Xuất khẩu 5 tháng đạt 67,7 tỷ USD
Doanh nghiệp cam kết rót 300 nghìn tỷ vào Hà Nội
Doanh nghiệp đồ chơi Đức ưu tiên thị trường Việt Nam
Trung Quốc ban hành dự thảo quy định về dự trữ dầu chiến lược
Châu Âu đối mặt với triển vọng u ám
Tin kinh tế đọc nhanh tối 11-06-2016
- Cập nhật : 11/06/2016
Hàng Việt vẫn có lợi thế
DN nào đầu tư tốt vào chất lượng, bao bì, mẫu mã hàng hóa thì luôn được chào đón.
Nhìn vào các thương hiệu như trái cây sấy Vinamit, cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, gạo Nàng Hương Chợ Đào… hiện diện đầy ắp tại các siêu thị cũng có thể thấy, thương hiệu mạnh, chất lượng hàng hóa tốt, bao bì bắt mắt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng luôn là lợi thế lớn, bất chấp ở quầy của nhà bán lẻ nội hay ngoại. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã chia sẻ như vậy ở Hội chợ Bán lẻ và Nhượng quyền thương mại 2016 tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo bà Loan, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế mạnh mẽ, việc mở cửa thị trường bán lẻ đang mang tới rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, với nguồn hàng hóa có xuất xứ phong phú, chất lượng cao, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh tốt và giá cả không quá cao (như hàng ngoại nhập trước đây, giá cao hơn hàng nội địa cùng loại đến 70% - 80%).
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt sẽ buộc các DN phải thay đổi phương cách hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo giá thành hợp lý. Một lợi thế đáng kể của DN nội là hiểu rõ thị hiếu, gu tiêu dùng của người dân. Hàng ngoại tuy mới lạ, chất lượng tốt, nhưng nhiều khi không dễ “sống” cùng cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.
Nhìn vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa (hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm, hóa mỹ phẩm, may mặc…) của DN trong nước có thể thấy, chất lượng hàng tiêu thụ nội địa cũng được đầu tư không kém hàng xuất khẩu.
Ở từng phân khúc thị trường (bình dân hay cao cấp, thành thị hay nông thôn), các DN đều xác định rõ đối tượng tiêu dùng phù hợp và có hệ thống phân phối mở rộng. Đây chính là hướng đi đúng đắn trước sức ép cạnh tranh ở thị trường bán lẻ.
Lấy ví dụ như Saigon Co.op, là DN Việt Nam nằm trong TOP 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á. Trong siêu thị Co.op Mart, có đến 95% là hàng Việt Nam có chất lượng tốt, phù hợp người tiêu dùng Việt, và thu hút từ 300 – 400 nghìn lượt khách/ngày đến mua sắm.
Điều này đủ cho thấy, lợi thế cạnh tranh của hàng Việt vẫn rất lớn. Vấn đề là các DN, nhà bán lẻ tận dụng lợi thế đó đến đâu và như thế nào.
Theo ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Central Group Việt Nam, thì sau khi mua lại hệ thống Big C, các nhà đầu tư vẫn giữ mối quan hệ tốt và bền vững với những nhà cung cấp Việt Nam. Những sản phẩm hàng hóa Việt Nam truyền thống, có thương hiệu, quen thuộc đều có mặt trong siêu thị Big C.(TBNH)
Cần phát triển thị trường vốn để hỗ trợ ngân hàng
Tại buổi trao đổi với báo chí chiều ngày 10/6, tại Hà Nội, ông Gary Hwa – Tổng giám đốc điều hành Dịch vụ Tài chính Ngân hàng Ernst & Young (EY) châu Á – Thái Bình Dương đã có những cơ hội và thách thức của ngân hàng trong bối cảnh hội nhập AEC và TPP.
