 triệu USD đã hoàn tất, Asiana Airlines xác nhận với hãng tin Yonhap.
Asiana Airlines cũng cho biết thương vụ mua bán này đã tạo ra giá trị lợi nhuận 44 triệu USD cho hãng, giúp hãng cải thiện tình hình tài chính và đảm bảo tính thanh khoản.
Asiana Airlines là đơn vị chủ lực của tập đoàn Kumho Asiana. Các báo cáo cho thấy tỷ lệ suy giảm vốn của hãng này lên tới 35% vào năm ngoái, tăng mạnh so với mức 18,5% trong năm 2014. Hãng hàng không này đã bị xói mòn vốn trong vòng 5 năm qua.
Tòa nhà Kumho Asiana Plaza được xây dựng bởi Kumho Industrial - đơn vị phụ trách mảng xây dựng của tập đoàn Kumho Asiana, bao gồm một khách sạn 5 sao, khối căn hộ và văn phòng cho thuê. Kumho Industrial - chủ sở hữu thứ hai của tòa nhà Kumho Asiana Plaza - cũng đã bán 50% cổ phần còn lại cho Saigon Boulevard Holdings với mức giá tương đương.
Được biết, khách sạn của tòa nhà này là nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama lưu trú trong chuyến thăm đến TPHCM vào cuối tháng 5 vừa qua.