Theo ông Gary Hwa, Việt Nam có thể xem xét nới room hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc cho nhà đầu tư nước ngoài vào luôn cần thiết bởi vì luồng FDI vào của các ngân hàng nước ngoài khi đầu tư vào ngân hàng trong nước thì bao giờ Việt Nam cũng có lợi vì sẽ học hỏi được kinh nghiệm từ các nền kinh tế đã phát triển, các ngân hàng đi trước.
Khó khăn của Việt Nam hiện nay là nên mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài ở mức nào và làm sao cân bằng lợi ích phù hợp. Để đảm bảo cân bằng lợi ích trong việc nới room cho các nhà đầu tư ngoại thì Việt Nam cũng có thể làm từng bước, nới room từng bước một.
Chúng ta cũng có thể nhìn thấy rõ là khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngân hàng Việt Nam thì các ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với trước kia. Khi đó các ngân hàng quan tâm đối với việc phân bổ vốn trong hoạt động. Ngân hàng nào quá chú trọng lợi nhuận, quên mất quy tắc quản trị rủi ro thì dễ dẫn tới bong bóng bất động sản, bài học này đã từng xảy ra ở Mỹ.
Ông Gary Haw cũng cho rằng: "Ngoài quan tâm tới việc phát triển những ngân hàng đủ cạnh tranh thì Chính phủ Việt Nam cũng cần phải kiện toàn thị trường vốn. Hiện nay, ở Việt Nam vai trò của thị trường vốn còn thấp nên cung ứng vốn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào ngân hàng. Và nguồn lực ngân hàng thì cũng có hạn, “miếng bánh” vốn chỉ có thế nên không có nguồn vốn chảy từ bên ngoài – tức vốn ngoại vào thì ngân hàng sẽ khó khăn trong giải quyết nhiều bài toán với nhiều mục tiêu, không muốn nói là sẽ rất căng thẳng".
Trả lời câu hỏi của Thời báo Ngân hàng về việc trong 3 yếu tố xây dựng thành một ngân hàng lớn đủ sức cạnh tranh gồm vốn, nhân lực và công nghệ thì yếu tố nào có lợi thế, ông Gary Haw cho biết: "3 yếu tố này rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt trong ngành Ngân hàng. Ngoài vốn là hàng đầu thì phải nói đến chất lượng nguồn nhân sự bởi ngân hàng chỉ thay đổi khi có nhân sự chất lượng cao".
Còn về CNTT hiện nay phát triển mạnh, và đặc biệt lĩnh vực CNTT trong lĩnh vực tài chính với sự phát triển nhanh có thể cạnh tranh các dịch vụ ngân hàng. Do đó, đầu tư công nghệ là đòi hỏi quan trọng trong ngành ngân hàng thời gian tới.
"Theo tôi, trong 3 yếu tố này thì công nghệ ở các ngân hàng Việt Nam có xuất phát điểm tốt nhất nên công nghệ có lợi thế nhất định để đuổi kịp với các nước khu vực", ông Gary Haw nhận định.
Doanh số bán ô tô tăng 31%
Doanh số bán xe 5 tháng đầu năm nay đã sớm vượt 100 nghìn chiếc, trong khi cùng kỳ phải mất 6 tháng mới vượt qua con số này.
Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) doanh số bán ô tô của toàn thị trường trong tháng 5 đạt 26.028 xe, tăng đến 45% so với tháng 5/2015.
Trong khi sản lượng của xe lắp ráp trong nước giảm 2% so với tháng trước và đạt 19.117 xe, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng 11% với 6.911 xe.
Tính chung 5 tháng, toàn thị trường đạt 111.442 chiếc, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 22%, xe thương mại tăng 42% và xe chuyên dụng tăng 59% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 4/2016, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 37% trong khi xe nhập khẩu tăng 16% so với cùng kì năm ngoái.(NCĐT)
Dự báo xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng 15% trong quý II
Mặc dù giá trị vẫn tăng nhưng số doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khấu vào thị trường Mỹ lại giảm trong quý vừa qua.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Mặc dù Nghị quyết này sẽ còn phải được trình Hạ viện Hoa Kỳ thông qua rồi mới được đưa lên trình Tổng thống Barack Obama ký Sắc lệnh ban hành, tuy nhiên đây là thành công bước đầu rất quan trọng, tạo đà cho việc tiếp tục vận động, đấu tranh tại Hạ viện.
Vasep đánh giá thị phần cho cá tra Việt Nam tại Mỹ vẫn còn rộng lớn, nhu cầu nhập khẩu vẫn ổn định, giá tốt, tuy nhiên, rào cản bảo hộ thương mại trong nước đã cản bước doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đẩy mạnh sang thị trường này. Vasep dự báo trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước.
Chương trình giám sát cá da trơn bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 là một trong những nguyên nhân tác động rõ nét đến hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý I/2016.
Theo Vasep, đầu năm 2016, một số nhà xuất khẩu lớn đã quyết định giảm rủi ro bằng cách hoãn giao hàng ngay sau ngày 1/3. Lẽ ra đã có vài trăm container cá tra xuất đi vào tháng 2 nhưng bị hoãn đến tháng 3 hoặc tháng 4. Do đó, giá trị xuất khẩu cá tra trong tháng 3/2016 giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn chịu cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cá rô phi tại thị trường Mỹ. Theo tính toán dựa trên số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, 3 tháng đầu năm nay, trong khi cá tra Việt Nam chỉ chiếm hơn 19% thì cá rô phi chiếm đến gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ.
Đây là những nguyên do khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm chưa tăng cao. Trong 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 115,1 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng năm trước, chiếm 22,7% tổng giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá mức tăng này chỉ mới ở mức độ “cầm chừng”. Mặc dù giá trị vẫn tăng nhưng số doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khấu vào thị trường Mỹ lại giảm, Vasep cho biết.
Yên Nhật, franc Thụy Sỹ tăng do lo ngại về thị trường lao động Mỹ
Giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao cuộc bỏ phiếu của người Anh về việc đi hay ở lại EU (Brexit).
Yên Nhật và franc Thụy Sỹ phiên 10/6 tăng giá khi giới đầu tư đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại về phiên họp chính sách sắp tới của Fed và bỏ phiếu của người dân Anh về Brexit.
Chốt phiên, USD giảm 0,2% so với yên xuống 106,92 JPY/USD trong khi đó, euro giảm 0,6 so với franc Thụy Sỹ xuống 1,0849 CHF/USD. Euro cũng giảm 0,5% so với USD xuống 1,1256 USD/EUR.
Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 0,6% lên 86,59 điểm. Trong khi đó, Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng 0,6% lên 94,558 điểm. Cả tuần chỉ số này tăng 0,5%.
Giới đầu tư đang theo dõi sát sao phiên họp chính sách của Fed vào tuần tới để tìm tín hiệu cho thấy liệu các quan chức Fed có tin rằng báo cáo việc làm tháng 5 đáng thất vọng cho thấy thị trường việc làm đang gặp “trục trặc” hay chỉ là sự bất thường về mặt thống kê mà thôi.
Sau báo cáo việc làm tháng 5, giới đầu tư dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong phiên họp tháng 6 trong khi kết quả khảo sát Reuters cho thấy Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chưa tung ra thêm các biện pháp kích thích để thúc đẩy kinh tế.
Nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra lo lắng về cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 của người dân Anh về việc đi hay ở lại EU. Một số lo ngại rằng việc Anh ra khỏi EU có thể làm xói mòn niềm tin kinh doanh và tác động xấu đến tài sản rủi ro tại Anh và châu Âu.
“Tâm lý né tránh rủi ro đang tăng. Nhà đầu tư dường như đang tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn”, các nhà phân tích tại Scotiabank cho biết.
Trong khi đó, giá dầu giảm đã khiến USD tăng so với đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa. Theo đó, USD tăng 1,7% so với rúp Nga lên 65,38 RUB/USD, tăng 0,6% so với real Brazil lên 3,4195 BRL/USD và tăng 2,9% so với rand Nam Phi lên 15,2285 ZAR/USD.